Pages

Powered By Blogger

Monday, January 20, 2014

Ký Sự Du Lịch Tây Âu (Bài 15)
MESSINA HẢI CẢNG TRÊN ĐẢO SICILY Ý
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Messina là thành phố lớn thứ ba trên đảo Sicily và nằm trên chóp Đông Bắc đảo này ngay tại eo biển Messina. Bản đồ nước Ý giống như chiếc giày bốt đá vào đảo Sicily thì Messina nằm ngay tại điểm chịu cú đá đó. Được thành lập vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, Messina là vị trí chiến lược nằm trấn giữ ngay cửa eo biển Messina là con đường hàng hải quan trọng để tàu thuyền từ Địa Trung Hải đi vào các hải cảng của Ý và Pháp trong đó có tuyến đường hàng hải đến từ Á Châu qua ngã kinh đào Suez .

Rời hải cảng Naples lúc 7 giờ 30 chiều thì 8 giờ sáng ngày Thứ Ba 28 tháng 5, 2013 du thuyền Ý MSC Preziosa đã cập bến Messina của đảo Sicily (tiếng Pháp gọi là Sicile). Sicily là đảo lớn nhất trong Địa Trung Hải nổi tiếng nhiều thứ trong đó có băng đảng Mafia xuất phát từ đây. Sicily thời Trung Cổ từng là một vương quốc cai trị khắp vùng bờ biển phía Tây nước Ý và cả miền Nam nước Pháp. Từ lâu nghe tiếng qua sử sách, phim ảnh, báo chí hôm nay mới có dịp đặt chân đến đảo Mafia.

 Thành phố Messina nằm trên đảo Sicily, Ý Đại Lợi

Du thuyền Preziosa đậu ngay tại hải cảng, phía Tây là thành phố Messina, phía Đông là eo biển rộng khoảng 5 km nhìn thấy những dãy núi trong nội địa nước Ý. Chúng tôi rời tàu lên bờ viếng thành phố Messina, quang cảnh nơi đây so với miền Bắc nước Ý như Naples, Genoa vừa viếng qua có phần hơi nhếch nhác. Đường xá hẹp, nhiều rác, cỏ hoang mọc trên lối đi, xe cộ nho nhỏ cũ kỹ và xe nào cũng bụi bậm, trầy trụa và móp méo mặc dù có rất nhiều nơi rữa xe ngay ở ngoài đường, có chỗ còn làm đồng thân xe (body), đấp vá, chà láng và sơn xe ngay tại vĩa hè đường phố còn tệ hơn hai con đường bên hông Phước Lộc Thọ Bolsa. Vừa lên bến nhiều ông tài taxi đi theo mời gọi chúng tôi đi thăm chỗ này nơi nọ, chẳng hạn như đi thăm 5 địa điểm trong hai tiếng đồng hồ với giá 50 Euros. Thấy cũng rẻ nhưng hơi sờ sợ, không biết có bị đặt bẫy hay sau đó đòi thêm tiền với lý do này nọ, để rồi chèo kéo gây chuyện bực mình mà bất cứ du khách nào cũng không muốn. Vì vậy chúng tôi từ chối ngay mà không hỏi thêm chi tiết làm chi.

Ngay tại bến tàu là Tòa Thị Chính kiến trúc La Mã khang trang có 3 tầng nằm trên đại lộ Via Giuseppe Garibaldi là con đường song song cập theo bến tàu. Phía trước là một sân rộng tráng xi măng như công viên trồng nhiều cây cọ xanh tươi. Theo tài liệu, bản đồ quảng bá du lịch lấy ở bến tàu thì công viên được ghi theo tiếng Ý là “Piazza Unione Europea” (Quảng Trường Liên Hiệp Âu Châu) là nơi chào đón du khách đi bằng du thuyền mỗi khi ghé bến Messina. Chào đón như thế nào mà ở đây thấy hai người cảnh sát đang chận một chiếc xe lại để lục soát gì đó trong cốp sau xe, người đi xe ra bên ngoài đứng và có vẻ thản nhiên vô tư như chuyện bình thường. Cũng muốn tìm hiểu về đất nước, đời sống, con người ở nơi đường xa xứ lạ để tường trình, nhưng thôi chuyện không liên quan đến mình, không nên dây dưa vào làm chi. Bất đồng ngôn ngữ nhiều khi cảnh sát Ý hiểu lầm ghép vào tội “cản trở nhân viên công lực thi hành phận sự”  thì hốc hác.

VÀI HÀNG LỊCH SỬ MESSINA

Vì có những kiến trúc sắp sửa ghé qua có liên quan đến lịch sử, nên chúng ta tìm hiểu sơ qua về lịch sử thành phố trước. Với địa thế thiên nhiên nằm ngay tại eo biển phân cách giữa lục địa nước Ý và đảo Sicily, Messina trở thành địa điểm chiến lược quan trọng trên đường hàng hải.
Giữa thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên hải tặc người Calcidese đã dùng nơi đây làm căn cứ và đặt tên là Zancle vì bến nơi tàu thuyền trú ẩn có địa thế hình lưỡi liềm. Đến thế kỷ thứ 5 cũng trước Công Nguyên dân tộc người Messenian đến định cư nên có tên là Messina (chứ không phải vì dơ dáy “messy” nên có tên là Messina). Từ đó cho đến các thời kỳ thuộc Hy Lạp và La Mã, Messina rất giàu có thịnh vượng. Sau khi bị người Ả Rập cai trị từ năm 843 sau Công Nguyên, Messina trải qua một giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử vì hải cảng bị cấm hoạt động, sợ người Tây Âu xâm nhập, thành phố trở nên đìu hiu như sa mạc. Cho đến khi người Normans trở lại vào năm 1061 áp dụng luật lệ Ky Tô giáo thành phố hoạt động trở lại, trở thành một trong những thị trường trao đổi hàng hoá lớn nhất trong vùng Địa Trung Hải. Từ thế kỷ 16 Messina sản xuất tơ lụa nổi tiếng khắp Âu Châu và lúc đó thành phố nằm trong vương quốc Sicily cai trị vùng đất sát biển rộng lớn từ Ý sang tận nước Pháp. Trong thời kỳ thanh bình thạnh trị thì tai họa lại ập đến, trận đại dịch hạch 1743 do thủy thủ trên các thương thuyền truyền sang và trận động đất lớn năm 1783 khiến thành phố gần như thành bình địa. Trong thế kỷ 19 thành phố tái thiết và phục hồi sinh hoạt trở lại thì lại bị một trận động đất khác vào ngày 28 tháng 12, 1908. Cũng lại nổ lực tái thiết và xây dựng chuyến này theo mô hình một đô thị tân tiến đa năng với nhiều khu vực chuyên môn khác nhau. Trong trận Đệ Nhị Thế Chiến vì Ý nằm trong phe Trục gồm Nhật Đức Ý nên bị máy bay Đồng Minh oanh tạc dữ dội vào năm 1943. Sau khi chiến tranh kết thúc thành phố tái thiết trở lại và ngày nay có dân số khoảng 250 ngàn người.

                                                                 Đường phố Messina

THÁNH ĐƯỜNG  MESSINA

Chúng tôi đi về hướng Nam cách một lốc đường để tới nhà thờ chính tòa Messina. Nhà thờ tường đá trắng lợp ngói đỏ bên cạnh là tháp chuông đứng riêng theo kiểu các nhà thờ ở Ý. Nhà thờ còn được gọi là “Duomo” (có nghĩa là Cathedral, nhà thờ chính tòa) được xây lại sau trận động đất năm 1908 với kiểu kiến trúc và vật liệu gần giống như nhà thờ cũ cũng được xây lại sau trận động đất 1783. Mặt tiền nhà thờ nhìn về hướng Tây trang trí với nhiều phù điêu (hình tượng đấp nổi), chính giữa là tượng Đức Mẹ Bồng Chúa Hài Đồng, mặt tiền nhà thờ được lấy lại từ nhà thờ cũ theo kiểu Gothic từ thế kỷ 14 . Vào bên trong nhà thờ rất rộng, bàn ghế chỉ kê ở phía trước, hai bên là hai hàng cột to lớn thẳng tấp, trên trần những đà bằng gỗ vẽ hoa, sơn phết đẹp và lạ mắt. Phía trên cung thánh là giàn phong cầm với những ống thanh âm to lớn bằng kim loại.

Tháp chuông cao 60 mét xây bên cạnh hướng Bắc nhà thờ với 5 tầng có cửa sổ, ban công đưa ra được trang trí bằng tượng cácthánh. Trên chóp tháp có đồng hồ thiên văn tròn, mỗi trưa vào lúc đúng ngọ 12 giờ tháp chuông phát ra tiếng gầm của sư tử, sau đó tiếng gà gáy và đổ chuông, trong lúc đó trên ban công cao nhất là tượng những ông thánh di chuyển theo vòng xoay từ bên trong tháp chuông bước ra ngoài và khuất vào ở phía bên kia. Tượng các thánh di chuyển bằng bộ máy cơ khí xem rất ngộ nghĩnh được ráp vào năm 1933 nhưng vào thời kỳ đó qủa là một kỹ thuật tân tiến, tạo thích thú cho người xem. Phía trước nhà thờ là một sân rộng gọi là quảng trường “Piazza Duomo Fontana Orione” có bồn phun nước được xây từ 1547. Nhà thờ chính tòa Messina là một thắng tích lịch sử quy tụ rất nhiều du khách đến xem, có nhà bảo tàng với lệ phí vài đồng Euros nhưng không có thời giờ nên rất tiếc không vào xem.

NHỮNG KIẾN TRÚC KHÁC

Từ quảng trường trước nhà thờ rẽ phải vào đường CorsoCavour lên hướng Bắc, con đường này hẹp nhưng phố xá nhà cửa khá đẹp, giữ gìn tươm tất sạch sẽ. Thấy một nhà thờ khác nho nhỏ nhưng rất cổ kính, phía trên có mái vòm (dome) hình tròn. Đó là nhà thờ St. Anthony the Abbot xây vào năm 1928-30 theo kiểu Tân Cổ Điển (Neo Classic) có kiến trúc hình bát giác. Chúng tôi bước vào trước là viếng Chúa sau là ngắm cảnh quan sát và chụp hình. Có một cặp vợ chồng trẻ cùng đứa con nhỏ chắc là du khách người Ý cùng bước vào, họ có đạo nên qùy cầu nguyện rất thành tâm. Trông người nghĩ đến ta là những con chiên ghẻ ham vui lạc đàn!

Chúng tôi tiếp tục theo đường Corso Cavour đến đại lộ Viale Boccetta rẽ sang trái đi về hướng núi (vì rẽ phải sẽ ra biển, trở lại bến tàu) thì gặp một nhà thờ khác là nhà thờ Thánh Francesco D’Assisi. Vị thánh này con chiên như tôi thật tình không biết ông là ai vì 12 thánh cả môn đệ của Chúa còn không thuộc tên! Thấy nhà thờ không cổ kính, không có gì đặc biệt nên chúng tôi đi luôn không ghé vào. Chúng tôi vòng lại theo đường Via XXIV (chắc là số 24 viết theo chữ La Mã) Maggio để trở lại hướng Nam. Trên đường đi thấy một ngôi nhà lầu cổ kính có treo thánh giá, bên ngoài cửa chính có đề một bảng bằng tiếng Ý, vừa đọc vừa đoán dường như vào năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị có phong thánh hay ban tặng gì đó? Nghĩ là một di tích lịch sử hay đền thờ, em rể tôi Phùng Khải Tuấn mở cửa bước vào. Một lúc sau anh chàng mở cửa bước ra, cười cười. Tôi hỏi bên trong có gì? Tuấn nói gặp một bà phước, bà khoác tay đuổi ra! Chúng tôi đoán chắc là vô nhầm tu viện dòng kín của các bà sơ rồi nên bị đuổi ra là phải.

Ngôi nhà thờ Chính Thống (Orthodox) Messina

Sau đó chúng tôi vào một ngôi chợ của người Thổ Nhĩ Kỳ để xem cho biết họ bán những món gì? Đại khái cũng thịt trừu, dê, bò, gà và chút ít tôm cá mực có vẻ tươi ngon. Rau cải không nhiều lắm, đặc biệt trái bầu ở đây ốm tong teo nhưng dài gần một mét! Nhiều loại bánh mì tròn dẹp của người Trung Đông. Giá cả thực phẩm đắt hơn Cali nhưng rẻ hơn ở Đức. Phía ngoài chợ có một phụ nữ Hồi giáo mặc đồ đen với khăn đội đầu ngồi xin tiền. Thấy cũng tội nghiệp tôi cho 1 Euro.

ẨM THỰC CỦA NGƯỜI MESSINA

Nói chung họ ăn như người Ý, món khai vị thường là mì ống hay những thứ tương tự gọi chung là Pasta và để lên trên sốt cà chua nấu với sò chem chép (mussels) hay tôm nhỏ. Đôi khi nấu với các loại hải sản như cá thu, cá nục, cá lưỡi kiếm (swordfish) và mực. Món chính thường là thịt trừu quay hay đút lò hoặc thỏ hay gà quay. Tráng miệng gồm có rất nhiều loại bánh ngọt. Trái cây đặc sản của Messina là cam, quýt và bưởi, đặc biệt có loại cam vỏ vàng nhưng ruột bên trong màu đỏ sậm như máu. Messina còn trồng nho và sản xuất nhiều loại rượu vang nổi tiếng.

Trái bầu ốm và dài gần một thước

Đến quảng trường Piazza Carducci thì đụng hai dinh thự bề thế hàng rào sắt phía ngoài và sân vườn cây cối hoa cỏ bên trong. Tưởng là phủ chúa ngày xưa hay là dinh quốc khách nhưng tìm hiểu mới biết đó là trường đại học, không biết tên gì, gồm những phân khoa nào. Phía ngoài tường rào dán la liệt những tờ quảng cáo tranh cữ hình ảnh đàn ông có, đàn bà có nhưng cũng không biết tranh cữ chức vụ gì vì toàn tiếng Ý, thấy có chữ “Comune” chắc là nghị viên hội đồng thành phố. Thấy quảng trường có quán nước, ki ốt sách báo bày la liệt các tạp chí màu mè sặc sỡ rất đẹp (chắc là tạp chí lá cải) nhưng cũng mừng là dân đảo Sicily cũng còn rất nhiều người đọc báo giấy. Thấy có băng ghế nên chúng tôi dừng chân ngồi xuống nghỉ mệt. Một bà cụ đội khăn che đầu, tay xách túi đồ, chống gậy đi ngang qua. Bà cụ nhìn chúng tôi mỉm cười, tôi chào bà cụ bằng tiếng Anh “Good Afternoon” và ra dấu bằng cách chỉ phố phường rồi đưa ngón tay cái lên ngụ ý là “Thành phố Số Một”. Bà cụ lắc đầu với vẻ mặt chán nản buồn bã!

Công viên chất đầy đồ phế thải

Chúng tôi quay trở về tàu lúc 2 giờ chiều để ăn trưa sau đó về phòng nghỉ ngơi. Theo thông báo trên tờ chương trình hàng ngày đêm nay sẽ có buổi Party với thuyền trưởng vào lúc 9 giờ 45 ở rạp hát Platinum Theatre. Chúng tôi phải ăn mặc theo lối “Gala” nghĩa là đàn ông áo vết cà vạt, đàn bà váy đầm hay đồ vết. Bảy giờ chúng tôi xuống nhà hàng ăn tối, hôm nay thực đơn là các món Địa Trung Hải với cá tôm đồ biển và tráng miệng bằng các loại bánh vùng Sicily khá ngọt và nhiều phó mát làm nhân bánh. Sau đó đến rạp hát để tham dự Party với thuyền trưởng, đầu tiên là chụp hình với thuyền trưởng bên ngoài rạp. Kế đến thuyền trưởng lên sân khấu giới thiệu từng người là giám đốc các ban ngành trên tàu. Người Á Châu duy nhất được giới thiệu hôm nay không phải là giám đốc nhưng là nhân viên xuất sắc trong tháng, là một anh trẻ tuổi người Indonesian làm trong nhà hàng. Chương trình ca vũ nhạc được mở màn sau đó có tên là “Wonderland” với các tiết mục chủ yếu là xiệc Acrobats gồm tung hứng, nhào lộn, vũ trên cao, y trang lạ màu sắc rực rỡ và ánh sáng lung linh huyền ảo.

TRỊNH HẢO TÂM

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Đông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách VN hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com







No comments:

Post a Comment