Pages

Powered By Blogger

Tuesday, January 21, 2014

Ký Sự Du Lịch Tây Âu Bài 17
KHU PHỐ CỔ MÉDINA CỦA TUNIS
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Médina là khu phố cổ cả ngàn năm ở trung tâm thành phố Tunis, thủ đô của quốc gia Hồi giáo Tunisia nằm ở vùng Bắc Phi. Tunisia giống như Việt Nam trước đây từ 1881 đến 1956 là thuộc địa của Pháp, sau khi độc lập những thập niên sau này nằm dưới sự cai trị độc tài, cuối cùng bộc phát cuộc Cách Mạng Hoa Lài vào cuối năm 2010.

Lối vào khu chợ hẻm Souk

Médina được tổ chức văn hóa Unesco của Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1979. Khu phố cổ này có tất cả 700 di tích bao gồm cung điện, đền thờ, lăng tẩm, bể nước v.v…xây dựng từ đời Almohad cho đến Hafsid có nghĩa là từ thế kỷ 12 đến 16, trong thời kỳ này Tunis là một trong những thành phố đông đảo giàu có  nhất trong thế giới Hồi giáo với dân số lúc đó khoảng 100 ngàn người. Ngày nay toàn thể thành phố Tunis và phụ cận có khoảng 2.2 triệu, riêng khu phố cổ Médina có 100 ngàn người. Diện tích khu phố cổ từ xưa đến nay vẫn vậy là 270 héc ta với đường xá khúc khuỷu nhỏ hẹp như những con hẻm và nhà cửa xây cất ngổn ngang vì ngàn năm trước chưa biết về thiết kế đô thị. Tuy nhiên theo sự nghiên cứu vào thập niên 1930 của những nhà khảo cổ thì nhà dân cư ở Médina cũng có những quy luật kiến trúc riêng dựa trên giai cấp xã hội, quan quyền giàu có kiểu nhà khác với giới lao động bình dân. Trong khu Médina bao gồm nhà dân cư, cơ quan công quyền, các đền thờ tôn giáo và khu thương mại chợ búa gọi là Souk. Souk là một mạng lưới gồm những con đường nhỏ hai bên là những sạp hàng buôn bán hoặc trao đổi được bố trí sắp xếp theo một thứ tự đặc biệt: hàng hóa giá trị như vải vóc, quần áo, thảm trải nhà, dầu thơm, sách vở, dĩa chén đồ bạc, trái cây được bán trong khu phố Souk, còn tôm cá, thịt thà, đồ thợ rèn như dao búa, đồ gốm như lọ, nồi được bán riêng ở trong khu chợ. Trong khu phố cổ Médina chia ra làm nhiều Souk và bán đặc biệt một loại hàng nhất định như 36 phố phường ở Hà Nội, có Souk chuyên môn đồ đồng, có Souk bán thảm, mền, có Souk đồ da và có Souk bán những món hàng của người Do Thái. Ngày xưa vào thế kỷ thứ 9 Médina còn có tường thành bao bọc bằng gạch nung 3 bề, riêng mặt nhìn ra biển hướng Đông tường thành làm kiên cố hơn bằng đá.

Chúng tôi đi trên đại lộ Habib Bourguiba là con đường chính của thành phố với phố xá thương mại dọc hai bên thì gặp một anh chàng đi cùng hướng chào hỏi chúng tôi. Anh ta cho biết làm trên tàu Preziosa và nhận ra chúng tôi là du khách trên tàu. Anh ta tự giới thiệu tên là David sinh trưởng tại đây, hôm nay rời tàu đi phép về nhà. Anh ta cho biết cha anh có một cửa hàng bán dầu thơm ở trong khu Médina này và có thể hướng dẫn chúng tôi đi thăm khu phố cổ này mà không nhận thù lao gì hết. Nếu chúng tôi thích dầu thơm đặc sản của Tunisia thì mua ủng hộ nơi tiệm của cha anh, anh rất cám ơn. Tôi thì không mặn mòi gì với đề nghị của David nhưng em rể tôi là Phùng Khải Tuấn chắc ngại nơi lạ không biết đi xem những gì nên đồng ý đi với anh ta.

Qua quảng trường Độc Lập được xem như trái tim của thành phố, những biến động chính trị xưa nay đều tập trung tại đây. Hôm nay có vài chiếc thiết vận xa đậu nơi đây với chừng một tiểu đội quân lính súng ống sẵn sàng. Cuối đại lộ chính là một sân rộng phố xá vây quanh và giữa sân là cổng chào như khải hoàn môn, cổng này có tên là Sea Gate hay còn được gọi là “Bab el Bahr” và Porte de France (Cửa nước Pháp). Sea Gate chắc hàm ý rằng cổng đi ra biển nhưng biển còn cách xa lắm là nơi chiếc du thuyền chúng tôi đậu. Ngày xưa khi còn tường thành bao bọc thì đây là cổng chính để ra biển.
Sau cổng chào có nhiều con đường nhỏ dẫn vào khu phố cổ, nhà cửa nho nhỏ cất san sát nhau như những con hẻm ở Sài Gòn. David dẫn chúng tôi vào một con đường Souk tiếp tục theo hướng Tây bán buôn sầm uất là đường Kasbah. Hai bên đường hẻm là những gian hàng treo la liệt nào là quần áo phụ nữ, sơ mi, áo ấm đàn ông, giày dép, dây nịt, túi xách chắc là sản phẩm của Trung Quốc. Nhiều gian hàng bán mâm, dĩa, chân đèn, bình hoa bằng đồng màu vàng đỏ lấp lánh. Nhiều nơi bán thảm, khăn bàn, áo thêu, ren, chỉ, nút áo theo cách bày biện của người Ả Rập như ta đã từng thấy qua các phim “Alibaba Và 40 Tướng Cướp”, “Aladdin Và Cây Đèn Thần”. Nhiều gian hàng bán đường, đậu, ớt, cà ri, gia vị, có một loại lá khô dùng để nhuộm tóc cho đen. Có nhiều loại hạt để ăn chơi nhưng không biết tên hạt gì? Trong con đường hẻm dây điện giăng mắc chằng chịt, nhiều nơi hẻm lợp mái che mưa nắng bên trên, nhiều nơi để trống ánh nắng rọi vào. Thấy chúng tôi đi ngang qua, những người đàn ông bán hàng mời chào (không thấy đàn bà bán) có khi chào bằng tiếng Nhật “Kô ni chi qua”, có khi chào bằng tiếng Tàu “Nị hảo”. Nhiều anh chàng to lớn, đen thui, râu tóc xồm xàm làm mình cũng hơi ơn ớn, chắc đi một mình thì không nên đi.

David cứ dẫn chúng tôi đi len lỏi trong Souk nói rằng đi chút nữa sẽ tới cửa hàng dầu thơm của ông già, chỗ này có nhiều thứ rất đáng xem. Đường một lúc một lên dốc, chắc là địa thế của một ngọn đồi, nhiều nơi có bậc thang, lúc này không còn những sạp buôn bán mà những cửa tiệm nho nhỏ. Đi thêm một khoảng ngắn là tới cửa hàng dầu thơm của cha David, ông ta và David trao đổi vài câu bằng tiếng Ả Rập chắc là thăm hỏi. Ông ta trạc tuổi 60, trong cửa hàng nhiều chai lọ, ấm bình dựng dầu thơm màu sắc khác nhau, ông ta đang giới thiệu với khách các loại dầu thơm ông ta bán. Tôi thử một loại dầu nóng xoa bóp có mùi như dầu Nhị Thiên Đường, có loại mùi khuynh diệp, mùi sả. Chúng tôi nói bận đi thăm viếng, chút nữa sẽ trở lại. Người Trung Đông rất qúy các loại dầu thơm, nhiều loại còn có dược chất trị bệnh, khách đến nhà được gia chủ cho người rữa chân, xức dầu rất lấy làm vinh hạnh. Khi Chúa Jesus sinh ra đời trong hang đá Bethlehem có 3 nhà thông thái tìm đến thăm, một trong những món qùa biếu mang tặng là dầu thơm.

Chúng tôi đến một ngôi nhà lớn cửa vào hình bán nguyệt đề bảng “Panorama-Medina. A La Maison D’Orient” có vài anh chàng đứng trước cửa. David xã giao vài câu chắc là xin phép đưa chúng tôi vào xem. Sau này có vào rồi tôi mới biết sân thượng ngôi nhà này, đứng trên đó sẽ thấy cảnh bao quát của khu phố Medina. Vào bên trong ngôi nhà hơi âm u có vài phụ nữ đang ngồi dệt thảm và chung quanh treo la liệt những tấm thảm trải nhà rất lớn màu sắc hoa văn cũng khá bắt mắt. David nói rằng đây là thảm dệt theo lối cổ truyền bằng tay, trải nhà rất sang trọng qúy phái, nếu mua hiệu buôn tại đây sẽ đưa xuống tàu gởi đến tận nhà bất cứ nước nào. Sau này tôi vào trang mạng du lịch Tripadvisor có bà ở Úc than phiền rằng bà có mua thảm ở khu này vào tháng Tư đến nay đã là tháng Bảy, chưa thấy thảm gởi đến. Bà có mua bảo hiểm gì đó mà không biết bây giờ có nên báo cho hãng bảo hiểm để đòi bồi thường hay chưa? Tôi chỉ thích thảm thần loại mà ngày xưa xem phim thấy Aladdin muốn đi đâu cầm cây đèn thần ngồi trên tấm thảm, ra lệnh là thảm nhấc bổng lên và bay ào ào. Thảm không bay được mua chỉ chật nhà, mắc công hút bụi!

Chiếc giường đại gia ngủ với 4 bà vợ

Lên tầng trên giữa gian phòng lớn bề bộn đồ đạc bàn tủ giường để bán, có một chiếc giường cỡ Queen Size cho hai người ngủ, phía trên màn che trướng phủ kiểu trong cung điện vua Hồi. David chỉ chiếc giường nói rằng ngày xưa một ông đại gia ngủ trên giường này với…4 bà vợ! Giường không gãy chân chắc là giường tốt?
Chúng tôi tiếp tục leo thang lên sân thượng ngôi nhà, sân mặt bằng lát gạch men, chung quanh có rào sắt sơn xanh nhạt. Ngôi nhà này cao hơn những ngôi nhà khác, tại đây nhìn xuống thành phố thấy nhà cửa chi chít ngổn ngang, thỉnh thoảng vươn lên một tháp cao của một ngôi đền thờ Hồi giáo. Cạnh chúng tôi là tháp vuông của ngôi đền lớn nhất ở đây là đền Al-Zaytuna xưa nhất xây từ thời Abbasid Caliphate (750- 1258 AD) nhưng cái tháp cao chắc xây lại sau này. David nói du khách có thể đến xem đền Hồi nhưng chỉ những người theo đạo Hồi mới được vào bên trong.

Thành phố Tunis với tháp đền thờ Hồi giáo

Đến đây xem như chương trình do David hướng dẫn chấm dứt, chúng tôi bước xuống thang, ra cửa ngôi nhà bán thảm và đến tiệm bán dầu thơm của cha David. Ông ta đưa nhiều loại dầu ra giới thiệu trong khi cô em tôi thì muốn loại dầu nóng gì đó mà cô nói rằng có lần mệt muốn xỉu thoa hít vào thì đỡ ngay. Cô thử nhiều loại nhưng không tìm được loại dầu như ý muốn, cuối cùng đành chọn một chai mùi hơi giống như vậy. Chai dầu tròn dung tích cỡ chai dầu gió xanh hiệu Con Ó, cha David nói giá 40 Euros. Em tôi nói công David hướng dẫn mình đi chơi, nếu không gặp anh ta chưa chắc gì mình đến đây được để ngắm cảnh toàn thành phố. Thôi mua để ủng hộ cho gia đình David. David chỉ đường chúng tôi ra khỏi nơi đây, hết khu chợ Souk vào lúc nãy sẽ thấy cổng chào Port de France cứ đi thẳng sẽ thấy đại lộ Habib Bourguiba.

Cha của David trong cửa tiệm dầu thơm

Trên các trang mạng du lịch người ta cảnh báo rằng có nhiều thanh niên tự xưng là hướng dẫn viên du lịch bám theo du khách nước ngoài để đề nghị dẫn đi xem nơi này nơi nọ. Nên từ chối và xua họ đi, không nên dây dưa rắc rối, tốt nhất là nói câu tiếng Pháp: “Monsieur, je connais bien Tunis”, có nghĩa là: “Thưa ông, tôi biết rõ Tunis mà”! Một chuyện thường gặp ở Tunis là có những anh chàng rất lễ phép, thân mật tiến đến chào hỏi và bắt chuyện, có khi hỏi giờ, mượn ống quẹt lửa, xin một điếu thuốc v.v…rồi đề nghị làm hướng dẫn, thông dịch hoặc bảo vệ đưa đi ngắm cảnh, mua sắm, ăn uống. Có những thiếu niên đón những du khách đàn ông độc thân rủ đi xem phim, sau đó ít nhất là anh ta đòi 20 Dinars (12 USD) hay vài bao thuốc hút Marlborros hoặc này nọ. Du khách phụ nữ không nên đi một mình đến Tunis mà phải đi cùng với nhiều người. Tôi để ý thấy có rất nhiều tiệm hớt tóc cho đàn ông nhưng không thấy tiệm tóc nào cho phụ nữ có lẽ vì phong tục Hồi giáo. Thường dân làm ăn bất chánh la cà trên đại lộ chính Habib Bourguiba hay đứng chung quanh khách sạn Hotel Africa vào ban đêm để chờ đón những con mồi. Tình trạng móc túi, giật ví phụ nữ cũng thường xảy ra trong các khu chợ đông đúc.

Đọc những lời cảnh báo trên mạng xong, tôi lại có ý tưởng chắc David không phải là nhân viên trên du thuyền gì ráo, anh ta cũng chỉ là một trong những người mánh mung kiếm tiền mà thôi. Có thể ông già bán dầu thơm cũng không phải là cha của David mà cũng là một “đối tác” làm ăn. Nhưng thôi chai dầu nóng nhỏ xíu giá 40 Euros cũng không mắc lắm! Mang về lâu lâu có dịp đem ra xức để nhớ lại kỷ niệm một chuyến đi Bắc Phi.

TRỊNH HẢO TÂM

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Đông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách VN hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com






No comments:

Post a Comment