KÝ SỰ DU LỊCH
Bài 2 trong loạt bài đi Yellowstone
Rời khỏi Zion National Park
xe chúng tôi tiếp tục theo con đường số 9 đi về hướng đông khoảng 20 miles thì
rẽ trái vào đường 89 để lên hướng bắc. Ðây cũng là con đường ngoạn cảnh (scenic
route) nên hai bên đường cỏ cây hoa lá xinh tươi, núi đồi hùng vĩ. Ði được độ
50 miles xe rẽ phải vào con đường 12 đi thêm 20 miles sẽ đến ngả ba đi vào Bryce Canyon .
Rẽ phải vào và đi cuối đường sẽ đến khu ngoạn cảnh Bryce Canyon .
Xe đậu vào bãi xong chúng tôi
rảo bước đến hàng rào xây bằng đá cho du khách khỏi trượt chân rơi xuống vực
sâu. Nhìn xuống thung lũng mọi người cùng thốt lên những tiếng reo hoà lẫn với
sự ngạc nhiên thích thú khi chứng kiến tận mắt một khung cảnh tuyệt vời. Hàng
nghìn tháp đá màu vàng sậm đỏ với những hình thù kỳ lạ khác nhau cùng vươn lên
và chạy xa tít đến tận những dãy núi màu xám cuối chân trời. Có những tháp đơn
độc như ống khói của một ngôi nhà sụp đổ sau trân động đất, có những cột tháp
dính liền nhau như tháp Chàm ở di tích Mỹ Sơn hoang vu đổ nát. Bầu trời đầu thu
trong xanh lãng đãng vài áng mây lơ lửng, những ngọn tháp đá vàng tương phản
với mầu trời tạo nên một bức tranh ngoạn mục, sắc rực rỡ nhưng không chói
chang, màu tương phản nhưng lại hài hoà, cảnh sống động nhưng lại êm đềm thư
giãn. Mọi người ai cũng chụp rất nhiều hình, nhưng dù máy ảnh có làm hình rõ
nét đến đâu, ánh sáng có đúng cỡ nào nhưng nếu xem hình không sẽ không thể biết
một cách trọn vẹn vẻ thiên nhiên tại nơi đây như thế nào? Phải quyện mình với
không gian, phải hoà nhịp thở với chuyển động của đất trời qua những làn gió
thổi, bằng những mùi hương bay, bằng những tiếng chim hót. Có những yếu tố đó,
khách lãng du mới thưởng thức được phần nào cảnh đẹp nơi đây.
Những tháp đá thấp cao, to
nhỏ, không tìm được hai cái giống nhau nhưng tất cả đều hướng thẳng đứng lên
trời và có những dạng hình kỳ lạ là do bàn tay của hóa công thiên nhiên, nắng
mưa, gió bảo, soi mòn, đục đẻo từ nghìn năm này qua nghìn năm khác tạo thành.
Gần đó có ngôi nhà Bryce Canyon
Visitors Center ,
nơi đây có hình ảnh tài liệu cho du khách muốn tìm hiểu về thắng cảnh độc đáo
có một không hai trên thế giới này. Nơi đây chỉ có một nhân viên làm việc giải
đáp, trả lời những thắc mắc của du khách và đôi khi có những người thiện nguyện
phụ giúp. Tôi lấy nhiều tài liệu để tìm hiểu vùng thắng cảnh thiên nhiên này.
Rất ít di tích còn lưu lại cho biết sắc dân da đỏ nào sinh sống tại đây trước
khi người da trắng giáo phái Mormon đến vào khoảng 1850. Có lẽ vùng này hiễm
trở, thiếu nước nên không ai ở mà họ chỉ đến đây để săn thú lấy lương thực rồi
lại đi vì các nhà khảo cổ không tìm thấy di tích nhà cửa, vật dụng chén bát còn
lưu lại. Nhà khai phá tiền phương đến Paria Valley
xây nhà ở đầu tiên là ông Ebenezer Bryce cùng với gia đình năm 1875. Ông là
thành viên giáo phái Mormon mà tên chính thức làChurch of Jesus Christ of
Latter-Day Saints có nhiệm vụ đến để khai thác gỗ cho giáo phái dùng để xây cất
nhà thờ. Ông mở đường cho xe ngựa lên núi lấy gỗ, ông đào một con kinh dẫn nước
để chăn nuôi và trồng trọt. Dân chúng địa phương lúc bấy giờ lấy họ của ông đặt
cho thung lũng có những tháp đá dị hình gần nhà ông ở là Bryce Canyon và địa
danh đó đã lưu truyền trong dân chúng mặc dù sau đó năm 1880 ông đã dọn đi
Arizona. Năm 1924 để bảo tồn một cảnh đẹp thiên nhiên, chính quyền liên bang đã
ra sắc lệnh thành lập Bryce Canyon Monument nhân dịp hãng xe lửa Union Pacific
Railroad cũng hoàn thành khách sạn đầu tiên trong vùng để cho du khách thăm
viếng có thể ngủ qua đêm với tiện nghi như nước nóng, lò sưởi và nhà hàng bán
thức ăn đó là Bryce Canyon Lodge. Năm 1928 thắng cảnh Bryce Canyon
được nâng lên thành công viên quốc gia. Ngày nay đã có nhiều khách sạn gần
thắng cảnh và mỗi năm có hơn 1 triệu rưỡi du khách ghé thăm và cao điểm là mùa
hè từ tháng 6 đến tháng 9 là thời gian thăm viếng lý tưởng nhất. Bryce Canyon
nằm giữa Las Vegas và Salt
Lake City và cách hai nơi này là 275 miles. Bryce Canyon
cũng có một phi trường nhỏ, du khách có thể đến bằng phi cơ đi từ 2 thành phố
kể trên.
Những cột đá kỳ thú ở Bryce Canyon
Chúng tôi dừng chân lại nơi
đây 2 tiếng đồng hồ, phía dưới vực sâu có con đường mòn đất đỏ dài khoảng 2
miles đi vòng quanh những chân của những cột đá mà từ phiá trên nơi điểm ngắm
cảnh chúng ta có thể quan sát thấy những người đi như những con kiến. Trong
đoàn chúng tôi cũng có nhiều người rũ nhau đi, trong đó có một cụ bà 72 tuổi
cũng tháp tùng. Xuống thì dễ nhưng khi trở lên leo dốc khá mệt nhưng cụ cũng
hoàn tất cuộc hành trình một cách tốt đẹp sau khi dừng lại nghỉ nhiều lần!
Xe chúng tôi trở ra đường 89
lên hướng bắc và rẽ trái qua đường 20 chạy 21 miles để ra xa lộ 15. Ðến xa lộ
15 dừng lại ăn trưa trong một tiệm Mac Donald rồi lại tiếp tục con đường thiên
lý để đi Salt Lake City. Xa lộ 15 là con đường xuyên quốc gia đi từ San Diego ở
California gần biên giới Mễ Tây Cơ chạy lên hướng bắc qua 6 tiểu bang, đến
Montana qua biên giới Canada trở thành đường số 4 đi Calgary. Sau hơn 5 giờ
ngồi xe qua 275 miles, bên phải là núi cao, bên trái là đồng khô có những nơi
trồng được khoai tây, ngô bắp, chúng tôi tới Salt Lake City nhưng không dừng
lại nơi đây mà đi thẳng lên Ogden cách Salt Lake City 50 miles vì đêm nay sẽ
nghỉ đêm trong khách sạn ở thành phố ngoại ô này cho rẻ hơn là ở Salt Lake City.
BIỂN HỒ GREAT SALT LAKE
Vừa qua khỏi thành phố Salt
Lake City bỏ lại sau lưng những toà cao ốc nhiều tầng là chúng tôi đã thấy hồ
Great Salt Lake bao la như biển ở bên trái xa lộ 15 nhưng không hiểu tại sao
khúc này lại gọi là xa lộ 89? Có lẽ là vì vấn đề phân chia trách nhiệm, kinh
phí tu bổ giữa liên bang và tiểu bang. Hồ Great Salt Lake là hồ nước mặn lớn
nhất ở Tây Bán Cầu có chiều dài 75 miles và chiều ngang là 35 miles. Những nhà
thám hiểm tiền phương khi mới đến đây tưởng rằng hồ nước mặn này là một phần
của biển Thái Bình Dương hoặc có sông ăn thông ra biển và người da đỏ tin rằng
dưới đáy hồ có một loài thủy quái nhiều đầu sinh sống nhưng thật ra hồ chỉ có
một giống rùa sinh sống mà không có cá vì nước quá mặn. Nước hồ mặn là do 3 con
sông chánh là sông Bear, Weber và Jordan cùng nhiều suối nhỏ đem nước
từ vùng núi có nhiều khoáng chất đổ về đây mà hồ thì không có ngả thoát nên độ
mặn ngày càng đậm đặc. Mỗi năm những con sông này mang về hồ 1.1 triệu tấn
khoáng chất muối chủ yếu là sodium chloride. Ðộ muối trong nước hồ là 12% mặn
hơn nước biển nên bơi lội rất dễ nổi nhưng hồ không sâu mấy, nơi sâu nhất là 35
feet và độ sâu trung bình là 20 feet và đặc biệt là mực nước của hồ cao hơn mặt
biển Thái Bình Dương đến 4,212 feet!
Hồ có những bãi cát trắng nên
người ta thường đến đây tắm nắng, bơi lội, chơi thuyền. Hồ có 5 hòn đảo mà đảo
lớn nhất là Antelope Island có công viên và xe có thể ra đảo bằng một bờ đê dài
7 miles, lệ phí đậu xe trên đảo là 10$ một ngày. Thú vui trên đảo là khung cảnh
thiên nhiên với nhiều chim chóc và du khách xem trâu rừng (buffalo hay bison)
nhởn nhơ gặm cỏ đôi khi còn bắt gặp nai, bobcat, chó sói ...
Xa lộ 15 chạy cạnh bờ hồ và
vì sợ ngập lụt nên xây cao, từ trên xe du khách sẽ thấy hồ khá rõ. Thành phố Ogden cũng nằm cạnh bờ hồ,
thành phố nhỏ nông nghiệp không có gì đặc biệt, lấy tên từ một nhà tiền phương
đến khai phá trong vùng. Thành phố xa lạ nhưng cũng có người Tàu đến sinh sống
và buổi tối hướng dẫn viên Gerald đưa chúng tôi đến ăn tại một nhà hàng Buffet
Tàu. Có lẽ vì đói và 2 ngày qua toàn là hamburger khô khan nên chúng tôi ăn rất
ngon với cơm, súp và rau cải.
Chúng tôi ngủ đêm trong khách
sạn Best Western ở Ogden
cũng sạch sẽ và thoải mái. Sáng thức dậy có cà phê, donut dằn bụng trước khi ra
xe lên đường trở lại thăm viếng Salt
Lake City .
VÀI NÉT VỀ TIỂU BANG UTAH
Trước khi tới thăm Salt Lake City thủ đô bang Utah chúng ta thử tìm hiểu sơ qua về vùng
thánh điạ giáo phái Mormon này.
Bang Utah nằm ở miền trung
tây Hoa Kỳ nơi tiếp giáp giữa 3 vùng là dãy núi Rocky Mountains ở miền đông
bắc, cao nguyên Colorado ở đông nam có con sông Colorado chảy qua và miền tây
The Great Basin là vùng sa mạc Nevada kéo qua. Một cách tổng quát Utah là một
vùng cao nguyên, nơi cao nhất là ngọn Kings Peak cao 13,498 feet thuộc rặng núi
Rocky và nơi thấp nhất là Beaver Dam, đập nước do con sông Virgin đổ vào có cao
độ là 2,180 feet. Khí hậu Utah khô của lục địa với mùa hạ nóng và mùa đông khá
lạnh, nhiệt độ trung bình ở vùng núi miền bắc là 42 độ F và miền nam là 60 độ
F. Là một miền mưa ít (miền trung bắc 40 inches và miền sa mạc chỉ 5 inches
nước mưa trong một năm) nên phần lớn đất đai nông nghiệp cần phải có hệ thống
tiêu tưới tuy vậy cũng có một số nơi có đồng cỏ để nuôi bò và dê cừu.
Hơn một phần tư tiểu bang là
rừng với những loại cây như thông, spruce và fir có giá trị thương mãi cao. Mặc
dù rừng được trồng lại nhiều hơn khai thác nhưng kỹ nghệ gỗ ở Utah phát triển chậm vì vấn đề khó khăn thị
trường. Về quặng mỏ Utah
là tiểu bang giàu khoáng sản nhất miền tây. Những khoáng sản ở Utah là đồng, dầu hỏa,
than đá và uranium.
Trong tất cả các tiểu bang
miền tây, sự phát triển của Utah
được xem là có kế hoạch và khoa học nhất. Vào thế kỷ 19 Hoa Kỳ bành trướng đất
đai về miền tây, những nhà khai phá muốn đi tìm đồng cỏ và rừng gỗ. Các tín đồ
giáo phái Mormon tìm những vùng đất không ai ở để họ có thể tự do hành đạo theo
cách riêng, khác với truyền thống của người Mỹ lúc bấy giờ nên họ đã tới vùng
thung lũng hồ Great Salt Lake . Ngay khi vừa
đặt chân tới là họ đã phát thảo đường xá và hệ thống dẫn thủy nhập điền. Dưới
sự lãnh đạo của ông Brigham Young những tín đồ Mormon đã cùng nhau làm việc cật
lực để biến vùng đất sa mạc này thành những ruộng rẫy trồng ngô khoai và chăn
nuôi gia súc. Họ là những con người chịu khó và siêng năng, tháo vát, nhóm tiền
phong chuyến đầu tiên chỉ vài trăm người nhưng vài năm sau hàng ngàn người tiếp
tục di dân về đây và năm 1850 dân số Utah đã 11,000 người, năm 1880 dân số tăng
lên gấp 12 lần và họ xây giáo đường và kiến thiết thành phố Salt Lake City
thành thánh địa. Ngày nay 70 phần trăm dân số tiểu bang là tín đồ Mormon.
Nhà thờ Mormon ở Salt Lake City
Hiện nay dân số tiểu bang Utah 2,118,300 người,
đứng hạng 34 tiểu bang đông dân trên toàn quốc. Utah trước kia là thuộc địa của
Tây Ban Nha rồi là đất Mễ Tây Cơ khi nước này tuyên bố độc lập khỏi tay người
Tây Ban Nha, đến năm 1848 trở thành lãnh thổ của Hoa Kỳ và gia nhập Union (Hiệp
Chủng Quốc Hoa Kỳ) năm 1896.
TRỊNH HẢO TÂM
Cùng tác giả đã phát hành 8
quyển ký sự du lịch: “Trên Những Nẻo Đường Việt Nam”, “Miền Tây Hoa Kỳ”, “Trung
Quốc”, “Mùa Thu Đông Âu”, “Tây Âu Cổ Kính”, “Miền Đông Nước Mỹ và Canada”,
“Hành Hương Thánh Địa Do Thái” và “Nhật Bản, Hồng Kông Macau, Thái Lan”. Đồng
giá 15 USD mỗi quyển. Ở xa gởi ngân phiếu về tác giả, sách có chữ ký sẽ được
gởi đến tận nhà (bao cước phí trong nước Mỹ):
TRINH HAO TAM
Ðiện thoại 714-528-1413
Email: trinhhaotam@yahoo.com
No comments:
Post a Comment