ĐẦU THU QUA THĂM PHOENIX,
ARIZONA
BÀI 2
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM
Mùa Thu năm nay khi thời tiết
bắt đầu mát mẻ, từ miền Nam California chúng tôi sang thăm thành phố Phoenix theo lời mời của
Nhàn Nguyễn, con trai út của một gia đình HO qua Mỹ từ năm 1992. Nhớ lại ngày nào
vào phi trường Los Angeles đón gia đình cha mẹ
Nhàn, “gia tài” mang theo là hai cái rương sắt thời ấy gọi là “Vietnam
Samsonite” (từ Việt Nam
sang định cư Mỹ bất cứ theo diện gì, ai ai cũng đều sắm loại va ly này). Ngày
nay các anh chị em Nhàn đều khá giả, con cái vào đại học, tất cả đều theo nghề
“nail”, riêng Nhàn làm chủ hai tiệm “nail”. Theo lời Nhàn nói ở vùng Phoenix này, khi thấy một
khu shopping nào đang xây cất, Nhàn tìm hiểu xem dân cư nơi đây như thế nào? Có
công ăn việc làm khá không? Khu toàn là nhà mới tức nhiên dân cư phải có việc làm
khá, chứ công ty địa ốc nào bán nhà trả góp cho dân thất nghiệp? Có tiệm “nail”
nào đang mở gần đó hay không? Nhàn sẽ ký “lease” (thuê dài hạn) một căn. Rồi
trang bị bàn làm “nail”, ghế “spa” với bồn ngâm chân, hệ thống ống nước và thoát
nước. Trang trí cho thật mát mắt từ hệ thống đèn chiếu hiện đại cho đến tranh tường,
chậu hoa mỹ thuật. Thường thường công việc sắp xong là có người Việt Nam tới ngõ ý
muốn sang lại. Những người này từ Cali
qua hay những tiểu bang lạnh miền Đông sang. Nếu có lời khá từ 4, 5 chục ngàn
trở lên là sang tiệm rồi đi tìm địa điểm khác mà tiếp tục kiếm tiền. Còn không
thì Nhàn đăng báo Người Việt tuyển thợ “nail” tới làm. Có lúc một mình Nhàn làm
chủ tới 3, 4 tiệm “nail”, chạy tới chạy lui coi sóc còn hơn ca sĩ trong nước chạy
show. Nhàn xuất thân là thợ tiện, bị tai nạn nghề nghiệp đứt ngón tay. Sau khi được
bồi thường Nhàn sang Arizona làm “nail”, tuy có bằng “nail” nhưng không khi nào
đụng tới cây dũa hay cọ sơn móng tay mà luôn mang Iphone 6, laptop và lái những
xe sang trọng đời mới. Học vấn cấp bằng Nhàn cũng không có gì, ở Việt Nam
cha phải học cải tạo miền Bắc, mẹ phải buôn tần bán tảo nuôi anh chị của Nhàn.
Có một điều là Nhàn nói và hiểu được tiếng Mỹ, không cần những từ ngữ văn chương,
khoa học cao xa, chỉ cần đủ hiểu và nói những câu giao dịch hàng ngày.
Hỏi về liệu mở tiệm mới mà không
có khách hàng thì sao? Được biết Phoenix là thành phố đang phát triển vào hàng
bậc nhất nước Mỹ, đất đai sa mạc còn trống bạt ngàn, một năm trời quang mây tạnh
330 ngày, không mưa, không tuyết. Giá đất đai, nhân công xây cất không đắt đỏ
như Cali , luật
lệ về khí thải ô nhiễm môi sinh không khắc khe ràng buộc như những tiểu bang đông
dân khác. Thí dụ như vấn đề xử lý rác ở California
rất là tốn kém, phải mang rác chôn trên núi hay sa mạc. Ở đây sa mạc ngay bên
ngoài thành phố. Vì những lý do thuận lợi như vậy nên những công ty, tập đoàn tài
phiệt tầm cỡ có tiếng thế giới trong các lãnh vực điện thoại, vi tính, hàng không
như Motorola, Intel, Honeywell, Boeing đều có xưởng ở Phoenix . Trong vùng hiện nay là tổng hành
dinh của 4 hãng lớn như hãng điện tử Avnet, công ty hầm mỏ Freeport-McMoRan, công
ty bán lẽ thực phẩm chó mèo PetSmart và công ty xử lý rác thải Republic
Services. Ngoài ra còn là trụ sở chính của U-HAUL, Best Western, Apollo Group và
hãng máy bay American Airlines.
Có công ăn việc làm, giá nhà
rẻ chỉ bằng 1/3 giá ở Orange County , California người ta dọn về Phoenix ngày càng đông và ngành địa ốc xây cất
tiếp tục hoạt động không ngừng nghỉ. Tuy đất còn trống nhiều nhưng những khu
gia cư xây lên bao nhiêu lần hồi cũng bán hết. Kỹ thuật xây cất ngày càng tân
tiến, kết hợp với tiến bộ của ngành vi tính, vật liệu xây nhà, các trang thiết
bị điện, nước ngày càng tinh xảo và đẹp mắt lại rất tiết kiệm điện năng. Như phát
minh ra đèn LED rất sáng lại chỉ cần điện một chiều DC như điện phát từ những cục
pin. Phát minh ra sóng Wifi khiến chủ nhà ở xa vẫn chăm sóc dòm ngó được căn nhà
mình qua Iphone và các camera, tắt mở những ngọn đèn trong nhà và hệ thống tưới
ngoài sân vườn v.v…
Dân cư ngày càng đông, thu nhập
được bảo đảm nên người dân có nhu cầu giải trí thư giãn nghỉ ngơi. Khí hậu khá
nóng, không có biển xanh cát trắng, núi cao chơi tuyết nên người dân có những
thú như chơi golf, các hộp đêm bar club và nhất là các nhà hàng ăn uống. Phải kể
Phoenix không thiếu một loại ẩm thực nào nhất là các thức ăn Á Châu như Tàu, Nhật,
Hàn và các món Việt như phở, bánh mì, cơm, bún đều được dân chúng địa phương
chiếu cố. Riêng phụ nữ, đã mang tiếng là phái đẹp nên lúc nào cũng muốn đi làm đẹp.
Đó là lý do mà những tiệm “nail” của người Việt lúc nào cũng có khách.
KHU CHỢ VIỆT TẠI CHANDLER
Những khu dân cư mới đang xây
dựng nằm về phía Đông Nam của
Phoenix là các thành phố Mesa ,
Gilbert và Chandler .
Người Việt là dân nhập cư sau nên tập trung trong những thành phố mới này. Ngày
thứ sáu trong lúc hai vợ chồng Nhàn Nguyễn bận cửa tiệm, chúng tôi lái xe đến
khu chợ Lee Lee cũng trên đường Dobson nhưng ở về hướng Nam gần ngả tư Dobson
và Warner thuộc thành phố Chandler. Chợ Lee Lee rất lớn cùng cỡ với những chợ ở
Bolsa và khi tôi hỏi nhân viên trong chợ thì họ nói chủ nhân là
người...Campuchia (?). Giá cả trong chợ chỉ cao hơn ở Little Saigon khoảng từ
10 đến 20% mà thôi và gần 100% hàng hóa là từ Little Saigon chở sang. Tại
Phoenix cũng có vài tuần báo tiếng Việt chủ yếu là quảng cáo các cơ sở thương
mại VN. Tôi thấy có một ông ngồi đọc báo Người Việt số cũ mấy ngày trước và tôi
hỏi ông ta mua ở đâu? Ông ta nói lấy miễn phí ở trong văn phòng của chợ nhưng
khi tôi đến đó thì chỉ thấy báo Tàu và báo tiếng Anh của Philippines hay Hong
Kong gì đó. Trong chợ cũng có quày gởi tiền, bán thẻ điện thoại gọi về VN, tiệm
thuốc Bắc, tiệm nữ trang và các cửa tiệm phiá ngoài chợ là tiệm tóc, bán vé máy
bay, tiệm bàn ghế giường tủ bằng gỗ hồng tâm (redwood) của Trung Quốc. Gần đó là
nhà hàng Tàu Phoenix Palace ,
tiệm mì China Magic Noodle House.
Góc Tây Bắc ngả tư Dobson và
Warner là một khu thương mại khác trong đó có cơ sở thể dục LA Fitness,
Biscuits Café, Jack In The Box, Circle K và cà phê Starbucks. Bên kia đường ở góc
Đông Nam
là tiệm bánh mì Lee’s Sandwiches. Còn góc Tây Nam là một khu thương mại rộng lớn
có 7-Eleven, Joe’s Auto, nhà hàng Nhật Shimogamo, phòng mạch bác sĩ v.v…
Trở về tiệm Nail để đón vợ chồng
Nhàn, chúng tôi cùng đi ăn phở “Nhật”, không phải là phở nấu theo kiểu Nhật Bổn
mà tên tiệm phở là “Nhật” cũng ở thành phố Mesa nhưng về hướng Bắc của xa lộ
60. Phở cũng ngon, thịt nhiều, rau ngò giá sống đầy đủ và giá cả như ở Bolsa
chứ không lấy lý do “vùng sâu, vùng xa” mà lên giá nhưng mùi gia vị phở không
nồng nàn đậm đà như phở Bolsa, có lẽ vì khách ăn là người Mỹ, Đại Hàn họ không
hợp với gia vị cay nồng.
KHU PHỐ TÀU Ở PHOENIX
Hôm trên đường ra phi trường
để về lại Cali tình cờ tôi gặp một khu phố có kiến trúc Tàu với mái ngói cong
màu vàng nơi góc đường số 44 và E Cofco Center Blvd. vào phi trường Phoenix.
Vào xem mới biết là khu chợ Super L Ranch Market, hỏi thăm mới biết trước kia là
chợ 99 Ranch Market. Lúc này là 3 giờ chiều trời nóng 90 độ nên khu China Town
của Phoenix này rất vắng người. Nơi đây có tiệm bán tranh tượng, đồ gốm Tàu,
kiếng bát quái chiếu yêu, điạ bàn phong thủy, bên cạnh là nhà hàng Ðiễm Sắm,
một nhà hàng Tàu khác thì đóng cửa nghỉ từ 2 giờ cho đến 5 giờ chiều, thấy có
tiệm đề bảng Cafe nhưng cũng lại đóng cửa. Chúng tôi vào chợ mua nước uống rồi
lên xe để vào phi trường cho kịp chuyến bay. Ðịa chỉ của khu Phố Tàu Phoenix
này là 668 North 44th
Street Phoenix Arizona
85008 .
Theo ước lượng hiện có khoảng
25,000 người Việt sinh sống ở Phoenix và vùng phụ cận, họ hội nhập trong tất cả
các ngành nghề của người Mỹ và làm trong các hãng xưởng, văn phòng và cơ sở chính
quyền. Về mặt thương mại du khách thấy qua các bảng hiệu trên đường phố, người
Việt kinh doanh trong nghề Nail và mở nhà hàng ăn uống, nhiều nhất là lấy tên
Phở. Ước tính có trên 25 tiệm Phở của người Việt ở Phoenix trong 43 tiệm ăn có
trên mạng vi tính. Người Việt đông nên có tổ chức những hội đoàn văn hóa xã hội
tương thân ái hữu như hội cộng đồng người Việt, hội cựu quân nhân, cảnh sát. Về
tôn giáo có nhà thờ Việt Nam ,
chùa Phật giáo và thánh thất Cao Đài. Những sinh hoạt lớn như hội Tết, ngày quốc
hận 30-4 thường được tổ chức ở tiền đình tòa hành chánh tiểu bang Arizona ngay tại trung tâm thành phố Phoenix .
No comments:
Post a Comment