Pages

Powered By Blogger

Thursday, September 19, 2013


Ký Sự Du Lịch Tây Âu Bài 3
VƯỜN HOA RHODODENDRON Ở BREMEN NƯỚC ĐỨC
TRỊNH HẢO TÂM

Bremen là một thành phố hải cảng nằm về phiá tây bắc nước Đức và cách Hamburg lối 100 km về hướng tây nam. Bremen có con sông Weser phát nguyên trong vùng miền trung nước Đức chảy qua và đổ ra biển Bắc Hải (North Sea) cách Bremen 50 km về hướng bắc. Dân số Bremen là 547,976 (2012) nếu kể cả vùng ngoại ô nối liền với Oldenburg lên tới 2.37 triệu và nằm trên cao độ 12 mét cách mặt nước biển. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Bremen là vùng đất do Hoa Kỳ chiếm đóng vì Mỹ muốn có một hải cảng trong khi một vùng rộng lớn xung quanh do Anh chiếm. Vì biên giới hành chánh đó mà ngày nay dù chỉ là một thành phố, Bremen trở thành một trong 16 bang của Cộng Hòa Liên Bang Đức.

NHÀ THỜ CỔ ST. PETRI

Buổi trưa ngày 17-5-13 sau khi ăn trưa ở McDonald’s tại quảng trường trung tâm thành phố chúng tôi tiếp tục viếng khu phố cổ trong đó có Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê Rô (người Đức gọi là thánh Petri). Nhà thờ có hai tháp chuông cao và nhọn giống hầu hết các nhà thờ Công Giáo vì ngày xưa là nhà thờ Công Giáo nhưng hiện nay thuộc hội thánh Tin Lành Protestant của người Đức từ khi giáo hội Protestant tách ra (chữ Protestant xuất phát từ chữ “Protest” có nghĩa là phản đối, không đồng ý).



Về lịch sử nhà thờ, tại vị trí nhà thờ hiện nay năm 789 Hồng Y Giáo Chủ thời ấy là Willhad đã cho xây một nhà thờ nhưng chỉ 3 năm sau bị thiêu hủy bởi quân Saxons và sau đó nhà thờ được xây lại bởi Hồng Y Willerich vào năm 805 và đặt tên là nhà thờ Thánh Phê Rô để thờ kính vị thánh này. Năm 1041 cả thành phố Bremen bị trận hỏa hoạn lớn và nhà thờ lại bị thiệt hại nặng nề nhất là khu thư viện nhà thờ. Đến thế kỷ 13 nhà thờ được xây dựng trở lại như hiện nay nhưng không có hai tháp chuông. Năm 1892 hoàn tất hai tháp chuông và bên trong trùng tu trở lại theo kiểu Gothic. Trong trận Đệ Nhị Thế Chiến năm 1943 nhà thờ bị không quân Đồng Minh (Anh Mỹ) dội bom lửa nhiều lần cho đến 1945 lần cuối bị một quả bom là xập nóc nhà thờ và lúc đó người ta sợ rằng nhà thờ sẽ đổ xập hoàn toàn. Tuy nhiên phần còn lại đã được chống đỡ và nhà thờ đã được xây lại vào năm 1950 sau khi chiến tranh chấm dứt bằng tiền của dân chúng đóng góp. Từ 1972 cho đến 1981 nhà thờ được trùng tu trở lại theo kiểu cũ High Gothic thời 1901. Tiền diện nhà thờ có 5 trụ cột lớn, mỗi trụ có tượng các thánh như ông Mosen, David, Phê Rô và Phao Lồ. Tượng còn lại là hoàng đế Charlemagne đã chinh phục được nước Ý là vua của xứ Franks (768 – 814) bao gồm vùng Bremen này. Hai tháp chuông nhà thờ cao 99 mét, thời Trung Cổ hai tháp có 8 qủa chuông, nay chỉ còn 4 qủa. Qủa chuông xưa nhất có tên “Maria Gloriosa” được đúc năm 1433 do nhà đúc chuông nổi tiếng Ghert Klinghe thực hiện, những qủa chuông khác bị đem nấu chảy lấy đồng làm đạn dược trong Đệ Nhị Thế Chiến.

XEM XÁC NGƯỜI DƯỚI HẦM MỘ

Bên dưới nhà thờ có nhiều hầm mộ chôn hầu hết 90 hồng y, giám mục, lãnh chúa, người quyền qúy trong vùng. Đặc biệt có bà thánh Emma of Lesum là người đã cống hiến tài sản cho nhà thờ, bà sống ngoài thành phố vào đầu thế kỷ 11. Khi quan tài của bà được mở ra, tiếp xúc với không khí xác của bà tan biến thành tro bụi ngoại trừ cánh tay phải lại còn nguyên vẹn, người ta cho rằng vì cánh tay đó đã giúp đỡ bố thí cho người nghèo.



Một hầm đặc biệt có tên là “Bleikeller” (hầm chì) là nơi bảo quản xác rất tốt. Có 8 xác người được đặt trong hòm mặt bằng kính trong suốt để cho công chúng vào xem. Hầm mộ này là nơi người ta vào xem đông nhất trong khuôn viên nhà thờ suốt 300 năm nay Chúng tôi mua vé (chỉ 1.5 Euro) xuống nhiều bậc thang dưới hầm để xem. Có xác của 2 viên sĩ quan Thụy Điển chết trong Chiến Tranh 30 Năm, một bà bán hàng người Anh, một sinh viên bị giết, lại có xác của một người ăn xin địa phương. Lúc chúng tôi đến có một nhóm học sinh đi dã ngoại, chúng không hề sợ sệt, chụp hình và cười nói huyên thuyên. Khi ra ngoài ông người Đức bán vé vào cửa còn nói “Hẹn sẽ gặp lại”!

ĐI XEM VƯỜN HOA RHODODENDRON

Rời nhà thờ Dom St. Petri chúng tôi lấy xe điện lên hướng Bắc thành phố để viếng vườn hoa Rhododendron. Từ đường xe điện đi vào vườn hoa cũng khá xa khoảng 1 km vì xe buýt cả nửa giờ mới có một chuyến chạy qua nên chúng tôi đi bộ cho thể thao. Được một điều thú vị là quảng đường này là khu nhà giàu có từ thuở xa xưa nên trên đường hai bên toàn là biệt thự to lớn như lâu đài với vườn rộng cây cảnh và hoa Rhododendron nhiều màu sắc rực rỡ.



Hoa Rhododendron chỉ mọc được ở xứ lạnh mưa nhiều, nó họ hàng với hoa Azalea (Đỗ Quyên) trồng được ở Đà Lạt nhưng cây và hoa to lớn hơn. Du lịch là đi tìm hoa thơm cỏ lạ, vào vườn hoa nơi đây không khác gì Từ Thức lạc động đào tiên. Mê say, thích thú trước sắc hoa muôn màu rực rỡ, lại rì rào tiếng suối chảy thông reo (nói cho vần điệu chứ nơi đây không thấy cây thông nào). Vườn hoa Rhododendron Park Bremen rộng 46 mẫu (hecta) ở địa chỉ Deliusweg 40, Bremen, Germany mở cửa hàng ngày và không có thu lệ phí vào cửa ngoại trừ khu nhà kính nghiên cứu thực vật học Botanika. Nguyên thủy vườn hoa do thương gia Ernst Franz Schutte thành lập năm 1905 ở một địa điểm khác. Vườn chuyên trồng các loại cây Châu Á, Mexico và vùng Caucasus (giáp ranh 2 lục địa Âu Á) cũng như sưu tầm các loại ngũ cốc, duợc thảo và cây có độc chất. Đến năm 1935 vườn hoa trở thành tài sản của thành phố Bremen và sau đó vài năm được di chuyển đến địa điểm như hiện nay và vườn hoa hoàn tất vào năm 1950. Từ 1933 vườn hoa do hội Rhododendron Đức quản lý và chăm sóc. Khu thực vật học Botanika Bremen là trung tâm nghiên cứu cây cối hoa cỏ rộng nhất nước Đức mở cửa từ năm 2003. Đến 2007 toàn bộ công viên được chuyển giao cho một tổ chức bất vụ lợi.

Xem hoa cũng đã mỏi chân chúng tôi vào quán cà phê trong vườn gọi cà phê, bình trà, bánh ngọt cho 3 người. Uống trà giữa rừng hoa đẹp là thú vui phong lưu của dân Anh mà chỉ trả có 12 Euro thật là rẻ. Nhân viên phục vụ ở đây là những người trẻ, trong đó có một cậu người Việt độ 20. Cậu ta chào hỏi khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt và cho biết ở thành phố Hamburg đang theo học tại Bremen. Lớp trẻ Việt ở Đức thật là thân thiện lễ độ.

ẨM THỰC CỦA NGƯỜI ĐỨC

Lên xe điện trở về khu trung tâm Bremen, chúng tôi đến khu thương mại của thành phố nơi đây có hai, ba thương xá lớn nhiều tầng cách bày hàng như các thương xá bên Mỹ. Giá hàng hóa đắt hơn Mỹ khoảng 20 đến 30%. Những con đường ở đây quy tụ những cửa tiệm bán đủ mọi mặt hàng như rượu, nước hoa, mỹ phẩm, đồ da, giày bóp, quần áo, điện thoại di động, tiệm kem, tiệm bánh Pretzel. Kem ở Đức cũng khá ngon nhất là loại kem có mùi rượu thơm. Chúng tôi cũng thử qua những loại xúc xích bán trong những quán có những bàn đứng ăn, bên trên có để ketchup, mù tạt, tiêu...Xúc xích màu trắng là món truyền thống của người Đức có tên là “WeiB Wurst”, ăn mềm nhưng béo ngậy vì nhiều mỡ. Rất ngon vì có những gia vị đặc biệt bên trong và thịt heo Đức cũng ngon hơn heo Mỹ. Người Đức ưa chuộng xúc xích và có đến 1,500 loại xúc xích khác nhau tùy theo từng địa phương và xúc xích có tên theo địa phương như Franfurters, Nuremburg (được nướng), Bavaria (cũng có màu trắng) v.v...Xúc xích thường được người Đức ăn trong bữa cơm tối là bữa ăn chính của gia đình kèm với bánh mì, phó mát (cheese) ngay cả trong những gia đình khá giả chứ đừng hiểu lầm là vì họ nghèo!

Tôi muốn ăn thử món Giò Heo Hầm là món truyền thống của người Đức vùng phía Nam như Munich. Vùng phía Bắc ít bán món này nên phải hỏi thăm các bà bán hàng, các bà chỉ chúng tôi vào một nhà hàng chuyên môn bán món ăn truyền thống Đức. Nhà hàng cũng rất lịch sự, mỗi bàn trải khăn trắng và lọ hoa tươi. Thực khách ngồi hơn nửa nhà hàng, đa số là những ông bà già lớn tuổi, một số trẻ hơn là những thương gia hay nhân viên văn phòng đi ăn bàn bạc công việc. Có hai người hầu bàn lấy order và bưng thức ăn, một người đàn ông khoảng 40 và một phụ nữ khoảng 50. Chúng tôi gọi món giò heo hầm màu nâu đỏ rất nhiều mỡ ăn với bắp cải ngâm chua thái sợi nhỏ, nấu nóng lên tên món này là “Eisbein mit sauerkraut”. Nhà hàng chọn bắp cải loại màu tím trông cho đẹp, điểm thêm vài trái ớt xanh chua. Biết là nhiều mỡ nhưng ăn cho biết món truyền thống của người Đức ngon dở như thế nào. Chúng tôi uống một loại rượu “ấp xanh” màu đỏ xậm rất thơm nồng theo lời đề nghị của anh chàng bồi bàn cho là để trị...đau bụng! Ngồi bàn ở ngoài sân và thư thả ăn vì cách phục vụ của bồi bàn cũng rất thân mật và thong thả không có vẻ gì thúc hối như bên Mỹ. Anh chàng bồi bàn bận rộn nhưng thỉnh thoảng cũng tạt ngang hỏi thăm xem ăn được không và nói chuyện này chuyện nọ.

Trong ẩm thực, những điều lạ tôi khám phá về cách ăn uống của người Đức là:
- Khi ăn hai bàn tay nên để trên bàn cho mọi người thấy, đừng vì khiêm tốn mà giấu dưới gầm bàn, người Đức cho là...kỳ cục!
- Hút thuốc trong lúc mọi người đang ăn lại không kỳ, là điều bình thường nhưng bây giờ cũng giảm lần. Phụ nữ lại hút thuốc nhiều hơn phái nam!
- Phụ nữ dưới 35 tuổi đa số chỉ ăn món sà lách khi ăn tiệc chung đông người.
- Người Đức ăn khoai chiên (French fries) với sốt Mayonnaise chứ không ăn với sốt cà Ketchup.
- Trong nhà hàng chỉ nên kêu những món có trong Menu đừng kêu những món thay thế mặc dù với lý do sức khoẻ phải kiêng cữ.
- Chó cũng được phép dẫn vào nhà hàng và ngồi dưới đất để ăn bên cạnh chủ.
- Người Đức ăn thức ăn nhiều mỡ nhưng luôn cho rằng các tiệm fast food như McDonald’s, Burger King không tốt cho sức khoẻ.
- Hamburger không phải món ăn Đức xuất phát từ thành phố Hamburg nhưng là món ăn hoàn toàn từ Mỹ. Đến Hamburg vào tiệm ăn Đức kêu món này sẽ không có, chỉ có món “Hamburger Aalsuppex” lại là món súp gồm có...lươn, tôm hùm, cá clayfish!
- Những món người Đức thường ăn là: “Gulasch Suppe” (súp bò nấu la gu có khoai tây, cà chua như món bò kho), “Kartoffelsalad” (potato salad), Pretzels (bánh nướng khoanh như cái nơ), Onion Pie, các loại Pie trái cây và Pudding (món chè ngọt bằng bột).
- Bữa ăn sáng người Đức ăn trứng luộc chứ ít ăn trứng chiên, bánh mì với mứt trái cây và những lát cheese. Trưa họ ăn nhẹ và tối ăn nhiều chung với gia đình.
- Người Đức rất kỷ luật và đúng giờ, khi được mời tới ăn, mặc dù tới đúng giờ họ vẫn nói là “Làm chúng tôi chờ nãy giờ !” Thường họ tới trước 10, 15 phút trước giờ hẹn.

Thức ăn Đức qúa nặng nề, nhiều chất béo như mỡ và phó mát có lẽ ăn như vậy để chống lạnh. Bắp cải chua thì qúa mặn và chua.


Những ngày ở Đức buổi chiều chúng tôi thường ăn cơm ở nhà với các món Việt Nam vì thành phố này cũng có vài tiệm thực phẩm bán rau cải và gia vị Á Châu, giá cả mắc hơn Little Saigon ở Nam Cali khoảng 50%. Bremen cũng có nhiều nhà hàng Á Châu (Asian Restaurant) chủ nhân là người Việt nhưng đối tượng khách hàng là người Đức, họ bán các món Tàu hay món Thái. Muốn ăn phở, bún, hủ tiếu hay cơm phần với canh chua, cá kho cũng đành chịu vì ở Đức không có nhà hàng chuyên các món Việt. Đặc biệt các nhà hàng này sạch sẽ, bày biện lịch sự, chén dĩa ly tách bóng loáng không một vết đục do nước để lại.

No comments:

Post a Comment