Pages

Powered By Blogger

Thursday, September 19, 2013

CHUẨN BỊ MỘT CHUYẾN TÂY DU
(BÀI 1)
 TRỊNH HẢO TÂM



Sau một thời gian dài dừng bước giang hồ, tháng Năm 2013 này tôi lại lên đường làm một chuyến Tây Du. Ngày xưa Tam Tạng chịu gian nan thử thách Tây Du là để thỉnh kinh Phật hoằng dương đạo pháp, còn tôi Tây Du chuyến này chỉ là để ngao du sơn thủy, đi tìm hoa thơm cỏ lạ ở những chân trời xa. Tây Du lần này sẽ qua các nước: Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Ý Đại Lợi (không biết có “đại lợi” hay không mà nước Ý dạo này kinh tế lao đao, thất nghiệp rất nhiều). Chuyến này vừa đi tự do ở Đức, vừa xuống du thuyền ở Tây Ban Nha để thăm Địa Trung Hải một tuần qua các bờ biển Pháp, Ý, Tunisia, sau đó lên bờ về Đức rồi tham dự Tour xe buýt viếng Paris 5 ngày, xem độ rày Paris có gì lạ không?

Chương trình được hoạch định như sau: Ngày 15-5-13 từ phi trường LAX (Los Angeles) bằng máy bay mới 2 tầng Air Bus A380 của hãng Air France bay qua thành phố Bremen (miền Bắc Đức) sau khi đổi máy bay ở phi trường Charles De Gaulle của Paris. Hai hôm sau cùng với vợ chồng cô em gái đi xe xuống thành phố Frankfurt để tham dự Đại Hội Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức được tổ chức hàng năm vào 3 ngày 18 đến 20-5-13. Ngày 22-5-13 bằng máy bay hãng Lufthansa bay qua Barcelona để ngày 24-5-13 xuống du thuyền Preziosa thuộc hãng  MSC Cruise để ngao du các thành phố biển như Marseille (Pháp), Genoa, Naples, Messina (Ý) và Tunis (Tunisia). Bay về Bremen nghỉ xả hơi 4 ngày có thể rong chơi đâu đó trên nước Đức gặp đồng hương, bà con, bạn bè. Ngày 5 đến 9-6-13 bằng Tour xe buýt của người Đức đi Paris. Đây là lần thứ hai thăm lại Paris (lần trước vào năm 2008 để viết quyển “Tây Âu Cổ Kính”). Năm ngày ở Paris kinh đô ánh sáng, thành phố cổ kính, mỗi con đường góc phố đều là những chứng tích lịch sử, hy vọng có thì giờ hơn để chiêm ngưỡng vẻ lãng mạn quyến rũ của một nền văn hóa ảnh hưởng ít nhiều đến nước Việt chúng ta.

Chương trình ngao du chuyến này có vẻ nặng ký kéo dài gần một tháng, trong khi sức lực của mình ngày càng có vẻ hao mòn tàn tạ . Gối chân râm rang đau nhức vì đi nhiều, lưng thần kinh tọa kêu réo không nguôi vì ngồi lâu lướt trên mạng hay gõ ký sự du lịch mua vui bạn đọc. Chuyến này đi nhiều nơi bằng nhiều thứ phương tiện khác nhau như máy bay, tàu biển, xe điện, xe hơi, xem như thủy lục không quân đều có cả nhưng người lính đã già, liệu có còn chiến đấu được hay không? Biết sức mình nên trước khi ra đi xông pha lâm trận phải chuẩn bị súng ống, đạn dược cẩn thận.

ĐẶT CHUYẾN DU THUYỀN CRUISE

Dạo này dân Việt mình du lịch hay thích đi Cruise có lẽ là vì Tour du lịch có người hướng dẫn qúa mắc, tua nào tua nấy đều 4, 5 ngàn đồng đô la, có tua Nam Mỹ gần 10 ngàn! Tiền già chịu không thấu, thôi đành đi Cruise giá chỉ có vài trăm “boạc”. Lại nữa đi du thuyền khách sạn luôn luôn đi theo mình, khỏi phải thu dọn hành lý lôi thôi, bỏ quên vòng hột xoàn dưới gối, hàm răng trong nhà tắm đều là những “niềm vui đã nằm trong thiên tai” không ai muốn. Về ăn uống khỏi phải lo những quán ăn lạ, đồ ăn lạ, đôi khi lại còn bị chặt chém không nương tay “ăn một lần nhớ cả đời”! Đi Cruise thức ăn 24/24 lúc nào cũng có, buffet hàng trăm món, mặc tình mà kén cá chọn cơm. Trên Cruise còn có những cửa hàng quần áo, đồ da, mỹ phẩm, phụ nữ shopping thả dàn, hồ bơi, phòng tập thể dục, casino bài bạc kéo máy, các show ca nhạc nhảy múa nhộn nhịp tưng bừng. Tóm lại cuộc vui liên tục không bao giờ tàn, đó là những lý do khiến dân ta có khuynh hướng chọn đi Cruise khi du lịch.

Âu Châu biển rộng sông dài nên có Cruise đi biển cũng lại có Cruise đi sông. Cruise đi biển du thuyền to lớn như một tòa nhà cao tầng nổi trên mặt nước, qua các vùng biển Địa Trung Hải, biển Baltic. Cruise đi sông du thuyền nhỏ hơn thăm các thắng cảnh trên sông Sein, sông Rhine, sông Danube. Chuyến đi này tôi chọn Cruise Địa Trung Hải vì biển ấm, nước xanh, bờ cát trắng và thức ăn Địa Trung Hải theo các bác sĩ cho biết tốt cho sức khỏe, kéo dài tuổi thọ con người được ...vài năm (được năm nào hay năm nấy)!

Tôi lại chọn Cruise của hãng MSC là hãng của người Ý, năm trước đây ngày 13-1-2012 có du thuyền Ý tên là Costa Concordia, thuyền trưởng làm le “show off” với gái lái sát bờ khiến du thuyền đụng đá ngầm, vô nước nghiêng ngữa làm 32 hành khách tử vong và công việc trục vớt tàu tốn hàng trăm triệu! Cũng nghe bạn bè nói Cruise Ý chương trình văn nghệ giải trí không hoành tráng ngoạn mục bằng Cruise hãng Mỹ hoặc Anh. Cũng nghe nói du thuyền Ý thức ăn ngon hơn. Thôi kệ, tiền nào của nấy, “cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay dần đến đâu”.

Cruise tôi chọn thăm 5 thành phố biển, mỗi ngày một nơi, sáng tới bến chiều lui ghe và đêm thì tàu chạy, giá hạng chót là 800 USD cho một người trong một phòng 2 người ngủ (có thể chọn giường đôi lớn hay giuờng riêng từng người). Đó là giá mua trước 3 tháng và mua trên Internet, trả tiền bằng Visa, được hãng Cruise xác nhận bằng Email cho số phòng (cabin) và số booking.
Tôi chọn giá rẻ nhất, phòng nhỏ không balcony, không cửa sổ vì dù có đi chăng nữa mình cũng không có thời giờ nhìn ngắm, sáng ra đi tối về ngủ, không cần biết bên ngoài biển êm trăng sáng như thế nào? Ngày xưa thời tàu Titanic, trên tàu không có gì vui nên đôi uyên ương mới có thời giờ thơ thẩn trên boong mà thề non hẹn biển. Ngày nay tiết kiệm là tốt, muốn nhìn ngắm cảnh bên ngoài chỉ cần mở TV lên là thấy ngay vì họ có gắn camera thu hình trước mũi tàu. Giá Cruise mua sớm rẻ hơn gần tới ngày khởi hành và mùa Đông rẻ hơn mùa Hè. Những dịch vụ về du lịch như vé máy bay, du thuyền, khách sạn, mướn xe không có giá nhất định, giá cả tùy thuộc vào định luật cung cầu. Chuyến Cruise tôi đi mùa Đông chỉ có nửa giá.

MUA VÉ MÁY BAY

Vé máy bay muốn rẻ cũng phải mua trước trên 2 tháng và đi vào thứ Ba, thứ Tư rẻ hơn 3 ngày cuối tuần. Ghé nhiều phi trường, đổi nhiều chuyến bay rẻ hơn là bay thẳng. Dọ giá các Website bán vé máy bay trên Internet rốt cục tôi cũng chọn như những lần trước là mua vé của Expedia vì giá cả và có nhiều chuyến bay lựa chọn. Tôi chọn hãng máy bay Pháp Air France là vì có máy bay loại mới là Airbus A380 tối tân hiện đại mà tôi từng mơ ước được đáp thử một chuyến. Phi cơ Airbus A380 với hai tầng, 4 động cơ phản lực và chở được 525 hành khách. Đây là loại phi cơ hành khách lớn nhất hiện nay được Singapore Airlines đưa ra sử dụng lần đầu vào tháng 10-2007. Mỗi chiếc A380 được bán với giá 390 triệu USD (khoảng 300 triệu đồng Euro). Vé máy bay tôi mua với giá 1088 USD mỗi người, sau khi tới Paris phải đổi máy bay nhỏ 50 chỗ ngồi để đi Bremen. Dĩ nhiên là hạng “Economy”, chứ còn hạng “Business” và “First Class” đối với tôi là phù phiếm xa hoa, ngày nào đó trúng số sẽ đi! Ngặt một nỗi là không khi nào tôi mua vé số.

CHUẨN BỊ HÀNH TRANG

Tuổi già sức yếu, gồng gánh không được nhiều nên hành lý càng gọn nhẹ càng tốt, không mang theo máy sấy tóc, bàn ủi quần áo, máy chụp hình chuyên nghiệp với nhiều ống kính v.v… mà chỉ mang theo những món thực sự cần thiết. Kể ra đây như là “Typical Check List” để bạn đọc nhìn vào đó khỏi quên mỗi khi đi du lịch:

- Thông hành hay hộ chiếu (Passport, khối Âu Châu không cần Visa đối với công dân Mỹ, nhớ xem kỹ có phải Passport của mình hay không hay lấy nhầm của người khác trong gia đình và Passport có còn hiệu lực hay không, nhiều nước Á Châu (trong đó có Việt Nam) Passport phải còn hiệu lực trên 6 tháng). Nên photo copy màu một bản để lại cho người thân, một bản mang theo.

- Vé máy bay, mua trên Internet (Eticket) chỉ cần in ra tờ Email có lịch trình bay (số chuyến bay, ngày giờ, tên phi trường, số terminal) và quan trọng nhất là Confirmation Code, hàng này có 6 chữ và số, thí dụ như “G7SRXK”. Với Code mật mã này mình có thể in giấy lên tàu (Boarding Pass)  tại nhà trước khi ra sân bay.

- Các giấy tờ khác như số Confirmation của khách sạn, của xe lửa, của hãng Cruise (số Cabin, booking number), ghi lại trên giấy Username và Password các trương mục tiền nhà, ga điện nước trên Internet để trong chuyến đi mình có thể liên lạc trả tiền hàng tháng mà khỏi bị trễ. Tất cả các giấy tờ này cho vào một bao thơ lớn (folder).

- Bằng lái xe (như căn cước), thẻ tín dụng Visa hay Master Card và tiền mặt (cất nhiều nơi khác nhau, đề phòng bị móc túi).

- Các dụng cụ máy móc: máy ảnh, laptop hay Ipad (các máy này nhớ mang theo đồ xạt điện (battery charger), ở Âu Châu điện 220v và 2 chấu cắm điện tròn nên mang theo cái adapter chấu tròn (có bán ở Target, Wallmart). Riêng điện thoại cầm tay không nên xài cái từ Mỹ đem theo (tiền gọi rất mắc) mà mua cái dùng hết “sim” rồi bỏ, hoặc dùng điện thoại của thân nhân bên đó.

- Thuốc men (thí dụ như cao máu, cao mỡ, tiểu đường, cảm mạo, ho, tiêu chảy, say sóng v.v...)

- Quần áo, áo ấm, đồ lót, giày vớ (thể thao và dự tiệc).

Hãng máy bay như Air France hạng Economy chỉ cho gởi một hành lý nặng không qúa 50lbs (23kg) và tổng kích thước 3 chiều là 62 inches (157cm). Trước khi gởi tháo bỏ tất cả những giấy nhãn của các chuyến bay trước và ghi tên, địa chỉ mình (permanent address) cùng điạ chỉ mình trú ngụ trong khi du lịch (destination address) và điạ chỉ Email, số điện thoại để trường hợp hành lý thất lạc hãng máy bay liên lạc. Không để tư trang đắt tiền, những vật dụng dễ bể trong hành lý gởi. Trường hợp hành lý mất họ chỉ bồi thường một vài trăm đồng mà thôi chứ không phải như mình đòi hỏi. Để dễ nhận ra món hành lý của mình ở vòng xoay hành lý, nên ràng thêm một sợi dây nịt màu cam hay vàng (có bán ở Target, Wallmart) vừa dễ nhận dạng vừa bảo vệ hành lý thêm chắc chắn.

Mỗi hành khách chỉ mang theo được một va ly hay túi xách lên máy bay với kích thước là 22 x 14 x 9 inches (56 x 35 x 25cm) và không nặng qúa 26lbs (12kg). Hành lý này sẽ được để vào kệ bên trên của ghế ngồi. Đó là những con số do hãng Air France quy định, các hãng máy bay khác cũng thay đổi chút ít. Thuốc men, giấy tờ, tiền bạc, máy móc nên để trong hành lý xách tay và một vài bộ quần áo đề phòng khi hành lý ký gởi thất lạc hoặc chậm trễ mình có sẵn mà dùng.

Nếu tham gia Tour du lịch Âu Châu nên mang theo một số mì ly, phở tô, cháo cá, tôm khô v.v…nhiều lúc ngán các món ăn Tây mình có mà dùng vừa hợp khẩu vị lại tiết kiệm rất nhiều vì bên ấy vật giá rất đắt đỏ chứ không như Cali cái gì cũng có, vừa rẻ vừa ngon.


“Cẩn tắc vô áy náy” cẩn thận bao giờ cũng vẫn hơn, tránh được những phiền toái khiến chuyến đi của mình êm đềm trôi chảy nhiều thú vị. 

No comments:

Post a Comment