Pages

Powered By Blogger

Thursday, September 19, 2013



KÝ SỰ DU LỊCH TÂY ÂU (BÀI 2)
BREMEN, THÀNH PHỐ MIỀN BẮC NƯỚC ĐỨC
TRỊNH HẢO TÂM

Ngày 15 Tháng 5, 2013 chúng tôi ra phi trường LAX (Los Angeles) để du lịch Tây Âu qua 5 nước Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Tunisia. Chuyến này lần đầu tiên đi bằng máy bay mới Airbus A380 của hãng hàng không Air France. Loại phi cơ mới này có 2 tầng và chở được 516 hành khách, mỗi hàng có 10 ghế như Boeing 747 và 777. Phi cơ mới nên thứ gì cũng mới từ ghế ngồi êm ấm cho đến màn ảnh TV trước mặt chiếu cảnh thực bên ngoài khi máy bay cất và hạ cánh cho đến quày nước giải khát muốn uống thứ gì cũng có kể cả rượu vang.

Phi cơ vừa cất cánh trong bữa ăn đầu tiên thì xảy ra tai nạn nghề nghiệp cho cô tiếp viên người Pháp trẻ trung và xinh đẹp. Số là khi rót Coca Cola cho vợ tôi chắc là tại vì tôi nhìn quá, cô ta đâm run làm đổ Coca Cola lên người ông già Mỹ ngồi cạnh vợ tôi khi cô bỏ chai nước ngọt lại trên quày thức ăn, nguyên chai nước rớt trên mình ông già. Ông hành khách nhẫn nhục làm thinh nhưng cô ta cuống quít xin lỗi và chạy tìm một đống giấy ăn đưa cho ông lau. Ông ta lau sơ và đi vào toilet để thắm gục quần áo, đến khi ông trở lại thì áo quần đều ướt mem. Cô đi vào trong và trở lại đưa cho ông một bộ pyjama sạch nằm trong bao nylon, bảo ông thay đỡ và cô sẽ đi giặt sạch và xấy khô quần áo mà ông đang mặc ướt. Ông già từ chối, một lúc sau có bà trưởng đoàn tiếp viên đến xin lỗi ông và đề nghị ông nhận một promotion gì đó trong chuyến bay kế tiếp. Ông ta cũng từ chối và ngồi im đọc tạp chí mang theo suốt chuyến bay ngoại trừ nói chuyện với chúng tôi khi tôi hỏi ông cách chuyển máy bay khi đến phi trường Charles de Gaulle. Chúng tôi chỉ có 1 giờ 30 phút để chuyển từ Terminal 2E sang Terminal 2G cách nhau vài cây số để đổi máy bay nhỏ bay sang Bremen thành phố miền Bắc nước Đức nơi vợ chồng em gái tôi định cư từ 1979 sau chuyến vượt biển cùng với gia đình chúng tôi.



Phi trường Charles de Gaulle lớn nhất Âu Châu mỗi ga hành khách (Terminal) nằm rải rác xa nhau nghe nói chuyển đổi máy bay rất là phức tạp vì đến Terminal 2G còn phải trình Passport và khám xét an ninh một lần nữa, nếu sắp hàng qúa dài thì trễ chuyến bay kế tiếp mà hãng bán vé Expedia trên Internet đã sắp lịch trình bay như vậy rồi. Ra khỏi máy bay đỡ một cái là bảng chỉ dẫn rõ ràng (chắc là mới cải tiến) cứ theo hướng 2G mà đi. Đi miết, đi miết hết thang cuốn đến thang bộ cuối cùng đến một vách tường kính trong suốt trên tầng lầu cao. 2G mũi tên chỉ ra cõi không trung đó nhìn thấy những chiếc máy bay đậu ở phía dưới. Tưởng bảng chỉ dẫn gắn nhầm, tôi hỏi cô nhân viên đứng gần đó, cô nói chiếc thang máy đang ở phía dưới lầu. Qủa như vậy, vách tường bằng kính có khung cửa kính, đó là cửa vào thang máy. Lúc sau thang máy lên và cửa kính mở chúng tôi đi vào. Xuống dưới thang máy là nơi hành khách đợi xe Shuttle đến, đưa đi Terminal 2L, 2M, 2G và các Terminal khác. Một nhân viên đứng tại đây mỗi khi xe Shuttle đến ông ta hô lớn cho biết xe này sẽ đi Terminal nào, cứ theo đó mà hành khách lên xe, cũng khó mà nhầm.

Chỉ còn 20 phút nữa là chuyến bay của chúng tôi đi Bremen cất cánh tại Terminal 2G này mà không biết ở cửa ra tàu (Gate) nào? Hỏi nhân viên ở đây, ông ta nói cứ đến phòng chờ đợi và theo dõi trên màn TV. Đến phòng đợi hành khách đứng ngồi la liệt, nhìn lên màn ảnh TV lịch trình các chuyến bay với con số của những cửa ra tàu, chuyến bay của tôi vẫn chưa có cửa. Vài phút sau con số cửa hiện lên và chúng tôi vội ra ngoài ngay tìm cửa của chuyến bay mà đến. Gate ở đây không có băng ngồi chờ đợi gì cả vì mọi người thường phải đi ngay xuống xe buýt mà ra máy bay đậu ngoài sân. Hoá ra Terminal 2G dùng cho những tuyến bay gần sang những thành phố lân cận, khoảng giờ bay trên dưới một tiếng đồng hồ. Phi cơ chúng tôi đi Bremen là loại Embraer RJ145 chỉ có 50 ghế ngồi.

Tới Bremen 2 giờ 30 chiều ngày Thứ Năm 16-6-13 (giờ Bremen cùng giờ với Paris, đi trước California 9 tiếng). Phi trường rất nhỏ ngoài sân bay chỉ chừng 10 chiếc đậu, khi lấy hành lý nhìn ra ngoài đã thấy vợ chồng em gái tôi đang đứng đợi. Sau giây phút trùng phùng hội ngộ, em rể lái xe đưa về nhà ở khu vực phía Đông Nam thành phố cách phi trường không xa khoảng 5 km. Buổi chiều ăn uống, hàn huyên tâm sự chuyện xa chuyện gần trong gia đình. Ở thành phố này ngoài vợ chồng em gái tôi là Trịnh Ngọc Lan, chồng là Phùng Khải Tuấn ngày xưa 1979 cùng vượt biên với chúng tôi ở Cà Mau, họ hàng còn có cháu gái Lê Kiều Hạnh lấy chồng kỹ sư người Đức tên Oliver do em gái tôi mai mối giới thiệu. Hạnh và chồng gọi điện thoại thăm tôi và hẹn sau khi chúng tôi đi Cruise về sẽ mời đi ăn.



Sáng hôm sau chuẩn bị thăm viếng thành phố Bremen do em gái tôi dẫn đi bằng xe điện. Đây là lần thứ nhì tôi đến Bremen, lần trước vào tháng 9 năm 2006 để thăm các nước Đông Âu. Trước khi đi ăn sáng với bánh mì nóng và các loại dồi xúc xích thịt heo là món ăn truyền thống của người Đức. Bánh mì nóng đi bộ ra đầu phố là có đủ các loại màu vàng rợm trông rất ngon. Người Đức ăn uống rất đơn giản chỉ cần bánh mì đen hoặc trắng ăn với dồi xúc xích mà họ gọi là “Wurst”. Có đến 1,500 loại xúc xích khác nhau tùy theo địa phương và là món ăn sáng trưa chiều tối gì cũng thích hợp. Hai đứa em tôi lại ăn bánh mì với thịt heo sống xay ra gọi là “Hackepeter”, thịt phải là thịt nạt lưng rồi cứ lấy con dao mà phết trên bánh mì và thêm chút Maggi. Hai đứa cho biết hồi mới sang thấy người Đức ăn cũng ớn lắm nhưng dần dà cũng thích món này. Tôi có thử một miếng bánh mì phết thịt heo sống nhưng thấy không ngon gì. Tráng miệng bằng bánh Ý tên Tiramisù một loại bánh cake như bánh sinh nhật nhưng béo vị bơ và thơm mùi ruợu, rất hợp khi uống với cà phê đậm.

Ăn sáng xong chúng tôi ra khu trung tâm thành phố bằng xe điện. Xuống xe ở khu phố cổ có tên là Schnoor ngày xưa ngàn năm trước là nơi cư ngụ của dân đánh cá trên sông Weser là con sông chảy qua thành phố khá giống và cùng hướng như sông Sein ở Paris. Khu này có những con hẻm nhỏ lát đá, nhà phố lầu cao hai bên bằng đá đen trông lạnh lùng cổ kính. Nay cùng với trung tâm thành phố là khu du lịch, khách Đức từ các tỉnh phía Nam tới theo đoàn tua du lịch rất đông. Đến viếng ngôi nhà thờ Công giáo cổ kính St. John to lớn bằng đá đen, bên trong cung thánh âm u với những giàn đèn đưa từ trần xuống. Những bàn thờ hai bên với tượng các thánh và những phù điêu “chặn đàng thánh giá” mô tả cảnh Chúa chịu nạn. Băng ngồi và bàn qùy bằng loại gỗ xưa cứng như sắt nhưng qua thời gian mòn ở các góc cạnh. Ra bên ngoài nhà thờ gặp ông bà Hưng là gia đình em tôi quen biết cùng với vài cụ cao niên khác đi xem lễ nhà thờ vừa xong trước lúc chúng tôi đến. Bremen người Việt tỵ nạn cũng khá đông khoảng vài ngàn người, có vài căn tiệm thực phẩm Á Châu bán các loại gia vị rau cải Việt Nam và khoảng một chục nhà hàng Việt nhưng bán các món ăn Thái, Tàu cho người Đức. Giáo dân Công giáo thì còn ít và ở rải rác nên chưa thành lập được cộng đoàn nhưng mỗi tháng có linh mục Việt đến cử hành thánh lễ. Hiện nay là cha Huỳng Công Hạnh phụ trách, cha thường tổ chức những chuyến hành hương thánh địa Do Thái. Là một linh mục trẻ nhiều khả năng và lòng nhiệt huyết, cha thường sinh hoạt thánh ca với giới trẻ và đã cho ra dĩa CD thánh ca “Xin Vâng” với nhiều sáng tác giá trị. Email của linh mục Huỳnh Công Hạnh là hchsvd@gmail.com

Rời nhà thờ chúng tôi đi bộ tới quảng trường thành phố nơi đây cũng có nhà thờ cổ rất to lớn là vương cung thánh đường St. Petri của Tin Lành, dân chúng gọi là Dom. Quảng trường người Đức gọi là “Marktplatz” là một khoảng đất trống lát đá vuông coi như công trường hay “bùng binh” ngày xưa người ta nhóm chợ. Mặt tiền của công trường là một dãy phố lầu gọi là Town Hall được xây từ 1405 đến 1410 theo kiểu Gothic nhưng phần trước mặt tiền dãy phố được xây dựng 2 thế kỷ sau (1609-1612) theo kiểu Phục Hưng (Renaissance) như ta thấy ngày nay. Dãy phố Town Hall gồm 6, 7 ngôi nhà xây khít vách với nhau, mái nhọn lợp ngói đỏ ngày nay là những nhà hàng bán bia. Ngay nơi đây có bức tượng của ông Roland được dựng lên năm 1404, tay cầm thanh gươm công lý còn tay kia thì cầm tấm khiêng che có hình con ó đen. Ông Roland là tướng của hoàng đế Charlemagne là vua của vùng Tây Âu vào thế kỷ thứ 8. Roland được xem như anh hùng dân tộc có công bảo vệ thành phố Bremen và ông đã tử trận khi đánh với quân Hồi giáo. Người dân Bremen kính trọng ông Roland xem ông như là thành hoàng, tượng của ông được tôn kính mỗi khi có chiến tranh là tượng được đem cất giấu rất kỹ. Tượng bị hư hại hay mất là thành phố suy tàn, dân chúng khốn khổ. “Marktplatz” và tượng Roland được liệt vào danh sách di sản thế giới vào năm 2004.



Một tượng khác cũng gần đó nhưng khuất bên hông nhà thờ St. Petri là tượng 4 con thú có tên là “Die Stadtmusikaten” (Town Musicians). (“Die” không phải là “chết” mà trong tiếng Đức là một tiếng loại từ giống như chữ “the” trong tiếng Anh). Đây là bức tượng bằng đồng của Gerhard Marck dựng lên năm 1953 có hình 4 con gia cầm là lừa, chó, mèo và gà đứng trên lưng chồng lên nhau. Bức tượng được dựng theo một truyện cổ tích thần tiên dành kể cho con nít nghe của anh em nhà Grimm. Theo chuyện này thì ngày xưa 4 con gia cầm kể trên bị chủ nuôi bạc đãi nên bỏ nhà đi lang thang. Một đêm đói bụng quá bỗng gặp một căn nhà hoang nhưng bên trong là một bọn cướp đang ăn nhậu và chia nhau của cải lương thực chúng cướp được. Bốn con mới đứng chồng lên nhau hét vang lên làm bọn cướp trong đêm tối nhìn ra tưởng quái vật đến tấn công nên chúng hè nhau bỏ chạy hết. Bốn con gia cầm có đồ ăn và có căn nhà làm chốn nương thân. Tượng này trông cũng ngộ nghĩnh không đâu có nên được xem là hình ảnh tượng trưng cho thành phố Bremen.


Bên kia đường là kiến trúc cổ đen đúa nhưng trông rất ngoạn mục với nhiều cột, vòm mái cong đường nét cổ thời kỳ Phục Hưng đuợc xây năm 1588. Đó là ngôi nhà lầu lớn tên là Stadtwaage tức là “nhà cân” có lẽ ngày xưa bên trong có những cái cân để cân đếm hàng hóa, lương thực cho khu chợ bên ngoài. Ngôi nhà này bị hư hao trong trận Đệ Nhị Thế Chiến và dân chúng Bremen đã trùng tu phục hồi lại bằng chính tiền của họ đóng góp. Phía đông nhà cân là vương cung thánh đường St. Petri được xây dựng vào thế kỷ 13 rất cổ có kiểu giống như nhà thờ chính tòa Hà Nội. Có hai lầu chuông nhưng không có ngọn tháp nhọn bên trên. Ở mặt tiền nhà thờ có 5 cây cột lớn, mỗi cột có tượng các thánh như Moses, David, Peter (Phê rô) và Paul (Phao lồ). Tượng còn lại là hoàng đế Charlemagne (742 hay 747 đến 814) là vua của xứ Franks (768-814) người đã chinh phục đế quốc Ý và lên ngôi vua vùng Lombardy năm 774. Năm 800 nhân chuyến viếng thăm La Mã (Roma) ông được Giáo Hoàng Leo III phong chức và đội cho vương miện Hoàng Đế La Mã (Emperor of the Romans). Cha ông cũng là vua, ông được xem là cha già dân tộc thành lập hai nước Pháp và Đức và là người đầu tiên cai trị cả vùng Tây Âu sau khi đế quốc La Mã suy vong.


No comments:

Post a Comment