Pages

Powered By Blogger

Wednesday, May 2, 2012


KÝ SỰ DU LỊCH
SALT LAKE CITY, THÁNH ÐỊA MORMON
Bài 3 trong loạt bài đi Yellowstone
TRỊNH HẢO TÂM



Salt Lake City là thủ đô tiểu bang Utah đồng thời cũng là thánh địa giáo phái Church of Jesus Christ of Latter-day Saints hay còn được gọi là đạo Mormons. Salt Lake City là một trong những thành phố lớn nằm trong vùng núi Rocky Mountains miền trung tây Hoa Kỳ. Thành phố có ngôi giáo đường uy nghi nằm trong thung lũng xanh tươi, phía đông và bắc được núi cao che chở những đợt gió lạnh, tây bắc là biển hồ Great Salt Lake đem hơi mát trong những tháng hè. Ðến Salt Lake City du khách sẽ thấy tâm hồn thanh thản, nghe những hồi chuông ngân và được tiếp đón bởi những cô gái Mormons xinh đẹp đầy thánh thiện.

Hôm nay là ngày thứ ba trong chuyến du lịch bằng xe buýt 7 ngày đi Yellowstone do hãng du lịch Ðài Loan ABC tổ chức. Ðoàn chúng tôi gồm toàn thân nhân, bạn bè do ông Nguyễn Ngọc Liên (Ðoan Trang Dịch Vụ) tổ chức mà ông gọi là hội Thanh Nhàn đi riêng trên một xe buýt hiệu Ford nhỏ. Quân số trong đoàn còn lại 15 người sau khi có 5 vị sợ xe tiếp tục hư nên bỏ cuộc khi đến Las Vegas. Ðêm qua chúng tôi ngủ tại khách sạn Best Western ở thành phố Odgen ngoại ô phía bắc của Salt Lake City và sáng hôm nay quay ngược trở lại để viếng thăm thành phố Salt Lake City với 2 địa điểm quan trọng sắp đến thăm là thánh địa Temple Square của giáo phái Mormon và toà nhà lập pháp State Capitol của tiểu bang Utah. Sau đó tiếp tục lên hướng bắc ghé Grand Teton National Park một vùng núi cao nổi tiếng về trượt tuyết và tối sẽ vào tới Yellowstone để ngủ 2 đêm tại đây trong nhà gỗ (Lodge) giữa rừng thông núi non hữu tình. Chương trình nghe qua thì rất thú vị nhưng có đến tận nơi thì mới biết vàng đá ra sao, hay dỡ thế nào? Biết đâu chỉ là:

Chưa đi chưa biết Ðồ Sơn
Có đi mới biết không hơn...đồ nhà!
Đồ nhà tuy có hơi già
Nhưng là đồ thật hơn là đồ sơn!

Kệ, đến đâu thì đến, đi đâu thì đi, tất cả mọi việc đều có hướng dẫn viên kiêm tài xế Gerald lo, mình chỉ lo chân cẳng cho cứng và lo máy ảnh sạt pin đầy đủ, ghi nhận những nơi đã qua, quan sát phong cảnh như thế nào để về ngồi viết lại mua vui cho độc giả. Ði cũng thú và về xem lại ảnh, viết tường thuật cũng là cái thú. Ðời người có nhiều thú vui, nhiều người còn nhỏ ham đá gà, về già mê đua ngựa! Thường thú vui nào cũng tốn thì giờ, hao tiền bạc nhưng thú du lịch đi ngắm hoa thơm cỏ lạ, tìm đào tiên trên những vùng...núi lửa là thú lành mạnh, thanh cao, học hỏi được nhiều vì cổ nhân ta thường nói “Ði một ngày đường, học một sàng khôn”! Về ngồi viết lại đăng báo và in sách, trước mua vui sau...kiếm chút cháo sống qua ngày! Nhiều khi trong những chuyến đi giống như những con bò, khi được chủ thả ra đồng, cố ngoặm cỏ cho nhiều vào túi chứa để rồi khi nào rỗi rảnh ngồi nhai lại, gặm nhắm những dư vị.

Chẳng mấy chốc xe vào khu trung tâm thành phố, đường xá rộng rãi lại vắng xe khác hẳn với Los Angeles lúc nào cũng tất tả ngược xuôi. Khách đi bộ có lẽ là những công chức trên đường đến sở, nhân viên tài chánh ngân hàng toàn là người da trắng, không thấy người da đen hay da màu Mễ Tây Cơ như ở Santa Ana. Theo thống kê năm 2000, dân số thành phố là 181,743 người, có 80% là dân da trắng, người gốc Mễ Tây Cơ là 34,254 người (18.8%) và Việt Nam là 1,685 người (0.9%). Khu trung tâm thành phố tôi thấy có 2 tiệm phở và tiệm Nail có vẽ trên kính “bàn tay 5 ngón kiêu sa” khác kiểu với bàn tay của các giáo sư chiêm tinh gia. Bàn tay shop Nail thì úp chỉ thấy mặt ngoài, còn bàn tay của các giáo sư lại đưa mặt trong. Nhưng các chiêm tinh gia (Palm Reader) người Mỹ (đa số là đàn bà) không dùng dấu hiệu bàn tay mà lại dùng các lá bài! Có lẽ là xem bói bằng bài hay xem bói trước khi đi casino đánh bài?

TEMPLE SQUARE
Thánh địa giáo phái Mormon chiếm nguyên một khu gồm nhiều block đường gọi là Temple Square ngay tại trung tâm thành phố phía đông xa lộ 15 nơi góc đường Main và Temple. Từ xa đã nhìn thấy ngôi nhà thờ đồ sộ sơn trắng với 6 tháp nhọn cao nổi bật bên cạnh những buyn đinh cao ốc khu trung tâm thành phố. Chúng tôi đậu xe ngoài đường và đi bộ vào Temple Square. Khu thánh địa rộng 10 mẫu có những bãi cỏ xanh và cây cảnh được chăm sóc cẩn thận. Gerald hướng dẫn chúng tôi đến tập trung tại cột cờ và vài phút sau có một cô gái Mỹ da trắng tóc vàng có dáng dấp sinh viên đến giới thiệu mình là hướng dẫn viên tình nguyện cho giáo hội sẽ đưa chúng tôi vào thăm các cơ sở trong Temple Square.


NORTH VISITOR CENTER
Từ cột cờ đi vào, North Visitor Center là ngôi nhà đầu tiên du khách được đưa đến. Trong đại sảnh ở tầng chánh như một hội trường có ghế ngồi hướng về một tượng Chúa Jesus Christ cao 11 feet đặt trên cao. Nơi đây chúng tôi được xem slide show và thuyết minh bằng tiếng Việt (có 40 ngôn ngữ khác nhau được thu sẳn) sơ lược quá trình của giáo hội. Dưới tầng hầm là phòng triển lãm dựng những mô hình kể lại cuộc đời của Chúa với sa bàn thành phố Jesusalem vào thế kỷ thứ nhứt.

THÍNH ÐƯỜNG TABERNACLE
Thính đường Tabernacle là một kỳ công về kiến trúc rất đặc biệt tọa lạc ở hướng nam cạnh North Visitor Center. Thính đường được xây từ năm 1863 hoàn tất trong 4 năm, có mái che hình cong úp như mai rùa do sáng kiến của ông Brigham Young là người sáng lập giáo hội và có công khai phá vùng đất Utah. Theo ông thì mái nhà có hình vỏ trứng có chiều rộng đến 150 feet mà không có một cột nào chống đỡ để tránh làm áng tầm mắt của khán thính giả theo dõi những buổi hợp xướng, hòa nhạc. Sức nặng của mái nhà được vách hình vỏ trứng chịu đựng.


Thính đường là cơ sở chính của ban hợp xướng Mormon Tabernacle Choir gồm 360 ca viên  và ban nhạc sử dụng những nhạc cu, nhạc khí gồm 110 người tất cả đều là tín hữu của giáo hội, họ hoạt động tình nguyện không có lương. Ban hợp xướng Tabernacle là một ban nhạc lớn nhất và lâu năm nhất trên thế giới được thành lập năm 1847 từ ngay những ngày đầu người Mormon di cư đến Utah. Ðối với đạo Mormon, âm nhạc rất quan trọng để đưa tâm hồn đến gần Thiên Chúa, để con người yêu nhân loại và thiên nhiên. Ngay thời xưa khi di dân đến vùng Salt Lake, trên những wagon do ngựa kéo đã có những ban ca nhạc và khi chiều xuống giáo dân vây quanh để thưởng thức những bản thánh ca, quên đi nhọc mệt và giữ vững đức tin. Ban Mormon Tabernacle Choir dẫn đầu về trình diễn trước các nguyên thủ quốc gia, có số dĩa thu bán nhiều nhất và nhận nhiều giải thưởng âm nhạc. Cố tổng thống Ronald Reagan tặng ban nhạc danh hiệu “America’s Choir” khi ban nhạc trình tấu trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông năm 1981. Thế vận hội mùa đông năm 2002 được tổ chức tại Salt Lake City ban nhạc đã chơi 20 buổi kể cả trong nghi thức khai mạc và bế mạc thế vận hội. Hàng năm ban nhạc đi lưu diễn nhiều nơi và có bán vé. Ban nhạc đã trình diễn ở 28 quốc gia trên thế giới. Du khách có thể đến thính đường Tabernacle xem ban nhạc trình diễn miễn phí trong các buổi tập dợt, hàng tuần mỗi tối thứ năm từ 8 đến 9 giờ 30 và sáng chủ nhật từ  8 giờ 15 đến 10 giờ. Buổi tập dợt sáng chủ nhật được trực tiếp truyền hình trên TV.

Thính đường Tabernacle bên trong được thiết kế hệ thống cách âm toàn hảo. Một cây kim ghim giấy rơi xuống sàn trên cung trình diễn có thể nghe được tiếng kim rơi ở cuối thính đường cách 170 feet! Trên cung trình diễn còn có một giàn phong cầm (organ) khổng lồ có đến 11,623 ống thanh âm bằng kim loại do ông Josepth Harris Ridges thiết trí. Gỗ làm đàn được các tín đồ lên núi hạ cây lấy gỗ đem về đục đẻo công phu ráp nối thành cây đàn.

SALT LAKE TEMPLE
Ðây là ngôi thánh đường to lớn đồ sộ nhất trong khu thánh địa Temple Square mà từ xa du khách đã nhìn thấy. Ngôi giáo đường sơn trắng uy nghi có 3 tháp phiá trước và 3 tháp phiá sau. Tháp giữa cao và lớn hơn tháp hai bên. Trên đỉnh tháp cao nhất (210 feet) có tượng thiên thần Moroni cao 12.5 feet làm bằng đồng và thếp (mạ) vàng lá bên ngoài. Salt Lake Temple được đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngày 6-4-1853 nhưng công việc xây cất kéo dài đến 40 năm mãi tới năm 1893 mới hoàn tất. Giáo chủ Brigham Young là người khởi xướng việc xây cất nhưng ông không được chứng kiến ngày khánh thành mà là người thứ tư kế nhiệm ông.
Thánh đường được xây bằng đá hoa cương (granite) lấy từ Little Cottonwood Canyon về phiá nam cách vài miles và chở đến bằng xe ngựa. Ðá được đẽo bằng búa và dùi lỗ bằng tay nên công việc rất lâu. Nền móng chân nhà thờ là tường dầy 16 feet và sâu xuống lòng đất cũng 16 feet. Kinh phí hoàn tất ngôi nhà thờ là 3 triệu rưỡi đô la, số tiền rất lớn vào cuối thế kỷ 19.

Có lẽ vì muốn giữ không khí thiêng liêng cho việc thờ phụng mà nhà thờ không đón du khách vào bên trong tham quan nên chúng tôi chỉ đứng bên ngoài mà quan sát.

ASSEMBLY HALL
Nằm về hướng nam cạnh 3 tòa nhà vừa kể, có dáng dấp như một nhà thờ với tháp chuông cao và nhọn theo kiến trúc Gothic. Ngôi nhà được xây năm 1877 với những cửa sổ gắn kính màu (stained glass).

Bên kia đường Main khu đất rộng một block đường cũng là cơ sở của giáo hội có ngôi nhà cổ Beehive House là nơi sinh sống của ông Brigham Young ngày trước. Ngôi nhà lớn bằng gỗ màu trắng 2 tầng lầu, bên trên có bao lơn (balcony) là nơi mỗi chiều gia đình giáo chủ Young tụ họp cầu nguyên và ca tụng Chúa. Ngôi nhà hiện còn tiếp đón du khách và có người hướng dẫn tham quan. Tất cả những Tour tham quan đều miễn phí và do những tín đồ hướng dẫn giải thích cho du khách rất nhiệt tình.

Toà cao ốc đồ sộ 28 tầng gần đó là Church Office Building là văn phòng điều hành giáo hội. Giáo hội đến khai mở thành phố Salt Lake City nên làm chủ rất nhiều bất động sản trong thành phố và một số công ty kinh doanh, sản xuất. Du khách có thể lên ngắm cảnh thành phố trên tầng cao nhất là Observation Deck, nơi đây sẽ nhìn thấy biển hồ phiá tây bắc và toà nhà State Capitol dưới chân dãy núi.

Trong khuôn viên rộng lớn Temple Square còn có Museum of Church History and Art, Family History Library, South Visitor Center và thính đường mới nhất vừa hoàn tất tháng 4 năm 2000 là Conference Center có 21,000 ghế ngồi và một rạp hát nhỏ bên cạnh có thể mở ăn thông có thêm 850 ghế nữa. Thính đường này cũng trang trí bằng đá hoa cương lấy cùng nơi với đá xây nhà thờ lớn Salt Lake Temple.

Tín đồ đạo Mormon trong cuộc đời ít nhất một lần phải hành hương về Temple Square và họ trích ra hàng năm 10% thu nhập để dâng giáo hội. Họ phải mặc áo quần lót đặc biệt và kiêng cử không uống coca cola, trà và cà phê. Trong gia đình chỉ có người chồng đi làm và người phụ nữ phải ở nhà để săn sóc, nuôi dạy con và đặc biệt ngày trước giáo hội Mormon chấp nhận chế độ đa thê, một ông chồng có thể có nhiều vợ. Ngày nay tuy đa thê đã bị cấm để phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ nhưng thỉnh thoảng qua những tin tức trên báo chí tục đa thê vẫn còn tồn tại ở Utah.

Trong khu thánh địa cũng có nhà trọ được gọi là The Inn at Temple Square, du khách muốn nghỉ qua đêm để nghe hòa nhạc và xem đèn hoa chiếu sáng rực rỡ các nhà thờ có thể gọi giữ phòng ở số 1-800-843-4668.

LỊCH SỬ GIÁO HỘI MORMON
Lịch sử  giáo hội Mormon gắn liền với lịch sử tiểu bang Utah vì trước đây đất Utah do người Mormon đến khai phá. Từ miền trung Hoa Kỳ nhóm tín đồ Mormon đầu tiên đi bằng những wagon do ngựa kéo đến vùng thung lũng biển hồ Great Salt Lake vào ngày 21-7-1847. Ông Brigham Young vì bị bệnh phải dừng lại nghỉ đôi ngày nên đến sau vào ngày 24-7 và ngày này giờ đây được gọi là Pioneer Day một ngày lễ lớn của Utah. Tháng 11 cùng năm họ mua căn cứ Fort Buenaventura ( ở Odgen ) và bắt đầu đào kinh dẫn nước từ những con suối trên núi xuống để trồng trọt, chăn nuôi. Họ làm việc rất hăng say xây dựng đuờng xá, hồ chứa nước ngọt. Ðối với dân da đỏ địa phương thay vì đối đầu với họ như người Tây Ban Nha làm trước đây, người Mormon cho lương thực và giúp đỡ họ, tạo hoà khí rất tốt đẹp nhờ vậy thay vì phải chôn chân trong những thành trì, người Mormon thong thả ra ngoài canh tác và xây dựng. Năm sau 1848 vùng thung lũng Salt Lake thuộc chủ quyền Hoa Kỳ từ Mễ Tây Cơ theo hiệp ước Guadalupe-Hidalgo và mùa xuân năm sau đó người Mormon thành lập tiểu bang Deseret, từ ngữ này trong sách Mormon có nghĩa là ong mật (honeybee), kéo dài từ Rocky Mountains đến Sierra Nevada và 5 lần họ xin gia nhập liên bang (Union) nhưng Congress bác bỏ thỉnh cầu này vì đạo Mormon cho phép tín đồ có nhiều vợ. Năm 1857 người Mormon tuyên bố chống lại chính quyền liên bang khiến tổng thống Buchanan lúc bấy giờ ra lịnh cất chức Thống Ðốc của ông Brigham Young và gởi quân đôi đến Utah. Cuối cùng năm 1890 giáo chủ Mormon phải thay đổi giáo luật và cấm đa thê. Năm năm sau hiến pháp tiểu bang được biên soạn bảo đảm việc đa thê sẽ bị cấm vĩnh viễn và nhờ đó Utah được gia nhập Liên Bang trở thành tiểu bang thứ 45 trong Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Chúng tôi giã từ ngôi giáo đường trong thánh địa Mormon ở thành phố Salt Lake City với lòng thanh thản nhẹ nhàng mà không khỏi cảm phục đức tin mạnh mẽ của những tín đồ giáo phái Mormon. Xe buýt chúng tôi gồm 15 người tiếp tục chạy đến toà nhà lập pháp State Capitol Building của tiểu bang Utah nằm gần đó nơi cuối đường State ở về hướng Bắc của thành phố trong một sân cỏ trồng hoa trên ngọn đồi có con suối tên là City từ trên dãy núi cao chảy về..

TOÀ NHÀ LẬP PHÁP UTAH
Cũng như những tiểu bang khác, toà nhà lập pháp Utah sơn trắng với nhiều cột to và toà đại sảnh ở giữa có mái vòm là nửa hình cầu theo kiến trúc La Mã uy nghiêm tráng lệ. Toà nhà lập pháp nằm trên một ngọn đồi thoai thoải nhìn xuống trung tâm thành phố Salt Lake City trong khu đất rộng 40 mẫu gồm bãi cỏ xanh, những luống hoa, vườn cây kiểng được chăm sóc vén khéo. Từ bậc thềm ở hướng Nam du khách có thể thấy hàng cây Kiwanzar được trồng dọc theo lối đi hình tròn và đứng ở bực thềm phiá Bắc người ta sẽ có một phong cảnh hùng vĩ của dãy núi Wasatch và Oquirrh cao chớn chở. Những cây cối trong sân đều có nguồn gốc từ  vùng đất Utah. Chúng tôi tản bộ trong không gian rất yên bình, nhàn hạ, thành phố phía dưới cũng không có nhiều xe nên trời xanh, không khí mát mẻ trong lành. Ở sân phiá Tây có đài tưởng niệm Vietnam Memorial ghi nhớ 388 công dân Utah đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam. Khu đất phiá Ðông là đài vinh danh đội quân 500 người Mormon xuất phát từ Iowa thề bảo vệ xứ sở chống lại Mễ Tây Cơ trong chiến tranh năm 1846.

Chúng tôi tiến lên những bậc thềm để vào toà nhà chính, toà nhà được xây cất từ năm 1912 kéo dài đến năm 1916, dùng đá hoa cương lấy từ Little Cottonwood Canyon cùng nơi lấy đá để xây giáo đường Salt Lake Temple. Toà nhà dài 404 feet, rộng 240 và cao 286 feet, có 52 cột đá kiểu Corinthian  và phiá trên cao nhất là mái vòm hình bán cầu gọi là rotunda cao 165 feet bên ngoài được dát bằng đồng là kim loại Utah có rất nhiều quặng mỏ mà chúng tôi sẽ ghé thăm trên đường trở về California. Bên trong trần của mái vòm được vẽ những áng mây và đàn chim seagull là chim tượng trưng cho Utah. Ở trong phòng dưới mái vòm còn có 12 bức tranh được gắn trên tường kể lại lịch sử của tiểu bang từ thời xa xưa cho đến những năm thành lập tiểu bang. Trong phòng còn có nhiều tượng những nhân vật góp công cho Utah như giáo chủ Brigham Young, nhà phát minh ra truyền hình (television) Philo T. Farnsworth.


Tòa nhà lập pháp có hai cánh, những gian nhà cánh Tây là văn phòng của quốc hội (House of  Representatives) và cuối cánh Ðông là Tối Cao Pháp Viện (Supreme Court). Toà nhà được xây với kinh phí 2 triệu đô la bằng tiền bán trái phiếu và 800 ngàn đồng thuế đất lấy từ công ty làm đường xe lửa và họa đồ thiết kế được chọn là của ông Richard Kletting theo kiểu kiến trúc thời phục hưng (Renaissance Revival). Ðây là toà nhà Capitol thứ nhì của Utah, tòa nhà đầu tiên ở thành phố nhỏ Fillmore do chính quyền liên bang xây nhưng chỉ có một cánh được hoàn thành trước khi Salt Lake City được chọn làm thủ đô năm 1855. Từ năm này cho đến 1896 khi Utah trở thành tiểu bang trong Hiệp Chủng Quốc, các nhà lập pháp phải nhóm họp ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố.

Giã từ Salt Lake City thành phố hoa lá xinh tươi, vắng vẻ êm đềm nhưng văn minh hiện đại do những tín đồ Mormon đổ mồ hôi công sức tạo thành từ một vùng sa mạc khô cằn đá sỏi từ hơn 150 năm về trước. Tín đồ Mormon ở Utah có những điểm tương đồng với người Việt Nam tỵ nạn ở California, ngày xưa tín đồ Mormon gồng gánh dắt díu trên những cổ xe ngựa vượt bao hiểm nguy trên sa mạc nóng cháy, người da đỏ hung hăng chém giết để đi tìm miền đất tự do mà hành đạo. Họ đã biến vùng sa mạc Salt Lake thành một thành phố trù phú. Ngày nay người Việt liều chết bỏ nước ra đi trên những con thuyền mong manh qua những vùng biển phong ba bảo táp đầy hải tặc cũng vì hai chữ tự do. Sau 30 năm gian khổ nơi xứ lạ quê người họ đã biến những vườn cam, ruộng dâu thành một Little Saigon phồn thịnh, đóng góp tài năng trí tuệ cho đất nước Hoa Kỳ nhưng cũng không quên bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc bằng cách duy trì và phát huy tiếng và chữ Việt, một ngôn ngữ đơn giản, bình dị nhưng hoa mỹ tuyệt vời:

Tôi yêu tiếng Việt miền Nam
Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao
Yêu xe thổ mộ xôn xao
Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê.
(Tôi Yêu – Bàng Bá Lân)

Trịnh Hảo Tâm
(Cali Xuân đã trở về
Đồi hoa vàng rực bốn bề lao xao)

No comments:

Post a Comment