Kỷ Niệm 35 Năm Nhật Báo Người Việt
ĐƯỜNG XA MỘT CHUYẾN VIỄN DU
TRỊNH HẢO TÂM
Đời tôi có rất nhiều cuộc viễn du vì cuộc sống hay lang
thang bốn phương trời để ngắm nhìn hoa thơm cỏ lạ, quan sát đất nước con người,
tìm hiểu lịch sử văn hóa để học hỏi điều hay nét đẹp. Vì vậy cổ nhân ta có câu
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn” hay “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ
biết ngày nào khôn”.
Trong các cuộc hành trình đó, chuyến đi mạo hiểm nhất thay cả
cuộc đời là chuyến vượt biên năm 1978 lái ghe từ Cà Mau sang tỉnh Songkhla, Thái
Lan. Nói đến viễn du là nói đến một chuyến đi xa, thuận buồm xuôi gió, được nhiều
thú vị vui thích hay gặp khó khăn trở ngại, bị lạc mất đồ, bị móc túi mất hết
giấy tờ tiền bạc. Viễn du là khăn gói ra đi mà kết qủa không biết thể nào? Nhưng
số tôi không đi là không được: “Giấc mơ của tôi là cánh chim hải âu, bay ra khỏi
tầm tay và tiếng sóng” (Bay Đi Cánh Chim Biển - Đức Huy).
Một cuộc viễn du khác mà tới hôm nay tôi vẫn còn cất bước,
không phải đi trên mặt đất, ngồi trên phi cơ hay du thuyền mà là trải lòng trên
trang giấy, đem những tâm sự buồn vui, hạnh phúc, kinh nghiệm đến cùng bạn đọc.
Đó là đến với báo Người Việt trong những thiên ký sự du lịch hàng tuần vào ngày
Thứ Bảy. Tôi xem sự cộng tác với Người Việt, chia sẻ vui buồn với bạn đọc là niềm
vui thích, cũng như một cuộc viễn du. Đi đã thích nhưng về ngồi viết lại càng
thú hơn, nhiều lúc tôi ví mình như trâu bò, ra đồng cố ngoặm nhiều cỏ non, về
chuồng nằm thảnh thơi nhai lại, càng thú vị hơn. Rồi sau đó chờ nghe những dư âm
phản hồi, những lá thư, điện thoại, bây giờ Email, nhắn trên Facebook của bạn đọc
nêu lên những câu hỏi, chia sẻ cái thú ngao du, những thứ đó nếu vắng đi chắc sẽ
man mác một nỗi buồn!
Khởi đầu chuyến viễn du với báo Người Việt như thế nào? Cơ
duyên tình tự nào đưa tôi đến với báo Người Việt? Đến với báo Người Việt đã qúa
lâu như một sự tình cờ không hẹn trước. Gặp báo Người Việt qua anh Đỗ Ngọc Yến
như gặp được một người bạn đồng hành cùng đi trên một con đường ở xứ lạ, giúp đỡ
dìu dắt nhau là chuyện tự nhiên.
Năm 1978 số báo Người Việt đầu tiên ra mắt với một tựa đề rất
hấp dẫn: “Mỹ lập cầu không vận đưa người tỵ nạn từ các trại Đông Nam Á sang Mỹ”
và tôi đã sang định cư Mỹ vào đầu năm 1979. Gặp anh Đỗ Ngọc Yến thì ai cũng có
cảm tình, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, cặp mắt sáng sau gọng kính cận thị
dầy như đáy ve chai. Anh ít nói mà lúc nào cũng chăm chỉ lắng nghe người khác nói.
Anh không khi nào tranh cãi hơn thua, nói cho được phần thắng về mình, ai nói điều
anh không đồng ý, anh chỉ cười xuề xòa không khi nào để ý giận ai. Thích nhất là
khi mình nói đùa, sau một vài giây suy nghĩ mắt anh sáng lên là biết anh đã hiểu
và đồng cảm với mình. Anh nhớ rất dai, gặp ai một lần nói tên là lần sau gặp lại
anh vẫn nhớ. Anh xem báo Người Việt như của chung, ai viết lách được mà chưa có
việc làm là anh mướn và nói là làm tạm để chờ việc khác ngon lành hơn. Vào làm,
việc gì hợp với khả năng sở thích là làm. Tôi quen với một nhà thơ trẻ khi ở cùng
trại tỵ nạn Songkhla, sang đây gặp anh và bà xã đều làm cho báo Người Việt. Thi
sĩ qua Mỹ hồn thơ không còn lai láng, cả tháng mới được một bài đăng trên báo,
nhưng đối với anh Yến vậy là tốt rồi!
Thời đó mới sang cái gì cũng xa lạ mà ở Việt Nam chưa
từng trải qua, mục đích của báo Người Việt là hướng dẫn đồng hương mau hội nhập
vào đời sống mới, sớm an cư lạc nghiệp. Thủ tục xin trợ cấp, cách chọn mướn một
apartment, mua một chiếc xe cũ ở đâu, thi bằng lái xe như thế nào, đi học Anh văn
hay học nghề và tìm kiếm một việc làm thích hợp là những đề tài mà báo Người Việt
lúc đó thường tìm hiểu và phổ biến cho đồng hương.
Nhớ lại thời điểm 1979 khu Little Saigon ngày nay là những
ruộng dâu, vườn bắp, lúc đó chợ Việt Nam chỉ có vài ngôi chợ nhỏ bằng hai căn
phố như chợ Dân Tiếp Vụ ở đường Westminster, nhà hàng có tiệm phở Hòa trên đường
First và Sullivan, Santa Ana. Dành dụm trả tiền thuê nhà, tiền mua xe lấy đâu đi
ăn tiệm, trước Phở Hòa vài bà cụ bán chút rau sau vườn để tìm thêm thu nhập. Quê
người lận đận, quê nhà càng tang thương rách nát, thân nhân chầu chực cả ngày để
lãnh từng gói qùa mang nhiều tình thương đùm bọc mà trong đó có gì? Vài chai dầu
Nhị Thiên Đường, một hộp Tylenol, bịt kẹo ho bạc hà, chỉ ren, vài thước vải
soie Pháp…Bao thư tôi gởi về, ba tôi phải lộn trở ra dùng lại để gởi sang cho tôi!
Tôi định cư ở Pomona một thành phố nghèo cách Little Saigon
khoảng 30 miles về hướng Đông Bắc, số dân Việt Nam tỵ nạn tại đây lúc đó khoảng
10 ngàn người, chỉ sau Santa Ana và Los Angeles mà thôi. Ở đây có thành lập ban
đại diện cộng đồng để bênh vực quyền lợi cho đồng bào khi bị kỳ thị vì trước đó
nhiều học sinh Việt Nam
bị học sinh sắc dân khác hà hiếp. Tôi cũng có chân trong ban đại diện và thường
xuyên cũng gởi tin sinh hoạt cộng đồng địa phương Pomona cho báo Người Việt như
tổ chức Hội Chợ Xuân, tổ chức Tết Trung Thu phát qùa cho trẻ con, mở lớp dạy Việt
ngữ, phát giải khuyến học khi bãi trường v.v…Khi có một tin tức gì đó liên quan
với người Việt tại đây như cướp của, bắn người tôi đưa tin và nhắc nhở đồng hương
cảnh giác. Những hoàn cảnh đáng thương như gia đình ông Hiệp, bà vợ bịnh tâm thần
còn ông cũng không khá gì hơn với hai đứa con nhỏ, có khi không còn gạo nấu! Những
mẫu tin lặt vặt đó được ký dưới tên “Thành Tâm Pomona”.
Vài người phê bình anh Đỗ Ngọc Yến đánh trống bỏ dùi, anh Yến
thành lập tờ báo Người Việt trong hoàn cảnh khó khăn như vậy. Xong, khi tờ báo
tạm thời đứng vững, anh để anh em làm và anh tìm những sáng kiến mới, những gì
cộng đồng tỵ nạn chúng ta chưa có như chương trình phát thanh, truyền hình vừa
phục vụ cộng đồng vừa tạo công ăn việc làm cho những người mới qua. Không phải
sáng kiến nào của anh cũng thành công nhưng phải công nhận một điều là anh là
người nhiều sáng kiến, luôn đi tìm cái mới mẻ. Thí dụ như khi kỹ nghệ vi tính
Computer đã phổ biến không còn qúa đắt đỏ, anh là người khuyến khích tôi dùng máy
vi tính để viết bài thay vì viết bằng bút vừa khó khăn vừa mất thì giờ khi sửa lỗi
và đem lên khuôn in báo. Khi Internet đã thông dụng anh báo tin là tòa báo bắt đầu
dùng Email để nhận bài vở, nhận tài liệu hình ảnh v.v…Nhiều lúc có họp mặt ăn uống
anh gọi điện thoại bảo tôi có rảnh xuống chơi. Anh lại là người bản tính âm thầm
khiêm tốn, nhớ lại mỗi lần xuống báo Người Việt thấy anh thường đứng ở bãi đậu
xe, tìm chỗ đậu cho người này người kia nhất là những khách hàng đến đăng rao vặt.
Nhiều người không biết tưởng anh là nhân viên bãi đậu xe!
Hai mươi lăm năm sau, Little Saigon đã mở mang phồn thịnh,
phố xá khang trang cũng là lúc nhật báo Người Việt dọn sang cơ sở mới do chính
mình làm chủ. Dân Việt tỵ nạn có đời sống thay đổi khác hơn trước, báo Người Việt
không còn những mục hướng dẫn hội nhập nữa vì mọi người ai cũng đã qúa rành. Sau
bao năm vất vả mưu sinh, nuôi con khôn lớn, mọi người đa số đều an cư lạc nghiệp
và bắt đầu an hưởng tuổi đời, bắt đầu giải trí du lịch. Trang du lịch trên báo
Người Việt được lập ra và tôi lại có miếng đất để dụng võ, nhiều lúc cũng “múa
gậy vườn hoang” cường điệu khuếch đại những nơi mình thích. Có độc giả ở Pomona là ông Bùi Văn Thưởng
chủ hệ thống Phở Hà gặp tôi bèn phê bình: “Anh viết thấy cảnh nơi đó qúa hay, qúa
đẹp. Sao tôi tới, tìm hoài không thấy gì hết!”. Tôi đành phải trả lời: “Xấu đẹp
tùy người đối diện! Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Phải tới đó với tâm cảm
nhàn tản của người du lịch nhẹ gánh bụi trần, hòa quyện tâm hồn vào không gian
mới cảm nhận hết được nét đẹp của thiên nhiên!”
Qủa thật anh Đỗ Ngọc Yến đánh trống bỏ dùi, anh gióng lên ba
hồi trống lại bỏ đi về miền lạc phúc. Nhật báo Người Việt anh để lại ngày nay có
thế hệ trẻ giỏi giang tiếp nối. Dù cho có những lúc sai sót, suốt 35 năm báo Người
Việt đã đồng hành với cộng đồng tỵ nạn trong một cuộc viễn du chông gai thử thách
nơi xứ người. Cộng đồng người Việt thành công lớn mạnh nhưng con đường của báo
Người Việt vẫn còn khá xa…
TRỊNH HẢO TÂM
No comments:
Post a Comment