Pages

Powered By Blogger

Thursday, May 19, 2016


Ký Sự Du Lịch Paris Bài 10

VIÉNG RỪNG BOULOGNE


Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM



Thành phố Paris ở hai đầu có hai khu rừng thiên nhiên: Rừng Boulogne (Bois de Boulogne) ở phía Tây và rừng Vincennes (Bois de Vincennes) ở đầu Đông. Cả hai khu rừng đều là công viên cây xanh bóng mát, bãi cỏ xanh, ao hồ thanh tịnh để dân chúng thành phố vui chơi giải trí không mất tiền. Ngày cũng như đêm trên những con đường vắng dẫn vào rừng, thấp thoáng bóng những nàng kiều, chị em thơ thẩn ngược xuôi ra vào.



Từ hầm mộ Catacombes Quận 14 ở phía Nam thành phố, anh Trương Trọng Tường lái xe vào xa lộ vòng đai đưa chúng tôi đến thăm khu rừng Boulogne ở về hướng Tây của thành phố. Đang ở đô thị phố xá đông đúc với những buyn đinh cao tầng, xe cộ ồn ào xuôi ngược nhưng khi vào đây cảnh vật hoàn toàn thay đổi. Bên đường cỏ non xanh biếc, bên trong là những khu rừng cây cối mọc chen nhau khít rịt, cỏ cây chen lá, lá chen hoa. Vắng đi tiếng ồn ào của xe cộ mà thay vào đó là tiếng chim muông ríu rít, tiếng xào xạc của lá cây. Nơi đây hoàn toàn thiên nhiên không phố xá nhà cửa, kiến trúc nếu có là những ngôi nhà cổ biệt điện nằm cô tịch sau bãi cỏ xanh giữa những khu rừng. Đứng trong khu rừng vẫn nhìn thấy được ngọn Eiffel, thán phục thay giữa đô thị phồn hoa như vậy lại có một vùng thiên nhiên thanh tịnh.



NGƯỜI KHAI SINH RỪNG BOULOGNE



Rừng Boulogne thuộc Quận 16 là công viên rộng thứ nhì của thành phố Paris, chỉ nhỏ hơn một chút so với rừng Vincennes. Rừng Boulogne bao gồm một diện tích 8.459 km vuông (3.266 sq mi) lớn 2.5 lần công viên Central Park của thành phố New York và xấp xỉ bằng công viên Richmond Park ở London. Rừng Boulogne được thành lập trong khoảng từ năm 1852 đến 1858 dưới triều đại hoàng đế Louis Napoléon. Ông là cháu gọi hoàng đế Napoléon Bonaparte tức Napoléon Đệ Nhất, anh hùng của nước Pháp, bằng bác. Louis Napoléon (1808-1873) là Tổng Thống đầu tiên của Đệ Nhị Cộng Hòa Pháp do dân chúng trực tiếp bầu lên. Sau một nhiệm kỳ ông bị lưỡng viện Quốc Hội ra luật ngăn chận không cho ứng cử nhiệm kỳ thứ hai. Ông tổ chức đảo chánh vào năm 1851 và chiếm ngai vàng vào ngày 2 tháng 12, 1852 lấy danh hiệu là Napoléon Đệ Tam đúng ngày kỷ niệm 48 năm Napoléon Đệ Nhất đăng quang.



Trong những năm đầu của triều đại chính quyền, ông phải khó khăn đối phó với những thành phần chống đối. Hơn 6 ngàn người bị cầm tù hoặc đi đày ở các thuộc địa như Cayenne hay Algeria cho tới khi được khoan hồng ân xá vào năm 1859. Nhiều ngàn người khác trong đó có văn hào Victor Hugo bắt buộc phải rời khỏi nước nếu không muốn bị ở tù. Năm 1862 Napoléon Đệ Tam nới lỏng cho Quốc Hội nhiều quyền hành và ông được gọi là “hoàng đế cởi mở” (liberal empire), nhiều người chống đối hồi hương và trở thành dân biểu Quốc Hội. Ông có công cải cách hệ thống ngân hàng khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, mở rộng hệ thống đường sắt và thành công đưa ngành “hàng hải thương thuyền đến bờ vinh quang” đứng hạng nhì trên thế giới. Ông chủ trương đào kinh đào Suez nối liền Địa Trung Hải ra Ấn Độ Dương, tân tiến hóa nông nghiệp, chấm dứt nạn đói ở nước Pháp và Pháp bắt đầu xuất cảng nông sản. Napoléon Đệ Tam còn cải cách xã hội cho công nhân quyền đình công và thành lập nghiệp đoàn, phụ nữ được quyền thi Tú Tài Toàn Phần và dự tuyển vào đại học Sorbonne.



Về quân sự ông liên minh với Anh quốc đánh bại Nga trong trận chiến Crimean War (1854-56), giúp cho nước Ý đánh bại nước Áo trong hai trận Magenta và Solferino (1859). Để đáp lại Ý phải trả lại hai thành phố Savoy và Nice cho Pháp vốn mất vào năm 1815 vì những xáo trộn sau khi Napoléon Đệ Nhất thua trận.



Về thuộc địa Pháp ở nước ngoài dưới triều đại ông tăng lên gấp đôi, nước Pháp chiếm thêm New Caledonia và Đông Dương trong đó có nước Việt Nam. Từ thế kỷ 17 những phái bộ truyền giáo đã đến Việt Nam, đến thời nhà Nguyễn các vua ban hành chính sách cấm đạo và xử tử các nhà truyền giáo. Napoléon Đệ Tam gởi một lực lượng hải quân gồm 14 chiến thuyền buồm mang theo 3 ngàn quân Pháp và 3 ngàn quân Phi Luật Tân do Tây Ban Nha cung cấp dưới quyền chỉ huy của Charles Rigault de Genouilly sang Việt Nam đòi hỏi nhà cầm quyền chấp nhận các sứ bộ truyền giáo và chấm dứt việc bắt đạo. Tháng 9, 1858 chiến thuyền Pháp chiếm Đà Nẵng và tháng 2, 1859 chiếm Sài Gòn. Vua Napoléon Đệ Tam cũng đồng minh với Anh đưa quân đội qua Trung Hoa trong chiến tranh Nha Phiến lần thứ nhì bắt Trung Hoa phải nhượng những tô giới để Pháp vào buôn bán nhưng đối với Nhật và Triều Tiên thì Pháp không thành công.



Nhận thấy nền kinh tế Pháp thua kém Anh và Đức, Napoléon Đệ Tam đặt ưu tiên hàng đầu là tân tiến hóa hạ tầng kiến trúc trước khi chấn hưng kinh tế. Trong chương trình này ông đã mở rộng hệ thống đường sắt và xây dựng nhiều nhà ga trong đó có ga Lyon, ga Bắc của Paris. Thiết lập hệ thống cung cấp nước và thoát nước. Về đường xá mở mang rất nhiều với các đại lộ, các công trường ở Paris trong đó có việc biến cải hai khu rừng BoulogneVincennes thành hai công viên cho dân chúng mọi giới vào giải trí vui chơi. Ông đặc biệt thích thú với công viên Hyde Park của London và cũng muốn rừng Boulogne phải có những con suối chảy và hồ nước như công viên Hyde.



Xây dựng công viên Boulogne tiến hành trong 5 năm, hai hồ nước được đào và đất lấy lên đấp thành những đảo và đồi. Đá đuợc mang từ Fontainbleau kết hợp với xi măng để làm những thác nước. Hệ thống bôm nước từ sông Seine lên không đủ để làm đầy hồ và tưới cả công viên nên phải đào kinh dẫn nước từ sông Ourcq phía Bắc về. Ngoài ra còn phải khoan thêm giếng sâu 586m vào năm 1861 để có đủ 20,000m khối nước mỗi ngày. Thời đó chưa có hệ thống tưới tự động người ta phải chở nước trên những chiếc xe ngựa trong những thùng gỗ lớn. Hệ thống đường xá cũng được xây dựng ngoài hai đường chính dài và thẳng có từ trước phải xây thêm 58km đường trải đá tảng cho xe ngựa, 12km đường đất cát cho người cỡi ngựa và 25km đường đất cho người đị bộ. Người ta trồng tất cả 420,000 cây gồm có nhiều loại như hornbeam, beech, liden, cedar, chesnut, elm và những giống gỗ qúy như redwoods. Thêm vào đó là những loại hoa thay phiên nhau nở đủ 3 mùa trong năm. Để tạo nét thiên nhiên người ta đã thả 50 con nai vàng sống trong rừng. Vua Napoléon còn cho thành lập vườn thú đầu tiên của Paris, vườn ương cây, nhà kiếng để trồng cây nhiệt đới và một trường đua ngựa với khán đài cho người xem được mở cửa năm 1857 đến nay vẫn còn hoạt động. Tóm lại những công viên ở Paris ngày nay đều do Napoléon Đệ Tam xây dựng, chủ trương của ông là mỗi quận trong thành phố đều có công viên để dân chúng từ nhà đi bộ ra công viên không mất qúa nửa giờ.



Về quân sự từ những chiến tích vẻ vang ban đầu, khi đến cuối đời Napoléon Đệ Tam chịu sự thất bại ê chề. Từ năm 1866 Napoléon đã có tranh chấp với nước Prussia (miền Bắc cộng hòa Đức hiện nay). Đến tháng Bảy 1870 nước Pháp do Napoléon lãnh đạo tuyên chiến với Prussia mà không có đồng minh nào tham dự như những trận chiến trước. Quân Prussia tiến công mạnh mẽ, quân Pháp bị đánh bại rất mau và vua Napoléon Đệ Tam bị bắt sống trong trận chiến Sedan. Quân Đức tràn vào chiếm Paris và áp lực Pháp phải thành lập nền Đệ Tam Cộng Hòa. Napoléon được lưu vong sang Anh và chết ở đó năm 1873 thọ 64 tuổi. Ông là vị tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa dân chủ được nhân dân bầu và cũng là vị vua cuối cùng của nền quân chủ chuyên chế Pháp.



RỪNG BOULOGNE QUA DÒNG LỊCH SỬ



Rừng Boulogne có từ thời cổ là một khu rừng sồi (oak) thiên nhiên nơi vua Franks (629-639) thường đi săn gấu và nai. Sau đó cháu nội của vua là Childeric II tặng rừng cho tu viện Abbey of Saint Denis tuy nhiên đến đời Philip Augustus (1180-1223) nhà vua lấy lại phần lớn khu rừng để làm nơi săn thú. Tên khu rừng được lấy từ ngôi nhà nguyện tên Notre Dame de Boulogne la Petite được vua Philip IV (1268-1314) cho xây ở đây để thờ kính Đức Mẹ vùng biển Boulogne-sur-Mer vốn nổi tiếng nhiều phép lạ mà ông đã đến hành hương vào năm 1306.



Thời chiến tranh Một Trăm Năm (1337-1453) giữa Anh và Pháp khu rừng Boulogne là sào huyệt an toàn của bọn cướp bóc đôi khi là bãi chiến trường của hai bên để tấn công vào Paris nên có lúc khu rừng cây cối bị thiêu rụi. Dưới thời Louis XI cây cối được trồng lại và mở hai con đường xuyên qua khu rừng. Năm 1526 vua Francis I xây cung điện ở đây là lâu đài Madrid để nhớ lại thời gian ông bị cầm tù ở Madrid (Tây Ban Nha). Lâu đài không được dùng trong những triều đại sau đó bị hư hại vào thế kỷ 18 và bị phá hủy hoàn toàn sau cuộc Cách Mạng Pháp 1789.



Vào thế kỷ 18 nhiều phụ nữ giàu có danh tiếng chọn khu vực gần tu viện Abbey of Longchamp làm nơi hưu dưỡng trong đó có ca sĩ Opéra danh tiếng Madmoiselle Le Maure về hưu từ 1727 nhưng vẫn cống hiến giọng ca trong tu viện. Giọng ca của bà lôi kéo người đến nghe rất đông ngay cả trong tuần chay thánh không được ca hát khiến Giám Mục giáo phận Paris đóng cửa tu viện không cho công chúng vào nữa. Vua Louis XVI (16) và hoàng gia dùng khu rừng để đi săn và giải trí, năm 1777 hoàng hậu Marie Antoinette cho xây cung điện nhỏ là lâu đài Bagatelle chỉ trong vòng 64 ngày và lần đầu tiên rừng Boulogne được mở cửa cho dân chúng vào chơi.



Ngày 21-11-1783 lần đầu tiên khinh khí cầu chở người được thí nghiệm tại đây trong khi những chuyến bay trước chỉ chở thú vật. Chuyến bay kéo dài được 25 phút bay được 9km trên cao độ 910m. Sau khi Napoléon Bonaparte bại trận vào năm 1814, 40 ngàn quân lính Anh và Nga chiếm Paris và đóng quân trong rừng Bologne, họ đốn cây để làm nhà và làm củi nấu ăn.



Bắt đầu từ năm 1852 đến 1858 rừng được vua Napoléon Đệ Tam cho xây dựng quy mô để trở thành công viên lớn thứ nhì của thành phố Paris. Thác nước, ao hồ, vườn cây, sở thú được thành lập. Khi Napoléon bại trận trước quân Prussia năm 1871 và bị bắt, khu rừng cũng làm nơi đóng quân Đức Prussia. Lúc đó Paris bị chiếm đóng và lâm vào nạn đói, dân chúng phải ăn cả chó mèo chim chóc và quân Đức đã bắt thú rừng trong sở thú làm thịt để ăn. Những năm sau đó dưới thời Đệ Tam Cộng Hòa rừng Boulogne được trùng tu nhanh chóng và trở thành địa điểm gặp gỡ vui chơi của dân chúng mọi tầng lớp. Rừng Boulogne được sáp nhập vào Quận 16 thành phố Paris vào năm 1929.



Ngày nay trong khu Boulogne còn có sở thú và công viên giải trí ở Jardin d’Acclimatation, hai trường đua ngựa là Hippodrome de Longchamp và Auteuil Hippodrome, cầu trường quần vợt (tennis) nơi tranh giải French Open hàng năm.



TRONG RỪNG BOULOGNE



Trên xa lộ vòng đai thành phố chúng tôi vào công viên từ hướng Nam đi lên, nhiều đoạn xa lộ xuyên qua công viên được xây ngầm dưới mặt đất, phía trên là rừng cây, bãi cỏ và ao hồ như hồ Supérieur nằm bên trên xa lộ. Anh Tường lái xe trên con đường chính giữa khu rừng là Allée de la Reine Marguerite. Đây là con đường trải nhựa cũng khá lớn nhưng người ta vẫn dùng chữ Hẻm (Allée) như tất cả những con đường trong khu rừng này. Sau đó rẽ phải sang Hẻm Hippodrome để vào khu vực gần hai ao hồ, đoạn đường này hai bên là rừng cây um tùm nhưng xe đậu rất đông. Anh Tường lái chầm chậm để tìm khoảng trống đậu lại nhưng cũng khó tìm được chỗ vì hôm nay là ngày thứ bảy người ta vào chơi rất đông. Có những điều rất dở trong khu công viên này là không có bãi đậu xe nào cả cũng như không có nhà vệ sinh. Ở Hoa Kỳ đã là công viên thì hai thứ đó là ưu tiên phải có. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được chỗ đậu dọc theo lề đường. Khóa xe lại để đi bộ vào hai ao hồ nơi đó người ta cắm trại, câu cá, chèo thuyền nhưng  khúc đường phía trước thấy xe cảnh sát và xe cần câu đang kéo những chiếc xe đi. Anh Tường cho biết ở Paris tiền phạt đậu xe trái phép rồi bị kéo rất nặng có thể hơn một ngàn đồng. Anh Tường hỏi một nữ cảnh sát tại sao xe bị kéo vì xe mình cũng đậu như vậy? Cô này cho biết đoạn đường này hẹp không có lằn vạch ở giữa đường thì không được đậu (có bảng báo nhưng xa xa mới có một bảng). Trở lại chỗ xe mình thì may qúa thấy giữa đường có lằn sơn trắng không liên tục tức được phép đậu!



Trên đường vào hồ thỉnh thoảng bên bìa rừng gặp vài phụ nữ ăn mặc ngắn ngủn, son phấn khá đậm, xách bóp đứng phì phà điếu thuốc hay ca hát véo von. Tôi nghĩ chắc đây là những sơn nữ Phà Ca vì vừa phà (khói thuốc) vừa ca hát. Tôi chào nói “hello” cô ta vui vẻ đáp lại. Những phụ nữ này tuổi khoảng từ 35 đến 50 người da màu hoặc da trắng nhưng nhìn không phải là người Pháp có lẽ từ Nga hoặc Đông Âu. Trên lề đường có những chiếc xe Van hay xe du lịch đậu nhưng nơi kính chiếu hậu bên ngoài phía tài xế có máng một chiếc khăn voan bay phất phới. Đây là ám hiệu cho biết rằng “dịch vụ đang hoạt động” (We are Opening). Có khi cảnh sát lái xe đi ngang, các cô vẫn đứng thản nhiên vô tư như không có gì có cô còn trao đổi chuyện trò với cảnh sát! Nhiều người cho biết vào buổi tối lực lượng các cô được tăng cường gấp bội, bãi đáp có thể ngay trong khu rừng hay trên xe Van buông màn phủ kín. Giá vé từ 20 đến 50 Euros tùy theo “tàu nhanh” hay “tàu chậm”, lạ một điều “tàu nhanh” lại rẻ hơn “tàu chậm” nhưng không biết có “tàu suốt” hay không?



Rừng Boulogne ngày nay là vậy, là khoảng không gian xanh mát cho dân thành phố vui chơi giải trí nhưng cũng là nơi tập trung nhiều tệ nạn xã hội như mãi dâm và ma túy.

No comments:

Post a Comment