KÝ SỰ DU LỊCH
HỒ
(BÀI 7)
TRỊNH HẢO TÂM
Thắng cảnh Ðá Vàng
Yellowstone nằm ở tiểu bang Wyoming miền Trung
Tây Hoa Kỳ cách Los Angeles
1,052 miles. Thị trấn nhỏ Old Faithful được xem là thủ phủ của Yellowstone vì
suối phun Old Faithful là cảnh thiên nhiên kỳ bí thu hút du khách nhiều nhất,
sau đó mới đến các bể nước nóng và ao bùn ở trong vùng Mud Volcano Area và thứ
ba là các thác nước hùng vĩ trong vùng Canyon. Ðó là 3 nơi chốn cần phải xem
khi đến Yellowstone, ngoài ra những người yêu thú hoang có thể xem bò rừng,
gấu, nai, chim chóc, những người thích câu cá thì nơi đây có hồ và các dòng
sông, ngọn suối rất nhiều cá Trout. Nhà nhiếp ảnh hay họa sĩ thì nơi đây thiên
nhiên đã dàn dựng sẵn cho họ những đề tài rất nhiều màu sắc. Do đó thắng cảnh Yellowstone là một nơi chốn đáp ứng được những sở thích
khác nhau của mọi người.
Ðoàn du lịch “Thanh Nhàn” của
chúng tôi xuất phát từ Little Saigon sau 4 ngày
3 đêm ròng rã vẫn còn quân số 15 “chiến sĩ” gồm đủ mọi thành phần nam nữ
lảo ấu sau khi có 5 “chiến sĩ” chán ngán cảnh xe hư bỏ cuộc trở về ở Las Vegas
ngay từ ngày đầu! “Trung Ðội Trưởng” vẫn là chiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên (Ðoan
Trang Dịch Vụ ngày trước), chỉ huy và hướng dẫn viên du lịch kiêm tài xế là
Gerald người Ðài Loan bị vợ bỏ, hận đời đen bạc nên đi làm du lịch ngao du đây
đó cho quên sự đời:
Sự đời như chiếc lá đa
Ðen như mõm chó, chém cha sự đời!
Sau một ngày rong ruổi trong
vùng Old Faithful (Niềm Tin Cũ) xem suối phun bắn nước nóng lên trời (Jim
Bridger năm 1829 thám hiểm trở về báo cáo là vùng này ma quái kỳ bí còn thác
nước thì...chảy ngược!) và những bễ nước nóng khoáng tuyền trong xanh nghi ngút
khói, chúng tôi lên xe đi về hướng Ðông đến West Thumb để nghỉ đêm trong những
căn nhà gỗ Lodge mà hãng du lịch ABC đã đặt mướn sẵn ở Grant Village môt xóm
nhỏ nằm cạnh West Thumb. West Thumb cũng có vài suối phun và hồ nước nóng trong
khi Grant Village chỉ là một làng du lịch có nhà trọ, tiệm ăn và cửa hàng tạp
hoá bán đồ ăn, thuốc men, phim ảnh. Grant
Village lấy tên vị Tổng Thống thứ 18
là Ulysses S. Grant người đã ký nghị định thành lâp Yellowstone National Park
ngày 1-3-1872.
Nhà trọ bằng gỗ là “khách sạn” duy nhất trong công viên Yellowstone
Gerald đưa chúng tôi đến văn
phòng của khu nhà trọ lấy chìa khóa và mỗi gia đình 2 hoặc 3 người ở một căn
nhà sàn cao bước lên bằng 4, 5 bậc thang xây bằng gỗ thông và mái lợp cũng bằng
gỗ nằm trong một rừng thông rợp bóng cây rất mát mẻ. Sau khi tắm rửa cho sạch
bụi đường trần và nghỉ ngơi chốc lát chúng tôi đi bộ ra nhà hàng buffet duy
nhất trong vùng. Nhà hàng rất lớn có mái nhọn chĩa lên trời, khách ăn khá đông
mỗi phần 15$ và đồ ăn Mỹ. Nhờ có rau cải, trái cây và thịt bò nướng (roasted
beef) nên chúng tôi chiếu cố tận tình và không biết ăn nhằm thứ gì mà đêm đó
tôi cũng như nhiều người khác bị đầy hơi rất khó chịu có vài người còn bị đau bụng
nữa.
Nhà hàng Buffet duy nhất trong thắng cảnh Đá Vàng
Hồ Yellowstone rất rộng có
diện tích 280 dặm vuông là hồ trên núi lớn nhất ở lục địa Bắc Mỹ. Nước hồ có
mùa đầy, có mùa vơi nhưng mực nước hồ khi thấp nhất là ở cao độ 7,733 feet trên
mực nước biển ròng sát (độ sâu của biển ghi trên bản đồ bao giờ cũng là con số
thấp nhất (Low Lowest Level) mà người ta ghi nhận trong chu kỳ 30 năm của thủy triều để tránh
cho tàu bè không mắc cạn). Nước hồ Yellowstone khi tràn chảy xuống thành những
thác nước hùng vĩ mà chúng tôi sẽ tới ngày mai và nước sẽ tiếp tục chảy xuống
vùng thấp hơn trở thành con sông Yellowstone .
Trên hồ cũng có nhiều hòn đảo là những suối phun khoáng chất đã tắt nguội. Nơi
sâu nhất trong hồ có độ sâu đến 320 feet. Hồ nổi tiếng có nhiều cá Cutthroat
Trout nhất so với những nơi khác nên mùa hè quy tụ rất đông người đến câu cá.
Câu cá Trout loại “cắt cổ” (Cutthroat) phải câu bằng mồi ruồi (Fly) và phải kéo
mồi bay bay di chuyển là đà trên mặt nước để đánh lừa những con cá Trout. Mồi
ruồi không hẳn chỉ ruồi mà còn dùng những loại côn trùng khác như dế, chuồn
chuồn, châu chấu, bù cào và tốt nhất là dùng những côn trùng có nhiều nhất ở
trong vùng đó. Tìm không ra côn trùng thật thì mua côn trùng giả làm bằng lông
gà, lông vịt, plastic bán ở các tiệm bán đồ thể thao nhưng phải là loại côn
trùng có nhiều trong vùng. Dùng mồi lạ, cá Trout không biết thứ gì sẽ không ăn
thì “ngư ông” chỉ có nước xách cần về không và sợ còn bị “ngư bà” cho ăn “chả
chồi” vì tưởng đi ...giăng câu bậy bạ trong xóm dưới! Cách câu bằng mồi ruồi
cũng có 2 cách là Ruồi Khô (Dry Fly) và Ruồi Ướt (Wet Fly), Ruồi Khô thì kéo
kéo cho bay lớt phớt trên không còn Ruồi Ướt thì nhấp nhấp cho là đà dưới nước.
Câu bằng mồi ruồi đòi hỏi phải có “tay nghề vững chắc” (skill) cũng như kinh
nghiệm và hai tay cứ phải làm việc liên tục vừa thâu dây vừa nhấp cần câu nên
không thể vừa câu vừa đọc sách. Cá Trout ở hồ Yellowstone
rất lớn dài từ 14 đến 18 inches thịt ngọt, xương ít và không tanh. Cá này khi
còn tươi sống chiên dòn chấm nước mắm tỏi ớt hay nấu canh ngót với cà chua, rau
cần Tây là những món ăn vừa ngon vừa lành! Ngoài cá Cutthroat Trout ở hồ
Yellowstone còn có cá Catfish, cá Bass...Giấy phép (license) câu cá trong
Yellowstone có thể mua từ các tiệm tạp hóa, visitor center với giá 15$ cho 3
ngày câu, 20$ được 7 ngày. Giấy phép câu cá của tiểu bang Wyoming
không dùng được trong Yellowstone mặc dù Yellowstone nằm trong tiểu bang Wyoming . Nhắn trước để
các bạn thích đi câu khỏi phải mua lộn License, vừa mất tiền lại còn bị phạt!
NGHỀ CÂU CÁ CỦA TÔI
Người ta đi câu cá phải có
mồi ruồi hay mồi trùn (giun đất) còn tôi thì đã từng đi câu...không mồi mà vẫn
có cá! Không phải là vì tôi tài, tôi giỏi mà là nơi câu có qúa nhiều cá! Số là
vào năm 1980 tôi và vợ con từ trại tỵ nạn mới qua mấy tháng còn đi học Anh Văn
As Second Language nên cũng rảnh rang. Mùa mưa chấm dứt, hè năm đó ở đập nước
Prado Dam gần giao điểm 2 xa lộ 91 và 71 người ta xả đập để cho nước từ trong
vùng thấp cạnh đó chảy vào sông Santa Ana mà ra biển. Vùng thấp có tên là Prado
Reservoir nhằm chứa nước mưa từ miền núi San Bernardino chảy xuống để ngăn ngừa
lũ lụt, đập chận nước lại trong mùa mưa nên nước ứ lại thành ao đầm rất nhiều
cá Catfish là loại cá ăn tạp, chúng sống ở đó ăn côn trùng cũng như lá cây mục
trong rừng ngập nước và cả phân bò từ vùng nông trại Chino đổ xuống. Tôi nghe
người ta đồn nên xách cần câu chạy xuống đập Prado, đứng trên bờ nhìn xuống
mương nước (channel) xây bằng xi măng thấy cá nhảy tung tăng trước khi bị nước
cuốn vào đập. Rất nhiều người câu đứng chật cả hai bên bờ mương, có vài ông Mỹ
đen còn đem cả lò gas BBQ ra nướng cá ăn tại chỗ! Tôi buột lưỡi câu loại một
chùm có 3 lưỡi hướng ra 3 phiá trên sợi dây câu 3 cái như vậy cách nhau 1 foot,
không cần móc mồi và quăng ra gần tới bờ bên kia rồi quay thu dây vào. Vừa quay
vài vòng là cần câu giựt giựt, cá đã vướng vào lưỡi câu! Mỗi lần kéo lên là có
cá, có khi đến 3 con! Trong 2 tiếng đồng hồ câu đầy 3 thùng nhựa loại 5 gallon.
Tôi đem về nào nấu canh chua, nào kho, nào chiên, nào hấp cuốn bánh tráng, ăn
không hết cho bà con VN trong khu appartment tôi ở. Bà xã rất phục tài tôi, ở
Sài Gòn có thấy tôi câu cá bao giờ? Rảnh là ra quán cà phê ngồi hay xách xe
Honda đi đâu mất biệt. Qua bên này đổi đời, ngoài tài trồng rau ăn không hết
tôi lại có thêm tài câu cá!
Ăn Catfish hoài cũng ngán và
đập xả trong vòng một tuần cũng cạn nước, hết cá và đập trơ đáy chờ mùa mưa năm
tới. Tài nghệ là phải phát huy liên tục chớ đâu phải có khi có, có khi không!
Ðể chứng tỏ với vợ tôi là tài câu cá của tôi vẫn còn chưa mai một nên một hôm
đẹp trời từ Pomona tôi lái xe Ford Pinto xuống
cầu tàu Huntington Beach .
Móc mồi tép vào lưỡi câu và quăng dây ra xa rồi ôm cần ngồi chờ đợi, đọc hết
mấy tờ Người Việt,Văn Nghệ Tiền Phong, Trắng Ðen, Hồn Việt mà cần câu chẳng
thấy động đậy, nhúc nhích gì hết. Một tiếng đồng hồ sau cũng không thấy môt con
nào, cho dù một con cá nục (mackerel) là loại dễ câu nhứt cũng không có! Tôi
thấy anh chàng VN bên cạnh câu được một thùng cá nục, tôi làm bộ gợi chuyện và
anh ta hỏi tôi muốn lấy thùng cá đó không thì trả cho anh ta 5 đồng. Tôi mua
ngay, trút hết vào thùng tôi và đem cá về, vợ tôi một lần nữa lại khen nức nở
về tài nghệ câu cá của tôi. Từ đó trở đi tôi giải nghệ nghề câu cá mà không
nhắc đến nữa, vợ tôi có hỏi sao lóng rày không đi câu cá về ăn? Tôi trả lời
License hết hạn, đóng 10$ một năm...đắt quá!
Trở lại với hồ Yellowstone Lake , năm 2003 ở góc phiá Bắc hồ có hiện
tượng sôi bọt do chất khí bốc lên nên nhiều huyền thoại được thêu dệt, bàn ra
tán vào liên quan đến chuyện hồ ngày xưa là họng phun lửa của một ngọn núi lửa.
Áp suất ngày đêm âm ỉ trong lòng đất đun sôi những mạch nước ngầm và bắn chúng
vọt lên cao, người ta lo ngại hồ có nhiều cơ hội phun lửa trở lại và du khách
hay những người câu cá sẽ chạy không kịp. Nếu chưa phun lửa thì hồ cũng có thể
rò rĩ những độc chất như thán khí Carbonic hay Carbon Monoxide như trường hợp
đã xảy ra ở hồ Nyos thuộc xứ Cameroon bên Phi Châu vào năm 1986 khiến hàng ngàn
người chết! Vì những lo ngại đó nên một trường đại học đã cử một toán nghiên
cứu tới, sau thời gian khảo sát, điều tra họ kết luận cho dù lòng đất dưới hồ
có những đường nứt, những mạch nước nóng nhưng lớp đất đá dưới hồ rất dầy cứng
đã ổn định trên 70 ngàn năm đủ chắc để ngăn chận dung nham nóng chảy trào lên.
Cơ quan Ðo Ðạc Ðịa Chất USGS (United States Geological Survey) cũng ra thông
cáo báo chí rằng hồ vẫn an toàn cho du khách, những bọt hơi trào lên từ đáy hồ
chỉ là hiện tượng như ở các suối phun trong vùng mà 70 ngàn năm trước núi lửa
đã từng hoạt động.
Bờ phiá Bắc hồ có làng Lake
Village và cận đó là
Fishing Bridge người ta có thể chơi thuyền, câu cá và cắm trại ngủ qua đêm với
những phương tiện như điện nước, nhà vệ sinh. Ðặc biệt là ở hồ Yellowstone nước
trong vắt như pha lê nhưng không được tắm hay bơi lặn vì nước quá lạnh, vào mùa
hè nước trên mặt hồ có thể 60 độ F nhưng phiá dưới vẫn còn lạnh có thể 40 độ,
nhiệt độ mà người ta không thể ngâm mình dưới đó quá 10 phút. Ở khu cắm trại đó
có rất nhiều dơi nâu độ 4,000 con, hoàng hôn xập tối bay ra đầy trời và ban
ngày người ta có thể thấy chúng treo mình ở những ổ trong hốc đá. Mỗi con dơi
trong một giờ bay qua bay lại có thể đớp 600 con muỗi giúp ích cho du khách cắm
trại đỡ bị muỗi cắn.
Ðêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
Rơi rơi...dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ
Tương tư hướng lạc, phương mờ
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe
Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...
(Buồn Ðêm Mưa – Huy Cận)
Trịnh Hảo Tâm