Ký Sự Du Lịch
Bài 1 trong loạt bài viếng Yellowstone
Zion Canyon ở Utah
Tôi ghé viếng thăm thung lũng
Zion vào đầu tháng 9 trong dip lễ Lao Ðộng Hoa
Kỳ trên đường đi du ngoạn vùng rừng núi Yellowstone
nơi có những vòi nước phun từ lòng đất bắn vút lên trời cao. Chuyến du ngoạn
này mất một tuần lễ ngồi xe buýt do một hãng du lịch người Đài Loan tổ chức bao
gồm xe buýt chuyên chở, hướng dẫn tham quan và 6 đêm khách sạn. Vì đi một nhóm
đông 20 người nên hãng du lịch cho một chuyến xe riêng là một xe buýt cỡ nhỏ và
hướng dẫn viên du lịch kiêm tài xế anh chàng Gerald cũng là người Ðài Loan.
Chúng tôi khởi hành vào sáng
thứ bảy trước bãi đậu xe chợ Hồng Kông trên đường Colima gần góc đường Fullerton thuộc thành phố City
of Industry, một thành phố có rất đông người Ðài Loan nằm về phía đông Los Angeles . Theo chương
trình, ngày đầu tiên là lên chơi ở Las Vegas và đêm về thay vì ngủ ở Las Vegas
lại tiếp tục theo xa lộ 15 lên hướng Bắc và ngủ đêm tại làng nhỏ có tên là
Mesquite sát biên giới với tiểu bang Arizona và Utah, nơi này là vùng tam biên
đèo heo vắng vẻ nên giá khách sạn rẻ hơn Las Vegas. Làm du lịch là phải tính
toán sao cho giá được rẻ thì mới có lời. Chúng tôi “ra đi khi trời vừa sáng”
mọi người trong lòng đều náo nức phấn khởi, vì quen biết hoặc họ hàng với nhau
nên câu chuyện nổ như bắp rang nhất là những mẫu chuyện tiếu lâm do một cô làm
nghề địa ốc kể cho vui trong cuộc hành trình.
Xe qua xa lộ 15 vượt đèo
Cajon Pass ở Cucamonga bắt đầu lên miền cao nguyên sa mạc, cây cối thưa dần chỉ
còn lại vùng cát ngút ngàn xa tít chân trời với nhựng bụi gai Tumble Weed và
những cây Joshua cằn cỗi đứng chơ vơ giữa trời. Cuối mùa hạ lại là miền sa mạc
nên không khí bên ngoài rất nóng, máy lạnh trong xe mở tối đa, lúc đầu còn mát,
dần dần chỉ phà ra hơi nóng. Các đấng nhi đồng con nít ngồi phía sau xe than
nóng qúa và mặt đứa nào cũng đỏ gay. Gerald vừa lái xe vừa điều chỉnh máy lạnh
vừa phân trần bằng tiếng Mỹ : “ Máy lạnh mới sửa hôm qua, chạy rất lạnh bây giờ
lại sanh tât trở chứng!” Các bà than nóng quá đòi Gerald quay xe trở về đổi xe
khác, có bà chê xe của Gerald là xe... dỏm, phế thải đi là vừa. Gerald bị chạm
tự ái dồn dập vừa lái xe vừa cầm điện thoại di động gọi về hãng báo cáo tình
hình...vụ việc. Gerald nói điện thoại bằng tiếng Ðài Loan nên trong xe cũng
không ai hiểu gì khiến y phải thông dịch lại: “Ông chủ nói hôm nay là Lễ Lao
Ðộng, ngày cao điểm trong mùa du lịch, ở hãng nhà không còn xe mà mướn ở các
hãng khác cũng không có nên không còn xe nào để đổi. Ông chủ kêu Gerald đem xe
trở lại tiệm sửa máy lạnh ở City of Industry
để cho họ coi lại.”
Tất cả mọi người trong xe đều
không muốn ngồi trên xe để trở về sửa máy lạnh nên Gerald đưa chúng tôi đến khu
thương xá Shopping Mall ở Victorville, nơi đây bên trong mát mẻ, có tiệm buôn,
nhà hàng, quán nước, nhà vệ sinh để chờ, khi nào xe sửa xong sẽ quay lại đón đi
tiếp. Từ Victorville về City of Industry
cũng gần 70 miles vừa đi vừa quay lại cũng gần 3 tiếng đồng hồ chưa kể thời
gian sửa máy lạnh. Nhưng đã trót đi cũng phải chấp nhận, có người than thở
trách móc hãng du lịch và cả người đứng ra tổ chức sao chọn hãng rẻ, “người ta
thường nói của rẻ là của hôi mà!”. Có người thì bình thản chấp nhận vì nghĩ
rằng đã là cuộc đời thì có lúc êm xuôi bằng phẳng, cũng có những lúc xảy ra “sự
cố”, trở ngại không như mình mong muốn. Chúng tôi đi dạo trong Mall xem hàng
hóa bày bán, có người cũng mua được vài món giá rẻ và họ mừng vui hớn hở khoe
với những người đồng hành. Ði mỏi chân chúng tôi ngồi trong Mac Donald ăn sáng,
nhâm nhi ly cà phê, hết thì châm thêm không giới hạn và bàn tán chuyện đời. Nếu
xe không hư máy lạnh có lúc nào chúng tôi có dịp đấu láo vui vẻ thoải mái như
hôm nay? Ðời sống xứ Mỹ này khiến mọi người bị cuốn hút vào dòng đời trôi nổi,
lúc nào cũng tất tả ngược xuôi.
Vui cười tán dóc với nhau nên
thời gian trôi qua rất nhanh và cuối cùng Gerald cũng lơn tơn đi vào Mall tìm
chúng tôi và cho hay tin vui... giữa giờ tuyệt vọng là máy lạnh đã sửa xong và
trong xe rất là mát lạnh. Bây giờ đã 3 giờ chiều chúng tôi hăng hái phấn khởi
lên xe tiếp tục cuộc hành trình lên Las
Vegas thành phố của tội lỗi nhưng ...rất vui mặc dù lắm
lúc “vui một ngày khóc cả đời!”. Cả đoàn lên xe và Gerald cho xe chạy, “You see
the air conditioner is working good!” Gerald hãnh diện tuyên bố. Mọi người vui
vẻ bàn tính lên Las Vegas
chiều nay sẽ làm gì, câu chuyện râm rang, rộn rã dường như bất tận. Khí hậu bên
ngoài buổi trưa sa mạc nên rất nóng dường như là 110 độ F nhưng trong xe máy
lạnh vẫn chạy tốt và xe sau khi qua khỏi thị trấn giữa đàng Baker xe chúng tôi
bắt đầu leo dốc trên vùng núi sa mạc Mojave. Xe ì ạch leo nhưng có vẻ leo không
nỗi, tốc độ giãm dần và cuối cùng bò chậm chạp ở lane sát lề, phía sau là hàng
chục xe nối đuôi theo, nhiều xe bất mãn đổi lane vượt qua và Gerald vừa bò vừa
chớp đèn emergency, mặt mày căng thẳng tái nhạt! Trong đoàn tiếng bấc tiếng chì
xôn xao xua động, nhiều bà than phiền “hôm nay đi không coi ngày”, “của rẻ là
của ôi, biết bao nhiêu hãng du lịch sao không chọn mà lại chọn hãng du
lịch...mắc dịch này!” Người “ăn cơm nhà đi vác ngà voi” là “cụ” Nguyễn Ngọc
Liên vốn có một “tâm tình hiến dâng” có công lập hội Thanh Nhàn tổ chức những
chuyến đi đem niềm vui cho bà con, bạn bè nhưng hôm nay cụ lại buồn thiu, muốn
thanh nhàn mà không được nhàn! Tôi nhìn cụ cười cảm thông, chia sẻ. Cụ cũng
cười lại nhưng chắc là...“miệng cười mà lệ tuôn rơi!”
Xe vừa đổ dốc là gặp khu Rest
Area (chỗ nghỉ chân) nên Gerald tấp vào và theo lời bàn bạc là nên đem xe đến
cho thợ máy xem sao vì trên con dốc phía trước, rất xa nhưng sa mạc trống trải
nên nhìn thấy, có một trạm xăng mà trạm xăng thường có thợ máy. Nhiều người lo
ngại nếu xe không sửa sẽ không qua nỗi ngọn đèo phía trước là Mountain Pass
cao 4,726 feet. Ðổ dốc đèo này sẽ tới biên giới tiểu bang Nevada nơi đây dù giữa sa mạc nhưng có 3, 4
sòng bài casino khá lớn. Tuy trên đèo nhìn thấy những cao ốc casino này nhưng
khoảng cách rất xa phải hơn 10 miles. Thà là nghỉ chân ở Rest Area tuy nóng
nhưng còn có mái che nắng, nhà vệ sinh và nước uống còn hơn là tiếp tục đi sợ
xe cháy máy trên đèo giữa trời nắng nóng còn mệt hơn nữa. Chúng tôi xuống xe
vào nhà mát chờ và Gerald một mình lái xe đến trạm xăng tìm thợ máy. Ðộ nửa giờ
sau Gerald trở lại cho biết là thợ máy nói xe không hư gì cả chỉ vì trời quá
nóng, hơi nóng từ nhựa đường bốc lên khiến nhớt hộp số quá nóng không hoạt động
bình thường được, rất nhiều xe tải bị chứng bịnh này. Chúng tôi tin lời thợ máy
và lên xe trở lại, tiếp tục bò lên đèo. Tuy bò một cách chậm chạp nhưng rốt cục
xe vẫn tới được đỉnh đèo và từ đây xe đổ dốc nên không còn vấn đề nữa.
Bảy giờ chiều chúng tôi cũng
tới được Las Vegas
và Gerald đưa chúng tôi đến casino Imperial để ăn tối. Casino này tuy nằm trên
đaị lộ huyết mạch là Las Vegas Boulevard thường được gọi tắt là Strip nhưng nó
rất xưa cũ và hãng du lịch có hợp đồng mướn phòng tại đây. Nhưng đêm nay đoàn
chúng tôi không ngủ tại đây mà ra sa mạc ngủ cho ...rẻ hơn. Một số người trong
đoàn đòi Gerald gọi về hãng du lịch để đổi xe khác nhưng hãng nói không còn xe
nào thay thế và cho rằng xe vẫn chạy tốt, nếu nằm đường hãng sẽ chịu trách
nhiệm. Một ông trong đoàn bất bình nói hãng này ngoan cố quá, xe như vậy mà nói
chạy tốt, không đổi xe khác rủi ngày mai nằm giữa sa mạc đói khát thì sao và
ông nói với tài xế kiêm hướng dẫn viên Gerald: “I am a lawyer, I will sue your
company!” Gerald cả ngày hôm nay qúa căng thẳng nên trả lời: “You are a liar!”
khiến ông mất bình tỉnh đòi cho Gerald bài học. Ông gọi vào phi trường mua vé
máy bay để hai ông bà trở về ngay bây giờ không thèm đi nữa. Tôi hỏi vé máy bay
trở về Los Angeles
là bao nhiêu? Ông nói $400 mỗi vé và hãng phải trả lại cho ông. Một nhóm phụ nữ
3 người không đi nữa nhưng họ thích không khí Las Vegas nên ở lại chơi khi nào
chán sẽ về bằng xe buýt, họ vui vẻ không căng thẳng như ông luật sư kia. Chúng
tôi đi ăn Buffet và kéo máy chút đỉnh đến 9 giờ thì gặp nhau tại phòng lễ tân
(lobby) của Imperial để đi Mesquite cũng trên xa lộ 15 và cách Las Vegas lối 90
miles về hướng đông bắc.
Virgin River ở Zion Canyon
Trước đây đường bộ tôi chưa
bao giờ vượt quá Las Vegas, đêm nay lên hướng bắc không biết phong cảnh như thế
nào nhưng vì đêm tối lại không trăng nên chẳng thấy gì, chắc cũng là sa mạc
mênh mông với những loài xương rồng không cần nước. Ngày hôm nay xe hư, chờ đợi
thật là mệt nhọc, vất vả nên lên xe mát mẻ mọi người đều ngủ và lạ một điều là
xe chạy ngon lành có lẽ vì trời đêm mát mẻ và 5 người bỏ chuyến đi nên xe nhẹ
hơn và chúng tôi có những băng ghế nằm rất thoải mái. Mười một giờ đêm xe đến Mesquite , nơi đây dường
như không có nhà dân chỉ có vài casino vừa motel 2 tầng lầu theo kiểu Motel 6
mà phía ngoài sân không có bãi cỏ xanh mà chỉ landscape bằng những bụi xương
rồng và đá tảng. Sau khi tắm rửa cho sạch bụi sa mạc và vì đã chợp mắt trên xe
nên không thấy mệt nữa chúng tôi lại đi kéo máy cho đến 1 giờ sáng mới trở về
phòng đánh một giấc ngon lành thẳng cẳng.
Sáng hôm sau tôi thức sớm lúc
6 giờ vì quen với giờ giấc đi làm, tắm nước nóng cho tỉnh người và cùng bà xã
xuống Restaurant của Motel ăn sáng trứng chiên, xúc xích và cà phê. Phục vụ nhà
hàng không có các cô phụ nữ trẻ vì các cô trẻ chắc không ai chịu ở đây mà chỉ
các bà lớn tuổi mặc váy đầm rất thân thiện, tay cầm bình cà phê châm thêm liên
tục và hỏi han đủ thứ. Chúng tôi lấy hành lý và ra xe tiếp tục lên đường, xe
qua biên giới Nevada và vào tiểu bang Arizona , qua cầu con sông tên là Trinh Nữ (Virgin River)
bắt nguồn từ vùng núi Zion National Park và chảy về hồ Lake Mead gần Las Vegas . Từ đây phải vặn
đồng hồ thêm một giờ vì Arizona cũng như Utah xài giờ Mountain
Time. Con đường 15 dần lên miền cao và phong cảnh khá đẹp không còn sa mạc mà
là đồi núi và thông xanh. Hơn nửa giờ sau chúng tôi lại vượt qua biên giới Arizona và tiến vào tiểu bang Utah ở thành phố địa đầu St George. Qua khỏi
St. George một đoạn ngắn thì rẽ vào con đường nhỏ số 9 gặp lại dòng sông Trinh
Nữ chạy song song bên cạnh rồi ngang qua
thị trấn Hurricane (Bảo tố) để vào thăm viếng thắng cảnh Zion National Park.
Con đường số 9 len lỏi đi vào
vùng núi Zion Canyon là con đường ngoạn cảnh đầy hoa thơm cỏ lạ, nơi đây thiên
nhiên được bảo vệ và người ta đếm được có đến 800 loại thảo mộc, 75 loại động
vật có vú, 271 loài chim, 32 bò sát và 8 loại cá. Công viên quốc gia Zion là một vùng núi non
hùng vĩ, cảnh trí ngoạn mục với những núi đá đỏ dốc đứng thẳng như cảnh hòn non
bộ lại nằm trong một vùng thảo hoa xanh tươi xinh đẹp. Zion National Park được
thành lập từ năm 1909 đến 1919 được nới rộng và lấy tên là công viên quốc gia
Zion. Công viên rộng 229 dặm vuông nằm trong vùng cao nguyên Colorado và nằm
gần bờ phiá bắc của thắng cảnh Grand Canyon, trong khi bờ phiá nam của thung
lũng Grand Canyon nằm bên Arizona. Zion
theo tiếng cổ Hebrew có nghĩa là một vùng bình yên ẩn dật. Ngược dòng lịch sử
người da đỏ thuộc bộ tộc Puebloans đã ở đây từ 2 ngàn năm trước, đến thập niên
1860 nhóm tiền phương giáo phái Mormon khám phá ra vùng thung lũng thần tiên
này và họ gọi nơi đây là Kolob có nghĩa là cõi địa đàng rất gần Thiên Chúa.
Ngọn núi ở Zion Canyon Visitors Center
Chúng tôi dừng lại và xuống
xe nơi Zion Canyon Visitors Center, bên trong có trưng bày nhiều hình ảnh, tài
liệu, mẫu đá cũng như thu lệ phí cắm trại qua đêm, có nhân viên (Rangers) trả
lời hướng dẫn tất cả những gì du khách muốn biết trong việc thăm viếng, tìm
hiểu về thung lũng Zion. Nơi đây có một Tours du khảo 90 phút bằng xe Shuttle
tôi nghĩ hữu ích cho những người không có nhiều thời giờ dừng chân lại nơi đây.
Chúng tôi cũng vậy chỉ là khách cỡi ngựa xem hoa, chợt đến rồi chợt đi, chứ
muốn thưởng thức hết cảnh đẹp thần tiên này phải cắm lều ngủ qua đêm, phải đi
trên những con đường mòn (trails), trèo núi, lội suối băng rừng vì nơi đây có
rất nhiều đỉnh cao, vách đá, khe suối, hồ trong với những điạ danh như Angels
Landing, Emerald Pools, Hidden Canyon, Fatman’s Misery...
TRỊNH HẢO TÂM
Cùng tác giả đã phát hành 8
quyển ký sự du lịch: “Trên Những Nẻo Đường Việt Nam”, “Miền Tây Hoa Kỳ”, “Trung
Quốc”, “Mùa Thu Đông Âu”, “Tây Âu Cổ Kính”, “Miền Đông Nước Mỹ và Canada”,
“Hành Hương Thánh Địa Do Thái” và “Nhật Bản, Hồng Kông Macau, Thái Lan”. Đồng
giá 15 USD mỗi quyển. Ở xa gởi ngân phiếu về tác giả, sách có chữ ký sẽ được
gởi đến tận nhà (bao cước phí trong nước Mỹ):
TRINH HAO TAM
Ðiện thoại 714-528-1413
Email: trinhhaotam@yahoo.com
No comments:
Post a Comment