DU LỊCH BẰNG DU THUYỀN CRUISE CẦN CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO?
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM
Những năm gần đây khi du lịch người ta có khuynh hướng tham
dự những chuyến du thuyền Cruise vì những lý do sau: Không phải lái xe vừa tốn
tiền xăng, vừa nguy hiểm. Không phải đặt phòng khách sạn mùa cao điểm giá rất đắt.
Tham quan được nhiều nước mà không phải di chuyển từ khách sạn này sang khách sạn
khác, đi tới đâu khách sạn theo mình tới đó. Khỏi bận tâm về ăn uống, trên du
thuyền nhà hàng phục vụ gần như 24 trên 24 với mọi loại thức ăn. Sinh hoạt thể
thao, giải trí, mua sắm luôn luôn có sẵn trên du thuyền.
Trên thế giới hầu như châu lục nào cũng có du thuyền đi đến
với không biết bao nhiêu hãng du thuyền cạnh tranh khốc liệt với giá cả nhiều
khi chỉ còn vài trăm bạc. Thời gian một chuyến du lịch thích hợp với hoàn cảnh
mỗi gia đình, từ 3- 4 ngày cho đến cả năm trên những chuyến đi vòng quanh thế
giới cho những người cao niên rảnh rỗi và không còn lái xe được. Họ tiêu khiển
quảng đời còn lại trên những chuyến du thuyền đi từ đại dương này sang đại dương
khác với cả một nhóm bạn già của mình.
Thủy trình du thuyền không phải chỉ trên biển mà còn cả trên
sông nữa với những con sông nổi tiếng thế giới về thắng cảnh, về linh thiêng
hay khía cạnh lịch sử. Những con sông có lịch trình du thuyền như: sông Danube
(Áo, Hung , Romania ),
sông Rhein (Đức), sông Nile (Ai Cập), sông Hằng
(Ấn Độ), Trường Giang, Hoàng Hà (Trung quốc) v.v…
Du thuyền viễn dương đường biển được phổ biến nhất và nổi tiếng
về các thắng cảnh cũng như về giá cả vì có nhiều hãng cạnh tranh là du thuyền
trong vùng biển Caribbean chạy dài xuống Nam Mỹ, du thuyền vùng Địa Trung Hải,
du thuyền vùng biển Baltic (Bắc Âu và Nga), du thuyền trong vùng Biển Đen
(Blacksea) qua các nước Bulgaria, Romania, Ukrainia, Thổ Nhĩ Kỳ) v.v…Trong những
vùng đó, du khách ưa thích nhất là du thuyền trong vùng biển Điạ Trung Hải ở Tây
và Trung Âu qua các nước phát triển lại có chiều dài lịch sử mấy ngàn năm như Tây
Ban Nha, Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Do Thái, Ai Cập v.v…
MUA VÉ CRUISE VÀ MÁY BAY
Tùy theo lịch trình chuyến đi khởi hành từ đâu và kết thúc ở
đâu mà mua vé máy bay sao cho phù hợp. Tuy nhiên ngày nay có nhiều chuyến du
thuyền du khách có thể chọn bất cứ bến cảng nào trên thủy trình của du thuyền làm
nơi mình xuất phát và kết thúc.Vé Cruise để được giá hạ phải mua trước ít nhất
3 tháng bằng cách dò trên mạng, càng gần đến ngày đi giá càng tăng. Khi quyết định
mua có thể trả tiền bằng thẻ tín dụng Credit Card như Visa hoặc Master Card. Giá
vé cao thấp tùy theo vị trí phòng (cabin) trên tàu, phòng có lan can (balcony)
bước ra ngắm cảnh hay cửa sổ đắt hơn phòng bên trong kín mít. Hãng Cruise cần mình
Email cho họ hình chụp trang đầu của Passport còn hiệu lực. Trả tiền xong hãng
Cruise sẽ Email biên nhận ghi rõ chuyến đi và số phòng mình ở cũng như số
Booking Number. Khoảng một tuần trước khi khởi hành hãng Cruise Email nhắc mình
làm thủ tục “Check in” trên mạng, xác nhận sẽ đi và cho mình con số “Check in”.
Số này khi đến bến du thuyền mình sẽ ghi trên mỗi món hành lý để gởi lên tàu.
Nhân viên sẽ đưa đến tận Cabin, du khách chỉ cần mang theo hành lý xách tay và
làm thủ tục lên tàu. Thủ tục lên tàu gồm chụp hình để làm thẻ lên tàu, trong thẻ
này có đủ mọi chi tiết cá nhân, mỗi lần rời tàu phải mang theo thẻ mà không phải
đem theo Passport (ngoại trừ một vài nước trong chuyến đi). Nhân viên hãng tàu
sẽ cà thẻ để biết những ai đã rời tàu lên bến. Mua sắm, chơi bài hay dịch vụ trên
tàu như Wifi, ba rượu, massage v.v… đều trả bằng thẻ, khi chuyến đi kết thúc trước
khi rời tàu du khách phải thanh toán tiền bạc tại quày tài chánh, có thể trả bằng
tiền mặt hay thẻ tín dụng.
Vì du khách xuống tàu bắt đầu chuyến đi rải rác khắp các thành
phố trên thủy trình nên thủ tục xuống tàu cũng như lên bờ không đông người và công
việc rất chuyên nghiệp nên không phải chờ đợi lâu.
Sau khi mua vé Cruise công việc kế tiếp là mua vé máy bay để
bay đến thành phố mình lên tàu và vé máy bay trở về sau khi chuyến đi kết thúc.
Vé máy bay có thể mua trên mạng với các trang nhà như Expedia, Cheapticket
v.v…Mua trước khoảng 2 tháng và bay vào các ngày thứ Ba, thứ Tư, ghé đổi chuyến
bay ở nhiều phi trường rẻ hơn rất nhiều. Mua vé máy bay cũng bằng thẻ tín dụng
và họ cho mình số Confirmation Code dùng để làm thủ tục Check in lên tàu cho
nhanh.
CHUẨN BỊ HÀNH TRANG
Đi du lịch hành lý càng gọn nhẹ càng tốt, không nên mang
theo máy sấy tóc, bàn ủi quần áo, máy chụp hình chuyên nghiệp nặng nề với nhiều
ống kính v.v… mà chỉ mang theo những món thực sự cần thiết. Kể ra đây như là
“Typical Check List” để qúy bạn đọc nhìn vào đó khỏi quên mỗi khi đi du lịch:
- Thông hành hay hộ chiếu (Passport, khối Âu Châu không cần
Visa đối với công dân Mỹ, nhớ xem kỹ có phải Passport của mình hay không hay lấy
nhầm của người khác trong gia đình và Passport có còn hiệu lực hay không, nhiều
nước Á Châu (trong đó có Việt Nam) Passport phải còn hiệu lực trên 6 tháng). Nên
photo copy màu một bản để lại cho người thân, một bản copy mang theo, trường hợp
mất có chi tiết để xin bản khác ở tòa lãnh sự nước mình.
- Vé máy bay, mua trên Internet (Eticket) chỉ cần in ra tờ
Email có lịch trình bay (số chuyến bay, ngày giờ, tên phi trường, số terminal)
và quan trọng nhất là Confirmation Code, hàng này có 6 chữ và số, thí dụ như
“G7SRXK”. Với Code mật mã này mình có thể in giấy lên tàu (Boarding Pass ) tại nhà trước khi ra sân bay.
- Các giấy tờ khác như số Confirmation của khách sạn, của xe
lửa, của hãng Cruise (số Cabin, booking number), ghi lại trên giấy Username và
Password các trương mục tiền nhà, ga điện nước trên Internet để trong chuyến đi
mình có thể liên lạc trả tiền hàng tháng mà khỏi bị trễ. Tất cả các giấy tờ này
cho vào một bao thơ lớn (folder).
- Bằng lái xe (như căn cước), thẻ tín dụng Visa hay Master
Card và tiền mặt (cất nhiều nơi khác nhau, đề phòng bị móc túi). Châu Âu dùng đồng
Euro, tiền giấy từ 2 Euro trở lên còn lại 1 Euro trở xuống dùng tiền cắc kim loại.
Giá Euro hiện nay gần như tương đương với đồng đô la Mỹ nên du lịch Âu Châu có
lợi hơn những năm trước. Nên lưu ý các điểm đổi tiền ngoài đường ngoài giá hối
xuất niêm yết trên bảng còn cộng thêm tiền hoa hồng nhiều nơi lên đến 6-7%. Nên
đổi ở các ngân hàng tiền hoa hồng thấp hơn, tốt nhất khi mua sắm dùng Credit
Card không tính thêm hoa hồng, khi trở lại nhà cuối tháng mình sẽ thanh toán
khi tờ Bill gởi về. Tuy nhiên trước khi đi nước ngoài phải báo ngân hàng của
Credit Card để họ cho mình con số Pin Number, tránh việc kẻ gian đánh cắp thẻ
không dùng được.
- Các dụng cụ máy móc: máy ảnh, laptop hay Ipad (các máy này
nhớ mang theo đồ xạt điện (battery charger), ở Âu Châu điện 220v và 2 chấu cắm điện
tròn nên mang theo cái adapter chấu tròn (có bán ở Target, Wallmart). Riêng điện
thoại cầm tay không nên xài cái từ Mỹ đem theo (tiền gọi rất mắc) mà mua cái dùng
hết “sim” rồi bỏ, hoặc dùng điện thoại của thân nhân bên đó.
- Thuốc men (thí dụ như cao máu, cao mỡ, tiểu đường, cảm mạo,
ho, tiêu chảy, say sóng v.v...)
- Quần áo, áo ấm, đồ lót, giày vớ (thể thao và dự tiệc).
Hãng máy bay như Air France hạng Economy chỉ cho gởi một
hành lý nặng không qúa 50lbs (23kg) và tổng kích thước 3 chiều là 62 inches
(157cm). Trước khi gởi tháo bỏ tất cả những giấy nhãn của các chuyến bay trước
và ghi tên, địa chỉ mình (permanent address) cùng điạ chỉ mình trú ngụ trong
khi du lịch (destination address) và điạ chỉ Email, số điện thoại để trường hợp
hành lý thất lạc hãng máy bay liên lạc. Không để tư trang đắt tiền, những vật dụng
dễ bể trong hành lý gởi. Trường hợp hành lý mất họ chỉ bồi thường một vài trăm đồng
mà thôi chứ không phải như mình đòi hỏi. Để dễ nhận ra món hành lý của mình ở vòng
xoay hành lý, nên ràng thêm một sợi dây nịt màu cam hay vàng (có bán ở Target,
Wallmart) vừa dễ nhận dạng vừa bảo vệ hành lý thêm chắc chắn.
Mỗi hành khách chỉ mang theo được một va ly hay túi xách lên
máy bay với kích thước là 22 x 14 x 9 inches (56 x 35 x 25cm) và không nặng qúa
26lbs (12kg). Hành lý này sẽ được để vào kệ bên trên của ghế ngồi. Đó là những
con số do hãng Air France
quy định, các hãng máy bay khác cũng thay đổi chút ít. Thuốc men, giấy tờ, tiền
bạc, máy móc nên để trong hành lý xách tay và một vài bộ quần áo đề phòng khi hành
lý ký gởi thất lạc hoặc chậm trễ mình có sẵn mà dùng.
“Cẩn tắc vô áy náy” cẩn thận bao giờ cũng vẫn hơn, tránh được
những phiền toái khiến chuyến đi của mình êm đềm trôi chảy với nhiều thú vị.
No comments:
Post a Comment