Pages

Powered By Blogger

Tuesday, January 21, 2014

Ký Sự Du Lịch Tây Âu (Bài 19)
DU THUYỀN TRỞ LẠI BARCELONA
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Sau một ngày lên thăm thủ đô Tunis của Tunisia nằm ở Bắc Phi Châu cũng như đi thăm các di tích của đế quốc Carthage trước Công Nguyên, chúng tôi trở về tàu MSC Preziosa đậu ở bến cảng La Goulette. Năm giờ chiều ngày Thứ Tư 29-5-2013 tàu rời bến để trở lại Barcelona (Tây Ban Nha) và chấm dứt chuyến du lịch bằng tàu kéo dài trong một tuần lễ.

Từ Tunis đi Barcelona thủy trình dài 487 hải lý (nautical miles) tức khoảng 900 km (1 hải lý bằng 1.852 km) tàu chạy phải mất 1 ngày 2 đêm nên trọn ngày mai là một ngày lênh đênh trên biển, tàu không ghé nơi nào. Hành khách trên tàu sẽ làm gì trong ngày trống vắng đó? Chúng tôi cũng không biết nhưng chắc là sẽ có nhiều chương trình giải trí trong ngày cuối của chuyến du thuyền. Chuyện đầu tiên cần làm là vặn thêm một giờ để phù hợp với giờ Tây Âu mà đêm qua chúng tôi đã kéo lui lại để hợp với giờ Tunisia.

Du thuyền MSC Preziosa cập bến Barcelona

Đêm nay ở nhà hàng cho ăn với thực đơn Địa Trung Hải có món thịt đà điểu nhưng không có món lạc đà. Thịt đà điểu cũng giống như gà tây họ quay một đùi to và thái ra từng lát mõng, hương vị nhạt nhẽo nhưng ăn được nhờ những gia vị đi kèm. Đến 10 giờ xem show ca vũ nhạc ở rạp Platinum với chủ đề “Show Must Go On” với một cặp ca sĩ người Ý hát phần lớn theo tiết điệu nhạc Rock nhưng âm thanh không mấy ồn ào và nhóm múa phụ họa rất hay.

Sáng ngày hôm sau là ngày trên biển không đi chơi đâu nên chúng tôi dậy muộn và tờ chương trình phổ biến trên tàu ghi là “AT SEA: Du thuyền sẽ trải qua một ngày trọn trên tàu, đây là thời gian tuyệt hảo để thưởng thức các tiết mục do tàu tổ chức và là lúc có nhiều cơ hội để vui chơi giải trí trên tàu. Từ những hồ tắm cho tới khu Spa, từ rạp chiếu phim 4D cho tới những cửa hàng mua sắm và các quán ba, tất cả du thuyền là của bạn…để thưởng thức”.

Tại khu hồ tắm trên  tầng 14 nhạc trổi lên  rất vui nhộn, nhóm ca múa, hoạt náo trên sân khấu dạy hành khách những điệu vũ tập thể như điệu Salsa, Lambada và họ mời khán giả tham dự nối đuôi nhau đi theo hình vòng tròn vừa múa vừa nhún nhảy. Chúng tôi ăn sáng ở nhà hàng Buffet xong ra xem thiên hạ sắp hàng nhảy nhót rất vui. Đặc biệt là du khách người Á Đông tham dự màn nhảy múa tập thể này rất tích cực. Chuyến du thuyền này rất nhiều người Trung Quốc họ đi nguyên gia đình nhiều khi cả 3 thế hệ cùng đi và họ rất ham chuộng hàng hiệu dù giá mắc vẫn mua sắm có lẽ biết đây chắc chắn là hàng thật chứ không phải như xứ họ nhiều khi mua lầm đồ giả. Người Việt Nam thì chúng tôi không gặp một ai, chỉ có một cặp vợ chồng có nhà hàng ở Marseille thì đã lên bến Marseille rồi.
.
Sinh hoạt ca múa tập thể trên tàu

Về tua du ngoạn trả tiền thêm gọi là Excursion hôm nay tàu không ghé bến nào, thế thì làm tua đi thăm các nơi ngay trên chiếc tàu mình đi gọi là “Behind the Scenes”. Đi thăm phòng lái, phòng làm việc của thuyền trưởng, xuống xem hầm máy, nơi chứa thực phẩm, đi thăm nhà bếp xem các hỏa đầu quân nấu nướng như thế nào? Thấy cũng hữu ích để biết thêm bề trái phía sau của con tàu nhưng giá tua đến 40 Euros và dặn mọi người phải mang theo áo ấm Jacket có lẽ sợ lạnh trong phòng chứa thực phẩm.

Về phòng y tế trên tàu ở tầng 4 làm việc ra sao khi có người bệnh? Một đêm khoảng 12 giờ, chúng tôi phải đưa cô em gái đi khám bệnh vì bị ho dai dẵng, đau cổ họng, khan tiếng, không ngủ được! Tầng 4 là phòng ngủ của nhân viên thủy thủ đoàn nhưng dành riêng ra một nơi làm phòng y tế khám bệnh cho thuốc và điều trị tạm thời trong trường hợp khẩn cấp. Phòng khám có một ông bác sĩ khoảng 70 tuổi và một cô y tá nhưng lúc chúng tôi đến có thêm một ông cũng lớn tuổi, mặc đồ vết xanh đậm đeo phù hiệu lon lá như sĩ quan chỉ huy trên  tàu đang đứng nói chuyện với bác sĩ. Không biết ông sĩ quan này đến khám bệnh hay gặp ông bác sĩ có việc gì mà khi cô em tôi vào khám bệnh ông này vẫn đứng ở đó và chứng kiến…việc khám bệnh. Ông bác sĩ người Ý nhưng nói được nhiều thứ tiếng và nói tiếng Đức với em gái tôi. Khi vén áo lên để đặt ống nghe phổi thì ông sĩ quan quay mặt đi hướng khác. Chúng tôi lấy làm lạ vì bên Mỹ thì không có cảnh như vậy, bệnh tình là chuyện riêng tư người ngoài không được biết. Không biết ông sĩ quan đó đến có nhiệm vụ xem bác sĩ làm việc như thế nào? Có cần cải tiến gì không, bệnh nhân có đông lắm không? Không biết được, nhưng khám bệnh phụ nữ mà có người ngoài đứng bên cạnh là chuyện cũng kỳ! Mỗi lần khám và cho thuốc là 80 Euros và em tôi trở về Đức được hãng bảo hiểm sức khỏe hoàn lại số tiền khám bệnh.

Một ngày lênh đênh trên Địa Trung Hải là một ngày thảnh thơi an nhàn, lấy một tách cà phê ra bàn ngồi nhìn biển mênh mông xanh thẫm, xa xa phía chân trời là những dãy núi. Rất ít khi gặp tàu khác qua lại, xa bờ bến nhưng thỉnh thoảng cũng gặp vài con hải âu bay la đà trên mặt nước. Đẹp nhất là buổi hoàng hôn nhìn mặt trời lặn dần xuống biển, mới đó ánh sáng vàng chói còn huy hoàng rạng rỡ, vài mươi giây sau le lói lần cuối rồi chợt tắt, trả lại màu tím hồng cho những áng mây gần đó. Thời tiết vùng này trong tháng 5 mãi đến 9 giờ 30 mặt trời mới lặn.

Show ca vũ nhạc cuối cùng trong chuyến du thuyền có tên là “Pandora, discovering a parallel universe” (Pandora, khám phá vũ trụ song song). Pandora theo huyền thoại cổ xưa của người Hy Lạp là tên của một người phụ nữ được tạo thành bởi các thần linh như Hephaestus và Athena theo lệnh và chỉ dẫn của thần Zeus. Các thần này nắn cô ta bằng đất sét và mỗi người tặng cô một món qùa qúy báu. Cô ta được gởi xuống trần gian chung sống với Epimetheus cùng mang theo một chiếc bình đậy kín (ngày xưa do dịch sai nên có bảng gọi là chiếc hộp và nhiều họa sĩ vẽ Pandora cầm chiếc hộp) mà các thần dặn không được mở ra. Do tính tò mò một ngày Pandora mở nấp chiếc bình và từ trong bình mọi tai họa bay ra lan tràn khắp mặt đất. Pandora vội đậy bình lại và chỉ còn chút Hy Vọng nằm dưới đáy bình cùng với con người. Theo thi sĩ Hy Lạp Hesiod sống khoảng năm 750 BC cho rằng đây là nguồn gốc mọi tai ương như thiên tai, bệnh dịch. Câu chuyện thần thoại này nhằm giải thích nguồn gốc tai ương thường có ở nhiều nền văn hóa khác nhau tương tự như chuyện trái táo cấm của bà Eva.

Trong show ca nhạc này Pandora dĩ nhiên là rất đẹp sexy khêu gợi tay ôm chiếc bình nhưng y  phục tóc tai hóa trang giống dân tộc Inca ở Nam Mỹ hơn là Hy Lạp. Show này cũng rất hay và chen vào là những màn vũ xiếc đeo dây lụa múa trên cao. Cuối cùng là những hoạt cảnh tưng bừng với toàn thể nghệ sĩ ra chào chia tay từ giã du khách và hẹn ngày tái ngộ.

Trở lên phòng cabin nhận được hóa đơn dài thòng với lời dặn dò là phải thanh toán tiền nong ở quày kế toán trước khi rời tàu! Va li lớn phải ghi tên, số phòng để bên ngoài cửa phòng trước 2 giờ sáng để nhân viên đem xuống bến tàu trước và trước khi lên bờ, phòng nào thì tập trung tại đâu để được chỉ dẫn trước khi rời tàu (tránh chen lấn mất trật tự). Nói chung là họ tổ chức khoa học, chu đáo đàng hoàng, đâu vô đó. Phải gởi va ly đi trước nên mất công tính toán món nào để lại dùng trong đêm, món nào cho vào va li lớn. Giấy tờ, tiền bạc phải mang theo mình chứ cho vô va li lớn rũi lạc mất còn rắc rối nữa!

Các nghệ sĩ chào tạm biệt khán giả trên sân khấu rạp Platinum

Bảy giờ thức sớm lo đi ăn sáng, cà phê đầy đủ chứ hôm nay lên bến Barcelona xong là đi taxi chạy thẳng ra phi trường để bay về Bremen (Đức). Phải đổi máy bay ở Frankfurt mà vì không có chuyến đi liền nên phải chờ ở Frankfurt tới chiều tối mới bay về Bremen. Em rể tôi là Phùng Khải Tuấn dự tính sẽ đổi máy bay về sớm nếu các chuyến đó giờ chót còn chỗ trống cho cả 4 người. Tới đâu tính tới đó, còn không thì cũng về tới Bremen lúc 10 giờ đêm như vé đã mua.

Tám giờ sáng Thứ Sáu 31-5-2013 tàu cập bến Barcelona một cách êm ả. Thanh toán tiền bạc xong chúng tôi theo sự chỉ dẫn đi theo từng nhóm rời tàu lên nhà ga bến cảng. Hành lý của 4 người đã có ở đó đầy đủ cứ lấy chất lên xe đẩy mà không có ai kiểm soát gì cả. Ra tới bên ngoài có một hàng taxi đậu chờ, chúng tôi lên chiếc xe đầu hiệu Toyota Prius tài xế là một phụ nữ khoảng trên 40 người cao lớn. Chúng tôi nói là ra phi trường và cô ta phụ giúp chất hành lý lên sau cốp xe. Phi trường Barcelona ở về hướng Nam càng xa trung tâm thành phố hơn bến tàu, buổi sáng xe cộ cũng đông nhưng cô ta lái rất vững vàng, vừa lái xe vừa nói điện thoại với ai đó chắc chồng cô. Đặc biệt kính chiếu hậu trong xe rất lớn, tài xế nhìn được toàn bộ băng ngồi phía sau và ngược lại tôi ngồi phía sau cũng quan sát cô ta dễ dàng. Trên xe còn có gắn thẻ tài xế với tên họ và hình để khách hàng có thể biết tài xế mình là ai hầu trường hợp bỏ quên đồ trên xe có thể tìm lại được.Barcelona là thành phố tử tế đàng hoàng nên hiện nay thu hút du khách rất đông. Ra ra khỏi khu bến cảng, xe lên xa lộ và trực chỉ ra ngoại ô dọc theo bờ biển xuống hướng Nam. Ở đây toàn là hãng xưởng, nhà cửa bắt đầu thưa thớt thấy những vườn cây ăn trái như mận đào.
Mười lăm phút sau xe tới phi trường, đồng hồ taxi chỉ 27 Euros nhưng cô ta nói là 40 đồng vì nhiều hành lý. Chúng tôi thấy cũng hợp lý và không cho thêm tiền típ.

Như đã nói trong một bài trước, phi trường Barcelona rộng lớn và mới mẻ hiện đại, mới 9 giờ sáng mà đã đông khách chờ chuyến bay. Em rể tôi đi thẳng tới quày của hãng Lufthansa đưa lịch trình chuyến bay đã giữ chỗ và nói với bà nhân viên ở quày rằng chúng tôi muốn đổi chuyến bay đi Bremen sớm hơn cũng “phụ họa” thêm rằng em gái tôi là nhân viên của Lufthansa. Nghe vậy bà nhân viên rất tử tế dò trên máy để tìm chuyến bay nào còn trống 4 chỗ đi Frankfurt và từ Frankfurt đi Bremen. Một lát sau bà cho biết từ Barcelona đi Frankfurt thì OK nhưng từ Frankfurt đi Bremen thì bà không biết chắc. Cứ tới Frankfurt trước đi rồi hạ hồi phân giải. Chuyến gần nhất sẽ cất cánh trong một giờ nữa. Bà nhận hành lý và cho biết hành lý sẽ tới Bremen trong chuyến bay sớm nhất, nếu chúng tôi không đi được chuyến này thì hành lý cũng đã tới trước.

Trong lúc chờ đợi chúng tôi gặp một cặp vợ chồng người Việt Nam cũng ở Mỹ, cũng đi du thuyền nhưng khác với chiếc Preziosa chúng tôi đi. Bà vợ cho biết sẽ về thành phố Munich cũng ở Đức. Một lúc sau có một ông khác người Á Châu trông quen quen nhưng tôi nghĩ là người giống người nên không dám nhìn. Ông ta ngồi băng ghế đối diện với chúng tôi và nghe chúng tôi trao đổi câu chuyện bằng tiếng Việt. Thấy ánh mắt ông theo dõi câu chuyện của chúng tôi thì biết chắc là người Việt Nam nhưng có phải là người quen với tôi không thì chưa dám hỏi. Tôi chào ông bằng tiếng Việt và rào đón hỏi có phải ông là bác sĩ không? Lúc đó ông mới nhìn ra tôi, đó là bác sĩ Mạch P.H. người đồng hương Trà Vinh với tôi và là bạn học trường Y khoa với anh vợ tôi mà chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau ở Little Saigon mặc dù ông định cư và mở phòng mạch ở Florida. Qủa đất thật tròn, ở Mỹ ít có dịp gặp nay lại tình cờ gặp nhau nơi xứ lạ quê người! Ông cho biết cũng đi du thuyền và chờ chuyến bay về Florida. Chưa kịp hỏi gì thêm thì chuyến bay của ông đã kêu lên tàu nên chỉ kịp giơ tay chào từ giã.

May là đến Frankfurt máy bay còn chỗ trống nên chúng tôi về tới Bremen lúc 7 giờ. Em rể tôi ra bãi lấy xe nhưng xe lại đề máy không nổ mặc dù trước khi đi đã thay bình điện mới rồi! Sau này thay thêm cái bộ phận điện tử điều hành trung ương gì đó mới đúng bệnh của chiếc Mercedes đời 2005. Chúng tôi đi taxi về nhà em tôi ở phía Nam Bremen. Hai chúng tôi từ California sang chơi còn ở lại Đức thêm một tuần nữa, sẽ đi tua xe buýt sang thăm kinh đô ánh sáng Paris vài ngày. Lần hồi sẽ tường trình cùng quý bạn đọc.

TRỊNH HẢO TÂM

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Đông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách VN hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com




Ký Sự Du Lịch Tây Âu (Bài 18)
ĐẾ QUỐC CỔ XƯA CARTHAGETUNISIA
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Carthage nằm ở ngoại ô phía Đông thủ đô Tunis của Tunisia hiện có dân số vào khoảng 20 ngàn người, ngày xưa là trung tâm của đế quốc Carthage được người Phoenician thành lập khoảng 900 năm trước Công nguyên. Đế quốc Carthage rất hùng mạnh cai trị toàn vùng Bắc Phi giáp với Địa Trung Hải và một phần phía Nam Tây Ban Nha ngày nay. Carthage tranh chấp với La Mã và Syracuse nên thường đem quân sang quấy nhiễu vùng duyên hải Ý và nhiều lần đánh với đế quốc La Mã thường được gọi là cuộc chiến Punic (Punic Wars). Lần thứ hai tướng Hannibal từ Carthage đem voi trận vượt rặng Pyrenees và núi Alps sang nước Ý. Trận sau cùng năm 146 BC bị quân La Mã sang đánh, thiêu rụi thành phố và chiếm đóng Carthage. Thành phố được hồi sinh dưới sự cai trị của người La Mã và sau cùng bị người Hồi Ả Rập xâm chiếm tàn phá thành phố lần thứ nữa vào năm 698.

Ngày 29-05-2013 chúng tôi từ du thuyền MSC Preziosa lên bến ghé thăm thủ đô Tunis, vào thăm khu phố cổ Médina bán buôn sầm uất trong những con đường nhỏ. Sau đó trở lại taxi đang chờ  để được anh tài xế người Ả Rập tên Ahmed đưa đi thăm các di tích thành phố cổ Carthage nằm về phía Đông cạnh bờ biển.

Từ đại lộ chính Avenue Habib Bourguiba là tên của vị anh hùng giành độc lập cho Tunisia từ tay người Pháp xe chúng tôi vào xa lộ A1 có tên là Trans-African Highway. Tuy có tên là “xuyên lục địa Phi Châu” nhưng thật ra xa lộ mới xây được một khúc dọc theo bờ biển của Tunisia mà thôi. Đây là vùng có dân cư dọc theo bờ biển chứ trong đất liền toàn là sa mạc khô cằn không ai ở, cả những quốc gia bên cạnh là Maroc, AlgeriaLibya cũng đều như vậy. Xa lộ cũng rộng mỗi bên 4 làn xe chạy nhưng rất ít xe lưu thông và hai bên bờ nhiều rác giấy, cây cối thiếu nước khô cằn còn tệ hơn xa lộ Biên Hòa hiện nay. Ahmed là công dân Tunisia gương mẫu anh ta luôn quảng bá cho đất nước mình như Cách Mạng Hoa Lài. Sau đó chuyển sang xa lộ N9 đi về hướng Đông để đến thành phố La Marsa. Khi đi ngang qua làng chế xuất được gọi là Thành Phố Mới với nhiều hãng xưởng như Samsung, Nokia, Mercedes, có toà đaị sứ Mỹ và nhiều nước khác, Ahmed chỉ cho chúng tôi xem rất lấy làm hãnh diện, mặc dù tôi thấy tất cả nhà cửa đều nhỏ bé, nhếch nhác. Phía tay mặt sau làng chế xuất là hồ nước mặn thông ra biển, phía trái là phi trường quốc tế Tunis-Carthage cỡ như phi trường Tân Sơn Nhất. Đi được khoảng 10 km Ahmed rẽ ra đường N10 chắc là đường cao tốc mỗi bên hai làn xe, quang cảnh ở đây vùng đất cát vàng giống như Long Thành ở nước mình tuy nhiên xe cộ và nhà cửa thưa vắng hơn nhiều, hai bên đường trồng cây thấp.

CARTHAGE AMPHITHEATRE

Di tích đấu trường của người La Mã ở Carthage

Đi được vài trăm mét Ahmed rẽ tay phải vào một con đường nhỏ và anh ta cho biết đầu tiên mình ghé vào xem rạp hát cũng như đấu trường thời xưa của người La Mã là Carthage Amphitheatre. Nó không to lớn đồ sộ như đấu trường Colosseum ở Rome mặc dù có cùng một công dụng mà còn lại một khu hoang phế với những tường đá đỏ loang lỗ và những bậc thềm ngày xưa là hàng ghế ngồi từ thấp lên cao. Khu di tích cổ này nằm cách cổng vào khoảng 100 mét, có nhân viên bán vé vào xem nhưng nhìn vào bên trong không thấy ai vào, chắc còn hơi sớm chăng? Tại cổng vào có nhiều sạp hàng bán đồ kỷ niệm như những chiếc dĩa vẽ tranh cảnh, những chiếc trống, lục lạc làm bằng da và gỗ sơn màu tươi sáng lòe loẹt. Những ông Tunisian hiền lành mời chào nhưng chắc là cũng ế ẩm. Di tích cổ xưa nhưng thiếu tu bổ, quảng cáo nên không hấp dẫn du khách. Xem hình trên những bưu thiếp năm 1950 thấy vùng đấu trường không cây cối toàn là sa mạc trống trải, ngày nay chung quanh được trồng một rừng bạch dương.  

Đấu trường được người La Mã xây dựng trong thời gian chiếm đóng nước này trong thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Đấu trường có hình bầu dục chiều dài 65 và chiều ngang 37 mét, hiện nay còn di tích cửa chuồng thú mở ra mỗi khi hành hình tội nhân. Hai thánh Thiên Chúa Giáo tử đạo tại đây là Saint Perpetua và Saint Felicity vào năm 203. Người La Mã ngày xưa xâm chiếm xứ nào thường xây đấu trường tại nơi đó, người ta thấy di tích đấu trường ở Roma, Athens, Haifa (Do Thái) v.v…Đấu trường có nhiều công dụng như làm nơi hội họp, giải trí vui chơi như rạp hát, tranh tài thể thao như điền kinh đua ngựa, thi đấu đô vật, còn dùng làm pháp trường để hành hình tội nhân cho thú dữ như sư tử, cọp xé xác ăn thịt tội nhân. Đấu trường tại Carthage, Tunisia này được xem là lớn thứ nhì chỉ sau Colosseum ở Roma mà thôi nhưng vì không được trùng tu nên trở thành hoang phế tiêu điều. Vả lại Tunisia qúa xa không phải là địa điểm du lịch nổi tiếng được ưa chuộng nên người ta không đầu tư bỏ tiền để thu hút khách du lịch. Cho dù được tổ chức Unesco công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới nhưng chắc là tiền tu bổ được chi viện lại bị các quan chức địa phương đem đi tu bổ nhà riêng của mình.

NHÀ THỜ SAINT LOUIS VÀ VIỆN BẢO TÀNG CARTHAGE

Rời đấu trường cổ La Mã ra đường cái đi về hướng Đông là đã thấy một ngôi thánh đường lớn với hai tháp chuông ngất nghểu trên một ngọn đồi. Ngọn đồi này có tên là Byrsa Hill là vị trí cao nhất ở Carthage nên thời cổ xưa người Carthage đã xây thành trì tại đây và ngày nay chỉ còn lại những phế tích. Rời con đường cái xe chúng tôi theo con đường quanh co để lên đồi. Trước nhà thờ là bãi đậu xe khá rộng nhưng không có mấy chiếc đậu, chỉ thấy một xe buýt lớn chở du khách có lẽ là tua phải trả tiền thêm từ chiếc du thuyền của chúng tôi. Ở bãi đậu xe có xác một chiếc xe hơi cháy đen, tôi không hiểu chiếc xe bị tai nạn gì mà lại không được kéo đi bỏ mà để nằm ở đây trông xấu xí nơi thắng cảnh du lịch. Anh tài xế taxi Ahmed cho biết đó là một chiếc xe bị dân chúng biểu tình đốt cháy trong cuộc Cách Mạng Hoa Lài vào cuối năm 2010. Tôi lại nhớ ở đấu trường lúc nãy cũng có một xác xe cháy tương tự chắc cũng là một chứng tích của cuộc cách mạng.

Vương Cung Thánh Đường Saint Louis nay trở thành nơi hòa nhạc

Nhà thờ Saint Louis có kiểu dáng rất lạ khác với những nhà thờ ở Đức hay Bắc Âu đó là lối kiến trúc Byzantine đế quốc ở vùng Thổ Nhĩ Kỳ phát triển mạnh sau khi La Mã phía Tây suy tàn. Đây là nhà thờ Công Giáo La Mã được xây vào năm 1884 và khánh thành năm 1890 dưới thời Tunisia là thuộc địa của Pháp. Khi Tunisia được trao trả nền độc lập, nhà thờ trở thành tài sản nhà nước và hiện nay là rạp hát và hòa nhạc không còn là nơi tôn nghiêm thờ phượng. Ngày trước đây là nhà thờ chính tòa (Cathedral) của TunisiaAlgeria, ngày nay nhà thờ chính tòa duy nhất ở Tunisia là vương cung thánh đường St.Vicent de Paul ở Tunis mà chúng tôi đi ngang qua lúc sáng. Ngày trước Hồng Y Lavigerie là người xây nhà thờ đươc chôn cất tại đây nhưng sau đó vì không còn là cơ sở tôn giáo nên xác người được đem cải táng tại Rome. Nghe nói bên trong nhà thờ trang trí bằng những cửa kính màu (stained glass) rất đẹp và có qủa chuông lớn nặng 6 tấn nhưng chúng tôi không có vào xem.

Phía sau nhà thờ là Viện Bảo Tàng Quốc Gia Carthage (Cathage National Museum) là một trong hai nhà bảo tàng chuyên về khảo cổ ở Tunisia. Viện bảo tàng Carthage được thành lập từ năm 1875 trưng bày những cổ vật của đế quốc Carthage dưới thời Punic và thời La Mã cai trị. Những cổ vật qúy giá được tìm thấy qua những cuộc đào xới là những tượng điêu khắc bằng đá vôi, đá hoa cương diển tả các con thú, cây cối và cả tượng người. Viện bảo tàng còn có những bộ sưu tập các mặt nạ, đồ trang sức và những bức tranh cẩn đá màu Mosaics của người La Mã nổi tiếng nhất là bức tranh “Lady of Cathage”. Ngoài ra nhà bảo tàng còn có nhiều đồ dùng trong nhà từ thời kỳ đế quốc Byzantine cũng như những sản phẩm làm bằng ngà voi. Vé vào cửa là 10 Dinars (6 USD). Nhiều người tỏ ra thất vọng khi vào viếng viện bảo tàng vì cho rằng nghèo nàn, không có nhiều món để xem, xếp đặt lung tung họ không biết món nào ở thời kỳ chiến tranh Punic, món nào thời đế quốc La Mã, thời Hồi giáo Ottoman. Nhưng đối với tôi một nước nghèo như Tunisia tổ chức như vậy là khá rồi. Đứng trên đồi ở viện bảo tàng nhìn xuống hướng Đông là hướng biển thấy khu phế tích của Carthage ngày xưa còn lưu lại những bức tường gạch, những chiếc cột nhà ngã nghiêng và khu Carthage thành phố mới với những ngôi nhà tường trắng ngói đỏ khang trang của những người giàu có.

LÀNG DU LỊCH SIDI BOU SAID

Rời viện bảo tàng chúng tôi lên taxi đi về hướng Đông Bắc để đến làng du lịch nổi tiếng Sidi Bou Said. Làng này cách thủ đô Tunis 20 km nằm trên ngọn đồi cạnh bờ biển, đặc biệt nhất là những ngôi nhà ở đây đều có tường trắng và các cánh cửa sơn màu xanh nước biển. Tên làng được đặt theo tên của một người từng chọn nơi đây để ẩn náu vào thế kỷ 12 là Abou Said ibn Yahia Ettamini el Beji. Sau khi ông chết vào năm 1231 ông được chôn tại đây. Vào thế kỷ 18 những quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cai trị thủ đô Tunis và những người giàu có thường cất nhà tại đây. Ngày nay cũng vậy là nơi cư ngụ của quan quyền và giới giàu có, trước khi xe lên đồi để đến làng, anh chàng Ahmed đã chỉ cho chúng tôi xem khu dinh thự của Tổng Thống Tunisia hiện nay. Có hàng rào sắt, cột cờ, bãi cỏ xanh và lính gác phía bên ngoài, ngôi dinh thự ẩn mình bên trong dưới những tàng cây cọ và phía sau là vườn hoa và bến du thuyền. Dinh Tổng Thống cũng không đồ sộ to lớn gì trông giống như khách sạn Resort ở vùng biển Laguna Beach, California.

Làng du lịch Sidi Bou Said nhà cửa sơn xanh và trắng

Cũng như Laguna Beach, làng Sidi Bou Said quy tụ nhiều văn nghệ sĩ chọn nơi đây làm nơi sinh sống và sáng tác trong đó một người mà chúng ta nghe tiếng đó là triết gia Pháp Michel Foucault (1926-1984) đến ở đây nhiều năm khi ông dạy tại trường đại học Tunis. Trong thập niên 1920 Rodolphe d’Erlanger là họa sĩ, nhạc sĩ chuyên về âm nhạc Ả Rập người Pháp đến đây cư ngụ hô hào tất cả các ngôi nhà trong làng đều sơn màu xanh và trắng.

Xe taxi chúng tôi đậu trong bãi đậu nhỏ và đông đúc hàng quán bán đồ kỷ niệm, quán cà phê ở phía dưới ngôi làng. Từ đó chúng tôi đi bộ lên làng bằng con đường lát đá gập gềnh, đây là con đường chính hai bên là những quán ăn, nhà trọ, tiệm bánh kẹo, bán tranh ảnh, đồ gốm, đồ kỷ niệm. Đặc biệt là thấy bán nhiều con rùa nhỏ bơi lội trong những chậu nước. Trong những tiệm bánh kẹo nhiều màu sắc thường thấy bán những bao kẹo màu trắng sữa giống như kẹo Nougat có nhân đậu phộng của Pháp. Chúng tôi mua thử một gói nhưng ăn thấy qúa ngọt mà không có vị béo của sữa. Ngoài ra cũng không có gì hấp dẫn để mua ngoài những chai nước lạnh vì khí hậu hơi nóng ẩm. Có những con hẻm ở hai bên đường nhà cửa sơn xanh trắng êm đềm dưới những tàng cây bông giấy rực rỡ, nhìn xuống dưới dốc đá là biển rất xanh. Cảnh trí ở đây đẹp thơ mộng là đề tài cho nhiều họa sĩ đưa lên tranh trong đó có họa sĩ người Thuỵ Sĩ Paul Klee và nhà văn Andre Gide.

Du khách nhất là Bắc Âu thường tới đây để nghỉ hè, thưởng thức nắng ấm, mây trắng, trời trong và giá sinh hoạt cũng khá rẻ so với nước của họ. Từ Tunis có đường xe lửa đến đây theo tuyến đường đi La Marsa. Không khí sinh hoạt ban đêm nơi đây cũng rất thơ mộng trữ tình nhất là trong những quán ăn, quán cà phê nhạc sống và lung linh ánh nến.

Tôi cần phải vào Internet nên Ahmed sau khi hỏi một người địa phương, anh ta lái xe đưa chúng tôi đến một quán cà phê vắng vẻ nhiều cây cối xung quanh. Chủ quán người đàn ông lớn tuổi mời chúng tôi lên lầu, ngồi trong những chiếc ghế mây trên ban công, gió biển thổi rất mát mẻ. Vào mạng đọc điện thư và xem tin tức tiếng Việt, nhấm nháp tách cà phê Thổ Nhĩ Kỳ thơm ngon và rất đậm đặc. Sau đó chúng tôi rời làng biển du lịch và xuống núi.

KHU NHÀ TẮM LA MÃ THỜI CỔ

Di tích nhà tắm thời La Mã ở Carthage

Đi về phía Nam qua khỏi dinh Tổng Thống là tới di tích khu nhà tắm Antonine Baths nằm sát bờ biển của người La Mã xây vào khoảng năm 145 đến 165 sau Công Nguyên dưới thời hoàng đế Antoninus Pius. Hiện di tích cũng chỉ còn những bức tường đá sụp đổ và một cây cột lớn. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ thì khu nhà tắm này rất lớn có nhiều gian nhà như phòng lạnh, phòng xông hơi nóng và phòng tắm nước nóng. Nhà tắm này có nhiều tầng, phế tích còn lại ngày nay là tầng dưới của khu nhà tắm. Đàn ông người La Mã thường làm việc buổi sáng, buổi chiều đi thư giãn ở nhà tắm đàm đạo cùng bạn bè hay đọc sách. Vé vào xem di tích cổ này là 9 Dinars (5.5 USD).

Qua những con đường vắng với nhiều biệt thự giống như một tỉnh lẻ ở Việt Nam, chúng tôi đi trở về bến tàu La Goulette phía Nam gần đó. Xuống xe tài xế Ahmed đưa chúng tôi một mẫu giấy để đánh giá sự phục vụ của anh ta. Tôi đề là “Excellent” và thay vì trả tiền taxi đi 3 nơi là 60 Euros chúng tôi tặng thêm anh ta 10 Euros.

TRỊNH HẢO TÂM

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Đông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách VN hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com






Ký Sự Du Lịch Tây Âu Bài 17
KHU PHỐ CỔ MÉDINA CỦA TUNIS
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Médina là khu phố cổ cả ngàn năm ở trung tâm thành phố Tunis, thủ đô của quốc gia Hồi giáo Tunisia nằm ở vùng Bắc Phi. Tunisia giống như Việt Nam trước đây từ 1881 đến 1956 là thuộc địa của Pháp, sau khi độc lập những thập niên sau này nằm dưới sự cai trị độc tài, cuối cùng bộc phát cuộc Cách Mạng Hoa Lài vào cuối năm 2010.

Lối vào khu chợ hẻm Souk

Médina được tổ chức văn hóa Unesco của Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1979. Khu phố cổ này có tất cả 700 di tích bao gồm cung điện, đền thờ, lăng tẩm, bể nước v.v…xây dựng từ đời Almohad cho đến Hafsid có nghĩa là từ thế kỷ 12 đến 16, trong thời kỳ này Tunis là một trong những thành phố đông đảo giàu có  nhất trong thế giới Hồi giáo với dân số lúc đó khoảng 100 ngàn người. Ngày nay toàn thể thành phố Tunis và phụ cận có khoảng 2.2 triệu, riêng khu phố cổ Médina có 100 ngàn người. Diện tích khu phố cổ từ xưa đến nay vẫn vậy là 270 héc ta với đường xá khúc khuỷu nhỏ hẹp như những con hẻm và nhà cửa xây cất ngổn ngang vì ngàn năm trước chưa biết về thiết kế đô thị. Tuy nhiên theo sự nghiên cứu vào thập niên 1930 của những nhà khảo cổ thì nhà dân cư ở Médina cũng có những quy luật kiến trúc riêng dựa trên giai cấp xã hội, quan quyền giàu có kiểu nhà khác với giới lao động bình dân. Trong khu Médina bao gồm nhà dân cư, cơ quan công quyền, các đền thờ tôn giáo và khu thương mại chợ búa gọi là Souk. Souk là một mạng lưới gồm những con đường nhỏ hai bên là những sạp hàng buôn bán hoặc trao đổi được bố trí sắp xếp theo một thứ tự đặc biệt: hàng hóa giá trị như vải vóc, quần áo, thảm trải nhà, dầu thơm, sách vở, dĩa chén đồ bạc, trái cây được bán trong khu phố Souk, còn tôm cá, thịt thà, đồ thợ rèn như dao búa, đồ gốm như lọ, nồi được bán riêng ở trong khu chợ. Trong khu phố cổ Médina chia ra làm nhiều Souk và bán đặc biệt một loại hàng nhất định như 36 phố phường ở Hà Nội, có Souk chuyên môn đồ đồng, có Souk bán thảm, mền, có Souk đồ da và có Souk bán những món hàng của người Do Thái. Ngày xưa vào thế kỷ thứ 9 Médina còn có tường thành bao bọc bằng gạch nung 3 bề, riêng mặt nhìn ra biển hướng Đông tường thành làm kiên cố hơn bằng đá.

Chúng tôi đi trên đại lộ Habib Bourguiba là con đường chính của thành phố với phố xá thương mại dọc hai bên thì gặp một anh chàng đi cùng hướng chào hỏi chúng tôi. Anh ta cho biết làm trên tàu Preziosa và nhận ra chúng tôi là du khách trên tàu. Anh ta tự giới thiệu tên là David sinh trưởng tại đây, hôm nay rời tàu đi phép về nhà. Anh ta cho biết cha anh có một cửa hàng bán dầu thơm ở trong khu Médina này và có thể hướng dẫn chúng tôi đi thăm khu phố cổ này mà không nhận thù lao gì hết. Nếu chúng tôi thích dầu thơm đặc sản của Tunisia thì mua ủng hộ nơi tiệm của cha anh, anh rất cám ơn. Tôi thì không mặn mòi gì với đề nghị của David nhưng em rể tôi là Phùng Khải Tuấn chắc ngại nơi lạ không biết đi xem những gì nên đồng ý đi với anh ta.

Qua quảng trường Độc Lập được xem như trái tim của thành phố, những biến động chính trị xưa nay đều tập trung tại đây. Hôm nay có vài chiếc thiết vận xa đậu nơi đây với chừng một tiểu đội quân lính súng ống sẵn sàng. Cuối đại lộ chính là một sân rộng phố xá vây quanh và giữa sân là cổng chào như khải hoàn môn, cổng này có tên là Sea Gate hay còn được gọi là “Bab el Bahr” và Porte de France (Cửa nước Pháp). Sea Gate chắc hàm ý rằng cổng đi ra biển nhưng biển còn cách xa lắm là nơi chiếc du thuyền chúng tôi đậu. Ngày xưa khi còn tường thành bao bọc thì đây là cổng chính để ra biển.
Sau cổng chào có nhiều con đường nhỏ dẫn vào khu phố cổ, nhà cửa nho nhỏ cất san sát nhau như những con hẻm ở Sài Gòn. David dẫn chúng tôi vào một con đường Souk tiếp tục theo hướng Tây bán buôn sầm uất là đường Kasbah. Hai bên đường hẻm là những gian hàng treo la liệt nào là quần áo phụ nữ, sơ mi, áo ấm đàn ông, giày dép, dây nịt, túi xách chắc là sản phẩm của Trung Quốc. Nhiều gian hàng bán mâm, dĩa, chân đèn, bình hoa bằng đồng màu vàng đỏ lấp lánh. Nhiều nơi bán thảm, khăn bàn, áo thêu, ren, chỉ, nút áo theo cách bày biện của người Ả Rập như ta đã từng thấy qua các phim “Alibaba Và 40 Tướng Cướp”, “Aladdin Và Cây Đèn Thần”. Nhiều gian hàng bán đường, đậu, ớt, cà ri, gia vị, có một loại lá khô dùng để nhuộm tóc cho đen. Có nhiều loại hạt để ăn chơi nhưng không biết tên hạt gì? Trong con đường hẻm dây điện giăng mắc chằng chịt, nhiều nơi hẻm lợp mái che mưa nắng bên trên, nhiều nơi để trống ánh nắng rọi vào. Thấy chúng tôi đi ngang qua, những người đàn ông bán hàng mời chào (không thấy đàn bà bán) có khi chào bằng tiếng Nhật “Kô ni chi qua”, có khi chào bằng tiếng Tàu “Nị hảo”. Nhiều anh chàng to lớn, đen thui, râu tóc xồm xàm làm mình cũng hơi ơn ớn, chắc đi một mình thì không nên đi.

David cứ dẫn chúng tôi đi len lỏi trong Souk nói rằng đi chút nữa sẽ tới cửa hàng dầu thơm của ông già, chỗ này có nhiều thứ rất đáng xem. Đường một lúc một lên dốc, chắc là địa thế của một ngọn đồi, nhiều nơi có bậc thang, lúc này không còn những sạp buôn bán mà những cửa tiệm nho nhỏ. Đi thêm một khoảng ngắn là tới cửa hàng dầu thơm của cha David, ông ta và David trao đổi vài câu bằng tiếng Ả Rập chắc là thăm hỏi. Ông ta trạc tuổi 60, trong cửa hàng nhiều chai lọ, ấm bình dựng dầu thơm màu sắc khác nhau, ông ta đang giới thiệu với khách các loại dầu thơm ông ta bán. Tôi thử một loại dầu nóng xoa bóp có mùi như dầu Nhị Thiên Đường, có loại mùi khuynh diệp, mùi sả. Chúng tôi nói bận đi thăm viếng, chút nữa sẽ trở lại. Người Trung Đông rất qúy các loại dầu thơm, nhiều loại còn có dược chất trị bệnh, khách đến nhà được gia chủ cho người rữa chân, xức dầu rất lấy làm vinh hạnh. Khi Chúa Jesus sinh ra đời trong hang đá Bethlehem có 3 nhà thông thái tìm đến thăm, một trong những món qùa biếu mang tặng là dầu thơm.

Chúng tôi đến một ngôi nhà lớn cửa vào hình bán nguyệt đề bảng “Panorama-Medina. A La Maison D’Orient” có vài anh chàng đứng trước cửa. David xã giao vài câu chắc là xin phép đưa chúng tôi vào xem. Sau này có vào rồi tôi mới biết sân thượng ngôi nhà này, đứng trên đó sẽ thấy cảnh bao quát của khu phố Medina. Vào bên trong ngôi nhà hơi âm u có vài phụ nữ đang ngồi dệt thảm và chung quanh treo la liệt những tấm thảm trải nhà rất lớn màu sắc hoa văn cũng khá bắt mắt. David nói rằng đây là thảm dệt theo lối cổ truyền bằng tay, trải nhà rất sang trọng qúy phái, nếu mua hiệu buôn tại đây sẽ đưa xuống tàu gởi đến tận nhà bất cứ nước nào. Sau này tôi vào trang mạng du lịch Tripadvisor có bà ở Úc than phiền rằng bà có mua thảm ở khu này vào tháng Tư đến nay đã là tháng Bảy, chưa thấy thảm gởi đến. Bà có mua bảo hiểm gì đó mà không biết bây giờ có nên báo cho hãng bảo hiểm để đòi bồi thường hay chưa? Tôi chỉ thích thảm thần loại mà ngày xưa xem phim thấy Aladdin muốn đi đâu cầm cây đèn thần ngồi trên tấm thảm, ra lệnh là thảm nhấc bổng lên và bay ào ào. Thảm không bay được mua chỉ chật nhà, mắc công hút bụi!

Chiếc giường đại gia ngủ với 4 bà vợ

Lên tầng trên giữa gian phòng lớn bề bộn đồ đạc bàn tủ giường để bán, có một chiếc giường cỡ Queen Size cho hai người ngủ, phía trên màn che trướng phủ kiểu trong cung điện vua Hồi. David chỉ chiếc giường nói rằng ngày xưa một ông đại gia ngủ trên giường này với…4 bà vợ! Giường không gãy chân chắc là giường tốt?
Chúng tôi tiếp tục leo thang lên sân thượng ngôi nhà, sân mặt bằng lát gạch men, chung quanh có rào sắt sơn xanh nhạt. Ngôi nhà này cao hơn những ngôi nhà khác, tại đây nhìn xuống thành phố thấy nhà cửa chi chít ngổn ngang, thỉnh thoảng vươn lên một tháp cao của một ngôi đền thờ Hồi giáo. Cạnh chúng tôi là tháp vuông của ngôi đền lớn nhất ở đây là đền Al-Zaytuna xưa nhất xây từ thời Abbasid Caliphate (750- 1258 AD) nhưng cái tháp cao chắc xây lại sau này. David nói du khách có thể đến xem đền Hồi nhưng chỉ những người theo đạo Hồi mới được vào bên trong.

Thành phố Tunis với tháp đền thờ Hồi giáo

Đến đây xem như chương trình do David hướng dẫn chấm dứt, chúng tôi bước xuống thang, ra cửa ngôi nhà bán thảm và đến tiệm bán dầu thơm của cha David. Ông ta đưa nhiều loại dầu ra giới thiệu trong khi cô em tôi thì muốn loại dầu nóng gì đó mà cô nói rằng có lần mệt muốn xỉu thoa hít vào thì đỡ ngay. Cô thử nhiều loại nhưng không tìm được loại dầu như ý muốn, cuối cùng đành chọn một chai mùi hơi giống như vậy. Chai dầu tròn dung tích cỡ chai dầu gió xanh hiệu Con Ó, cha David nói giá 40 Euros. Em tôi nói công David hướng dẫn mình đi chơi, nếu không gặp anh ta chưa chắc gì mình đến đây được để ngắm cảnh toàn thành phố. Thôi mua để ủng hộ cho gia đình David. David chỉ đường chúng tôi ra khỏi nơi đây, hết khu chợ Souk vào lúc nãy sẽ thấy cổng chào Port de France cứ đi thẳng sẽ thấy đại lộ Habib Bourguiba.

Cha của David trong cửa tiệm dầu thơm

Trên các trang mạng du lịch người ta cảnh báo rằng có nhiều thanh niên tự xưng là hướng dẫn viên du lịch bám theo du khách nước ngoài để đề nghị dẫn đi xem nơi này nơi nọ. Nên từ chối và xua họ đi, không nên dây dưa rắc rối, tốt nhất là nói câu tiếng Pháp: “Monsieur, je connais bien Tunis”, có nghĩa là: “Thưa ông, tôi biết rõ Tunis mà”! Một chuyện thường gặp ở Tunis là có những anh chàng rất lễ phép, thân mật tiến đến chào hỏi và bắt chuyện, có khi hỏi giờ, mượn ống quẹt lửa, xin một điếu thuốc v.v…rồi đề nghị làm hướng dẫn, thông dịch hoặc bảo vệ đưa đi ngắm cảnh, mua sắm, ăn uống. Có những thiếu niên đón những du khách đàn ông độc thân rủ đi xem phim, sau đó ít nhất là anh ta đòi 20 Dinars (12 USD) hay vài bao thuốc hút Marlborros hoặc này nọ. Du khách phụ nữ không nên đi một mình đến Tunis mà phải đi cùng với nhiều người. Tôi để ý thấy có rất nhiều tiệm hớt tóc cho đàn ông nhưng không thấy tiệm tóc nào cho phụ nữ có lẽ vì phong tục Hồi giáo. Thường dân làm ăn bất chánh la cà trên đại lộ chính Habib Bourguiba hay đứng chung quanh khách sạn Hotel Africa vào ban đêm để chờ đón những con mồi. Tình trạng móc túi, giật ví phụ nữ cũng thường xảy ra trong các khu chợ đông đúc.

Đọc những lời cảnh báo trên mạng xong, tôi lại có ý tưởng chắc David không phải là nhân viên trên du thuyền gì ráo, anh ta cũng chỉ là một trong những người mánh mung kiếm tiền mà thôi. Có thể ông già bán dầu thơm cũng không phải là cha của David mà cũng là một “đối tác” làm ăn. Nhưng thôi chai dầu nóng nhỏ xíu giá 40 Euros cũng không mắc lắm! Mang về lâu lâu có dịp đem ra xức để nhớ lại kỷ niệm một chuyến đi Bắc Phi.

TRỊNH HẢO TÂM

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Đông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách VN hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com






Monday, January 20, 2014

Ký Sự Du Lịch Tây Âu (Bài 16)
TUNIS, THỦ ĐÔ CÁCH MẠNG HOA LÀI
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Tunis là thủ đô của nước Cộng Hòa Tunisia ở miền Bắc Phi Châu nơi xuất phát cuộc Cách Mạng Hoa Lài vào tháng 12, 2010 của những người trẻ mở đầu cho những cuộc cách mạng trong thế giới Ả Rập chống lại độc tài tại các nước như Ai Cập, Libya…

Sáng thứ Tư 29 tháng 5, 2013 du thuyền MSC Preziosa cập bến La Goulette của thành phố Tunis thuộc nước Tunisia. Hồi nhỏ sưu tầm tem thư tôi có những con tem của Tunisia, không ngờ hôm nay lại đặt chân đến xứ này. Tunisia có những điểm tương đồng với Việt Nam như trước kia (từ 1881 đến 1956) cũng là thuộc địa của Pháp, ngày nay trên xứ này ảnh hưởng Pháp còn nhiều như những tên đường là những địa danh, danh nhân nước Pháp. Xuống bến tàu quang cảnh sa mạc khô cằn với những cây chà là trên bến, vài con lạc đà được những người Ả Rập cầm cương mời gọi du khách chụp hình nhắc mình nhớ lại Tunisia nằm trên lục địa Phi châu và đây cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân lên lãnh thổ Phi Châu. Tunisia đi sau các nước Tây Âu một giờ nên đêm qua trên tàu đã nhắc hành khách kéo lui đồng hồ lại để đúng với giờ địa phương. Tối nay khi trở lại tàu phải điều chĩnh lại đồng hồ trở lại với giờ Tây Âu vì bến tới tàu sẽ cập Barcelona thuộc Tây Ban Nha.

Về thủ tục nhập cảnh Tunisia rất dễ dàng, chiều qua trong tờ chương trình hàng ngày gởi đến từng phòng trên du thuyền có kèm theo tờ giấy nhập cảnh cho du khách lên bờ dạo chơi. Chỉ cần điền vào hai bản với vài chi tiết cá nhân, hôm nay lên bến họ lấy lại một bản, bản kia họ đóng dấu và đưa cho du khách để làm giấy Visa. Du thuyền có dặn là phải mang theo Passport. Nhân viên bến tàu vui vẻ niềm nở, một cô dáng dấp người Trung Đông nhan sắc mặn mà mời chào lấy taxi đi viếng thành phố. Thật sự tôi cũng không nghiên cứu trước là lên thành phố Tunis mình sẽ đi đâu, có những nơi nào đáng xem? Trên bảng giá taxi, thấy đề là Medina 40 Euros, Medina và Sidi Bou Said 50 Euros, nếu thêm Carthage tức 3 nơi là 60 Euros. Chúng tôi bốn người chọn đi hết 3 nơi, cô ta nói đi trong ngày, bao lâu cũng được, taxi sẽ chờ, trả tiền sau. Cô trao cho tờ giấy đi 3 nơi, nói ra bên ngoài chọn xe taxi và ghi số xe vào tờ giấy này. Bên trong nhà ga bến cảng này có máy lạnh, tường sơn trắng bày bán đồ kỷ niệm đặc sản Tunisia như đồ trang sức, bình trà chén dĩa bằng bạc, thảm trải nhà, áo và khăn quàng nhiều màu sắc kiểu Ả Rập, dầu thơm v.v…

Cổng thành “Sea Gate’ vào khu phố cổ Tunis

Ra phía ngoài một hàng taxi đang chờ, chúng tôi chọn chiếc đầu tiên hiệu Wolkswagen bác tài là một ông trung niên thấp người mang kính cận khá dầy, anh ta cho biết tên là Ahmed. Ahmed vui vẻ, ngôn ngữ chính anh ta nói là tiếng Ả Rập Tunisian nhưng biết khá tiếng Pháp và chút tiếng Anh. Hỏi anh ta 3 địa điểm du lịch mà mình sẽ đi có gì đặc biệt. Ahmed vặn nhỏ radio đang hát nhạc Pháp cho biết Medina là khu phố cổ trung tâm của thành phố Tunis, Sidi Bou Said là khu du lịch cạnh biển và Cathage là khu di tích của đế quốc cổ trước Công Nguyên. Ahmed ca tụng đất nước Tunisia của anh nào là văn minh lâu đời với lịch sử 3 ngàn năm, xã hội an ninh không trộm cắp, giết người, nhất là người dân thông minh phần đông đều là bác sĩ, kỹ sư. Anh ta nói về cuộc Cách mạng Hoa Lài xuất phát ngay tại thành phố Tunis từ tháng 12, 2010 bằng những cuộc biểu tình của giới trẻ chống lại chính quyền tham nhũng, độc tài, nạn thất nghiệp, giá cả gia tăng làm cuộc sống người dân khốn khổ. Ngày 14 tháng Giêng, 2011 Tổng Thống Zine El Abidine Ben Ali từ chức và bỏ chạy sau 23 năm cầm quyền, ngày này được chọn là Ngày Cách Mạng. Anh ta nói từ đó đến nay Tunisia đang thay đổi, ngoại quốc đầu tư nhiều hơn nhất là ở khu chế xuất gần phi trường phía Bắc thành phố. Tổng Thống hiện nay là Moncef Marzouki và Thủ Tướng là Ali Laarayedh. Anh ta hỏi chúng tôi tại sao gọi là Cách Mạng Hoa Lài, thật tình tôi cũng không biết, anh ta nói vì hoa lài (Jasmine) là quốc hoa của nước Tunisia.

Đại lộ Habib Bourguiba con đường chính của Tunis

Từ bến tàu La Goulette xe chúng tôi chạy trên con đường được xây trên con đê bắc ngang qua hồ Tunis là một đầm nước mặn thông ra biển. Hai bên toàn là nước không cây cối nhà cửa, con đường thẳng tấp đi về hướng Tây. Đi khoảng 10 km thì hết đầm và bắt đầu vào ngoại ô thành phố, đất đai khô cằn, cây cối là những loại ít cần nước như cây cọ (palms), hoa Oleander, phượng tím Jacaranda, xương rồng… như những loại cây thường thấy ở miền Nam California. Khác Cali cũng những loại cây đó nhưng đuợc cắt tỉa chăm sóc xanh tươi, còn ở đây nhếch nhác èo uột, cỏ rác um tùm, cát bụi mịt mùng. Nhà cửa ở đây tường tô xi măng sơn trắng vuông vuông nho nhỏ, mái tôn lạnh hay đúc bê tông nóc bằng, phố xá vắng vẻ với nhiều chữ vẽ bậy trên  tường bằng chữ Ả Rập lăng quăng nên không hiểu nội dung nói gì?

ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ NƯỚC TUNISIA

Nuớc Tunisia nhỏ nhất ở Bắc Phi Châu nằm kẹp giữa hai quốc gia rộng lớn nhưng nhiều sa mạc là Libya ở phía Đông NamAlgeria ở phía Tây, phía Bắc và Đông giáp Địa Trung Hải. Tên nước Tunisia lấy từ Tunis là thành phố lâu đời thành lập bởi dân du mục Berber đi từ vùng sông Nile và người Phoenicians định cư dọc theo bờ biển. Đến thế kỷ thứ 9 trước Công Nguyên người Phoenicians thành lập nước Carthage hùng mạnh từng đánh với La Mã, Hy Lạp và Sicily trong vùng biển Ý-Pháp ngày nay. Đến năm 149 trước Công Nguyên Carthage bị La Mã xăm lăng và cai trị nhưng nhờ không lo chiến tranh họ phát triển kinh tế sản xuất tơ lụa, đồ gốm, rượu vang sang Ý. Khi đế quốc La Mã suy tàn họ bị người Ả Rập và Ottoman chiếm đóng vào thời Trung Cổ. Từ 1705 nước Tunisia được độc lập với triều đại dòng họ Hussein. Năm 1869 Tunisia tuyên bố phá sản và nhờ quốc tế trợ giúp, nhân cơ hội đó Pháp đặt chế độ bảo hộ lên Tunisia. Thế Chiến Thứ Hai Tunisia là chiến trường giành nhau giữa phe Trục Đức Ý và Đồng Minh, lúc đầu Đức thắng nhưng sau đó Đồng Minh phản công giành thắng lợi sau cùng.

Tunisia được Pháp trả độc lập năm 1956 do sự tranh đấu lãnh đạo bởi ông Habib Bourguiba và ông ta trở thành Tổng Thống đầu tiên. Đến năm 1987 bác sĩ cho biết ông không đủ sức khỏe và Thủ Tướng Zine El Abidine Ben Ali chiếm quyền Tổng Thống. Ông này ngồi ghế Tổng Thống suốt 23 năm bị cáo buộc tham nhũng, bất tài, bóp chết tự do dân chủ nhất là tự do báo chí, bà vợ mua sắm xa xỉ, thường lấy phi cơ nhà nước bay sang Âu Châu mua sắm đồ đạc đắt tiền. Cuộc Cách Mạng Hoa Lài nổ ra, hàng vạn dân chúng xuống đường biểu tình khiến ông phải từ chức tháo chạy vào ngày 14 Tháng Giêng, 2011 và nhà đấu tranh cho nhân quyền Moncef Marzouki được bầu làm Tổng Thống.

Cách mạng ở Tunisia khơi mào cho làn sóng cách mạng Mùa Xuân Ả Rập trong các quốc gia Hồi giáo lật đổ các chế độ quân phiệt độc tài lan  sang các nước như Ai Cập, Libya, Yemen…Nhưng cho đến nay tình hình các quốc gia này vẫn bất ổn, kinh tế khủng hoảng không được cải thiện là do các nhà chính trị thuộc nhóm thần quyền, thiếu kinh nghiệm, không đủ tài lãnh đạo như ở Tunis hôm chúng tôi đến trên quảng trường chính vẫn còn dây kẽm gai, xe bọc sắt, quân đội với súng ống canh chừng biểu tình. Ít hôm sau lại có 3 cô gái quần ngắn ngực trần ra đứng biểu tình!
Quảng trường Độc Lập nơi Cách Mạng Hoa Lài bùng phát vẫn còn chiến xa án ngữ

VIẾNG THỦ ĐÔ TUNIS

Dân số Tunisia là 10 triệu 800 ngàn, 97% là sắc tộc Ả Rập Berber. Thủ đô là thành phố Tunis mà chúng tôi tới du lịch hôm nay với dân số khoảng 2 triệu 400 ngàn người. Thành phố nghèo ít cao ốc nhưng rộng lớn, khu ngoại ô kéo dài về hướng Đông Bắc ra tận biển với các vùng như La Marsa, Carthage và Sidi Bou Said cách trung tâm Tunis đến 25 km.

Con đường thẳng từ cảng La Goulette đi vào Tunis trở thành đại lộ chính của thành phố là Avenue Habib Bourguiba, lấy tên của người lãnh đạo giành độc lập từ tay người Pháp. Sau khi qua nhà ga xe lửa là đến vòng xoay là quảng trường 14 Janvier 2011 tuy gọi là quảng trường nhưng chỉ có một bồn bông tròn ở giữa và tháp đồng hồ. Từ đây trở vào trung tâm thành phố, đại lộ có hai dãy phân cách ở giữa trồng hai hàng cây tỉa tròn mà tài liệu du lịch gọi con đường này  là “Tunisian Champs-Élysées”. Hai bên đại lộ những dinh thự phố xá thời thuộc địa còn sót lại hiện nay làm văn phòng thương mại, các ngân hàng, các hiệu buôn, nhà hàng. Phía trái có một cao ốc cao nhất thành phố là Hotel Africa nhắc tôi nhớ rằng nơi đây là đất Phi Châu, là xứ Ả Rập theo Hồi giáo không phải  các nước tự do dân chủ như Âu Châu là những nơi tôi vừa đi qua. Nên phải cẩn thận trong mọi lời nói, cử chỉ và phải tuân thủ luật lệ cũng như phong tục của họ.

Nhà thờ chính tòa St. Vincent de Paul ở khu trung tâm thành phố

Tài xế chúng tôi là Ahmed vừa đậu xe lại bên lề đường chưa kịp tắt máy thì cánh cửa xe bên tôi bật ra như có người bên ngoài mở. Không phải là chính khách đi xe có người mở cửa nên tôi cũng chột dạ giật mình, hóa ra có một người Ả Rập râu ria xồm xàm nói với tôi rằng anh ta cung cấp người hướng dẫn du lịch kiêm bảo vệ an ninh (anh ta dùng chữ “body guard”) để đi thăm thành phố. Tôi lắc đầu và nói “Sorry, chúng tôi không cần” và chỉ người tài xế làm như có người hướng dẫn rồi. Khá một điều là anh ta không nói gì thêm và bỏ đi. Tôi thấy họ cũng hiền lành không gì đáng ngại và chúng tôi có 4 người luôn đi chung với nhau mặc dù 2 người kia là phụ nữ đó là vợ tôi và cô em gái.

 Trên đại lộ chính này những quán cà phê bày bàn ghế ra tận vĩa hè lúc nào cũng đông đảo dân áp phe chạy mối dịch vụ, tài xế taxi lậu cũng như chính thức ngồi chờ khách. Cũng có những phụ nữ Ả Rập tuy giới luật đạo Hồi khe khắt nhưng họ vẫn thon thả trong quần jean bó sát, áo sơ mi lụa mỏng dài tay, đầu vấn khăn ngồi ăn uống hay dạo chơi mua sắm. Tôi có chụp được một tấm hình phải công nhận rằng họ rất đẹp. Cà phê ở đây là cà phê Thổ Nhĩ Kỳ hương thơm lừng và rất đậm đặc, bánh ngọt làm theo lối Pháp cũng rất ngon. Những tiệm buôn bán nữ trang, đồng hồ, đồ da ví bóp, giày dép, đồ kỷ niệm, tiệm bánh v.v…hàng hiệu Mỹ Âu cũng như đồ Trung Quốc đề giá bằng tiền Dinar của Tunisia (có tất cả 9 quốc gia Hồi giáo dùng đồng Dinar nhưng giá trị khác nhau). Đối với du khách, không cần phải đổi tiền Dinar mà có thể dùng đồng Euro hay đô la Mỹ (hiện nay 1 USD = 1.64 Tunisian Dinar).

Phụ nữ Tunisia trên đường phố Tunis

Cuối đại lộ chính là quảng trường Độc Lập (Place de l’independence) cây cối tiêu điều, dây kẽm gai rào xung quanh với hai chiếc xe bọc thép đậu bên trong và các quân nhân nón sắt cầm súng canh gác. Chính giữa là tượng ông Ibn Khaldoun một sử gia sống vào cuối thế kỷ 14, quê quán tại Tunis. Hướng Bắc quảng trường là ngôi nhà thờ Thánh Vincent de Paul với hai tháp chuông nằm lọt giữa hai dãy phố thương mại. Đây là vương cung thánh đường Thiên Chúa Giáo La Mã có kiến trúc khá đẹp phối hợp kiểu Gothic và Byzantine được khánh thành vào lễ Giáng Sinh năm 1897. Sau khi Pháp trao trả độc lập cho quốc gia Hồi giáo này nhiều nhà thờ Thiên Chúa Giáo trở thành tài sản của nhà nước như nhà thờ Thánh Louis ở Carthage mà chúng tôi sẽ tới chốc nữa đây. Tuy nhiên nhà thờ Thánh Vincent de Paul tại Tunis này vẫn còn thuộc giáo hội Vatican và là nhà thờ chính tòa giáo phận Tunis. Đối diện với nhà thờ, phía bên kia quảng trường Độc Lập là tòa Đại Sứ Pháp một tòa nhà kiểu Pháp tường vàng ngói đỏ ẩn mình sau hàng rào sắt trong sân có nhiều cây cối. Đi về hướng Tây thêm một đoạn ngắn nữa đại lộ chấm dứt bằng một sân xi măng rộng giữa có một cổng chào như khải hoàn môn được gọi là “Sea Gate” tức cửa thành ra biển, từ đây có nhiều con hẻm bán buôn sầm uất đi vào khu phố cổ của Tunis được gọi là Medina.

TRỊNH HẢO TÂM

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Đông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách VN hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com


Ký Sự Du Lịch Tây Âu (Bài 15)
MESSINA HẢI CẢNG TRÊN ĐẢO SICILY Ý
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Messina là thành phố lớn thứ ba trên đảo Sicily và nằm trên chóp Đông Bắc đảo này ngay tại eo biển Messina. Bản đồ nước Ý giống như chiếc giày bốt đá vào đảo Sicily thì Messina nằm ngay tại điểm chịu cú đá đó. Được thành lập vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, Messina là vị trí chiến lược nằm trấn giữ ngay cửa eo biển Messina là con đường hàng hải quan trọng để tàu thuyền từ Địa Trung Hải đi vào các hải cảng của Ý và Pháp trong đó có tuyến đường hàng hải đến từ Á Châu qua ngã kinh đào Suez .

Rời hải cảng Naples lúc 7 giờ 30 chiều thì 8 giờ sáng ngày Thứ Ba 28 tháng 5, 2013 du thuyền Ý MSC Preziosa đã cập bến Messina của đảo Sicily (tiếng Pháp gọi là Sicile). Sicily là đảo lớn nhất trong Địa Trung Hải nổi tiếng nhiều thứ trong đó có băng đảng Mafia xuất phát từ đây. Sicily thời Trung Cổ từng là một vương quốc cai trị khắp vùng bờ biển phía Tây nước Ý và cả miền Nam nước Pháp. Từ lâu nghe tiếng qua sử sách, phim ảnh, báo chí hôm nay mới có dịp đặt chân đến đảo Mafia.

 Thành phố Messina nằm trên đảo Sicily, Ý Đại Lợi

Du thuyền Preziosa đậu ngay tại hải cảng, phía Tây là thành phố Messina, phía Đông là eo biển rộng khoảng 5 km nhìn thấy những dãy núi trong nội địa nước Ý. Chúng tôi rời tàu lên bờ viếng thành phố Messina, quang cảnh nơi đây so với miền Bắc nước Ý như Naples, Genoa vừa viếng qua có phần hơi nhếch nhác. Đường xá hẹp, nhiều rác, cỏ hoang mọc trên lối đi, xe cộ nho nhỏ cũ kỹ và xe nào cũng bụi bậm, trầy trụa và móp méo mặc dù có rất nhiều nơi rữa xe ngay ở ngoài đường, có chỗ còn làm đồng thân xe (body), đấp vá, chà láng và sơn xe ngay tại vĩa hè đường phố còn tệ hơn hai con đường bên hông Phước Lộc Thọ Bolsa. Vừa lên bến nhiều ông tài taxi đi theo mời gọi chúng tôi đi thăm chỗ này nơi nọ, chẳng hạn như đi thăm 5 địa điểm trong hai tiếng đồng hồ với giá 50 Euros. Thấy cũng rẻ nhưng hơi sờ sợ, không biết có bị đặt bẫy hay sau đó đòi thêm tiền với lý do này nọ, để rồi chèo kéo gây chuyện bực mình mà bất cứ du khách nào cũng không muốn. Vì vậy chúng tôi từ chối ngay mà không hỏi thêm chi tiết làm chi.

Ngay tại bến tàu là Tòa Thị Chính kiến trúc La Mã khang trang có 3 tầng nằm trên đại lộ Via Giuseppe Garibaldi là con đường song song cập theo bến tàu. Phía trước là một sân rộng tráng xi măng như công viên trồng nhiều cây cọ xanh tươi. Theo tài liệu, bản đồ quảng bá du lịch lấy ở bến tàu thì công viên được ghi theo tiếng Ý là “Piazza Unione Europea” (Quảng Trường Liên Hiệp Âu Châu) là nơi chào đón du khách đi bằng du thuyền mỗi khi ghé bến Messina. Chào đón như thế nào mà ở đây thấy hai người cảnh sát đang chận một chiếc xe lại để lục soát gì đó trong cốp sau xe, người đi xe ra bên ngoài đứng và có vẻ thản nhiên vô tư như chuyện bình thường. Cũng muốn tìm hiểu về đất nước, đời sống, con người ở nơi đường xa xứ lạ để tường trình, nhưng thôi chuyện không liên quan đến mình, không nên dây dưa vào làm chi. Bất đồng ngôn ngữ nhiều khi cảnh sát Ý hiểu lầm ghép vào tội “cản trở nhân viên công lực thi hành phận sự”  thì hốc hác.

VÀI HÀNG LỊCH SỬ MESSINA

Vì có những kiến trúc sắp sửa ghé qua có liên quan đến lịch sử, nên chúng ta tìm hiểu sơ qua về lịch sử thành phố trước. Với địa thế thiên nhiên nằm ngay tại eo biển phân cách giữa lục địa nước Ý và đảo Sicily, Messina trở thành địa điểm chiến lược quan trọng trên đường hàng hải.
Giữa thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên hải tặc người Calcidese đã dùng nơi đây làm căn cứ và đặt tên là Zancle vì bến nơi tàu thuyền trú ẩn có địa thế hình lưỡi liềm. Đến thế kỷ thứ 5 cũng trước Công Nguyên dân tộc người Messenian đến định cư nên có tên là Messina (chứ không phải vì dơ dáy “messy” nên có tên là Messina). Từ đó cho đến các thời kỳ thuộc Hy Lạp và La Mã, Messina rất giàu có thịnh vượng. Sau khi bị người Ả Rập cai trị từ năm 843 sau Công Nguyên, Messina trải qua một giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử vì hải cảng bị cấm hoạt động, sợ người Tây Âu xâm nhập, thành phố trở nên đìu hiu như sa mạc. Cho đến khi người Normans trở lại vào năm 1061 áp dụng luật lệ Ky Tô giáo thành phố hoạt động trở lại, trở thành một trong những thị trường trao đổi hàng hoá lớn nhất trong vùng Địa Trung Hải. Từ thế kỷ 16 Messina sản xuất tơ lụa nổi tiếng khắp Âu Châu và lúc đó thành phố nằm trong vương quốc Sicily cai trị vùng đất sát biển rộng lớn từ Ý sang tận nước Pháp. Trong thời kỳ thanh bình thạnh trị thì tai họa lại ập đến, trận đại dịch hạch 1743 do thủy thủ trên các thương thuyền truyền sang và trận động đất lớn năm 1783 khiến thành phố gần như thành bình địa. Trong thế kỷ 19 thành phố tái thiết và phục hồi sinh hoạt trở lại thì lại bị một trận động đất khác vào ngày 28 tháng 12, 1908. Cũng lại nổ lực tái thiết và xây dựng chuyến này theo mô hình một đô thị tân tiến đa năng với nhiều khu vực chuyên môn khác nhau. Trong trận Đệ Nhị Thế Chiến vì Ý nằm trong phe Trục gồm Nhật Đức Ý nên bị máy bay Đồng Minh oanh tạc dữ dội vào năm 1943. Sau khi chiến tranh kết thúc thành phố tái thiết trở lại và ngày nay có dân số khoảng 250 ngàn người.

                                                                 Đường phố Messina

THÁNH ĐƯỜNG  MESSINA

Chúng tôi đi về hướng Nam cách một lốc đường để tới nhà thờ chính tòa Messina. Nhà thờ tường đá trắng lợp ngói đỏ bên cạnh là tháp chuông đứng riêng theo kiểu các nhà thờ ở Ý. Nhà thờ còn được gọi là “Duomo” (có nghĩa là Cathedral, nhà thờ chính tòa) được xây lại sau trận động đất năm 1908 với kiểu kiến trúc và vật liệu gần giống như nhà thờ cũ cũng được xây lại sau trận động đất 1783. Mặt tiền nhà thờ nhìn về hướng Tây trang trí với nhiều phù điêu (hình tượng đấp nổi), chính giữa là tượng Đức Mẹ Bồng Chúa Hài Đồng, mặt tiền nhà thờ được lấy lại từ nhà thờ cũ theo kiểu Gothic từ thế kỷ 14 . Vào bên trong nhà thờ rất rộng, bàn ghế chỉ kê ở phía trước, hai bên là hai hàng cột to lớn thẳng tấp, trên trần những đà bằng gỗ vẽ hoa, sơn phết đẹp và lạ mắt. Phía trên cung thánh là giàn phong cầm với những ống thanh âm to lớn bằng kim loại.

Tháp chuông cao 60 mét xây bên cạnh hướng Bắc nhà thờ với 5 tầng có cửa sổ, ban công đưa ra được trang trí bằng tượng cácthánh. Trên chóp tháp có đồng hồ thiên văn tròn, mỗi trưa vào lúc đúng ngọ 12 giờ tháp chuông phát ra tiếng gầm của sư tử, sau đó tiếng gà gáy và đổ chuông, trong lúc đó trên ban công cao nhất là tượng những ông thánh di chuyển theo vòng xoay từ bên trong tháp chuông bước ra ngoài và khuất vào ở phía bên kia. Tượng các thánh di chuyển bằng bộ máy cơ khí xem rất ngộ nghĩnh được ráp vào năm 1933 nhưng vào thời kỳ đó qủa là một kỹ thuật tân tiến, tạo thích thú cho người xem. Phía trước nhà thờ là một sân rộng gọi là quảng trường “Piazza Duomo Fontana Orione” có bồn phun nước được xây từ 1547. Nhà thờ chính tòa Messina là một thắng tích lịch sử quy tụ rất nhiều du khách đến xem, có nhà bảo tàng với lệ phí vài đồng Euros nhưng không có thời giờ nên rất tiếc không vào xem.

NHỮNG KIẾN TRÚC KHÁC

Từ quảng trường trước nhà thờ rẽ phải vào đường CorsoCavour lên hướng Bắc, con đường này hẹp nhưng phố xá nhà cửa khá đẹp, giữ gìn tươm tất sạch sẽ. Thấy một nhà thờ khác nho nhỏ nhưng rất cổ kính, phía trên có mái vòm (dome) hình tròn. Đó là nhà thờ St. Anthony the Abbot xây vào năm 1928-30 theo kiểu Tân Cổ Điển (Neo Classic) có kiến trúc hình bát giác. Chúng tôi bước vào trước là viếng Chúa sau là ngắm cảnh quan sát và chụp hình. Có một cặp vợ chồng trẻ cùng đứa con nhỏ chắc là du khách người Ý cùng bước vào, họ có đạo nên qùy cầu nguyện rất thành tâm. Trông người nghĩ đến ta là những con chiên ghẻ ham vui lạc đàn!

Chúng tôi tiếp tục theo đường Corso Cavour đến đại lộ Viale Boccetta rẽ sang trái đi về hướng núi (vì rẽ phải sẽ ra biển, trở lại bến tàu) thì gặp một nhà thờ khác là nhà thờ Thánh Francesco D’Assisi. Vị thánh này con chiên như tôi thật tình không biết ông là ai vì 12 thánh cả môn đệ của Chúa còn không thuộc tên! Thấy nhà thờ không cổ kính, không có gì đặc biệt nên chúng tôi đi luôn không ghé vào. Chúng tôi vòng lại theo đường Via XXIV (chắc là số 24 viết theo chữ La Mã) Maggio để trở lại hướng Nam. Trên đường đi thấy một ngôi nhà lầu cổ kính có treo thánh giá, bên ngoài cửa chính có đề một bảng bằng tiếng Ý, vừa đọc vừa đoán dường như vào năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị có phong thánh hay ban tặng gì đó? Nghĩ là một di tích lịch sử hay đền thờ, em rể tôi Phùng Khải Tuấn mở cửa bước vào. Một lúc sau anh chàng mở cửa bước ra, cười cười. Tôi hỏi bên trong có gì? Tuấn nói gặp một bà phước, bà khoác tay đuổi ra! Chúng tôi đoán chắc là vô nhầm tu viện dòng kín của các bà sơ rồi nên bị đuổi ra là phải.

Ngôi nhà thờ Chính Thống (Orthodox) Messina

Sau đó chúng tôi vào một ngôi chợ của người Thổ Nhĩ Kỳ để xem cho biết họ bán những món gì? Đại khái cũng thịt trừu, dê, bò, gà và chút ít tôm cá mực có vẻ tươi ngon. Rau cải không nhiều lắm, đặc biệt trái bầu ở đây ốm tong teo nhưng dài gần một mét! Nhiều loại bánh mì tròn dẹp của người Trung Đông. Giá cả thực phẩm đắt hơn Cali nhưng rẻ hơn ở Đức. Phía ngoài chợ có một phụ nữ Hồi giáo mặc đồ đen với khăn đội đầu ngồi xin tiền. Thấy cũng tội nghiệp tôi cho 1 Euro.

ẨM THỰC CỦA NGƯỜI MESSINA

Nói chung họ ăn như người Ý, món khai vị thường là mì ống hay những thứ tương tự gọi chung là Pasta và để lên trên sốt cà chua nấu với sò chem chép (mussels) hay tôm nhỏ. Đôi khi nấu với các loại hải sản như cá thu, cá nục, cá lưỡi kiếm (swordfish) và mực. Món chính thường là thịt trừu quay hay đút lò hoặc thỏ hay gà quay. Tráng miệng gồm có rất nhiều loại bánh ngọt. Trái cây đặc sản của Messina là cam, quýt và bưởi, đặc biệt có loại cam vỏ vàng nhưng ruột bên trong màu đỏ sậm như máu. Messina còn trồng nho và sản xuất nhiều loại rượu vang nổi tiếng.

Trái bầu ốm và dài gần một thước

Đến quảng trường Piazza Carducci thì đụng hai dinh thự bề thế hàng rào sắt phía ngoài và sân vườn cây cối hoa cỏ bên trong. Tưởng là phủ chúa ngày xưa hay là dinh quốc khách nhưng tìm hiểu mới biết đó là trường đại học, không biết tên gì, gồm những phân khoa nào. Phía ngoài tường rào dán la liệt những tờ quảng cáo tranh cữ hình ảnh đàn ông có, đàn bà có nhưng cũng không biết tranh cữ chức vụ gì vì toàn tiếng Ý, thấy có chữ “Comune” chắc là nghị viên hội đồng thành phố. Thấy quảng trường có quán nước, ki ốt sách báo bày la liệt các tạp chí màu mè sặc sỡ rất đẹp (chắc là tạp chí lá cải) nhưng cũng mừng là dân đảo Sicily cũng còn rất nhiều người đọc báo giấy. Thấy có băng ghế nên chúng tôi dừng chân ngồi xuống nghỉ mệt. Một bà cụ đội khăn che đầu, tay xách túi đồ, chống gậy đi ngang qua. Bà cụ nhìn chúng tôi mỉm cười, tôi chào bà cụ bằng tiếng Anh “Good Afternoon” và ra dấu bằng cách chỉ phố phường rồi đưa ngón tay cái lên ngụ ý là “Thành phố Số Một”. Bà cụ lắc đầu với vẻ mặt chán nản buồn bã!

Công viên chất đầy đồ phế thải

Chúng tôi quay trở về tàu lúc 2 giờ chiều để ăn trưa sau đó về phòng nghỉ ngơi. Theo thông báo trên tờ chương trình hàng ngày đêm nay sẽ có buổi Party với thuyền trưởng vào lúc 9 giờ 45 ở rạp hát Platinum Theatre. Chúng tôi phải ăn mặc theo lối “Gala” nghĩa là đàn ông áo vết cà vạt, đàn bà váy đầm hay đồ vết. Bảy giờ chúng tôi xuống nhà hàng ăn tối, hôm nay thực đơn là các món Địa Trung Hải với cá tôm đồ biển và tráng miệng bằng các loại bánh vùng Sicily khá ngọt và nhiều phó mát làm nhân bánh. Sau đó đến rạp hát để tham dự Party với thuyền trưởng, đầu tiên là chụp hình với thuyền trưởng bên ngoài rạp. Kế đến thuyền trưởng lên sân khấu giới thiệu từng người là giám đốc các ban ngành trên tàu. Người Á Châu duy nhất được giới thiệu hôm nay không phải là giám đốc nhưng là nhân viên xuất sắc trong tháng, là một anh trẻ tuổi người Indonesian làm trong nhà hàng. Chương trình ca vũ nhạc được mở màn sau đó có tên là “Wonderland” với các tiết mục chủ yếu là xiệc Acrobats gồm tung hứng, nhào lộn, vũ trên cao, y trang lạ màu sắc rực rỡ và ánh sáng lung linh huyền ảo.

TRỊNH HẢO TÂM

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Đông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách VN hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com