Ký Sự Du Lịch Tây Âu (Bài 18)
ĐẾ QUỐC CỔ XƯA CARTHAGE Ở TUNISIA
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM
Carthage nằm ở ngoại ô phía Đông thủ đô Tunis của Tunisia hiện
có dân số vào khoảng 20 ngàn người, ngày xưa là trung tâm của đế quốc Carthage được
người Phoenician thành lập khoảng 900 năm trước Công nguyên. Đế quốc Carthage rất hùng mạnh cai
trị toàn vùng Bắc Phi giáp với Địa Trung Hải và một phần phía Nam Tây Ban Nha
ngày nay. Carthage tranh chấp với La Mã và Syracuse nên thường đem quân sang quấy
nhiễu vùng duyên hải Ý và nhiều lần đánh với đế quốc La Mã thường được gọi là
cuộc chiến Punic (Punic Wars). Lần thứ hai tướng Hannibal
từ Carthage đem voi trận vượt rặng Pyrenees và núi
Alps sang nước Ý. Trận sau cùng năm 146 BC bị quân La Mã sang đánh, thiêu rụi
thành phố và chiếm đóng Carthage .
Thành phố được hồi sinh dưới sự cai trị của người La Mã và sau cùng bị người Hồi
Ả Rập xâm chiếm tàn phá thành phố lần thứ nữa vào năm 698.
Ngày 29-05-2013 chúng tôi từ du thuyền MSC Preziosa lên bến
ghé thăm thủ đô Tunis ,
vào thăm khu phố cổ Médina bán buôn sầm uất trong những con đường nhỏ. Sau đó
trở lại taxi đang chờ để được anh tài xế
người Ả Rập tên Ahmed đưa đi thăm các di tích thành phố cổ Carthage nằm về phía Đông cạnh bờ biển.
Từ đại lộ chính Avenue Habib Bourguiba là tên của vị anh hùng
giành độc lập cho Tunisia từ tay người Pháp xe chúng tôi vào xa lộ A1 có tên là
Trans-African Highway. Tuy có tên là “xuyên lục địa Phi Châu” nhưng thật ra xa
lộ mới xây được một khúc dọc theo bờ biển của Tunisia mà thôi. Đây là vùng có dân
cư dọc theo bờ biển chứ trong đất liền toàn là sa mạc khô cằn không ai ở, cả những
quốc gia bên cạnh là Maroc , Algeria và Libya cũng đều như vậy. Xa lộ cũng
rộng mỗi bên 4 làn xe chạy nhưng rất ít xe lưu thông và hai bên bờ nhiều rác giấy,
cây cối thiếu nước khô cằn còn tệ hơn xa lộ Biên Hòa hiện nay. Ahmed là công dân
Tunisia
gương mẫu anh ta luôn quảng bá cho đất nước mình như Cách Mạng Hoa Lài. Sau đó
chuyển sang xa lộ N9 đi về hướng Đông để đến thành phố La Marsa. Khi đi ngang
qua làng chế xuất được gọi là Thành Phố Mới với nhiều hãng xưởng như Samsung,
Nokia, Mercedes, có toà đaị sứ Mỹ và nhiều nước khác, Ahmed chỉ cho chúng tôi
xem rất lấy làm hãnh diện, mặc dù tôi thấy tất cả nhà cửa đều nhỏ bé, nhếch nhác.
Phía tay mặt sau làng chế xuất là hồ nước mặn thông ra biển, phía trái là phi
trường quốc tế Tunis-Carthage cỡ như phi trường Tân Sơn Nhất. Đi được khoảng 10
km Ahmed rẽ ra đường N10 chắc là đường cao tốc mỗi bên hai làn xe, quang cảnh ở
đây vùng đất cát vàng giống như Long Thành ở nước mình tuy nhiên xe cộ và nhà cửa
thưa vắng hơn nhiều, hai bên đường trồng cây thấp.
Di tích đấu trường của người La Mã ở Carthage
Đi được vài trăm mét Ahmed rẽ tay phải vào một con đường nhỏ
và anh ta cho biết đầu tiên mình ghé vào xem rạp hát cũng như đấu trường thời xưa
của người La Mã là Carthage Amphitheatre. Nó không to lớn đồ sộ như đấu trường
Colosseum ở Rome
mặc dù có cùng một công dụng mà còn lại một khu hoang phế với những tường đá đỏ
loang lỗ và những bậc thềm ngày xưa là hàng ghế ngồi từ thấp lên cao. Khu di tích
cổ này nằm cách cổng vào khoảng 100 mét, có nhân viên bán vé vào xem nhưng nhìn
vào bên trong không thấy ai vào, chắc còn hơi sớm chăng? Tại cổng vào có nhiều
sạp hàng bán đồ kỷ niệm như những chiếc dĩa vẽ tranh cảnh, những chiếc trống, lục
lạc làm bằng da và gỗ sơn màu tươi sáng lòe loẹt. Những ông Tunisian hiền lành
mời chào nhưng chắc là cũng ế ẩm. Di tích cổ xưa nhưng thiếu tu bổ, quảng cáo nên
không hấp dẫn du khách. Xem hình trên những bưu thiếp năm 1950 thấy vùng đấu trường
không cây cối toàn là sa mạc trống trải, ngày nay chung quanh được trồng một rừng
bạch dương.
Đấu trường được người La Mã xây dựng trong thời gian chiếm đóng
nước này trong thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Đấu trường có hình bầu dục chiều
dài 65 và chiều ngang 37 mét, hiện nay còn di tích cửa chuồng thú mở ra mỗi khi
hành hình tội nhân. Hai thánh Thiên Chúa Giáo tử đạo tại đây là Saint Perpetua
và Saint Felicity vào năm 203. Người La Mã ngày xưa xâm chiếm xứ nào thường xây
đấu trường tại nơi đó, người ta thấy di tích đấu trường ở Roma, Athens, Haifa
(Do Thái) v.v…Đấu trường có nhiều công dụng như làm nơi hội họp, giải trí vui
chơi như rạp hát, tranh tài thể thao như điền kinh đua ngựa, thi đấu đô vật, còn
dùng làm pháp trường để hành hình tội nhân cho thú dữ như sư tử, cọp xé xác ăn
thịt tội nhân. Đấu trường tại Carthage ,
Tunisia này được
xem là lớn thứ nhì chỉ sau Colosseum ở Roma mà thôi nhưng vì không được trùng
tu nên trở thành hoang phế tiêu điều. Vả lại Tunisia qúa xa không phải là địa điểm
du lịch nổi tiếng được ưa chuộng nên người ta không đầu tư bỏ tiền để thu hút
khách du lịch. Cho dù được tổ chức Unesco công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới
nhưng chắc là tiền tu bổ được chi viện lại bị các quan chức địa phương đem đi
tu bổ nhà riêng của mình.
NHÀ THỜ SAINT LOUIS VÀ VIỆN BẢO
TÀNG CARTHAGE
Rời đấu trường cổ La Mã ra đường cái đi về hướng Đông là đã
thấy một ngôi thánh đường lớn với hai tháp chuông ngất nghểu trên một ngọn đồi.
Ngọn đồi này có tên là Byrsa Hill là vị trí cao nhất ở Carthage
nên thời cổ xưa người Carthage
đã xây thành trì tại đây và ngày nay chỉ còn lại những phế tích. Rời con đường
cái xe chúng tôi theo con đường quanh co để lên đồi. Trước nhà thờ là bãi đậu
xe khá rộng nhưng không có mấy chiếc đậu, chỉ thấy một xe buýt lớn chở du khách
có lẽ là tua phải trả tiền thêm từ chiếc du thuyền của chúng tôi. Ở bãi đậu xe
có xác một chiếc xe hơi cháy đen, tôi không hiểu chiếc xe bị tai nạn gì mà lại
không được kéo đi bỏ mà để nằm ở đây trông xấu xí nơi thắng cảnh du lịch. Anh tài
xế taxi Ahmed cho biết đó là một chiếc xe bị dân chúng biểu tình đốt cháy trong
cuộc Cách Mạng Hoa Lài vào cuối năm 2010. Tôi lại nhớ ở đấu trường lúc nãy cũng
có một xác xe cháy tương tự chắc cũng là một chứng tích của cuộc cách mạng.
Vương Cung Thánh Đường Saint Louis nay trở thành nơi hòa nhạc
Nhà thờ Saint Louis có kiểu dáng rất lạ khác với những nhà
thờ ở Đức hay Bắc Âu đó là lối kiến trúc Byzantine đế quốc ở vùng Thổ Nhĩ Kỳ phát
triển mạnh sau khi La Mã phía Tây suy tàn. Đây là nhà thờ Công Giáo La Mã được
xây vào năm 1884 và khánh thành năm 1890 dưới thời Tunisia là thuộc địa của Pháp.
Khi Tunisia
được trao trả nền độc lập, nhà thờ trở thành tài sản nhà nước và hiện nay là rạp
hát và hòa nhạc không còn là nơi tôn nghiêm thờ phượng. Ngày trước đây là nhà
thờ chính tòa (Cathedral) của Tunisia
và Algeria , ngày nay nhà thờ
chính tòa duy nhất ở Tunisia
là vương cung thánh đường St.Vicent de Paul ở Tunis mà chúng tôi đi ngang qua lúc sáng. Ngày
trước Hồng Y Lavigerie là người xây nhà thờ đươc chôn cất tại đây nhưng sau đó
vì không còn là cơ sở tôn giáo nên xác người được đem cải táng tại Rome . Nghe nói bên trong
nhà thờ trang trí bằng những cửa kính màu (stained glass) rất đẹp và có qủa chuông
lớn nặng 6 tấn nhưng chúng tôi không có vào xem.
Phía sau nhà thờ là Viện Bảo Tàng Quốc Gia Carthage (Cathage National
Museum ) là một trong hai nhà bảo tàng
chuyên về khảo cổ ở Tunisia .
Viện bảo tàng Carthage được thành lập từ năm 1875 trưng bày những cổ vật của đế
quốc Carthage dưới thời Punic và thời La Mã cai trị. Những cổ vật qúy giá được
tìm thấy qua những cuộc đào xới là những tượng điêu khắc bằng đá vôi, đá hoa cương
diển tả các con thú, cây cối và cả tượng người. Viện bảo tàng còn có những bộ sưu
tập các mặt nạ, đồ trang sức và những bức tranh cẩn đá màu Mosaics của người La
Mã nổi tiếng nhất là bức tranh “Lady of Cathage”. Ngoài ra nhà bảo tàng còn có
nhiều đồ dùng trong nhà từ thời kỳ đế quốc Byzantine cũng như những sản phẩm làm
bằng ngà voi. Vé vào cửa là 10 Dinars (6 USD). Nhiều người tỏ ra thất vọng khi
vào viếng viện bảo tàng vì cho rằng nghèo nàn, không có nhiều món để xem, xếp đặt
lung tung họ không biết món nào ở thời kỳ chiến tranh Punic, món nào thời đế quốc
La Mã, thời Hồi giáo Ottoman. Nhưng đối với tôi một nước nghèo như Tunisia
tổ chức như vậy là khá rồi. Đứng trên đồi ở viện bảo tàng nhìn xuống hướng Đông
là hướng biển thấy khu phế tích của Carthage ngày xưa còn lưu lại những bức tường
gạch, những chiếc cột nhà ngã nghiêng và khu Carthage thành phố mới với những
ngôi nhà tường trắng ngói đỏ khang trang của những người giàu có.
LÀNG DU LỊCH SIDI BOU SAID
Rời viện bảo tàng chúng tôi lên taxi đi về hướng Đông Bắc để
đến làng du lịch nổi tiếng Sidi Bou Said. Làng này cách thủ đô Tunis 20 km nằm trên ngọn
đồi cạnh bờ biển, đặc biệt nhất là những ngôi nhà ở đây đều có tường trắng và các
cánh cửa sơn màu xanh nước biển. Tên làng được đặt theo tên của một người từng
chọn nơi đây để ẩn náu vào thế kỷ 12 là Abou Said ibn Yahia Ettamini el Beji.
Sau khi ông chết vào năm 1231 ông được chôn tại đây. Vào thế kỷ 18 những quan
chức Thổ Nhĩ Kỳ cai trị thủ đô Tunis
và những người giàu có thường cất nhà tại đây. Ngày nay cũng vậy là nơi cư ngụ
của quan quyền và giới giàu có, trước khi xe lên đồi để đến làng, anh chàng
Ahmed đã chỉ cho chúng tôi xem khu dinh thự của Tổng Thống Tunisia hiện nay. Có hàng rào sắt,
cột cờ, bãi cỏ xanh và lính gác phía bên ngoài, ngôi dinh thự ẩn mình bên trong
dưới những tàng cây cọ và phía sau là vườn hoa và bến du thuyền. Dinh Tổng Thống
cũng không đồ sộ to lớn gì trông giống như khách sạn Resort ở vùng biển Laguna Beach , California .
Làng du lịch Sidi Bou Said nhà cửa sơn xanh và trắng
Cũng như Laguna Beach, làng Sidi Bou Said quy tụ nhiều văn
nghệ sĩ chọn nơi đây làm nơi sinh sống và sáng tác trong đó một người mà chúng
ta nghe tiếng đó là triết gia Pháp Michel Foucault (1926-1984) đến ở đây nhiều
năm khi ông dạy tại trường đại học Tunis. Trong thập niên 1920 Rodolphe
d’Erlanger là họa sĩ, nhạc sĩ chuyên về âm nhạc Ả Rập người Pháp đến đây cư ngụ
hô hào tất cả các ngôi nhà trong làng đều sơn màu xanh và trắng.
Xe taxi chúng tôi đậu trong bãi đậu nhỏ và đông đúc hàng quán
bán đồ kỷ niệm, quán cà phê ở phía dưới ngôi làng. Từ đó chúng tôi đi bộ lên làng
bằng con đường lát đá gập gềnh, đây là con đường chính hai bên là những quán ăn,
nhà trọ, tiệm bánh kẹo, bán tranh ảnh, đồ gốm, đồ kỷ niệm. Đặc biệt là thấy bán
nhiều con rùa nhỏ bơi lội trong những chậu nước. Trong những tiệm bánh kẹo nhiều
màu sắc thường thấy bán những bao kẹo màu trắng sữa giống như kẹo Nougat có nhân
đậu phộng của Pháp. Chúng tôi mua thử một gói nhưng ăn thấy qúa ngọt mà không có
vị béo của sữa. Ngoài ra cũng không có gì hấp dẫn để mua ngoài những chai nước
lạnh vì khí hậu hơi nóng ẩm. Có những con hẻm ở hai bên đường nhà cửa sơn xanh
trắng êm đềm dưới những tàng cây bông giấy rực rỡ, nhìn xuống dưới dốc đá là biển
rất xanh. Cảnh trí ở đây đẹp thơ mộng là đề tài cho nhiều họa sĩ đưa lên tranh
trong đó có họa sĩ người Thuỵ Sĩ Paul Klee và nhà văn Andre Gide.
Du khách nhất là Bắc Âu thường tới đây để nghỉ hè, thưởng thức
nắng ấm, mây trắng, trời trong và giá sinh hoạt cũng khá rẻ so với nước của họ.
Từ Tunis có đường
xe lửa đến đây theo tuyến đường đi La Marsa. Không khí sinh hoạt ban đêm nơi đây
cũng rất thơ mộng trữ tình nhất là trong những quán ăn, quán cà phê nhạc sống và
lung linh ánh nến.
Tôi cần phải vào Internet nên Ahmed sau khi hỏi một người địa
phương, anh ta lái xe đưa chúng tôi đến một quán cà phê vắng vẻ nhiều cây cối
xung quanh. Chủ quán người đàn ông lớn tuổi mời chúng tôi lên lầu, ngồi trong
những chiếc ghế mây trên ban công, gió biển thổi rất mát mẻ. Vào mạng đọc điện
thư và xem tin tức tiếng Việt, nhấm nháp tách cà phê Thổ Nhĩ Kỳ thơm ngon và rất
đậm đặc. Sau đó chúng tôi rời làng biển du lịch và xuống núi.
KHU NHÀ TẮM LA MÃ THỜI CỔ
Di tích nhà tắm thời La Mã ở Carthage
Đi về phía Nam qua khỏi dinh Tổng Thống là tới di tích khu
nhà tắm Antonine Baths nằm sát bờ biển của người La Mã xây vào khoảng năm 145 đến
165 sau Công Nguyên dưới thời hoàng đế Antoninus Pius. Hiện di tích cũng chỉ còn
những bức tường đá sụp đổ và một cây cột lớn. Theo nghiên cứu của các nhà khảo
cổ thì khu nhà tắm này rất lớn có nhiều gian nhà như phòng lạnh, phòng xông hơi
nóng và phòng tắm nước nóng. Nhà tắm này có nhiều tầng, phế tích còn lại ngày
nay là tầng dưới của khu nhà tắm. Đàn ông người La Mã thường làm việc buổi sáng,
buổi chiều đi thư giãn ở nhà tắm đàm đạo cùng bạn bè hay đọc sách. Vé vào xem
di tích cổ này là 9 Dinars (5.5 USD).
Qua những con đường vắng với nhiều biệt thự giống như một tỉnh
lẻ ở Việt Nam , chúng tôi đi
trở về bến tàu La Goulette phía Nam
gần đó. Xuống xe tài xế Ahmed đưa chúng tôi một mẫu giấy để đánh giá sự phục vụ
của anh ta. Tôi đề là “Excellent” và thay vì trả tiền taxi đi 3 nơi là 60 Euros
chúng tôi tặng thêm anh ta 10 Euros.
TRỊNH HẢO TÂM
Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất
bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du
Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Đông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau ,
Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ
2 và Đi Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách
VN hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683
Hawks Dr. Brea , CA
92823 (714)528-1413
Email: trinhhaotam@yahoo.com
No comments:
Post a Comment