Pages

Powered By Blogger

Thursday, July 17, 2014

Ký Sự Du Lịch Paris Bài 5
VIẾNG KHU PHỐ LA TINH
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM



Tua du lịch không đón khách từ khách sạn mà hẹn nhau tại một địa điểm mà du khách phải tự túc đi đến. Chương trình viếng Khu La Tinh (Quartier Latin) địa điểm tập trung là ga Métro Hôtel-de-Ville (số 106 trên bản đồ), ga này nằm trên tuyến đường xe điện ngầm số 1 nên từ khách sạn Holiday Inn ở khu Porte de Clichy chúng tôi phải lấy đường 13 đi về hướng Nam, đến ga Champs Élysées Clemenceau đổi sang đường số 1 đi về hướng Đông. Đến ga thứ 6 là ga Hôtel-de-Ville, Hôtel-de-Ville không có nghĩa là khách sạn thành phố mà là Tòa Thị Chính. Hẹn ở bồn phun nước trước Tòa Thị Chính lúc 7 giờ chiều.

Cho chắc ăn chúng tôi đến trước gần nửa tiếng đồng hồ nhưng đã có vài bạn trẻ trong tua còn tới sớm hơn, dân Đức thường tới hẹn rất sớm. Hôtel-de-Ville là một tòa nhà 3 tầng cổ xưa được xây và dùng làm Tòa Thị Chính từ năm 1357. Kiến trúc hiện giờ được xây dựng lại năm 1892 mô phỏng theo kiểu lâu đài Châteaux Loire Valley hao hao giống Tòa Đô Chính Sài Gòn nhưng to lớn đẹp đẽ hơn nhiều. Đếm đủ số người, hướng dẫn viên Mark đưa chúng tôi qua cầu ngang sông Seine về hướng Nam để viếng nhà thờ Đức Bà Notre Dame de Paris.

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS

Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) là kiến trúc cổ uy nghi xây theo kiểu Gothic nằm trên đảo Ile de la Cité của sông Seine thuộc Quận Tư thành phố Paris. Được xây từ năm 1163 trải qua 9 thế kỷ với nhiều biến cố chính trị thăng trầm, trong thời Cách Mạng có lúc trở thành nhà kho, có lúc hư hại xuống cấp dự định sẽ bị phá hủy đi. Năm 1845 nhà thờ được đại trùng tu và công việc kéo dài đến 25 năm. Ngày nay nhà thờ Đức Bà là một trong những danh thắng của kinh đô ánh sáng, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Paris, hàng ngày thu hút rất đông du khách và tín đồ hành hương mỗi khi viếng thăm Paris.

Nhà thờ nằm trên đảo Ile de la Cité một đảo nằm giữa sông Seine ở trung tâm thành phố Paris. Đảo Cité là một trong hai đảo thiên nhiên có vị trí chiến lược an ninh nên ngày xưa từ thế kỷ 1 cho đến thế kỷ 5 người La Mã chọn làm nơi định cư trong khi bộ lạc Parisii thì ở dọc hai bên bờ sông. Thời kỳ này Paris được gọi là Lutetia. Tiền diện nhà thờ Đức Bà uy nghi và cân đối gồm 3 cửa hình vòm cung, thời Trung Cổ để tránh đơn điệu người ta xây 3 cửa kích thước khác nhau, không cái nào giống cái nào. Bên trên là hai lầu chuông tương tự như nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nhưng nhà thờ Sài Gòn trên hai lầu chuông được xây thêm hai tháp nhọn rất cao còn nhà thờ Paris không có hai tháp nhọn này. Trên 3 cửa vào là những phù điêu đấp nổi diễn tả về Đức Bà Maria, Ngày Phán Xét Cuối Cùng và thánh nữ Anne (mẹ của Đức Bà Maria).  Bên trên một hàng tượng người chiếm nguyên bề ngang tiền diện là tượng của 28 vua Juda của Do Thái được nhắc đến trong Thánh Kinh. Cao hơn nơi khung cửa sổ hình hoa hồng (Rose window), tâm tiền diện nhà thờ là tượng Đức Bà Maria là thánh bổn mạng nhà thờ bồng Chúa Jesus và tượng hai thiên thần chầu hai bên. Du khách có thể lên nóc hai tháp chuông nhà thờ để ngắm cảnh Paris phía dưới. Lối lên ở bên hông phía Bắc gần cửa chính vào nhà thờ với cầu thang trôn ốc hơn 400 bậc thang.

Bên trong nhà thờ có kiến trúc hình chữ thập, giữa nơi 2 thanh chữ thập giao nhau là một bàn thánh và phía cuối nhà thờ là một cung thánh khác dùng để cữ hành thánh lễ mỗi ngày. Chỉ nửa nhà thờ phía cuối là có bàn qùy và ghế ngồi, còn xung quanh để trống với 2 hàng cột mỗi bên. Nội cung nhà thờ rộng lớn trông giống nhà thờ Sài Gòn và có thể chứa đến 7 ngàn tín đồ trong những dịp lễ lớn. Mặc dù bao la rộng lớn nhưng ngày xưa người ta thiết kế sao cho âm thanh của linh mục trên tòa giảng có thể vang lớn nghe được hết trong nhà thờ. Khi mới bước vào, mắt chưa điều tiết nên hơi tối vì không thắp đèn sáng mà chỉ lung linh những ngọn nến và tín đồ khá đông mặc dù không có thánh lễ. Họ qùy hay ngồi trên những băng ghế dài đọc kinh, cầu nguyện hay đơn giản chỉ là nghỉ chân ngắm cảnh. Mặc dù là kiến trúc có niên đại gần cả ngàn năm, với nhiều tượng cổ, các ảnh kính màu nghệ thuật, các ngôi mộ, thánh tích như một viện bảo tàng nhưng nhà thờ bao giờ cũng rộng mở không bán vé thu tiền, mọi người không phân biệt tín ngưỡng đều có thể vào chiêm ngưỡng hay ngoạn cảnh. Chúng tôi đi một vòng bên trong nhà thờ, lối đi dẫn đến cả phía sau bàn thánh với nhiều bàn thờ, tưởng niệm nhiều nhân vật trong lịch sử Paris vốn vô số những biến chuyển thăng trầm.

KHU LA TINH VỀ ĐÊM

Rời nhà thờ Đức Bà chúng tôi qua cầu trên sông Seine đi về Nam là đã tới khu La Tinh (Quartier Latin) nằm trên Quận 5 và Quận 6 Paris bên tả ngạn sông Seine. Sở dĩ gọi là khu La Tinh là vì nơi đây tập trung rất nhiều trường đại học nổi tiếng của Pháp như École Normale Supérieure, École des Mines de Paris, École Polytechnique v.v…những trường này thành lập rất lâu đời như trường Sorbone có từ thế kỷ 13 thời Trung Cổ và thuộc những nhà thờ Thiên Chúa Giáo La Mã. Giảng dạy bằng tiếng La Tinh và sinh viên đến từ nhiều nơi nói ngôn ngữ khác nhau nên cũng phải dùng tiếng La Tinh để trao đổi.


Khu La Tinh tập trung giới sinh viên, giáo sư, văn nghệ sĩ và du khách, nổi tiếng với những sinh hoạt về đêm như nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm vũ trường, các rạp chiếu bóng, phòng tranh tượng nghệ thuật và các cửa hàng sách cũ. Quán ăn thấy phần đông bán bánh kẹp Crepes, Pizza và những món mì Ý, thịt nướng Thổ Nhĩ Kỳ, miền Nam Tunisie v.v…Khu này là những con phố nhỏ hẹp lát đá có từ thời xưa chỉ dành cho người đi bộ với hai bên là hàng quán cổ kính, trang trí mỹ thuật lúc nào cũng đông thực khách ngồi đầy. Họ đến đây cốt yếu là giải trí, thư giãn, ngắm người qua lại sau những giờ căng thẳng học hành, làm việc. Người dạo phố cũng biết vậy nên phục sức trang trọng đẹp mắt nhất là phụ nữ diện lên những bộ áo thời trang nhất và Paris cũng là thành phố hàng đầu về thời trang thế giới.

Đầu tiên chúng tôi tới quảng trường St. Michel trong khu này, đây là địa điểm rộng nhất có một phông tên nước đổ từ trên cao xuống. Tập trung rất đông người nghỉ chân trên những băng đá, hôm nay có một ban nhạc đầy đủ trống kèn, phục sức nhiều màu sắc đang chơi những bản nhạc vui tươi nhưng không phải là những bản nhạc nghe quen thuộc từ lâu. Có lẽ họ muốn chơi những bản mới lạ hơn là những bản phổ thông mà ai cũng biết?

Khu La Tinh còn có tên là khu St. Germain des Prés vì có ngôi nhà thờ cổ mang tên thánh St. Germain xây từ 1163 đến nay vẫn còn đứng vững. Nhà thờ St. Sulpice, bên trong có giàn phong cầm nổi tiếng đứng thứ 3 thế giới. Ngang nhà thờ St. Germain là quán cà phê Les Deux Magots tự hào là nhà hàng cà phê mà những văn nhân triết gia như Hemmingway, Jean Paul Satre, Simone de Beauvoir thường đến đóng đô trụ trì. Nổi tếng không kém là quán cà phê Café de Flore ở góc đường Boulevard St. Germain lúc nào cũng đông khách thanh lịch ngồi ngắm người qua lại. Quán này họa sĩ môn phái trừu tượng Picasso thích ngồi hơn là quán Les Deux Magots. Một quán khác mà giới thi họa sĩ thích vào là Café Bonaparte nằm trên con đường nhỏ cùng tên, quán này kín đáo hơn, trước những cặp mắt của thiên hạ nên thuận tiện cho những buổi hẹn hò trao đổi…văn nghệ.

Ở số 13 rue de l’Ancienne Comédie có quán Café Le Procope chủ nhân tự hào là quán cà phê nhà hàng xưa nhất trên nước Pháp thành lập từ 1686. Chẳng những vậy mà những nhân vật nổi tiếng trong đủ mọi ngành nghề đều có đến đây như Voltaire, Danton, Hugo, Balzac, Rousseau, Benjamin Franklin và Thomas Fefferson. Tuy vậy thực đơn của nhà hàng không mắc lắm, với Special Menu giá 45 Euro là du khách có một bữa tối đầy đủ 3 món khai vị, món chính, tráng miệng nhưng chưa có rượu và cà phê. Nhiều du khách khuyên nên tránh các nhà hàng có bảng thực đơn thật lớn nhiều màu sắc, viết bằng tiếng ngoại quốc như tiếng Anh, Ý, Tây Ban Nha và tiếp viên ra đường mời gọi rất niềm nỡ. Thức ăn rất dở, mùi vị lai căng Tàu không ra Tàu, Tây không ra Tây mà giá lại trên trời dưới đất. Họ biết là du khách, ít có dịp nào trở lại lần thứ hai nên sẵn sàng chặt chém!

KHUNG TRỜI ĐẠI HỌC

Nói về các trường đại học nổi tiếng trong khu La Tinh mà ở Việt Nam ngày trước nhiều người biết tiếng. Đầu tiên là trường Sorbonne được thành lập từ năm 1257 bởi ông Robert de Sorbon, là một trường đại học rất nổi tiếng từ thời Trung Cổ. Hệ thống Sorbonne là viện đại học chính thức của Paris. Năm 1793 sau Cách Mạng Pháp trường đóng cửa một thời gian hơn một thế kỷ, đến năm 1896 mới hoạt động trở lại. Năm 1970 trường chia ra 13 trường khác nhau có danh xưng là Đại Học Paris từ trường số 1 đến số 13, một số trường tọa lạc tại Paris, một số khác ở Versailles và ở Créteil. Hiện có 3 trường còn nằm trong khu đại học Sorbonne cổ ở Quartier Latin trên đường St. Michel chung quanh ngôi tháp tròn cổ kính như một đền thờ xây từ thời Trung Cổ ở quảng trường La Sorbonne là đền Panthéon. Ngày xưa trường nổi tiếng về ngành Y Khoa, ngày nay với 13 trường dạy đủ các bộ môn. 

Trường nổi tiếng khác cũng nằm trong khu La Tinh là École Normale Supérieur thường đuợc gọi tắt là trường “Normale” được thành lập năm 1794, là đại học tư không thuộc hệ thống đại học nhà nước. Trường có hai lãnh vực: một là khoa học với các ngành như toán, vật lý, hóa học, vi tính, sinh vật, địa chất và y khoa. Hai là nhân văn có các ngành nhân xã, văn chương, tiếng La Tinh và  Hy Lạp, khảo cổ, triết học, sử ký, địa lý, luật khoa, kinh tế, chính trị, tâm lý. Trường chú trọng đào tạo sinh viên hậu đại học, muốn vào phải qua một kỳ thi tuyển khó khăn về thi viết và vấn đáp. Trong thời gian học rất gian nan, sinh viên không có nhiều thời gian rỗi rảnh, ngày xưa sinh viên phải có người hầu hạ lo việc áo quần cơm nước. Sinh viên tốt nghiệp với các bằng cao học thường làm giáo sư hay các nhà nghiên cứu nên có nhiều người Việt gọi trường là đại học sư phạm.

Đại học thứ ba trong khu La Tinh đào tạo các kỹ sư, các nhà khoa học là trường Bách Khoa Paris (École Polytechnique) được thành lập từ năm 1794 trong thời Cách Mạng Pháp với tên đầu tiên là École Centrale des Travaux Publics (Trường Trung Ương Công Chánh) và năm sau trường đổi tên thành Trường Bách Khoa. Trường được trực tiếp quản lý bởi Bộ Quốc Phòng Pháp. Cho dù ngày nay không còn là một học viện quân sự nhưng các truyền thống quân đội vẫn được tiếp nối. Trước hết đứng đầu trường là một vị tướng và các sinh viên phải trải qua một khóa huấn luyện quân sự trước khi bắt đầu khóa học kỹ sư. Năm 1976 trường được chuyển về Palaiseau cách Paris 25 km để có một khu đất rộng lớn hơn. Muốn được nhận vào học, sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển gian nan với thi viết và vấn đáp. Mỗi năm trường chỉ nhận khoảng 400 sinh viên. Để đạt được kết qủa trong kỳ thi tuyển, thí sinh thường phải mất ít nhất 2 năm học gọi là dự bị. Sinh viên người Pháp được nhận học không phải đóng học phí mà lại còn được lãnh lương hàng tháng như một sĩ quan trừ bị. Trường cũng có những chương trình cao học để lấy bằng Master hay Tiến Sĩ. Sinh viên xuất thân từ trường Bách Khoa rất được trọng dụng và dễ thăng tiến trong nghề nghiệp. Người Việt Nam tốt nghiệp từ trường Bách Khoa Paris có các ông Nguyễn Văn Xuân (khóa 1912), ông Hoàng Xuân Hãn (khóa 1930).

Paris còn những đại học danh tiếng khác như École Centrale Paris tọa lạc ở Châtenay-Malabry ngoại ô phía Nam Paris. Trường Centrale cũng đào tạo kỹ sư các ngành và nhiều người nổi tiếng tốt nghiệp từ trường này trong đó có các ông Gustave Eiffel (1855) thiết kế tháp Eiffel và tượng Nữ Thấn Tự Do ở New York, André Michelin (1877) sáng lập hãng vỏ xe danh tiếng thế giới, Armand Peugeot (1895) cha đẻ thương hiệu xe Peugeot của Pháp. Có rất nhiều người Việt Nam tốt nghiệp từ trường này như kỹ sư Trịnh Ngọc Sanh (cha của phi hành gia NASA Eugène Trinh) thời VNCH từng giữ chức Tổng Thư Ký Bộ Công Chánh, giáo sư Trương Trọng Tường của đại học Cergy phía Bắc Paris, là người sẽ đưa chúng tôi thăm viếng Paris trong ngày tới.

Vườn Luxembourg

Ngày xưa nói đến Paris, phía hữu ngạn sông Seine (phía Bắc) chỉ là hoàng cung dinh thự đền đài cổ kính, phía tả ngạn sông Seine (phía nam) mới là nơi vui nhất vì có làng đại học Quartier Latin, cà phê quán xá thâu đêm, khu Saint Germain tập trung văn nghệ sĩ thi ca xướng họa, vườn Luxembourg nơi hẹn hò của các cặp tình nhân hay sinh viên du học nghèo mà nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã từng viết:

“Ngày em đi
  Nghe chơi vơi não nề
  Qua vườn Luxembourg
  Sương rơi che phố mờ
  Buồn này ai có mua?”
( Mùa Thu Không Trở Lại - Phạm Trọng Cầu)

Quartier Latin là nơi thể hiện phong thái lãng mạn Paris rõ nét nhất. Một nơi du khách không thể nào bỏ qua mỗi khi đến Paris.

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Đông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan.


Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com
Ký Sự Du Lịch Paris bài 4
VIẾNG THÁP EIFFEL VÀ BỊ MÓC TÚI


Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM

Ngày đầu tiên đến Paris bằng tua xe buýt đi từ Đức là dạo một vòng thành phố và kết thúc là viếng tháp Eiffel trong vòng một tiếng đồng hồ. Xe đậu trên đường dọc theo bờ sông Seine ở phía Bắc và chúng tôi băng qua cây cầu để sang phía ngọn tháp. Đây là lần thứ hai tôi đến ngọn tháp nên không nao nức mấy, chứ lần đầu cũng rất ấn tượng ngạc nhiên vì có tới gần mới thấy tháp Eiffel là một khối cấu trúc vĩ đại chằng chịt những thanh sắt to lớn khổng lồ cùng một màu đen xám.


Trưa nay du khách mua vé đã rồng rắn sắp một hàng dài hơn 100 mét, hỏi nhân viên trật tự ở đây ông ta cho biết phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới mua được vé lên tháp. Ông ta nói tốt nhất là mua trước trên mạng, nếu dùng Iphone (mobile) nên vào App Store chuyển tải (download) cái App của Tour Eiffel ở trang mạng www.eiffel-tower.com . Trong App này có đủ tất cả từ giờ mở cửa, giá vé lên tháp, các dịch vụ ăn uống mua sắm, thuyết minh hướng dẫn lên tháp. Nên nạp cái App này trước khi viếng tháp. Không đủ thời giờ và chúng tôi đã lên tầng thứ hai của tháp vào chuyến đi trước 2008 nên chỉ dạo quanh phía dưới ngắm cảnh, nhìn người, xem có gì thay đổi hơn trước không?

Tháp lấy tên của người thiết kế và xây dựng nó là Gustave Eiffel (1832-1923) một kỹ sư  người Pháp chuyên môn trong ngành cấu trúc bằng kim loại (metallic structures), ông có xây dựng nhiều công trình như cấu trúc bên trong tượng Nữ Thần Tự Do ở New York, kinh đào Panama và nhiều cây cầu trên thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam hai cây cầu danh tiếng đều do ông xây là cầu Long Biên (1903) ở Hà Nội và cầu Tràng Tiền ở Huế. Tháp Eiffel cao 300 m, nếu tính luôn cây antenna (24 m) cao tổng cộng là 324 m (1,063 ft) là kiến trúc cao nhất thế giới vào thời ấy. Đến năm 1930 tòa nhà Chrysler ở New York hoàn thành với chiều cao 319 m, tháp Eiffel mới mất đi danh hiệu cao nhất thế giới. Hiện tháp Eiffel là kiến trúc cao nhất ở Paris, bằng chiều cao của một tòa nhà 81 tầng. Tính đến 2006 có hơn 200 triệu người đã lên viếng nó, nội trong năm 2006 có 6,719,200 du khách, là một thắng cảnh phải trả tiền được nhiều người xem nhất trên thế giới.

Tháp Eiffel được xây dựng từ năm 1887 đến 1889 hoàn thành, là cửa chính để vào khu Hội Chợ Thế Giới tổ chức tại công viên Champ de Mars năm 1889 để chào mừng 100 năm Cách Mạng Pháp. Khởi thủy tháp Eiffel định xây tại Barcelone là thành phố lớn thứ nhì ở Tây Ban Nha (Spain) bên bờ Địa Trung Hải cho Hội Chợ Thế Giới 1888 nhưng thành phố này không đủ chỗ và đủ tiền cho một công trình đồ sộ như vậy nên ông Eiffel dùng đồ án này dự tranh thiết kế cho Hội Chợ Thế Giới Paris 1889 và đã trúng giải. Tháp được khánh thành ngày 31-3-1889 và mở cửa ngày 6-5 cùng năm. Có 300 nhân công từ kỹ sư cho đến lao động đã tham gia xây dựng cùng nhau lấp ráp 18,038 thanh sắt bằng 2.5 triệu con đinh tán (rivets, đinh tán thì đóng chết khi ghép 2 thanh sắt trong khi đinh ốc xiết dính bằng răng), cấu trúc tháp được tính toán thiết kế bởi Maurice Koechlin. Tháp hoàn thành trong điều kiện an toàn thật hoàn hảo, với dụng cụ thô sơ thời ấy chỉ có một nhân công thiệt mạng mà thôi. Tổng cộng các khối sắt của tháp nặng 7,300 tấn, nếu tính luôn toàn thể vật liệu không phải bằng sắt tháp nặng 10,000 tấn.

Tầng thứ nhất và thứ hai (cao 115 m) của tháp rộng lớn có các cửa hàng bán buôn trên đó và có thể lên bằng thang bộ hay thang máy. Tầng cao nhất (276 m) phải lên bằng thang máy từ tầng thứ hai. Tháp mở cửa cho du khách lên xem mỗi ngày từ 9 giờ 30 sáng đến 11 giờ 45 khuya, mùa Hè từ 9 giờ sáng đến 0 giờ 45 khuya. Giá vé hiện nay vì không lên xem nên tôi không được biết nhưng chuyến trước 2008 vé cho người lớn là 4.80 Euro (tầng 1), 7.80 Euro (tầng 2) và 12 Euro (tầng 3) đi bằng thang máy. Trẻ con (3 đến 11 tuổi) là 2.50, 4.30 và 6.70 Euro, dưới 3 tuổi miễn phí. Nếu đi từng nhóm trên 20 người mua vé trước là 4.00, 6.70 và 10.50 Euro. Đi bằng thang bộ lên tầng 1 và tầng 2 trên 25 tuổi là 4.00 Euro, dưới 25 tuổi là 3.10 Euro.

Tháp Eiffel là tài sản của thành phố Paris, hiện bảo trì và điều hành do công ty SETE (Société d’Eploitation de la Tour Eiffel) từ năm 2005 theo hợp đồng thời hạn 10 năm. Thành phố Paris có 59.9% cổ phần trong công ty này. Tổng số nhân viên điều hành tháp hiện nay là 500 người, trong đó phân nửa là nhân viên công ty SETE, số còn lại là nhân viên các cửa hàng dịch vụ (bán qùa kỷ niệm, nhà hàng ăn uống, cho thuê viễn kính, máy rút tiền ATM) và công chức như cảnh sát, cứu hỏa, bưu điện, khí tượng…Để chống rỉ sét và khói ô nhiễm, tháp phải được bảo trì liên tục và các thanh sắt 7 năm sơn lại một lần tốn 50 đến 60 tấn sơn. Để nhìn cho đẹp mắt từ phía dưới, có 3 màu sơn được dùng cho 3 phần của tháp, đậm nhất từ phía dưới và nhạt dần phía trên. Màu sơn tháp là màu xám nâu (brownish-grey). Tháng 3-2009 đã sơn tháp lần thứ 19 và công việc kéo dài 18 tháng.

Tháp Eiffel là một kỳ quan thế giới tiêu biểu cho một công trình hoành tráng vững chắc vừa mang nét đẹp hài hòa. Nhưng thế nhân cũng có người yêu kẻ ghét, khi tháp Eiffel vừa xây xong gặp sự chống đối của một số quần chúng, người ta cho rằng trong thành phố Paris thanh lịch bị một khối sắt đen đúa như một con quái vật ngự trị, thật là xốn xang ngứa mắt. Nhiều tờ báo hàng ngày đăng tải những lá thư nổi giận từ giới văn nghệ sĩ Paris và cả những nhà kiến trúc, thiết kế các công trình công cộng (công chánh) như trong tờ Công Báo năm 1892 nhận định về Hội Chợ Thế Giới Paris 1889 đã phê bình chỉ trích về tháp Eiffel như sau: “Và suốt 20 năm chúng ta sẽ phải chứng kiến một khối đen dơ dáy với hình dáng kinh tởm của những trụ đà xây bằng những tấm sắt đinh tán, bóng của nó trải rộng khắp thành phố”. Bức thư được ký bởi những nhân vật  nổi tiếng như Messonier, Gounod, Garnier, Gerome, Bougeureau và Dumas. Tiểu thuyết gia Guy de Maupassant, người tỏ thái độ rất ghét ngọn tháp, nói rằng nên đến ăn nhà hàng trên tháp Eiffel mỗi ngày. Người ta hỏi tại sao, ông cho biết “Ở Paris chỉ có nơi đó người ta không nhìn thấy được cái kiến trúc đó!”

Paris thời ấy để giữ cảnh quan chỉ được xây những tòa nhà không qúa 7 tầng cho nên tháp Eiffel chỉ được giấy phép cho tồn tại 20 năm. Có nghĩa là sau thời hạn đó tháp phải được tháo gỡ ra vào năm 1909, chủ nhân nó phải chuyển nó ra khỏi Paris, cho nên tháp đã được thiết kế tháo ra được dễ dàng. Nhưng qua thời gian 20 năm, thấy tháp hàng ngày người ta quen dần nên trở nên một hình ảnh thân thương, tháp chứng tỏ được giá trị của nó về nghệ thuật cũng như ích lợi vì quân đội dùng nó cho truyền tin cũng như theo dõi chiến trường trong trận chiến Marne trong Đệ Nhất Thế Chiến (tháng 9, 1914) nên Pháp thắng trận vinh quang.

Trưa đã đói nên chúng tôi đến quán cạnh chân tháp Bắc và Đông, có hai quán bán thức ăn đề bảng là “Buffet” nhưng không có nghĩa là nhà hàng ăn bao bụng như ở Mỹ mà là quán bán thức ăn nhẹ như Sandwich, Pizza và Hot Dog. Mỗi món vừa kể thêm ly nước ngọt Soda có giá là 7.50 Euro, giá kể cũng nhẹ nhàng cho những người đang đói bụng. Trên lầu một có nhà hàng “58 Tour Eiffel” thực đơn trưa cũng rất đắt tiền giá từ 45 cho đến 125 Euro cho mỗi người chưa tính rượu. Trên tầng cao chót hết (276 mét) không có nhà hàng mà có những căn phòng như bảo tàng trưng bày hình bằng sáp của kỹ sư Gustave Eiffel và những cộng sự viên đang làm việc trong phòng đồ án. Bên ngoài là những khung cửa sổ ngắm cảnh trên cao một vòng 360 độ rất nín thở, phía dưới có khung ảnh chiếu sáng bằng đèn chú thích những kiến trúc danh thắng nổi tiếng phía dưới của thành phố Paris.

ĐI VỀ KHÁCH SẠN HOLIDAY INN


City Tour dạo một vòng danh thắng thành phố Paris kết thúc sau khi viếng tháp Eiffel và xe buýt đưa đoàn chúng tôi gồm 39 người đủ mọi quốc tịch về 3 khách sạn khác nhau. Tour xe buýt Đức này giá rẻ nên chọn khách sạn nào trống là cho người vào, tuy nhiên khách sạn nào cũng khá tiện nghi chắc phải 3 sao trở lên. Mỗi cuộc đi thăm các thắng cảnh, hãng Tour hẹn nhau tại một điểm thường là trước nhà ga xe điện ngầm, họ chỉ chờ 5 đến 10 phút rồi đưa đi. Do đó mình phải thông thạo cách dùng các tuyến đường xe điện ngầm để đến địa điểm cho đúng giờ.

Hai chúng tôi và vài người nữa trong đoàn được đưa về khách sạn Mỹ Holiday Inn ở số 2 Rue du 8 Mai 1945, 92110 ParisClichy gần ga Métro Porte de Clichy trên tuyến đường số 13. Chàng hướng dẫn viên Mark đánh dấu trên bản đồ cho thấy khách sạn nằm ở phía Bắc trung tâm thành phố gần xa lộ vòng đai và cạnh một khu nghĩa địa. Nghĩa địa Tây cũng khác với nghĩa địa Cali, nghĩa địa Cali thường là bãi cỏ xanh trên đồi, các bia mộ nằm bằng mặt đất để dễ cắt cỏ bảo trì bằng xe. Vào nghĩa địa như đi chơi công viên hay sân golf, không thấy những nấm mồ đen xám lạnh lẽo nên không có cảm giác sờ sợ. Trong khi các nghĩa địa Paris vào xem cũng khá lạ mắt với các ngôi mộ xây cầu kỳ nằm khít nhau, các nhà mồ bằng đá cẩm thạch được trang trí bằng các hình tượng thiên thần mỹ thuật. Có nhiều ngôi mộ to lớn như ngôi nhà nguyện và cổ xưa cả trăm năm.

Trở về với khách sạn Holiday Inn là hệ thống khách sạn Mỹ nên nhân viên thành thạo tiếng Mỹ, dể dàng cho mình khi hỏi han trao đổi, nhất là ăn sáng thức ăn Mỹ quen thuộc như bánh donut, cereal, oatmeal đều có hết. Tôi thích nhà hàng điểm tâm ăn sáng của khách sạn này, có đủ thứ hết như trứng chiên, thịt ba rọi, thịt dồi, xúc xích, xà lách, trái cây v.v…Sáng trước khi lên đường, trang bị đầy bụng là cả ngày khỏi lo đói và cũng nhắc lại là ăn uống ngoài đường ở Paris rất mắc mỏ hơn 3, 4 lần Bolsa “đế quốc” Mỹ lưu đày.

Sau khi lấy phòng, tắm táp cho sạch bụi đường và lên nệm mới tinh trắng phao làm một giấc vì đêm qua đường trường xa 700 cây số từ Đức qua chỉ chập chờn cơn tỉnh cơn mê (bừng con mắt dậy thấy mình trắng tay). Chỉ cần ngủ một tiếng là khỏe, chúng tôi mới bàn với nhau là thử đi xe điện ngầm Métro cho quen vì 5 năm rồi chưa đi. Chúng tôi đi bộ băng dưới cầu xa lộ ra ga Porte de Clichy ở hướng Nam cách khách sạn vài trăm mét. Sau khi xuống nhà ga thấy việc mua vé bằng tiền mặt cũng hơi khó vì có nhiều máy bán vé nhưng toàn là nhận thẻ ngân hàng, không biết mua bằng tiền mặt cách nào? Hỏi vài người nhưng họ không biết tiếng Mỹ, đến khi gặp một ông cà vạt áo vét có vẻ trí thức, ông này rất tử tế dẫn đến một cái máy có in hình tờ giấy bạc. Gần hết ngày nên không cần mua vé nguyên ngày mà chỉ mua 4 vé một chuyến đi với giá tối thiểu, tôi nhớ khoảng trên 1 Euro gì đó mỗi vé. Ông này còn chỉ tấm bảng để đến thềm ga đi Alma Marceau mà tôi muốn đến. Alma Marceau nằm cạnh sông Seine cách tháp Eiffel 2 cây cầu, nơi này có bến tàu Bateaux Mouches du ngoạn trên sông Seine, là điểm hẹn lúc 8 giờ tối đêm cuối cùng tua du lịch để đi du thuyền sau đó về luôn nước Đức.

Ga hiện tại là Porte de Clichy nằm trên tuyến đường số 13 trong khi ga Alma Marceau nằm trên tuyến đường số 9, nên chúng tôi đi về hướng Nam và đổi sang tuyến 9 ở ga Miromesnil.

Trên xe hành khách không đông, chúng tôi có chỗ ngồi và đến ga Alma Marceau 20 phút sau. Ra chơi nơi đây để nhìn sông Seine, thấy bến tàu Bateaux Mouches cạnh cây cầu Pont de l’Alma để ngày mốt mình đi du thuyền. Chiều hôm nay nơi đây rất mát, gió hiu hiu thổi cho vừa lòng em, xem các ông tây bà đầm ngồi uống cà phê trong các quán. Thấy bảng đề là 10 Euro cho một phần cà phê với bánh ngọt và ly nước lạnh. Dân Paris thích ra ngồi quán, ngồi hàng giờ tán gẩu hay lướt mạng, chơi game, nhìn xe cộ, dòng đời xuôi ngược. Họ ăn diện chải chuốt hơn người Cali, người ôm ốm dong dỏng cao, chắc vì đi bộ nhiều. Không thấy phụ nữ có mang vì ngày nay dân Pháp rất ngại sinh con. Nhiều người trẻ dùng xe đạp, còn người già thấy đợi xe buýt trong các trạm có mái che và kính chắn gió. Có một bà cụ trên 85 ngồi đọc sách trong công viên, tôi đến “Bonjour madame” để ngồi băng ké.

Ở bến sông Seine chơi cả giờ cũng đã mệt nên chúng tôi xuống ga trở về khách sạn định kiếm gì ăn. Đến ga Miromesnil để đổi sang tuyến đường 13 thì tuyến này lên hướng Bắc lại chia ra 2 đường đi về 2 nơi khác nhau mà tôi không biết dùng tuyến nào cho đúng để về khách sạn. Đang lớ ngớ đi vào thềm ga thì gặp một anh chàng cũng đang ngồi chờ, anh ta cho biết thềm ga này đúng hướng đi ngang ga Porte de Clichy vì có bảng đề trạm cuối là Les Courtilles. Bấy giờ tôi mới hiểu là 2 hướng đi có 2 thềm ga riêng biệt và tại thềm ga có bảng đề tên trạm ga cuối.

Xe điện tới rất đông người bên trong xe, chờ cho họ ra hết thì tốp người đứng chờ theo nhau vào xe, anh chàng cũng vào và đứng đối diện với tôi vì không còn ghế ngồi. Khách trên xe qúa đông đứng ngồi như nêm cối, thấy cũng bình thường, lại có anh chàng tử tế này đồng hành nên tôi cũng không cảnh giác gì. Xe chạy rất nhanh với tốc độ hơn 100 cây số giờ những lúc ôm cua tiếng xe kêu rin rít và đứng như cá mòi hộp nên thân người này nghiêng lên người kia. Tôi cảm thấy túi sau quần dường như có ai động đậy. Tôi rời một tay khỏi vòng dây bám níu trên đầu để đưa tay thăm cái bóp sau túi quần thì nó vẫn còn đó. Tôi an tâm xe chật đụng chạm là bình thường chứ đâu có ngờ đâu ai đó đứng phía sau đã mở nút…túi quần tôi! Khi xe thắng rít lên ngừng ở trạm, cửa xe mở, hành khách đổ xô ra thì tôi nghe túi sau động đậy một lần nữa và lần này thăm lại thì túi trống rổng, cái ví bay mất! Tôi hô lên nhưng một số người đã phóng nhanh khỏi cửa xe, có vài cô đầm chia sẻ nhưng không biết làm sao hơn. Tôi định chạy theo nhưng nào biết ai lấy, nên thôi đứng lại trên xe đi tiếp về tới bến. May mắn là sổ thông hành hộ chiếu (passport) tôi để tủ khóa trong phòng khách sạn (không passport là không phi trường nào cho lên máy bay, mình phải hủy chuyến bay đến tổng lãnh sự làm passport khác). Trong ví mất có khoảng 200 Euro, thẻ Visa, thẻ rút tiền ATM bên Mỹ, bằng lái xe Cali và thẻ phòng khách sạn.

Về đến khách sạn Holiday Inn nói với nhân viên khách sạn và họ giúp gọi điện thoại về ngân hàng ở Mỹ để báo mất, ngăn chận có người dùng thẻ Visa của mình để mua hàng. Điện thoại về Mỹ cũng hơi trở ngại vì đường dây khó nghe nhưng rốt cục cũng hiểu là ngân hàng tôi sẽ hủy các thẻ mất và họ sẽ thay thế bằng các thẻ mới, gởi về địa chỉ nhà tôi. Khách sạn làm cho tôi thẻ phòng mới. Tôi cũng hy vọng mong manh là kẻ gian sẽ trả lại tôi cái ví với các thẻ sau khi lấy tiền. Có vài trường hợp nó trả lại ở khách sạn (nói là nhặt được ở ngoài đường) hay là gởi về địa chỉ nhà mình. Nhưng hy vọng chỉ là ảo vọng, tuần sau trở về Cali thì nhận được các thẻ ngân hàng mới và hẹn trên mạng với sở Lộ Vận DMV làm bằng lái xe khác, đỡ một cái là DMV gia hạn bằng thêm một năm, lẽ ra hết hạn vào tháng sau.

Buổi sáng nay tôi còn nhắc nhở những người trong đoàn là coi chừng móc túi nhưng chiều lại chính mình lại là nạn nhân. Bởi có những lúc thờ ơ không cảnh giác, chứ trên xe đông người tôi để cái bóp trên túi phía trước bên trong áo khoát thì khó mà mất được. Một bài học muộn màng! Mùa hè qúy vị có tới Paris phải luôn cẩn thận cảnh giác bọn móc túi, Paris không an toàn giống như Cali đâu!

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Đông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan.

Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com
Ký Sự Du Lịch Paris Bài 3
TỪ CÔNG TRƯỜNG CONCORDE ĐẾN KHẢI HOÀN MÔN
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM


Trên xe buýt từ Đức sang, buổi sáng sớm đã đi xem nhà thờ Thánh Tâm trên đồi Montmartre, quảng trường La Bastille với kinh đào Saint Martin được đào do lệnh của Napoléon để lấy nước cho thành phố. Sau đó hướng dẫn viên Mark cho xe chạy ngang qua nhà ga Lyon kế đến qua cầu bắc ngang sông Seine rồi chạy dọc theo bờ sông trong khu Saint Germain. Nơi đây nhìn thấy nhà thờ Đức Bà Notre Dame de Paris mà tôi sẽ đề cập đến trong tua du ngoạn đi bộ tối nay.

CÔNG TRƯỜNG CONCORDE

Xe tiếp tục chạy dọc theo sông Seine và qua cầu để tới công trường Concorde (Place de la Concorde). Công trường rộng lớn hình chữ nhật, giữa có ngọn tháp đá của Ai Cập gọi là tháp Obelisk và hai phông tên phun nước nằm bên cạnh. Xe cộ lưu thông vòng quanh khu đất lát đá rộng lớn đặt 3 vật thể này. Buổi trưa công trường vắng xe cộ nhưng cũng có vài chiếc xe buýt chở du khách đã có mặt tại đây. Phía Nam công trường là dòng sông Seine với một cây cầu rộng bắc ngang, phía Đông là vườn hoa Tuileries với rừng cây mùa Xuân đang trổ lộc xanh tươi thấp thoáng nhiều tượng đá cổ. Phía Tây công trường bắt đầu đại lộ Champs Élysées rộng lớn với hai hàng cây xanh dẫn đến cổng đài kỷ niệm Khải Hoàn Môn. Phía Bắc công trường là 2 tòa nhà xưa bằng đá như một kiến trúc song đôi, tòa nhà bên trái là khách sạn Crillon và tòa đại sứ Hoa Kỳ nằm phía sau đó. Tòa nhà đá bên trái là Bộ Hải Quân Pháp.


Công trường Concorde được thiết kế bởi Ange-Jacques Gabriel và được xây dựng năm 1755 trên nơi ngày xưa là một hồ nước hình bát giác. Công trường khởi đầu có tên là Place Louis XV nhằm vinh danh nhà vua đang cai trị. Trong Cách Mạng Pháp 1789 tượng nhà vua bị giật xuống và công trường được đổi tên thành công trường Cách Mạng (Place de la Révolution) và trở thành pháp trường chém đầu rất nhiều người quyền thế thời ấy. Máy chém được đặt giữa công trường và nhân vật cao nhất bị tử hình là vua Louis XVI vào ngày 21-1-1793 trước sự chứng kiến reo hò của dân chúng. Kế đến chịu xử trảm là hoàng hậu Marie Antoinette và nhiều nhân vật khác nữa, trong vòng một tháng vào mùa Hè 1794 đã có tới 1,300 người bị chém đầu tại công trường này. Một năm sau khí thế cách mạng tan dần, máy chém được mang ra khỏi công trường. Để hòa giải dân tộc công trường được đổi tên thành công trường Concorde (Hoà Hảo) vào năm 1795. Trong thế kỷ 19 công trường đã đổi tên nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn giữ tên Concorde.

Ngọn tháp Obelisk bằng đá hoa cương đỏ cao 23 mét (75 ft) ở giữa công trường có niên đại 3,300 năm được phó vương Ai Cập tên Mehemet Ali tặng cho nước Pháp năm 1831. Ngọn tháp nguyên thủy được đặt trước cổng vào đền Luxor ở Ai Cập được dùng như đồng hồ do bóng cây tháp in xuống mặt đất khi mặt trời di chuyển. Phó vương Ai Cập tặng Pháp 2 cây tháp nhưng vì qúa nặng nên chỉ chở về Pháp được một, đến Paris vào cuối năm 1833, 3 năm sau vua Louis Philippe cho đặt giữa công trường Concorde ngay nơi thời cách mạng đặt cỗ máy chém và người ta xây thêm 2 bồn phun nước ở hướng Bắc và Nam cạnh cây tháp đá. Tháp còn lại ở Ai Cập vào thập niên 1990 Tổng Thống Francois Mitterand tặng trở lại cho nước Ai Cập. Năm 1998 Pháp cho gắn một cái nón hình kim tự tháp bằng vàng lá trên chóp ngọn tháp vì phần chóp này bị mất đâu vào thế kỷ thứ 6 trước Thiên Chúa. Rạng sáng ngày 1-12-1993 tổ chức chống bịnh Aids đã thực hiện một hành động bất ngờ là bao ngọn tháp bằng một bao cao su ngừa bịnh (condom) màu hồng to lớn.

Ngay phía Bắc quảng trường trên đường Royale chúng ta sẽ gặp ngôi đền thờ với kìến trúc đá đen cổ kính như đền thờ Hy Lạp hoàn tất 1808. Napoléon dùng đền thờ để vinh danh quân đội Pháp của ông nhưng sau khi ông thất trận, đền thờ trở thành nhà thờ Thánh Marie Madeleine thuộc giáo hội Công giáo.

ĐẠI LỘ CHAMPS ÉLYSÉES

Công trường Concorde là đầu phía Đông của đại lộ Champs Élysées (Avenue des Champs-Élysées) nên rời công trường là xe chúng tôi đi vào đại lộ Champs Élysées. Dọc theo đại lộ Champs Élysées là khu thương mại giải trí sang trọng và danh tiếng nhất Paris với những rạp chiếu bóng, quán cà phê, những cửa hàng thời trang nổi tiếng cũng là nơi mà giá bất động sản rất đắt có thể giá thuê lên đến 1.5 triệu USD một năm cho một cửa hàng rộng 1,000 feet vuông (92.9 mét vuông). Đại lộ nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam dài 2 km (1.25 mile) nằm trong địa phận Quận 8, đầu phía Đông như chúng ta đã biết là Công trường Concorde và đầu phía Tây là Công trường Charles De Gaulle (trước kia là Place de l’Étoile) có Khải Hoàn Môn là một kiến trúc to lớn đồ sộ.

Về lịch sử Champs Élysées có nghĩa là “cánh đồng ruộng Élysan” một địa danh trong truyền thuyết Hy Lạp, sở dĩ có tên đó vùng đại lộ này cho tới Khải Hoàn Môn thời xưa kia là những ruộng rẫy trồng hoa mầu và những chợ rau cải ngoại ô thành phố. Năm 1616 hoàng hậu Marie de Medici (công chúa nước Florence) vợ thứ hai của vua Pháp Henry IV cho xây đại lộ hai bên trồng cây nối từ điện Tuileries đi về hướng Tây là phần đầu của đại lộ Champs Élysées sau này. Điện Tuileries xưa kia nằm trên vườn Tuileries hiện nay, bị phá hủy năm 1871 trong phong trào Paris Commune nổi dậy sau chiến tranh với Prussian (Đức). Năm 1724 người ta nối dài đại lộ tới công trường Place de l’Étoile và xây vuờn hoa Tuileries trên nền cũ của điện Tuileries. Cuối những năm 1700 Champs Élysées trở thành con đường buôn bán quần áo thời trang, những tòa nhà đồ sộ bên trong là những thương xá sang trọng dành cho giới thượng lưu trong đó lộng lẫy nhất là cửa hàng Élysées Palace. Ngày nay khi chúng tôi ngang qua đây đại lộ rộng lớn có 10 làn xe với hai hàng cây cao bên trong là lối đi cho bộ hành rộng không thua con đường lớn bên ngoài. Cuối đại lộ là Khải Hoàn Môn vươn cao một cách lẫm liệt uy nghi. Đại lộ thênh thang hoành tráng nên những cuộc diễn hành trong ngày Quốc Khánh Pháp (14 tháng 7) hàng năm diễn ra trên con đường này. Đại lộ từng chứng kiến những biến cố lịch sử đen tối cũng như vinh quang của nước Pháp như cuộc diễn binh của quân Phát Xít Đức khi kéo vào chiếm đóng Paris ngày 14-6-1940 và cuộc diễn hành của tướng Charles De Gaulle dẫn đầu đoàn quân Đồng Minh giải phóng Paris ngày 25-8-1944.

KHẢI HOÀN MÔN

Cuối đại lộ Champs Élysées ở hướng Tây sừng sững một kiến trúc to lớn uy nghiêm, đó là Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) do hoàng đế Napoléon cho xây dựng vào năm 1806 sau khi chiến thắng trận Austerlitz với nước Anh và liên minh do Anh thành lập. Giai đoạn này uy thế của Napoléon rạng ngời sau những chiến thắng lừng lẫy với Áo ở Ý Đại Lợi (trận Marengo 1800), 1806 thừa thắng xông lên ông chiếm luôn kinh đô Vienna của đế chế Áo Hung rất hùng mạnh thời bấy giờ, khiến Áo phải gả công chúa Marie Louise cho Napoléon để cầu hòa. Nước Pháp thời bấy giờ làm bá chủ một vùng Tây Âu rộng lớn, cô lập phong tỏa nhiều đường hàng hải khiến các nước Anh, Áo, Đức, Nga nuốt hận chờ cơ hội phục thù.


Khải Hoàn Môn là đài kỷ niệm nổi tiếng nhất Paris được làm bằng đá hoa cương trắng trên một trục đại lộ rộng lớn hoành tráng nhất ở Paris. Nó nằm ở tâm điểm của công trường Charles De Gaulle nơi hội tụ 12 đại lộ tỏa ra mọi phương huớng như vầng thái dương trên cờ Nhật Bản trước Đệ Nhị Thế Chiến. Khải Hoàn Môn là đài ăn mừng chiến thắng nhằm vinh danh những chiến sĩ chiến đấu cho nước Pháp, đặc biệt là những cuộc chiến dưới thời Napoléon. Khải Hoàn Môn  được lấy theo kiểu Đài Titus của La Mã do ông Jean Chalgrin thiết kế và phụ trách xây dựng. Công tác xây dựng tiến hành rất chậm chạp ngay trên vị trí trước đây đã có một đài kỷ niệm hình con voi lớn. Nội việc đúc nền móng mất đến 2 năm, năm 1810 khi Napoléon kéo quân về Paris từ chiến trường phía Tây với công chúa Áo Marie Louise bên cạnh duyệt qua Khải Hoàn Môn lúc ấy vẫn chưa xong, chằng chịt những giàn giá bằng gỗ. Năm 1811 kiến trúc sư Jean Chalgrin lại qua đời giao công trình dang dở cho Jean Nicolas Huyot. Công tác lại đình hoản sau khi Napoléon thất trận Waterloo vào tháng 6 năm 1815 trước liên quân Anh, Đức, Hoà Lan và bị đày ra đảo St. Helena. Tại đây ông đã sống những chuỗi ngày còn lại cho đến ngày 5-5-1821 vị hoàng đế từng đưa nước Pháp lên tột đỉnh vinh quang qua đời. Năm 1840 thi hài ông được vua nước Pháp Louis Philippe cho đem về Paris và duyệt qua Khải Hoàn Môn do ông ra lịnh xây dựng ngày trước. Lúc ấy Khải Hoàn Môn đã hoàn thành đứng giữa trời Paris sừng sững uy nghi hoành tráng, có lẽ nằm trong quan tài ông đã ngậm cười nơi chín suối. Rồi thi hài ông được đem về đền liệt sĩ Les Invalides để an nghỉ nghìn thu bên cạnh những chiến hữu của ông và những vị tướng anh hùng dân tộc cũng như một số người trong gia tộc như người anh là Joseph Bonaparte, em là Jérôme Bonaparte và con ông là Napoléon II.

Hôm nay dừng buớc đến đây, đứng trước ngọn lửa thiêng bùng cháy nơi mộ của chiến sĩ vô danh trong trận Đệ Nhất Thế Chiến lúc nào cũng có những lẵng hoa tươi bên cạnh. Dù không cùng giống nòi tôi thành kính khâm phục con người của Napoléon đã tận hiến cuộc đời cho đất nước, một tướng quân anh hùng trên chiến trường cũng như hào hoa trên tình trường. Mộ chiến sĩ vô danh này nằm ở giữa trong Khải Hoàn Môn là thi hài của một người lính vô danh định đem về chôn cất trong đền chiến sĩ Panthéon nhưng dư luận qua nhiều lá thư muốn chôn ông ta dưới Khải Hoàn Môn và cuối cùng ngày 28-1-1921 ông được chôn tại đây. Trên mộ là hàng chữ : “ICI REPOSE UN SOLDAT FRANCAIS MORT POUR LA PATRIE 1914-1918” (Nơi đây an nghỉ một người lính Pháp đã chết cho đất nước 1914-1918). Muốn vào Khải Hoàn Môn chúng tôi phải đi dưới đường hầm băng qua công trường dầy đặc xe cộ lưu thông vòng tròn quanh Khải Hoàn Môn. Muốn lên trên nóc kiến trúc này có thang máy hay đi thang bộ phải leo 284 bậc lên đến tầng vọng cảnh. Nơi đây sẽ thấy 12 đại lộ đồng tâm tụ họp dưới chân đài và kinh thành Paris tráng lệ chạy xa tít tận chân trời. Khải Hoàn Môn cao 49.5 mét (162 ft), ngang 45 mét (150 ft) và rộng 22 mét (72 ft). Bốn chân trụ bên ngoài là những tác phẩm điêu khắc hình nhiều người của các điêu khắc gia Jean Pierre Cortot (tác phẩm The Triumph of 1810), Antoine Étex (hai tác phẩm Resistance và Peace) và Francois Rude (La Marseillaise).

Khải Hoàn Môn đã từng chứng kiến những biến cố lịch sử nước Pháp vinh quang cũng như đau buồn trong đó có quân Đức năm 1871 (rút khỏi Paris sau cuộc chiến Prussian), quân Pháp thắng trận Đệ Nhất Thế Chiến năm 1918, quân Đức vào chiếm Paris năm 1940 và quân Pháp cùng Đồng Minh giải phóng Paris năm 1944. Charles De Gaulle đã từng thoát chết trong cuộc ám sát tại đây trong một cuộc duyệt binh.

Khải Hoàn Môn ngày nay là một trong những hình ảnh quen thuộc tượng trưng cho Paris, ngày đêm tấp nập du khách, trong những dịp lễ lớn đều tổ chức hoặc diễn hành ngang qua đây như ngày Quốc Khánh hàng năm. Ban đêm suốt đại lộ Champs Élysées giăng đèn rực rỡ và Khải Hoàn Môn được chiếu sáng rất đẹp. Tuy xây dựng bằng đá trắng không cần sơn phết nhưng vì ô nhiễm do xe cộ, Khải Hoàn Môn lâu ngày ám khói trở thành đen đúa nên được tẩy trắng vào năm 1965-66 và mới đây năm 2010. Hôm nay không biết dịp lễ gì mà một lá cờ Pháp ba màu to lớn được treo bên dưới Khải Hoàn Môn.

TRỊNH HẢO TÂM

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Đông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan.

Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com
Ký Sự Du Lịch Paris Bài 2
MỘT VÒNG KINH ĐÔ ÁNH SÁNG PARIS
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM



Trên đường từ Đức sang Paris, sau khi dừng chân để ăn sáng ở bên ngoài thành phố Reims chúng tôi lên xe Tour Bus để tiến về Paris. Hướng dẫn viên du lịch Mark cho biết sẽ tới Paris khoảng 8 giờ sáng, chương trình sáng nay sẽ thăm viếng nhà thờ Montmartre. Sau đó sẽ là City Tour nghĩa là ngồi xe buýt xe sẽ chạy một vòng thành phố qua những danh thắng, những kiến trúc landmark nổi tiếng và có thuyết minh giải thích. City Tour có giá 15 Euro. Nếu ai không muốn đi City Tour mà đi chơi tự do thì hẹn sẽ gặp ở điểm hẹn (meeting point) là ga Métro Porte Maillot (ga số 218 theo bản đồ) lúc 1 giờ trưa để đưa về khách sạn.

Chương trình buổi chiều đi bộ ở Khu Latin (Quartier Latin) là khu nổi tiếng với những quán cà phê nghệ sĩ gần các trường Đại học rồi đi xuyên qua trung tâm Paris với nhà thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris). Tour này không tính tiền và hẹn nhau lúc 7 giờ chiều ở ga Métro Hôtel-de-Ville tức Tòa Thị Chính (ga số 106). 

Sau đó Mark phát mỗi người một tờ chương trình cho nguyên cả Tour 3 ngày là hôm nay Thứ Năm 6 tháng 6, 2013 và Thứ Sáu, Thứ Bảy cùng với bản đồ Paris trong đó có bản đồ hệ thống xe điện ngầm Métro. Bây giờ tôi mới vỡ lẽ ra là Mango Tours không đón mình ở khách sạn mà mỗi chuyến đi chơi thăm viếng hẹn nhau tại một nhà ga Métro. Mình từ khách sạn phải tự động đến điểm hẹn gần nhà ga. Đoàn du lịch trong Tour này không ở cùng một khách sạn mà được phân phối ở 3 khách sạn khác nhau, tôi đoán gần tới ngày khởi hành, khách sạn nào trống hãng Tour sẽ lấy phòng nhờ vậy giá Tour mới rẻ. Một yếu tố khác khiến giá thấp là vì hầu hết các chuyến đi chơi thăm viếng các nơi đều phải trả thêm tiền chứ hãng Tour không có bao.

Theo tờ chương trình vừa phân phối, ngày mai Thứ Sáu sẽ đi viếng lâu đài Versailles với giá 10 Euro cho dịch vụ xe buýt chuyên chở đưa đi (ai vào xem bên trong phải trả tiền thêm). Sau đó trở về Paris lên tòa nhà Montparnasse bằng thang máy để ngắm cảnh thành phố phía dưới với tiền vé thang máy là 10 Euro. Ai không đi Versailles hẹn gặp tại nhà ga Métro Montparnasse-Bienvenue số 160.

Chương trình ngày Thứ Bảy là ngày cuối ở Paris sẽ đi công viên giải trí Disneyland nguyên ngày và trở về Paris khoảng 7 PM giá 55 Euro. Là cư dân Nam Cali, Disneyland chánh gốc ở Anaheim qúa nhàm nên chúng tôi không đi, dùng ngày Thứ Bảy để hẹn với người anh họ du học Pháp từ 1960. Buổi tối 8 PM Tour hẹn tại ga Métro Alma Marceau số 4 để đi du thuyền Bateaux Mouches trên sông Seine, giá vé du thuyền 10 Euro. Sau đó lúc 10 PM là ngồi xe buýt xem Paris về đêm, lệ phí 8 Euro. Xong đúng 12 giờ khuya xe sẽ lên đường trở về Đức kết thúc chuyến đi. Ai đi chơi tự do hẹn 12 giờ tại ga Métro Porte Maillot để trở về Đức. Vì xe không có trở lại khách sạn nên trường hợp chúng tôi ở khách sạn Holiday Inn khu Porte de Clichy phải đem hành lý ra lúc 8 AM, xe sẽ ghé lấy trước.

Sau khi trả lời các thắc mắc của người trong đoàn, Mark đi từng dãy ghế trên xe thu tiền. Hai chúng tôi trả 90 Euro, đưa giấy 100 nói với Mark khỏi thối lại. Mark cười nói cám ơn. Không biết trước là Tour này đem con bỏ khách sạn, đi đâu mình phải tự đến điểm hẹn. Di chuyển tới lui trong thành phố Paris tiện nhất là dùng hệ thống xe điện ngầm Métro nhưng muốn dùng hệ thống này mình phải biết xem bản đồ. Bản đồ chữ in rất nhỏ, mắt mình lại kém, thấy chữ nào cũng mờ mờ (vì mắt mờ nhìn gà hóa cuốc, thấy ai cũng đẹp). Thôi lỡ rồi, trót mua tua thì phải theo tua, không lẽ tới Paris tối ngày chỉ ở trong khách sạn! Được một cái là giá tua qúa rẻ chỉ 199 Euro không bằng giá phòng khách sạn Holiday Inn ở Paris trong một đêm. Ai không tin vào Internet thử dò giá xem!

Xe đến Paris trước 8 giờ, là giờ cao điểm đi làm buổi sáng nên xa lộ kẹt cứng, cứ từng bước từng bước thầm tiến lên. Ngoại ô phía Đông Paris không có gì đẹp, nhà cửa cũ kỹ cái cao cái thấp, tường đầy vẽ bậy, cây cối khô cằn không được chăm sóc. Đã thấy bóng dáng nhà thờ Thánh Tâm màu trắng nóc tròn trên đồi Montmartre.

NHÀ THỜ THÁNH TÂM TRÊN ĐỒI MONTMARTRE

Xe đậu trên đại lộ lớn Boulevard de Rochechouart gần ga Anvers phía Nam nhà thờ, từ đó chúng tôi theo con đường nhỏ hai bên là nhà hàng quán rượu để lên đồi Montmartre. Đây là lần thứ hai tôi tới đây nên không có gì háo hức đặc biệt. Lần đầu năm 2008 đến đây vào buổi tối thấy hàng quán hai bên lung linh ánh đèn trông rất lãng mạn tình tứ. Hôm nay buổi sáng tinh mơ các nhà hàng chưa mở cửa, chỉ có các tiệm bán đồ kỷ niệm, tạp hóa. Đi sâu vào khu nhà ở, nhà cửa trên đồi Montmarte này rất đẹp, kiến trúc xưa cũ cả trăm năm bằng đá cái cao cái thấp bên những cánh cổng sắt hoa văn mỹ thuật. Những con đường hẹp lát đá quanh co lên những con dốc, những nấc thang cho người đi bộ, tất cả tạo thành một nét đặc biệt cho khu Montmatre. Khu nghĩa địa Montmartre với những ngôi mộ kiến trúc cầu kỳ xưa cổ, có những nhà mồ to lớn xây tháp nhọn như nhà thờ. Có những ngôi mộ đá bỏ hoang lạnh lẽo không thân nhân. Nhiều mộ văn nhân nghệ sĩ tới giờ này vẫn còn những bó hoa tươi của người hâm mộ.

Nhà thờ Thánh Tâm

Vài trăm năm trước, đồi Montmartre là khu ngoại ô cho dân lao động Paris nhưng vào những năm đầu thế kỷ 19 một số họa sĩ, nhà văn, soạn nhạc về đây sinh sống tạo thành một khu sinh hoạt văn hóa phồn thịnh. Xung quanh nhà thờ nhất là bên phía Tây nhiều phòng tranh, quán rượu, nhà hàng tấp nập khách văn nghệ tập trung bàn luận về văn chương, âm nhạc, nghệ thuật. Có một khoảng sân rộng tên Place du Tertre tập trung nhiều họa sĩ đường phố, bày giá vẽ tranh và họ vẽ chân dung cho du khách ngay tại chỗ. Khu dưới đồi gần đó là khu đèn đỏ gần công trường Pigalle nổi tiếng Paris là khu ăn chơi về đêm với những rạp hát, những sàn nhảy khỏa thân và nổi tiếng nhất là rạp Moulin Rouge hoạt động từ năm 1889 là nơi khai sinh ra điệu vũ đá chân cao (can can dance).

Kiến trúc to lớn nổi bật nhất trên đồi Montmartre là nhà thờ Thánh Tâm (Sacred Heart) được bắt đầu khởi công từ năm 1875 và hoàn thành 1914 do kiến trúc sư Paul Abadie vẽ họa đồ mô phỏng theo kiểu Romano-Byzantine của nhà thờ St. Front ở Périgueux và công trình do Giám Mục Guibert của giáo phận Paris chủ quản. Kinh phí xây cất do hai thương gia Alexandre Legentil và Hubert Rohault de Fleury tài trợ nhằm tạ ơn Thánh Tâm Chúa Jesus Christ đã phù hộ cho nước Pháp tồn tại trong cuộc chiến tranh xâm lăng của nước Prussia (Đức) vào năm 1870. Vào năm đó Paris bị phong tỏa, dân chúng phải ăn thịt cả những thú nhà như chó mèo.

Nhà thờ bằng đá trắng có những ngọn tháp tròn mà ngọn tháp chính lớn là điểm cao thứ nhì ở Paris sau tháp Eiffel. Nhà thờ nằm trên đồi Montmartre ở về phía Bắc Paris và cửa chính nhà thờ nhìn xuống phía Nam tức trung tâm thành phố. Đứng ở sân trước nhà thờ nhìn xuống thành phố là một bức tranh vô cùng ngoạn mục nhất là những buổi hoàng hôn khi ánh nắng chiều dần tắt và thành phố bắt đầu lên đèn.

Bằng thang bộ hai bên chúng tôi bước dần lên sân nhà thờ lên dốc cũng khá cao để đứng trước sân nhà thờ nhìn xuống thành phố chan hòa ánh nắng bình minh. Trời hôm nay thật đẹp, đầu Xuân cây cối hoa cỏ mơn mởn xanh tươi, chim chóc hót líu lo và tiếng du khách gọi nhau ơi ới. Mới 8 giờ sáng du khách đã tới, toàn là người Trung Quốc, Đại Hàn và Nhật Bản. Trong đoàn tôi có một gia đình 3 thế hệ người Phi Luật Tân. Ông lớn tuổi nhất thấy tôi cũng người Á Châu nên cười chào hỏi làm quen. Con trai của ông là quân nhân Mỹ đóng ở Đức mời gia đình ông từ Phi sang Đức chơi, sẵn dịp nó đưa ông đi viếng Paris luôn. Tôi thấy có vài thanh niên da ngâm ngâm như người Á Rập Trung Đông lảng vảng trên sân nhà thờ nên lưu ý ông coi chừng bị giật bóp và móc túi. Khi các cô gái Nhật nhờ tôi chụp hình tôi cũng lưu ý các cô như vậy. Riêng vợ tôi thì đã đề phòng ôm chặt cái bóp đựng passport mà mình không dám để lại trong xe tua.

                                                               Ga Lyon đi các tỉnh miền Nam

 KINH ĐÀO SAINT MARTIN

Một giờ sau chúng tôi trở lại xe buýt để được Mark tiếp tục đưa đi thăm viếng một vòng Paris. Có một địa điểm du lịch ngay trung tâm Paris mà từ trước tới giờ tôi không được biết mà cũng ít ai nói đến đó là kinh đào Saint Martin nằm không xa đồi Montmartre. Xe buýt tiếp tục đi trên đại lộ Rochechouart hướng về phía Đông thì đụng kinh đào. Nơi đây giáp ranh giữa Quận 19 và Quận 10, xe chạy dọc theo con kinh nhỏ về hướng Nam có những cầu hẹp cho bộ hành bắc ngang qua phía trên cao. Cảnh nơi đây theo Mark nói giống như thành phố Amsterdam bên Hòa Lan. Dọc theo đường cập theo bờ kinh rất nhiều hàng quán bày bàn ghế ra đường, du khách ăn uống rất đông. Nhiều người mang thức ăn trưa ra đây ngồi trên bờ kinh đưa hai chân đong đưa xuống nước.

Kinh đào Canal Saint Martin dài 4.5 km nối từ Canal de l’Ourcq ở phía Bắc với sông Seine mực nước thấp hơn ở phía Nam. Một phần con kinh chạy ngầm dưới đất ở đoạn giữa hai nhà ga xe điện ngầm là ga Bastille và ga République. Ở đoạn này phía bên trên kinh được lấp đất và được chống đỡ bằng vòm đá kết dính bằng xi măng, quang cảnh giống như dòng sông chảy dưới hầm xe điện ngầm. Con kinh Saint Martin được tướng Napoléon ra lệnh đào từ năm 1802 để dẫn nước ngọt cung cấp cho thành phố Paris lúc đó đang đà tăng dân số. Nước sạch cũng ngừa tránh được hai thứ bệnh dịch truyền nhiễm giết hàng vạn người lúc đó là bệnh kiết lỵ (dysentery) và bệnh dịch tả (cholera). Công trình được giao cho Gaspart de Chabrol một kỹ sư công chánh tốt nghiệp từ đại học Bách Khoa Paris. Kinh được đào từ năm 1802 đến 1825 với kinh phí lấy từ tiền thuế đánh trên rượu vang. Con kinh lúc đó cũng là thủy lộ cho tàu thuyền chuyên chở ngũ cốc, vật liệu xây dựng cung cấp cho thành phố với hai bến tàu là Bassin de la Villette ở Quận 19 và bến Arsenal cạnh sông Seine.

Vào thập niên 1960 xe cộ gia tăng, giao thông thành phố gặp nhiều trở ngại, con kinh suýt có nguy cơ bị lấp bỏ để làm đường xe chạy. May mắn kinh đào còn tồn tại chỉ lấp bên trên một phần từ quảng trường Bastille ngược lên phía Bắc. Phần này làm công viên trồng hoa cỏ có những lỗ thông hơi đem ánh sáng mặt trời xuống dưới đường ngầm. Mỗi tuần hai ngày Thứ Năm và Chủ Nhật người ta họp bán chợ trời rau cải, trái cây, quần áo.

Xe chúng tôi đến quảng trường Bastille là một vòng xoay có cây cột trụ Tháng Bảy (July Column) ở trên chóp có hình thiên thần. Cây cột này được dựng từ năm 1830 để đánh dấu cuộc Cách Mạng Pháp phá ngục Bastille ngày 14 Tháng Bảy năm 1789. Ngục Bastille được xây tại quảng trường này khoảng năm 1380 dưới thời vua Charles V là một đồn lính trong hệ thống đồn canh phòng thủ Paris và được chuyển mục đích sử dụng thành nhà tù từ thế kỷ 17 để giam giữ những tù chính trị. Năm 1792 ngục Bastille bị phá bỏ để làm thành quảng trường và một cây cột trụ đã được dựng ở đây. Vị trí ngục Bastille thời xưa hiện nay là là nhà hát Opéra Bastille, con rạch thoát nước phía sau ngục hiện là bến đậu ghe thuyền Arsénal một phần của con kinh Saint Martin trước khi thông với sông Seine.

Hàng ngày có chuyến du thuyền trên kinh Saint Martin dài 2 giờ 30 phút do hãng Canauxrama điều hành, du khách có thể khởi hành từ bến Arsénal cạnh sông Seine hay từ công viên Villette đầu con kinh trên phía Bắc với giá khoảng 16 Euro. Thời gian du thuyền lâu là vì tàu phải qua những cửa khóa chận (Clock) đóng mở nhằm cân bằng mực nước hai bên trên kinh cho bằng nhau. Du khách cũng có thể mua vé du thuyền trên sông Seine sau đó tàu sẽ đi luôn vào kinh đào Saint Martin. Chuyến này mỗi ngày chỉ có một chuyến khởi hành từ sông Seine buổi sáng và chuyến ngược lại vào buổi chiều.

TRỊNH HẢO TÂM

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Đông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan.


Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com
Ký Sự Du Lịch Paris Bài 1
ĐƯỜNG TỪ BREMEN ĐỨC QUA PARIS
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM



Tour xe buýt từ Bremen (Đức) đi Paris hẹn 5 giờ 15 chiều Thứ Tư 5 tháng 6, 2013 chúng tôi phải có mặt tại ở trước khu rạp chớp bóng Cinemaxx gần nhà ga thành phố Hauptbahnhof (nhà ga chính nào ở Đức đều được gọi là “Hô Banh Hóp”). Không có giấy tờ chỉ dẫn, chương trình gì hết, tất cả đều trao đổi bằng Email, họ nói lên xe sẽ có người hướng dẫn bằng tiếng…Đức. Tới giờ chót cô em gái tôi là Trịnh Ngọc Lan không đi nói là còn bị ho qúa! Cô này ở bên Đức nên hiểu tiếng Đức chứ chúng tôi ở Cali qua, tiếng Đức ăn đong mặc dù ở các quán cà phê vùng chúng tôi ở là Bolsa dân ta hay dùng tiếng Đức hàng ngày!

                                                      Các cô gái Đức trong tua xe buýt

Kệ tới đâu hay tới đó, tên của Tour là Mango Tours, giá Tour 199 Euro mỗi người cho 2 đêm khách sạn, di chuyển bằng xe buýt từ Bremen qua Paris đường dài hơn 700 km, chở đi thăm các thắng cảnh Paris, như vậy là qúa rẻ. Em tôi không đi, tiền đã trả rồi bằng Visa, Mango Tours nói cận ngày đi quá nên không trả lại nhưng cho Credit khi nào có đi nữa thì trừ ra. Em tôi nói Paris đi hoài nên nhàm qúa và xe buýt chạy rề rề suốt cả đêm không ngủ được nên mệt lắm, thành ra không chịu đi! Mango Tours có trang nhà là www.mango.tours.de trụ sở ở thành phố Cologne, trang mạng này toàn bằng tiếng Đức, chuyên tổ chức các tour đi Paris, London, Amsterdam, Berlin, Prague với giá rất rẻ thích hợp cho giới du lịch bụi (Tây Ba Lô). Tôi già rồi thuộc hàng cao niên quái lão thằng em rể mua nhằm tua du lịch bụi thì đi làm sao nổi! Thôi cũng đành nhắm mắt đưa chân. Thử xem con tạo xoay dần đến đâu! Kết qủa “not happy ending” là tôi bị móc túi mất tiền bạc mất giấy tờ. Qúy bạn đọc cứ từ từ theo dõi, hồi sau sẽ rõ.

Em rể tôi lái xe đưa hai vợ chồng chúng tôi đến điểm hẹn Cinemaxx thì thấy xe buýt có bảng Mango Tours đã đậu ở đó từ bao giờ. Trong bụng mừng thầm thấy hãng này đàng hoàng đúng hẹn qúa! Anh tài xế chừng 30 tuổi đẹp trai có vẽ thư sinh đeo kính trắng. Tôi tưởng anh ta là hướng dẫn viên (Tour guide) nên đến có ý “nhờ cậy” hỏi thăm cuộc hành trình như thế nào. Anh chàng nói được tiếng Anh cho biết Tour guide sẽ là người khác, anh chàng chỉ là người trung chuyển khách, lái xe trong nước Đức thôi. Một lát sau có thêm hai cô gái tới, anh chàng nói ở Bremen này có tất cả 4 người, như vậy là đủ rồi nên khởi hành.

QUA THÀNH PHỐ HANOVER

Anh ta cho biết trạm ngừng kế cận là thành phố Hanover cách đây hơn 100 km, sẽ ngừng trong vòng 20 phút để lấy thêm người. Xe chạy về hướng Đông Nam trong khi Paris ở hướng Tây Nam của Bremen và một giờ sau thì tới thành phố Hanover. Hanover là thành phố lớn có 510 ngàn dân hiện là thủ đô của bang Lower Saxony, đầu những năm 1800 sau khi cuộc chiến của Napoléon đánh với Anh, Áo, Phổ kết thúc, Hanover hãy còn là một vương quốc độc lập. Hanover thời Đức Quốc Xã của Hitler nằm trên trục lộ huyết mạch, là trung tâm sản xuất nên trong Thế Chiến Thứ Hai là mục tiêu của máy bay Đồng Minh oanh tạc, hơn 90% thành phố bị san bằng sau 88 trận dội bom. Sau khi kiến thiết trở lại, ngày nay Hanover là trung tâm thương mại của Đức ở vùng phía Bắc và nằm trên trục xa lộ cũng như thiết lộ quan trọng nối theo hướng Đông Tây của Âu Châu. Hanover nằm về phía Tây của Berlin và cách Berlin 177 miles ( 285 km). Đối với người Việt ở Đức, khi nhắc tới Hanover là người ta nhớ tới Chùa Viên Giác do  Thượng Tọa Thích Như Điển thành lập là trung tâm sinh hoạt tôn giáo cũng như văn hóa cho cộng đồng người Việt tại đây.

Từ xa lộ xe buýt chở chúng tôi rẽ vào con đường có trụ tháp cao trên đó có gắn dấu hiệu hãng xe Volkswagen, phía dưới có dòng chữ vẽ bậy cho cái tháp là “the big d…”!. Lạ một điều ở Đức các dòng chữ vẽ bậy (graffiti) đều không dùng chữ Đức mà lại viết bằng tiếng Anh. Xe đậu vào bãi trước cửa một thương xá và cách không xa là nhà ga thành phố Hauptbahnhof. Lúc này cũng cần đi nhà vệ sinh nên hỏi hai cô gái cùng đi chung xe. Cô trẻ nói tiếng Anh cho biết đi theo các cô. Trên đường đi cô trẻ cho biết cô không phải là người Đức mà mẹ là người Ukraina và cha là người Afghanistan, còn cô kia là dì của cô trẻ từ Ukraina qua chơi nên cô dẫn đi Paris cho biết.
Đến thương xá chúng tôi dùng nhà vệ sinh của một Casino nằm trong thương xá. Thường ở Âu Châu dùng nhà vệ sinh phải trả tiền khoảng 50 xu nhưng ở Đức thường là miễn phí.

QUA THÀNH PHỐ BIELEFELD

Khi trở lại xe thấy khách đi theo Tour được thêm 6 người nữa, toàn là người Đức lớn tuổi. Sau đó xe tiếp tục chạy khoảng một giờ nữa thì tới Bielefeld chữ này khó đọc nên dân Việt ta thường gọi là “bị lòi phèo”. Bielefeld nằm về hướng Tây của Hanover có dân số 328 ngàn người là thành phố từ xưa chuyên về dệt vải sợi, ngày nay sản xuất quần áo thời trang có vốn đầu tư với nước Anh. Xe chạy qua ngang nhà thờ cổ với hai tháp chuông thật cao và sau đó vào đậu trước nhà ga thành phố Hauptbahnhof. Nhà ga ở đây hơi nhỏ tường nâu có vẻ cũ kỹ và bên cạnh là tiệm McDonald’s cũng nằm trong nhà ga nhưng cửa trổ ra quảng trường. Cũng gần 8 giờ chiều nên chúng tôi vào đây ăn tối. Gặp ông lấy order lớn tuổi người đen đen không hiểu tiếng Anh nên cô người Đức đồng nghiệp đứng bên cạnh phải bước sang lấy order cho chúng tôi. Cũng 3 thứ như ở Mỹ: Big Mac, khoai chiên và Coke cũng giá 6 Euro như vậy là rẻ lắm. Tới đây xe nhận thêm 8 người nữa toàn một nhóm các cô gái choai choai nói cười vui nhộn. Tôi có đến làm quen xin chụp hình.

                                                         Nhà ga thành phố Bielefeld


Tôi thích thành phố “bị lòi phèo” vì nó cổ xưa êm đềm thơ mộng với những con đường hẹp, nhà cửa phố xá hai bên toàn lầu cái cao cái thấp đa dạng nhưng mỹ thuật và gìn giữ ngăn nắp sạch sẽ. Có lẽ nhờ ít thiệt hại trong chiến tranh nên những kiến trúc cổ xưa vẫn còn nhiều nhất là những ngôi giáo đường gạch đỏ với tháp chuông cao vút nằm khuất nơi góc phố. Khung cảnh ở tỉnh lẻ miền quê nước Đức êm đềm thanh tịnh không ồn ào xe cộ, có những phụ nữ dẫn con ra phố, những chiếc xe đạp của những cậu bé học trò bấm chuông kêu leng keng và trong tiệm bánh vài cụ già ngồi uống cà phê đàm đạo.

Xe buýt chúng tôi len lỏi qua những con phố hẹp rồi cũng tìm đường lên xa lộ, vùng Dortmund này nằm gần biên giới Hòa Lan và Bỉ dân cư rất đông, hết thành phố này lại đến thành phố khác. Tôi đi ngang qua vùng này là lần thứ tư trong đời: chuyến đi Đông Âu năm 2006, Tây Âu 2008 và mới cách đây 2 tuần đi Đại Hội Công Giáo ở Aschaffenburg cũng có đi ngang qua đây. Trời tối dần xe vẫn băng băng trên xa lộ qua những đồi núi, cánh đồng chìm trong bóng đêm, xa xa một làng quê nhỏ đèn sáng một vùng. Lên xe sớm nhất nên chúng tôi ngồi phía trước, thấy anh tài xế trẻ thỉnh thoảng nhìn vào màn hình GPS để xem bản đồ và  liên lạc điện thoại với hãng Tour trao đổi công việc. Từ đó tôi chập chờn trong giấc ngủ.

SANG XE Ở COLOGNE

Tôi bị đánh thức dậy lúc 12 giờ đêm vì anh chàng tài xế cho biết xe sắp rẽ xuống thành phố Cologne (tiếng Đức gọi là Koln). Tại đây ai đi London vẫn ngồi và tiếp tục đi bằng xe này, ai đi Tour Paris sẽ xuống lấy hành lý và sang qua xe khác. Anh chàng tài xế trẻ từ giã chúng tôi, chúc thượng lộ bình an, đi chơi vui.

Xe đậu trước nhà ga thành phố Cologne, nhà ga lớn có kiến trúc cổ xưa với nhiều tầng lầu. Phố xá xung quanh nửa đêm đóng cửa chỉ còn le lói những ánh đèn đường. Mệt nhọc vì thức giấc giữa đêm, chúng tôi xuống xe tìm hành lý mình trong đống hành lý trong hộc chứa dưới gầm xe. Tới đây hướng dẫn viên Tour Paris của chúng tôi mới xuất hiện, anh chàng tự giới thiệu tên Mark khoảng 40 tuổi người cao ốm phải nói là đẹp trai, ăn mặc như tài tử màn bạc, quần jean bó sát và tướng đi điệu bộ hơi yểu điệu. Anh ta đọc danh sách những người vừa xuống xe để đi Tour Paris, tới tên ai thì lên tiếng để anh ta biết tên biết mặt. Xong Mark dẫn chúng tôi qua một xe buýt khác đậu gần đó đang nổ máy. Khi lên xe thì xe đã đầy một nửa, hành khách nửa thức nhìn chúng tôi, nửa lim dim trong giấc điệp. Lên sau chúng tôi đành phải ngồi phía sau xe măc dù các cô gái trẻ mà tôi làm quen ở trạm “bị lòi phèo” đã nhường cho chúng tôi ghế trống trước nhất. Sau khi ai cũng đã an tọa, Mark chào mừng một lần nữa nói hai nhóm nhập lại, Tour cuối tuần Paris 4 có tất cả 39 người sẽ ở 3 khách sạn khác nhau và anh ta đọc danh sách những ai ở khách sạn nào ở Paris trong 2 đêm Thứ Năm và Thứ Sáu. 12 giờ đêm Thứ Bảy rạng Chủ Nhật rời Paris về lại Đức. Hai vợ chồng chúng tôi được xếp ở khách sạn Holiday Inn ở gần ga Porte de Clichy. Tôi không biết có phải vì chúng tôi từ Mỹ qua nên được ở khách sạn Mỹ để không trở ngại ngôn ngữ. Mark cho biết không còn đón khách nữa, từ Cologne tới Paris xe sẽ ngừng 2 lần, lần cuối lúc 6 giờ để ăn sáng.

Cologne là thành phố lớn thứ tư của nước Đức với dân số gần 1 triệu người mà tôi có đến đây trong chuyến đi Tây Âu vào mùa Xuân 2008 để viết quyển “Tây Âu Cổ Kính”. Cologne nổi tiếng với ngôi nhà thờ màu đen to lớn cổ kính được xây từ năm 1248 nhưng vì chiến tranh việc xây dựng đình trệ mãi đến năm 1880 mới xây xong. Nhà thờ theo kiểu Gothic có 2 tháp chuông đối xứng cao ngất 157 mét vào năm 1884 từng là kiến trúc cao nhất thế giới khi tháp Eiffel chưa có. Đúng 5 năm sau trên bước giang hồ tôi lại ghé ngang qua thành phố này giữa đêm hôm khuya khoắc, thành phố tối đen như chìm trong giấc ngủ. Từ nhà ga thành phố nhìn về hướng Nam thấy nhà thờ thật to lớn tối đen in trên bầu trời có ánh trăng lưỡi liềm khiến cho tôi có cảm giác buồn buồn khó tả. Như giáo hội đang trải qua đêm tối thử thách của thời đại cần phải có một sự canh tân để hợp với đời sống xã hội thay đổi qúa nhiều.

Xe rời nhà ga đi phía sau nhà thờ rồi chạy dọc theo con sông Rhine về hướng Nam qua khu bến tàu với những kho hàng, những giàn cần cẩu thật cao để bốc dỡ hàng hóa. Cuối cùng xe vào xa lộ Liên Âu số 4 đi về hướng Tây hướng thành phố Aix La Chapelle, thành phố có tên Pháp nhưng còn nằm trong nước Đức cạnh vùng tam biên 3 nước Hòa Lan, Bỉ và Đức.

Tôi ngủ lúc nào không hay, tới khi xe dằn sốc vì những ổ gà nho nhỏ sau những trận mưa, thức dậy tìm nhìn bảng chỉ dẫn dọc theo xa lộ thì mới biết mình đã đi vào nước Bỉ. Xe chạy bên ngoài thành phố Liège nơi đây thờ trung học ở Việt Nam tôi có quen một cô gái người Bỉ đeo kính trắng tóc vàng sợi nhỏ, quen với nhau chỉ qua việc trao đổi tem thư sưu tầm. Tới giờ này tôi vẫn còn nhớ tên cô, tôi không muốn lên mạng tìm kiếm vì giờ đây cô cũng đã là một bà cụ 70 rồi! Tôi nghĩ chắc cụ cũng còn nhớ đến tên tôi vì họ của cụ là Haot gần giống chữ lót tên tôi.

Xe dừng lại một địa điểm trong nước Bỉ lúc nào tôi cũng không hay biết vì đã đi vào cõi mộng. Tới khi bị hướng dẫn viên Mark đánh thức bằng tiếng nói qua các loa trên xe thì đã 5 giờ sáng gần đến trạm dừng nghỉ cuối cùng gần thành phố Reims của nước Pháp. Xe ngừng lại bên ngoài của một khu thương xá trệt xây giữa đồng ruộng bên trong đèn đuốc sáng sủa. Có một bản đồ lớn gắn trong khung kính nơi cửa vào thương xá cho du khách biết mình đang ở đâu trên nước Pháp với chữ “You are here”. Bên trong có nhà hàng, quán cà phê, tiệm tạp hóa, bánh kẹo, báo chí và nhà vệ sinh. Không hiểu sao nơi đây nhà vệ sinh lại miễn phí. Tôi mua ly cà phê cho tôi và nước cam cho bà xã rồi lấy mấy cái bánh mì kẹp thịt em gái tôi làm sẵn mang theo cùng với nho táo làm bữa ăn sáng. Nhà hàng ở đây món ăn sáng 2 trứng, khúc bánh mì không cũng đã 10 Euro mà chưa có cà phê hay nước cam. Nhìn giá thức ăn ở đây mà nhớ về Bolsa với bánh mì thịt đặc biệt 3 ổ 5 đô la rưỡi mà tiếc nuối ngày tháng đã qua. Cali đất lành chim đậu, thứ gì cũng có mà lại cứ mơ hoài Paris khung trời lãng mạn. Sáng nay chưa tới Paris mà lại nhớ về Bolsa nghìn trùng xa cách.

TRỊNH HẢO TÂM

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Đông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan.

Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com