Ký Sự Du Lịch Paris
Bài 5
VIẾNG KHU PHỐ LA TINH
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM
Tua du lịch không đón khách từ khách sạn mà hẹn nhau tại một
địa điểm mà du khách phải tự túc đi đến. Chương trình viếng Khu La Tinh
(Quartier Latin) địa điểm tập trung là ga Métro Hôtel-de-Ville (số 106 trên bản
đồ), ga này nằm trên tuyến đường xe điện ngầm số 1 nên từ khách sạn Holiday Inn
ở khu Porte de Clichy chúng tôi phải lấy đường 13 đi về hướng Nam, đến ga
Champs Élysées Clemenceau đổi sang đường số 1 đi về hướng Đông. Đến ga thứ 6 là
ga Hôtel-de-Ville, Hôtel-de-Ville không có nghĩa là khách sạn thành phố mà là Tòa
Thị Chính. Hẹn ở bồn phun nước trước Tòa Thị Chính lúc 7 giờ chiều.
Cho chắc ăn chúng tôi đến trước gần nửa tiếng đồng hồ nhưng đã
có vài bạn trẻ trong tua còn tới sớm hơn, dân Đức thường tới hẹn rất sớm. Hôtel-de-Ville
là một tòa nhà 3 tầng cổ xưa được xây và dùng làm Tòa Thị Chính từ năm 1357. Kiến
trúc hiện giờ được xây dựng lại năm 1892 mô phỏng theo kiểu lâu đài Châteaux Loire Valley
hao hao giống Tòa Đô Chính Sài Gòn nhưng to lớn đẹp đẽ hơn nhiều. Đếm đủ số người,
hướng dẫn viên Mark đưa chúng tôi qua cầu ngang sông Seine về hướng Nam để
viếng nhà thờ Đức Bà Notre Dame de Paris.
NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) là kiến trúc cổ
uy nghi xây theo kiểu Gothic nằm trên đảo Ile de la Cité của sông Seine thuộc
Quận Tư thành phố Paris .
Được xây từ năm 1163 trải qua 9 thế kỷ với nhiều biến cố chính trị thăng trầm,
trong thời Cách Mạng có lúc trở thành nhà kho, có lúc hư hại xuống cấp dự định
sẽ bị phá hủy đi. Năm 1845 nhà thờ được đại trùng tu và công việc kéo dài đến
25 năm. Ngày nay nhà thờ Đức Bà là một trong những danh thắng của kinh đô ánh sáng,
là nhà thờ chính tòa của giáo phận Paris , hàng
ngày thu hút rất đông du khách và tín đồ hành hương mỗi khi viếng thăm Paris .
Nhà thờ nằm trên đảo Ile de la Cité một đảo nằm giữa sông
Seine ở trung tâm thành phố Paris .
Đảo Cité là một trong hai đảo thiên nhiên có vị trí chiến lược an ninh nên ngày
xưa từ thế kỷ 1 cho đến thế kỷ 5 người La Mã chọn làm nơi định cư trong khi bộ
lạc Parisii thì ở dọc hai bên bờ sông. Thời kỳ này Paris được gọi là Lutetia. Tiền diện nhà thờ Đức
Bà uy nghi và cân đối gồm 3 cửa hình vòm cung, thời Trung Cổ để tránh đơn điệu
người ta xây 3 cửa kích thước khác nhau, không cái nào giống cái nào. Bên trên
là hai lầu chuông tương tự như nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nhưng nhà thờ Sài Gòn trên
hai lầu chuông được xây thêm hai tháp nhọn rất cao còn nhà thờ Paris không có hai tháp nhọn
này. Trên 3 cửa vào là những phù điêu đấp nổi diễn tả về Đức Bà Maria, Ngày Phán
Xét Cuối Cùng và thánh nữ Anne (mẹ của Đức Bà Maria). Bên trên một hàng tượng người chiếm nguyên bề
ngang tiền diện là tượng của 28 vua Juda của Do Thái được nhắc đến trong Thánh
Kinh. Cao hơn nơi khung cửa sổ hình hoa hồng (Rose window), tâm tiền diện nhà
thờ là tượng Đức Bà Maria là thánh bổn mạng nhà thờ bồng Chúa Jesus và tượng
hai thiên thần chầu hai bên. Du khách có thể lên nóc hai tháp chuông nhà thờ để
ngắm cảnh Paris
phía dưới. Lối lên ở bên hông phía Bắc gần cửa chính vào nhà thờ với cầu thang
trôn ốc hơn 400 bậc thang.
Bên trong nhà thờ có kiến trúc hình chữ thập, giữa nơi 2
thanh chữ thập giao nhau là một bàn thánh và phía cuối nhà thờ là một cung thánh
khác dùng để cữ hành thánh lễ mỗi ngày. Chỉ nửa nhà thờ phía cuối là có bàn qùy
và ghế ngồi, còn xung quanh để trống với 2 hàng cột mỗi bên. Nội cung nhà thờ rộng
lớn trông giống nhà thờ Sài Gòn và có thể chứa đến 7 ngàn tín đồ trong những dịp
lễ lớn. Mặc dù bao la rộng lớn nhưng ngày xưa người ta thiết kế sao cho âm
thanh của linh mục trên tòa giảng có thể vang lớn nghe được hết trong nhà thờ.
Khi mới bước vào, mắt chưa điều tiết nên hơi tối vì không thắp đèn sáng mà chỉ
lung linh những ngọn nến và tín đồ khá đông mặc dù không có thánh lễ. Họ qùy
hay ngồi trên những băng ghế dài đọc kinh, cầu nguyện hay đơn giản chỉ là nghỉ
chân ngắm cảnh. Mặc dù là kiến trúc có niên đại gần cả ngàn năm, với nhiều tượng
cổ, các ảnh kính màu nghệ thuật, các ngôi mộ, thánh tích như một viện bảo tàng
nhưng nhà thờ bao giờ cũng rộng mở không bán vé thu tiền, mọi người không phân
biệt tín ngưỡng đều có thể vào chiêm ngưỡng hay ngoạn cảnh. Chúng tôi đi một vòng
bên trong nhà thờ, lối đi dẫn đến cả phía sau bàn thánh với nhiều bàn thờ, tưởng
niệm nhiều nhân vật trong lịch sử Paris
vốn vô số những biến chuyển thăng trầm.
KHU LA TINH VỀ ĐÊM
Rời nhà thờ Đức Bà chúng tôi qua cầu trên sông Seine đi về Nam là đã tới
khu La Tinh (Quartier Latin) nằm trên Quận 5 và Quận 6 Paris bên tả ngạn sông
Seine. Sở dĩ gọi là khu La Tinh là vì nơi đây tập trung rất nhiều trường đại học
nổi tiếng của Pháp như École Normale Supérieure, École des Mines de Paris, École
Polytechnique v.v…những trường này thành lập rất lâu đời như trường Sorbone có
từ thế kỷ 13 thời Trung Cổ và thuộc những nhà thờ Thiên Chúa Giáo La Mã. Giảng
dạy bằng tiếng La Tinh và sinh viên đến từ nhiều nơi nói ngôn ngữ khác nhau nên
cũng phải dùng tiếng La Tinh để trao đổi.
Khu La Tinh tập trung giới sinh viên, giáo sư, văn nghệ sĩ và
du khách, nổi tiếng với những sinh hoạt về đêm như nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm
vũ trường, các rạp chiếu bóng, phòng tranh tượng nghệ thuật và các cửa hàng sách
cũ. Quán ăn thấy phần đông bán bánh kẹp Crepes, Pizza và những món mì Ý, thịt nướng
Thổ Nhĩ Kỳ, miền Nam Tunisie v.v…Khu này là những con phố nhỏ hẹp lát đá có từ
thời xưa chỉ dành cho người đi bộ với hai bên là hàng quán cổ kính, trang trí mỹ
thuật lúc nào cũng đông thực khách ngồi đầy. Họ đến đây cốt yếu là giải trí, thư
giãn, ngắm người qua lại sau những giờ căng thẳng học hành, làm việc. Người dạo
phố cũng biết vậy nên phục sức trang trọng đẹp mắt nhất là phụ nữ diện lên những
bộ áo thời trang nhất và Paris
cũng là thành phố hàng đầu về thời trang thế giới.
Đầu tiên chúng tôi tới quảng trường St. Michel trong khu này,
đây là địa điểm rộng nhất có một phông tên nước đổ từ trên cao xuống. Tập trung
rất đông người nghỉ chân trên những băng đá, hôm nay có một ban nhạc đầy đủ trống
kèn, phục sức nhiều màu sắc đang chơi những bản nhạc vui tươi nhưng không phải
là những bản nhạc nghe quen thuộc từ lâu. Có lẽ họ muốn chơi những bản mới lạ hơn
là những bản phổ thông mà ai cũng biết?
Khu La Tinh còn có tên là khu St.
Germain des Prés vì có ngôi nhà thờ cổ mang tên thánh St. Germain xây từ 1163 đến
nay vẫn còn đứng vững. Nhà thờ St. Sulpice, bên trong có giàn phong cầm nổi tiếng
đứng thứ 3 thế giới. Ngang nhà thờ St. Germain là quán cà phê Les Deux Magots tự
hào là nhà hàng cà phê mà những văn nhân triết gia như Hemmingway, Jean Paul
Satre, Simone de Beauvoir thường đến đóng đô trụ trì. Nổi tếng không kém là quán
cà phê Café de Flore ở góc đường Boulevard St. Germain lúc nào cũng đông khách
thanh lịch ngồi ngắm người qua lại. Quán này họa sĩ môn phái trừu tượng Picasso
thích ngồi hơn là quán Les Deux Magots. Một quán khác mà giới thi họa sĩ thích
vào là Café Bonaparte nằm trên con đường nhỏ cùng tên, quán này kín đáo hơn, trước
những cặp mắt của thiên hạ nên thuận tiện cho những buổi hẹn hò trao đổi…văn
nghệ.
Ở số 13 rue de l’Ancienne Comédie có quán Café Le Procope chủ
nhân tự hào là quán cà phê nhà hàng xưa nhất trên nước Pháp thành lập từ 1686.
Chẳng những vậy mà những nhân vật nổi tiếng trong đủ mọi ngành nghề đều có đến đây
như Voltaire, Danton, Hugo, Balzac, Rousseau, Benjamin Franklin và Thomas
Fefferson. Tuy vậy thực đơn của nhà hàng không mắc lắm, với Special Menu giá 45
Euro là du khách có một bữa tối đầy đủ 3 món khai vị, món chính, tráng miệng nhưng
chưa có rượu và cà phê. Nhiều du khách khuyên nên tránh các nhà hàng có bảng thực
đơn thật lớn nhiều màu sắc, viết bằng tiếng ngoại quốc như tiếng Anh, Ý, Tây
Ban Nha và tiếp viên ra đường mời gọi rất niềm nỡ. Thức ăn rất dở, mùi vị lai căng
Tàu không ra Tàu, Tây không ra Tây mà giá lại trên trời dưới đất. Họ biết là du
khách, ít có dịp nào trở lại lần thứ hai nên sẵn sàng chặt chém!
KHUNG TRỜI ĐẠI HỌC
Nói về các trường đại học nổi tiếng trong khu La Tinh mà ở Việt
Nam
ngày trước nhiều người biết tiếng. Đầu tiên là trường Sorbonne được thành lập từ
năm 1257 bởi ông Robert de Sorbon, là một trường đại học rất nổi tiếng từ thời
Trung Cổ. Hệ thống Sorbonne là viện đại học chính thức của Paris. Năm 1793 sau
Cách Mạng Pháp trường đóng cửa một thời gian hơn một thế kỷ, đến năm 1896 mới
hoạt động trở lại. Năm 1970 trường chia ra 13 trường khác nhau có danh xưng là Đại
Học Paris từ trường số 1 đến số 13, một số trường tọa lạc tại Paris, một số khác
ở Versailles và ở Créteil. Hiện có 3 trường còn nằm trong khu đại học Sorbonne
cổ ở Quartier Latin trên đường St. Michel chung quanh ngôi tháp tròn cổ kính như
một đền thờ xây từ thời Trung Cổ ở quảng trường La Sorbonne là đền Panthéon. Ngày
xưa trường nổi tiếng về ngành Y Khoa, ngày nay với 13 trường dạy đủ các bộ môn.
Trường nổi tiếng khác cũng nằm trong khu La Tinh là École
Normale Supérieur thường đuợc gọi tắt là trường “Normale” được thành lập năm
1794, là đại học tư không thuộc hệ thống đại học nhà nước. Trường có hai lãnh vực:
một là khoa học với các ngành như toán, vật lý, hóa học, vi tính, sinh vật, địa
chất và y khoa. Hai là nhân văn có các ngành nhân xã, văn chương, tiếng La Tinh
và Hy Lạp, khảo cổ, triết học, sử ký, địa
lý, luật khoa, kinh tế, chính trị, tâm lý. Trường chú trọng đào tạo sinh viên hậu
đại học, muốn vào phải qua một kỳ thi tuyển khó khăn về thi viết và vấn đáp.
Trong thời gian học rất gian nan, sinh viên không có nhiều thời gian rỗi rảnh,
ngày xưa sinh viên phải có người hầu hạ lo việc áo quần cơm nước. Sinh viên tốt
nghiệp với các bằng cao học thường làm giáo sư hay các nhà nghiên cứu nên có
nhiều người Việt gọi trường là đại học sư phạm.
Đại học thứ ba trong khu La Tinh đào tạo các kỹ sư, các nhà
khoa học là trường Bách Khoa Paris (École Polytechnique) được thành lập từ năm
1794 trong thời Cách Mạng Pháp với tên đầu tiên là École Centrale des Travaux
Publics (Trường Trung Ương Công Chánh) và năm sau trường đổi tên thành Trường Bách
Khoa. Trường được trực tiếp quản lý bởi Bộ Quốc Phòng Pháp. Cho dù ngày nay không
còn là một học viện quân sự nhưng các truyền thống quân đội vẫn được tiếp nối.
Trước hết đứng đầu trường là một vị tướng và các sinh viên phải trải qua một khóa
huấn luyện quân sự trước khi bắt đầu khóa học kỹ sư. Năm 1976 trường được chuyển
về Palaiseau cách Paris
25 km để có một khu đất rộng lớn hơn. Muốn được nhận vào học, sinh viên phải
qua một kỳ thi tuyển gian nan với thi viết và vấn đáp. Mỗi năm trường chỉ nhận
khoảng 400 sinh viên. Để đạt được kết qủa trong kỳ thi tuyển, thí sinh thường
phải mất ít nhất 2 năm học gọi là dự bị. Sinh viên người Pháp được nhận học không
phải đóng học phí mà lại còn được lãnh lương hàng tháng như một sĩ quan trừ bị.
Trường cũng có những chương trình cao học để lấy bằng Master hay Tiến Sĩ. Sinh
viên xuất thân từ trường Bách Khoa rất được trọng dụng và dễ thăng tiến trong
nghề nghiệp. Người Việt Nam
tốt nghiệp từ trường Bách Khoa Paris
có các ông Nguyễn Văn Xuân (khóa 1912), ông Hoàng Xuân Hãn (khóa 1930).
Ở Paris
còn những đại học danh tiếng khác như École Centrale Paris tọa lạc ở Châtenay-Malabry
ngoại ô phía Nam Paris. Trường Centrale cũng đào tạo kỹ sư các ngành và nhiều
người nổi tiếng tốt nghiệp từ trường này trong đó có các ông Gustave Eiffel
(1855) thiết kế tháp Eiffel và tượng Nữ Thấn Tự Do ở New York, André Michelin
(1877) sáng lập hãng vỏ xe danh tiếng thế giới, Armand Peugeot (1895) cha đẻ thương
hiệu xe Peugeot của Pháp. Có rất nhiều người Việt Nam tốt nghiệp từ trường này
như kỹ sư Trịnh Ngọc Sanh (cha của phi hành gia NASA Eugène Trinh) thời VNCH từng
giữ chức Tổng Thư Ký Bộ Công Chánh, giáo sư Trương Trọng Tường của đại học
Cergy phía Bắc Paris, là người sẽ đưa chúng tôi thăm viếng Paris trong ngày tới.
Vườn Luxembourg
Ngày xưa nói đến Paris, phía hữu ngạn sông Seine (phía Bắc)
chỉ là hoàng cung dinh thự đền đài cổ kính, phía tả ngạn sông Seine (phía nam)
mới là nơi vui nhất vì có làng đại học Quartier Latin, cà phê quán xá thâu đêm,
khu Saint Germain tập trung văn nghệ sĩ thi ca xướng họa, vườn Luxembourg nơi hẹn
hò của các cặp tình nhân hay sinh viên du học nghèo mà nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã
từng viết:
“Ngày em đi
Nghe chơi vơi não nề
Qua vườn Luxembourg
Sương rơi che phố mờ
Buồn này ai có mua?”
( Mùa Thu Không Trở
Lại - Phạm Trọng Cầu)
Quartier Latin là nơi thể hiện phong thái lãng mạn Paris rõ nét nhất. Một nơi
du khách không thể nào bỏ qua mỗi khi đến Paris .
Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất
bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Đông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau , Thái Lan.
Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao
cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea ,
CA 92823
(714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com
No comments:
Post a Comment