Ký Sự Du Lịch Paris (Bài 9)
CATACOMBS, HẦM MỘ DƯỚI LÒNG ĐẤT PARIS
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM
Sáng ngày Thứ bảy 8-6-2013 là ngày cuối cùng trong tua du
ngoạn thành phố Paris ,
tôi có hẹn với một người anh bà con mà hơn 50 năm chưa gặp mặt. Đó là anh Trương
Trọng Tường du học Paris từ năm 1960, anh tốt
nghiệp kỹ sư trường École Centrale Paris sau đó theo cao học ở Đại học Columbia New York
lấy bằng tiến sĩ Vật lý. Hiện anh là giáo sư Đại học Cergy Pontoise ở phía Bắc
và cách Paris
khoảng 50 km.
Đúng 9 giờ sáng anh Tường tới khách sạn Holiday Inn ở vùng
Porte de Clichy nơi chúng tôi trú ngụ. Mười phút trước đó tôi đã đưa hành lý ra
xe buýt của hãng tua Mango, hôm nay đoàn tua đi công viên giải trí Disneyland đến
7 giờ chiều mới về mà tôi phải trả phòng khách sạn trước 11 giờ nên phải gởi hành
lý đi trước. Tôi không đi Disneyland vì qúa nhàm mà ở lại để gặp bà con hàn huyên
tâm sự và nếu anh Tường có đưa đi chơi thăm thú đó đây thì cũng tốt vì hôm nay
là ngày trống cho đến 8 giờ tối gặp lại nhóm du lịch tại ga Alma Marceau để xuống
du thuyền Bateaux Mouches trên sông Seine để ngắm cảnh Paris về đêm. Sau đó đoàn
sẽ theo xe buýt trở về Đức, xe chạy suốt đêm ngày hôm sau mới về tới Bremen .
Tiếp anh Tường ở phòng tiếp tân của khách sạn, ôn lại chuyện
đời 50 năm dâu bể, anh kể chuyện ngày xưa du học khó khăn như thế nào. Thời Pháp
số sinh viên VN du học qúa đông, con ông cháu cha, đi học thì ít đi chơi thì
nhiều, mỗi tháng cho chuyển ngân với gía chính thức, chính phủ mất đi rất nhiều
ngoại tệ. Đến khi ông Ngô Đình Diệm về chấp chánh siết chặc việc chuyển ngân
cho du học sinh nên anh phải du học tự túc. Hoàn cảnh vừa đi học chương trình rất
nặng vừa đi làm kiếm tiền khổ cực như thế nào. Còn tôi kể những năm sống trong
xã hội chủ nghĩa, rồi đóng ghe vượt biên và qua Mỹ lao động vinh quang trong hãng
cà rem Knudsen ở New York trước khi khăn gói tìm về Cali ấm áp tình đồng hương
làm lại cuộc đời…Còn bà con họ hàng, chúng tôi trao đổi tin tức cho nhau, anh Tường
cho tôi biết về bà con của hai chúng tôi ở Pháp, còn tôi kể về bà con ở Mỹ, ai
mất ai còn…
Câu chuyện liên miên tưởng như không bao giờ hết, đến trưa
anh Tường cho biết có hẹn với một số bạn bè du học lâu ngày không gặp ở dưới Phố
Tàu Quận 13. Tôi hỏi nếu không có gì trở ngại chúng tôi có thể tham dự được hay
không vì hôm nay thời giờ trống. Anh Tường cho biết nếu đi được thì càng vui,
anh em họp mặt ăn uống nói chuyện chơi chứ không có gì quan trọng. Chúng tôi trả
phòng khách sạn và cùng anh Tường ra xe của anh, chiếc Audi đời khoảng 2003 đứa
con dâu mua xe mới để lại cho anh dùng.
Đây là lần đầu tiên tôi ngồi trên xe du lịch dong ruổi trên đường
phố Paris , mấy
lần trước toàn là ngồi trên xe buýt lớn cao nghều nghệu. Anh Tường đưa đi trên
những đại lộ lớn như Champs Élysées qua công trường Concorde, ngang qua các cửa
hiệu nước hoa, mỹ phẩm, đồng hồ, bóp xách danh tiếng. Đại lộ Champs Élysées nổi
tiếng là một trong những con đường đẹp nhất hành tinh nhưng có đi xe du lịch nhỏ
mới thấy nó dằn sốc tội nghiệp cho hệ thống ống nhún và tay lái của xe vì đại lộ
không tráng nhựa asphalt mà toàn lát bằng đá tảng gồ ghề. Tới công trường (bồn
binh) Khải Hoàn Môn là nơi hội tụ giao nhau giữa 12 con đường, rẽ nhánh tỏa ra
như nan của chiếc dù che mưa. Đường vừa gồ ghề lồi lõm vừa không có vẽ lằn ranh
(lane), xe cộ từ 12 con đường nhập vào, rồi nhiều chiếc muốn tách ra để quẹo ra
ở những con đường khác. Thật khó cho người lái xe, mắt một lúc phải để ý quan sát
cả 3 hướng: phía trước, trái và phải. Đang chạy vòng theo bồn binh Khải Hoàn Môn,
một chiếc xe từ bên trái lấn sang, chận ngang trước đầu xe, anh Tường phản ứng
bằng cách thắng lại. Nghe phía sau một chấn động, dường như xe sau đã hút phải
xe mình. Anh Tường dừng xe lại mở cửa bước ra, xe sau bị chận cũng dừng lại chờ.
Trao đổi vài câu anh Tường trở vào xe cho biết thấy không móp méo hư hại gì nên
thôi, tiếp tục đi.
Chúng tôi đi trên đại lộ Haussmann ngang qua nhà ga St.
Lazare nơi có khách sạn mà năm 2008 chúng tôi đã từng ở. Qua nhà hát Opera thành
phố, thương xá La Fayette, rồi bằng đường La Fayette tiếp tục đi về hướng Đông để
đến khu Marais có con kinh đào dẫn nước ngầm dưới đất nối từ sông Seine lên hướng
Bắc. Trên đường Richard Lenoir nằm ngay trên con kinh ngầm, sáng thứ bảy người
ta họp chợ trời buôn bán đông vui, xe vận tải nhỏ chở hàng ra vào gây trở ngại
giao thông. Theo đường La Republique chúng tôi tới nghĩa trang Pere Lachaise mấy
tháng trước chúng tôi có một người anh họ chết chôn ở đây.
LẠI ĐẾN KHU PHỐ VIỆT
Anh Tường lái xe về hướng Nam
theo đại lộ Poniatowski để qua cầu bắc ngang sông Seine
đi qua Quận 13 nơi có khu phố Việt Tàu. Hai bên bờ sông Seine
nơi đây còn đất trống với nhiều hãng xưởng khá cũ kỹ. Quận 13 mấy mươi năm trước
là khu bình dân nghèo quy tụ dân Ả Rập, Bắc Phi mà người Việt mình gọi là dân Rệp.
Đến đây phía trước gặp một hàng xe hơi đám cưới của người da đen Bắc Phi, họ bóp
còi inh ỏi, vài thanh niên nhoài mình ra ngoài cửa xe la ó hát hò om sòm. Đoàn
xe đám cưới ở Cali
không có cảnh nhoài người ra khỏi xe la lối như vậy!
Đến khu phố Tàu, anh Tường đậu xe dưới tầng hầm của chợ Tang
Frères nằm trên đường Ivry. Sáng thứ bảy trước khu chợ này rất đông người, người
Việt, người Á Châu tập trung tại đây tay xách nách mang, gặp gỡ hàn huyên. Xe cộ
nối đuôi nhau để vào hầm đậu nhưng khoảng 10 phút cũng đậu được và chúng tôi đi
thang máy lên tầng trên. Có hẹn trước nên anh Tường gặp ngay ba người bạn trước
cửa chợ, chúng tôi được anh Tường giới thiệu sau đó cùng đi đến nhà hàng Buffet
Tàu có tên là Jardin d’Asie ở số 78 đường Baudricourt gần đó. Đây là nhà hàng mới
mở rất được đồng hương người Việt mình ưa chuộng vì thức ăn khá, hợp khẩu vị và
giá cả cũng tương đối rẻ, 17 Euros cho người lớn bao gồm luôn cả nước uống. Thức
ăn gồm có Tàu, Việt, Thái, Miên và Nhật trong đó có canh chua, thịt kho, dưa giá,
bún mắm v.v…Tráng miệng có nhiều loại chè sương sa, bánh lọt. Ở Little Saigon
nhà hàng Buffet thì nhiều nhưng toàn là Tàu, Đại Hàn, Nhật, Thái nhưng Buffet với
thức ăn Việt Nam thì không thấy. Ngày trước có Buffet món Việt như bánh cuốn,
phở nhưng cũng không trụ lâu được có lẽ người Việt ở Cali ăn món Việt hàng ngày,
đi ăn ngoài muốn thay đổi khẩu vị lạ miệng? Thứ bảy nhà hàng đông chật thực khách,
chúng tôi phải chờ một lúc mới có bàn trống ở trong một khoảng sân nhỏ ngoài trời.
Bàn bên cạnh toàn là phụ nữ Việt Nam , các bà chắc đã về hưu cuối tuần
họp mặt cho vui, nói cười rôm rả.
Câu chuyện trao đổi giữa anh Tường và những người bạn Paris của anh cũng là
sinh hoạt đời sống sức khoẻ trong bạn bè du học thời xưa với nhau. Ăn uống đàm đạo
trong hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi chia tay. Chúng tôi trở lại chợ, xuống tầng
hầm lấy xe và đi về công trường Italie là tâm điểm của Quận 13. Sau đó theo đường
St. Jacques về hướng Tây để qua Quận 14, gần đến công trường Denfert Rochereau
thấy một khu đất trống được rào lại bằng hàng rào sắt kiên cố bên trong có những
tường đá đỏ loang lỗ, anh Tường cho biết đó là khu hầm mộ chứa hàng triệu bộ xương
người gọi là Catacombs.
HẦM MỘ CATACOMBS
Cửa vào hầm mộ là một mái hiên che ở số 1 Avenue du Colonel
Henri Roi-Tanguy, tên mới hiện nay là công trường Denfert Rochereau. Bảng hầm mộ
rất khó thấy chỉ thấy người ta đứng sắp hàng để mua vé xuống xem xương người. Hầm
mộ mở cửa cho công chúng vào xem từ Thứ Ba đến Chủ Nhật từ 10AM đến 5 PM với giá
vé người lớn 12 Euros.
Sau khi xuống bậc thang bằng trôn ốc rất sâu đến 20m (65ft)
rồi theo một hành lang đèn thắp lờ mờ du khách sẽ đến cửa hầm mộ. Nơi đây có bảng
đề: “Dừng lại! Nơi đây là vương quốc người Chết”. Bên trong là những núi xương
người được xếp chồng lên nhau ngay ngắn mỹ thuật, phía ngoài toàn là xương sọ
chất lên nhau tạo thành một bức tường chận. Sau đó phía bên trong là xương ống
chân và cánh tay, xếp theo từng loại nhưng không thấy xương sườn, có lẽ được sắp
xếp ở một nơi khác. Nơi du khách vào xem chỉ là một phần của hầm mộ, nó còn rộng
bao la như một thế giới ngầm trong lòng đất dưới thủ đô Paris vì có đến khoảng 6 triệu bộ xương người
được chứa nơi đây. Thế giới trong lòng đất này trước khi làm hầm mộ là hệ thống
hầm mỏ người ta khai thác đá vôi để xây những dinh thự, những kiến trúc của Paris . Vùng đất nơi đây phía
Nam của sông Seine tức là tả ngạn là nơi trầm tích rất nhiều đá vôi cứng
tốt đã được khai thác mấy ngàn năm trước từ thời La Mã cai trị.
Thế kỷ 17-18 thành phố Paris
đã qúa đông dân, gấp đôi thế kỷ trước, người chết cũng nhiều vì những tai họa bệnh
truyền nhiễm như dịch tả, dịch hạch thời ấy chưa có thuốc chữa. Các nghĩa địa
trong thành phố không còn đất để chôn. Năm 1785 dưới thời vua Louis XVI (16) chính
quyền Paris quyết
định giải tỏa bớt các nghĩa địa. Xương người được đào lên, hàng đêm chất lên những
chiếc xe ngựa phủ vải đen, chở đến khu hầm mỏ đá vôi bỏ trống và xếp chồng lên
nhau chứa ở đó.
Khu hầm mộ rất rộng với hệ thống đường hầm địa đạo chằng chịt
lại có nhiều tầng chồng chất lên nhau như tổ ong, nhiều người đã vào đây không
tìm được lối ra và bỏ xác trong hầm mộ. Trường hợp như Philibert Aspairt lạc
trong Catacombs năm 1793 đến 11 năm sau người ta mới tìm thấy xác và hiện nay bộ
xương ông này được bảo lưu ngay tại nơi đó. Hầm mộ chỉ chiếm một phần nhỏ trong
thế giới dưới lòng đất, địa đạo còn ăn thông sang nhiều nơi trong khu hầm mỏ đá
mà chính quyền thành phố không cho dân chúng vào. Tuy nhiên trong thế giới băng
đảng giang hồ nhiều nhóm cũng đã từng lập hành dinh ở đây và để lại những bức
tranh graffitis trên tường đá rất màu sắc nghệ thuật trừu tượng như tranh
Picasso. Trong đệ nhị thế chiến quân kháng chiến chống Đức đã từng đặt căn cứ dưới
hệ thống hầm mỏ này, thiết lập nhà thương để chữa trị cho thương binh.
Xem các hầm động chứa xương trong khu đường ngầm dài 2km
(1.25 miles) mất tối thiểu cũng 1 tiếng đồng hồ, du khách theo lối ra bằng cách
bước lên cầu thang 83 nấc và cửa ra trên đường Remy Dumoncel ở về hướng Tây Nam
nơi đó có nhân viên xem xét các túi xách để ngăn ngừa du khách đem…xương ra ngoài!
Vào xem Catacombs phải hết sức cẩn thận, mang theo nước uống,
không đi những con đường rào cấm vì khi bị lạc, dù gọi điện thoại cầu cứu người
ta cũng không biết mình chính xác ở đâu? Catacombs lúc đầu không cho dân chúng
vào xem, đến năm 1810 mở cửa cho thăm viếng nhưng cũng giới hạn mấy lần trong năm.
Hầm mộ và hầm mỏ nằm ngay phía dưới đường phố Paris nên người ta không thể nào xây được nền
móng to lớn vững chắc. Vì lý do đó không có mấy tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành
phố. Ngày nay hầm mộ Catacombs chứa hàng triệu xương người cũng là một điểm du
lịch được nhiều người ưa thích và được xếp vào một trong những nơi ghê rợn nhất
trên thế giới.
No comments:
Post a Comment