Ký Sự Du Lịch Paris bài 4
VIẾNG THÁP EIFFEL VÀ BỊ MÓC TÚI
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM
Ngày đầu tiên đến Paris
bằng tua xe buýt đi từ Đức là dạo một vòng thành phố và kết thúc là viếng tháp
Eiffel trong vòng một tiếng đồng hồ. Xe đậu trên đường dọc theo bờ sông Seine ở phía Bắc và chúng tôi băng qua cây cầu để sang phía
ngọn tháp. Đây là lần thứ hai tôi đến ngọn tháp nên không nao nức mấy, chứ lần đầu
cũng rất ấn tượng ngạc nhiên vì có tới gần mới thấy tháp Eiffel là một khối cấu
trúc vĩ đại chằng chịt những thanh sắt to lớn khổng lồ cùng một màu đen xám.
Trưa nay du khách mua vé đã rồng rắn sắp một hàng dài hơn
100 mét, hỏi nhân viên trật tự ở đây ông ta cho biết phải mất hơn một tiếng đồng
hồ mới mua được vé lên tháp. Ông ta nói tốt nhất là mua trước trên mạng, nếu dùng
Iphone (mobile) nên vào App Store chuyển tải (download) cái App của Tour Eiffel
ở trang mạng www.eiffel-tower.com .
Trong App này có đủ tất cả từ giờ mở cửa, giá vé lên tháp, các dịch vụ ăn uống
mua sắm, thuyết minh hướng dẫn lên tháp. Nên nạp cái App này trước khi viếng tháp.
Không đủ thời giờ và chúng tôi đã lên tầng thứ hai của tháp vào chuyến đi trước
2008 nên chỉ dạo quanh phía dưới ngắm cảnh, nhìn người, xem có gì thay đổi hơn
trước không?
Tháp lấy tên của người thiết kế và xây dựng nó là Gustave
Eiffel (1832-1923) một kỹ sư người Pháp
chuyên môn trong ngành cấu trúc bằng kim loại (metallic structures), ông có xây
dựng nhiều công trình như cấu trúc bên trong tượng Nữ Thần Tự Do ở New York,
kinh đào Panama và nhiều cây cầu trên thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam hai cây cầu
danh tiếng đều do ông xây là cầu Long Biên (1903) ở Hà Nội và cầu Tràng Tiền ở
Huế. Tháp Eiffel cao 300 m, nếu tính luôn cây antenna (24 m) cao tổng cộng là
324 m (1,063 ft) là kiến trúc cao nhất thế giới vào thời ấy. Đến năm 1930 tòa
nhà Chrysler ở New York
hoàn thành với chiều cao 319 m, tháp Eiffel mới mất đi danh hiệu cao nhất thế
giới. Hiện tháp Eiffel là kiến trúc cao nhất ở Paris , bằng chiều cao của một tòa nhà 81 tầng.
Tính đến 2006 có hơn 200 triệu người đã lên viếng nó, nội trong năm 2006 có
6,719,200 du khách, là một thắng cảnh phải trả tiền được nhiều người xem nhất
trên thế giới.
Tháp Eiffel được xây dựng từ năm 1887 đến 1889 hoàn thành, là
cửa chính để vào khu Hội Chợ Thế Giới tổ chức tại công viên Champ de Mars năm
1889 để chào mừng 100 năm Cách Mạng Pháp. Khởi thủy tháp Eiffel định xây tại
Barcelone là thành phố lớn thứ nhì ở Tây Ban Nha (Spain) bên bờ Địa Trung Hải
cho Hội Chợ Thế Giới 1888 nhưng thành phố này không đủ chỗ và đủ tiền cho một công
trình đồ sộ như vậy nên ông Eiffel dùng đồ án này dự tranh thiết kế cho Hội Chợ
Thế Giới Paris 1889 và đã trúng giải. Tháp được khánh thành ngày 31-3-1889 và mở
cửa ngày 6-5 cùng năm. Có 300 nhân công từ kỹ sư cho đến lao động đã tham gia xây
dựng cùng nhau lấp ráp 18,038 thanh sắt bằng 2.5 triệu con đinh tán (rivets, đinh
tán thì đóng chết khi ghép 2 thanh sắt trong khi đinh ốc xiết dính bằng răng),
cấu trúc tháp được tính toán thiết kế bởi Maurice Koechlin. Tháp hoàn thành trong
điều kiện an toàn thật hoàn hảo, với dụng cụ thô sơ thời ấy chỉ có một nhân công
thiệt mạng mà thôi. Tổng cộng các khối sắt của tháp nặng 7,300 tấn, nếu tính luôn
toàn thể vật liệu không phải bằng sắt tháp nặng 10,000 tấn.
Tầng thứ nhất và thứ hai (cao 115 m) của tháp rộng lớn có các
cửa hàng bán buôn trên đó và có thể lên bằng thang bộ hay thang máy. Tầng cao
nhất (276 m) phải lên bằng thang máy từ tầng thứ hai. Tháp mở cửa cho du khách
lên xem mỗi ngày từ 9 giờ 30 sáng đến 11 giờ 45 khuya, mùa Hè từ 9 giờ sáng đến
0 giờ 45 khuya. Giá vé hiện nay vì không lên xem nên tôi không được biết nhưng
chuyến trước 2008 vé cho người lớn là 4.80 Euro (tầng 1), 7.80 Euro (tầng 2) và
12 Euro (tầng 3) đi bằng thang máy. Trẻ con (3 đến 11 tuổi) là 2.50, 4.30 và
6.70 Euro, dưới 3 tuổi miễn phí. Nếu đi từng nhóm trên 20 người mua vé trước là
4.00, 6.70 và 10.50 Euro. Đi bằng thang bộ lên tầng 1 và tầng 2 trên 25 tuổi là
4.00 Euro, dưới 25 tuổi là 3.10 Euro.
Tháp Eiffel là tài sản của thành phố Paris , hiện bảo trì và điều hành do công ty
SETE (Société d’Eploitation de la Tour Eiffel) từ năm 2005 theo hợp đồng thời hạn
10 năm. Thành phố Paris
có 59.9% cổ phần trong công ty này. Tổng số nhân viên điều hành tháp hiện nay là
500 người, trong đó phân nửa là nhân viên công ty SETE, số còn lại là nhân viên
các cửa hàng dịch vụ (bán qùa kỷ niệm, nhà hàng ăn uống, cho thuê viễn kính, máy
rút tiền ATM) và công chức như cảnh sát, cứu hỏa, bưu điện, khí tượng…Để chống
rỉ sét và khói ô nhiễm, tháp phải được bảo trì liên tục và các thanh sắt 7 năm
sơn lại một lần tốn 50 đến 60 tấn sơn. Để nhìn cho đẹp mắt từ phía dưới, có 3 màu
sơn được dùng cho 3 phần của tháp, đậm nhất từ phía dưới và nhạt dần phía trên.
Màu sơn tháp là màu xám nâu (brownish-grey). Tháng 3-2009 đã sơn tháp lần thứ
19 và công việc kéo dài 18 tháng.
Tháp Eiffel là một kỳ quan thế giới tiêu biểu cho một công
trình hoành tráng vững chắc vừa mang nét đẹp hài hòa. Nhưng thế nhân cũng có người
yêu kẻ ghét, khi tháp Eiffel vừa xây xong gặp sự chống đối của một số quần chúng,
người ta cho rằng trong thành phố Paris
thanh lịch bị một khối sắt đen đúa như một con quái vật ngự trị, thật là xốn
xang ngứa mắt. Nhiều tờ báo hàng ngày đăng tải những lá thư nổi giận từ giới văn
nghệ sĩ Paris và cả những nhà kiến trúc, thiết kế các công trình công cộng (công
chánh) như trong tờ Công Báo năm 1892 nhận định về Hội Chợ Thế Giới Paris 1889 đã
phê bình chỉ trích về tháp Eiffel như sau: “Và suốt 20 năm chúng ta sẽ phải chứng
kiến một khối đen dơ dáy với hình dáng kinh tởm của những trụ đà xây bằng những
tấm sắt đinh tán, bóng của nó trải rộng khắp thành phố”. Bức thư được ký bởi những
nhân vật nổi tiếng như Messonier,
Gounod, Garnier, Gerome, Bougeureau và Dumas. Tiểu thuyết gia Guy de
Maupassant, người tỏ thái độ rất ghét ngọn tháp, nói rằng nên đến ăn nhà hàng
trên tháp Eiffel mỗi ngày. Người ta hỏi tại sao, ông cho biết “Ở Paris chỉ có nơi đó người
ta không nhìn thấy được cái kiến trúc đó!”
Ở Paris
thời ấy để giữ cảnh quan chỉ được xây những tòa nhà không qúa 7 tầng cho nên tháp
Eiffel chỉ được giấy phép cho tồn tại 20 năm. Có nghĩa là sau thời hạn đó tháp
phải được tháo gỡ ra vào năm 1909, chủ nhân nó phải chuyển nó ra khỏi Paris , cho nên tháp đã được
thiết kế tháo ra được dễ dàng. Nhưng qua thời gian 20 năm, thấy tháp hàng ngày
người ta quen dần nên trở nên một hình ảnh thân thương, tháp chứng tỏ được giá
trị của nó về nghệ thuật cũng như ích lợi vì quân đội dùng nó cho truyền tin cũng
như theo dõi chiến trường trong trận chiến Marne trong Đệ Nhất Thế Chiến (tháng
9, 1914) nên Pháp thắng trận vinh quang.
Trưa đã đói nên chúng tôi đến quán cạnh chân tháp Bắc và Đông,
có hai quán bán thức ăn đề bảng là “Buffet” nhưng không có nghĩa là nhà hàng ăn
bao bụng như ở Mỹ mà là quán bán thức ăn nhẹ như Sandwich, Pizza và Hot Dog. Mỗi
món vừa kể thêm ly nước ngọt Soda có giá là 7.50 Euro, giá kể cũng nhẹ nhàng
cho những người đang đói bụng. Trên lầu một có nhà hàng “58 Tour Eiffel” thực đơn
trưa cũng rất đắt tiền giá từ 45 cho đến 125 Euro cho mỗi người chưa tính rượu.
Trên tầng cao chót hết (276 mét) không có nhà hàng mà có những căn phòng như bảo
tàng trưng bày hình bằng sáp của kỹ sư Gustave Eiffel và những cộng sự viên đang
làm việc trong phòng đồ án. Bên ngoài là những khung cửa sổ ngắm cảnh trên cao
một vòng 360 độ rất nín thở, phía dưới có khung ảnh chiếu sáng bằng đèn chú thích
những kiến trúc danh thắng nổi tiếng phía dưới của thành phố Paris .
ĐI VỀ KHÁCH SẠN HOLIDAY INN
City Tour dạo một vòng danh thắng thành phố Paris kết thúc sau khi viếng
tháp Eiffel và xe buýt đưa đoàn chúng tôi gồm 39 người đủ mọi quốc tịch về 3 khách
sạn khác nhau. Tour xe buýt Đức này giá rẻ nên chọn khách sạn nào trống là cho
người vào, tuy nhiên khách sạn nào cũng khá tiện nghi chắc phải 3 sao trở lên.
Mỗi cuộc đi thăm các thắng cảnh, hãng Tour hẹn nhau tại một điểm thường là trước
nhà ga xe điện ngầm, họ chỉ chờ 5 đến 10 phút rồi đưa đi. Do đó mình phải thông
thạo cách dùng các tuyến đường xe điện ngầm để đến địa điểm cho đúng giờ.
Hai chúng tôi và vài người nữa trong đoàn được đưa về khách
sạn Mỹ Holiday Inn ở số 2 Rue du 8 Mai 1945, 92110 Paris
– Clichy gần ga
Métro Porte de Clichy trên tuyến đường số 13. Chàng hướng dẫn viên Mark đánh dấu
trên bản đồ cho thấy khách sạn nằm ở phía Bắc trung tâm thành phố gần xa lộ vòng
đai và cạnh một khu nghĩa địa. Nghĩa địa Tây cũng khác với nghĩa địa Cali, nghĩa
địa Cali thường là bãi cỏ xanh trên đồi, các bia mộ nằm bằng mặt đất để dễ cắt
cỏ bảo trì bằng xe. Vào nghĩa địa như đi chơi công viên hay sân golf, không thấy
những nấm mồ đen xám lạnh lẽo nên không có cảm giác sờ sợ. Trong khi các nghĩa địa
Paris vào xem cũng
khá lạ mắt với các ngôi mộ xây cầu kỳ nằm khít nhau, các nhà mồ bằng đá cẩm thạch
được trang trí bằng các hình tượng thiên thần mỹ thuật. Có nhiều ngôi mộ to lớn
như ngôi nhà nguyện và cổ xưa cả trăm năm.
Trở về với khách sạn Holiday Inn là hệ thống khách sạn Mỹ nên
nhân viên thành thạo tiếng Mỹ, dể dàng cho mình khi hỏi han trao đổi, nhất là ăn
sáng thức ăn Mỹ quen thuộc như bánh donut, cereal, oatmeal đều có hết. Tôi thích
nhà hàng điểm tâm ăn sáng của khách sạn này, có đủ thứ hết như trứng chiên, thịt
ba rọi, thịt dồi, xúc xích, xà lách, trái cây v.v…Sáng trước khi lên đường,
trang bị đầy bụng là cả ngày khỏi lo đói và cũng nhắc lại là ăn uống ngoài đường
ở Paris rất mắc mỏ hơn 3, 4 lần Bolsa “đế quốc” Mỹ lưu đày.
Sau khi lấy phòng, tắm táp cho sạch bụi đường và lên nệm mới
tinh trắng phao làm một giấc vì đêm qua đường trường xa 700 cây số từ Đức qua
chỉ chập chờn cơn tỉnh cơn mê (bừng con mắt dậy thấy mình trắng tay). Chỉ cần
ngủ một tiếng là khỏe, chúng tôi mới bàn với nhau là thử đi xe điện ngầm Métro
cho quen vì 5 năm rồi chưa đi. Chúng tôi đi bộ băng dưới cầu xa lộ ra ga Porte
de Clichy ở hướng Nam
cách khách sạn vài trăm mét. Sau khi xuống nhà ga thấy việc mua vé bằng tiền mặt
cũng hơi khó vì có nhiều máy bán vé nhưng toàn là nhận thẻ ngân hàng, không biết
mua bằng tiền mặt cách nào? Hỏi vài người nhưng họ không biết tiếng Mỹ, đến khi
gặp một ông cà vạt áo vét có vẻ trí thức, ông này rất tử tế dẫn đến một cái máy
có in hình tờ giấy bạc. Gần hết ngày nên không cần mua vé nguyên ngày mà chỉ
mua 4 vé một chuyến đi với giá tối thiểu, tôi nhớ khoảng trên 1 Euro gì đó mỗi
vé. Ông này còn chỉ tấm bảng để đến thềm ga đi Alma Marceau mà tôi muốn đến.
Alma Marceau nằm cạnh sông Seine cách tháp Eiffel 2 cây cầu, nơi này có bến tàu
Bateaux Mouches du ngoạn trên sông Seine, là điểm hẹn lúc 8 giờ tối đêm cuối cùng
tua du lịch để đi du thuyền sau đó về luôn nước Đức.
Ga hiện tại là Porte de Clichy nằm trên tuyến đường số 13
trong khi ga Alma Marceau nằm trên tuyến đường số 9, nên chúng tôi đi về hướng Nam và đổi sang
tuyến 9 ở ga Miromesnil.
Trên xe hành khách không đông, chúng tôi có chỗ ngồi và đến
ga Alma Marceau 20 phút sau. Ra chơi nơi đây để nhìn sông Seine, thấy bến tàu
Bateaux Mouches cạnh cây cầu Pont de l’Alma để ngày mốt mình đi du thuyền. Chiều
hôm nay nơi đây rất mát, gió hiu hiu thổi cho vừa lòng em, xem các ông tây bà đầm
ngồi uống cà phê trong các quán. Thấy bảng đề là 10 Euro cho một phần cà phê với
bánh ngọt và ly nước lạnh. Dân Paris thích ra ngồi quán, ngồi hàng giờ tán gẩu
hay lướt mạng, chơi game, nhìn xe cộ, dòng đời xuôi ngược. Họ ăn diện chải chuốt
hơn người Cali ,
người ôm ốm dong dỏng cao, chắc vì đi bộ nhiều. Không thấy phụ nữ có mang vì ngày
nay dân Pháp rất ngại sinh con. Nhiều người trẻ dùng xe đạp, còn người già thấy
đợi xe buýt trong các trạm có mái che và kính chắn gió. Có một bà cụ trên 85 ngồi
đọc sách trong công viên, tôi đến “Bonjour madame” để ngồi băng ké.
Ở bến sông Seine chơi cả giờ
cũng đã mệt nên chúng tôi xuống ga trở về khách sạn định kiếm gì ăn. Đến ga
Miromesnil để đổi sang tuyến đường 13 thì tuyến này lên hướng Bắc lại chia ra 2
đường đi về 2 nơi khác nhau mà tôi không biết dùng tuyến nào cho đúng để về khách
sạn. Đang lớ ngớ đi vào thềm ga thì gặp một anh chàng cũng đang ngồi chờ, anh
ta cho biết thềm ga này đúng hướng đi ngang ga Porte de Clichy vì có bảng đề trạm
cuối là Les Courtilles. Bấy giờ tôi mới hiểu là 2 hướng đi có 2 thềm ga riêng
biệt và tại thềm ga có bảng đề tên trạm ga cuối.
Xe điện tới rất đông người bên trong xe, chờ cho họ ra hết
thì tốp người đứng chờ theo nhau vào xe, anh chàng cũng vào và đứng đối diện với
tôi vì không còn ghế ngồi. Khách trên xe qúa đông đứng ngồi như nêm cối, thấy cũng
bình thường, lại có anh chàng tử tế này đồng hành nên tôi cũng không cảnh giác
gì. Xe chạy rất nhanh với tốc độ hơn 100 cây số giờ những lúc ôm cua tiếng xe kêu
rin rít và đứng như cá mòi hộp nên thân người này nghiêng lên người kia. Tôi cảm
thấy túi sau quần dường như có ai động đậy. Tôi rời một tay khỏi vòng dây bám níu
trên đầu để đưa tay thăm cái bóp sau túi quần thì nó vẫn còn đó. Tôi an tâm xe
chật đụng chạm là bình thường chứ đâu có ngờ đâu ai đó đứng phía sau đã mở nút…túi
quần tôi! Khi xe thắng rít lên ngừng ở trạm, cửa xe mở, hành khách đổ xô ra thì
tôi nghe túi sau động đậy một lần nữa và lần này thăm lại thì túi trống rổng, cái
ví bay mất! Tôi hô lên nhưng một số người đã phóng nhanh khỏi cửa xe, có vài cô
đầm chia sẻ nhưng không biết làm sao hơn. Tôi định chạy theo nhưng nào biết ai
lấy, nên thôi đứng lại trên xe đi tiếp về tới bến. May mắn là sổ thông hành hộ
chiếu (passport) tôi để tủ khóa trong phòng khách sạn (không passport là không
phi trường nào cho lên máy bay, mình phải hủy chuyến bay đến tổng lãnh sự làm
passport khác). Trong ví mất có khoảng 200 Euro, thẻ Visa, thẻ rút tiền ATM bên
Mỹ, bằng lái xe Cali
và thẻ phòng khách sạn.
Về đến khách sạn Holiday Inn nói với nhân viên khách sạn và
họ giúp gọi điện thoại về ngân hàng ở Mỹ để báo mất, ngăn chận có người dùng thẻ
Visa của mình để mua hàng. Điện thoại về Mỹ cũng hơi trở ngại vì đường dây khó
nghe nhưng rốt cục cũng hiểu là ngân hàng tôi sẽ hủy các thẻ mất và họ sẽ thay
thế bằng các thẻ mới, gởi về địa chỉ nhà tôi. Khách sạn làm cho tôi thẻ phòng mới.
Tôi cũng hy vọng mong manh là kẻ gian sẽ trả lại tôi cái ví với các thẻ sau khi
lấy tiền. Có vài trường hợp nó trả lại ở khách sạn (nói là nhặt được ở ngoài đường)
hay là gởi về địa chỉ nhà mình. Nhưng hy vọng chỉ là ảo vọng, tuần sau trở về
Cali thì nhận được các thẻ ngân hàng mới và hẹn trên mạng với sở Lộ Vận DMV làm
bằng lái xe khác, đỡ một cái là DMV gia hạn bằng thêm một năm, lẽ ra hết hạn vào
tháng sau.
Buổi sáng nay tôi còn nhắc nhở những người trong đoàn là coi
chừng móc túi nhưng chiều lại chính mình lại là nạn nhân. Bởi có những lúc thờ ơ
không cảnh giác, chứ trên xe đông người tôi để cái bóp trên túi phía trước bên
trong áo khoát thì khó mà mất được. Một bài học muộn màng! Mùa hè qúy vị có tới
Paris phải luôn cẩn thận cảnh giác bọn móc túi, Paris không an toàn giống như Cali đâu!
Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất
bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Đông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau , Thái Lan.
Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao
cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea ,
CA 92823
(714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com
No comments:
Post a Comment