Pages

Powered By Blogger

Thursday, October 16, 2014

Ký Sự Du Lịch Paris Bài 7
CAO ỐC MONTPARNASSE VÀ VƯỜN HOA LUXEMBOURG
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM

Rời lâu đài Versailles chúng tôi trở về thành phố Paris và tới cao ốc Montparnasse nằm ở vùng  tam biên giữa 3 quận 6, 13 và 15 lúc 2 giờ trưa. Montparnasse là tên của một tòa buyn đinh cao nhất ở Paris chỉ thấp hơn tháp Eiffel, Montparnasse cao 210m (689 ft) cho tới năm 2011 là tòa nhà chọc trời cao nhất nước Pháp nhưng sau đó bị tòa nhà Tour First cao 231m (758 ft) cũng ở Paris qua mặt.

Toà buyn đinh Montparnasse nằm trên đại lộ Montparnasse nổi tiếng với những quán cà phê vĩa hè, toà nhà này dùng làm văn phòng thương mại và tầng dưới là thương xá Galeries Lafayette bán hàng hiệu nổi tiếng trên thế giới. Trên sân thượng nóc tòa nhà dùng làm nơi ngắm cảnh thành phố Paris và là địa điểm du lịch được ưa chuộng mỗi khi thăm viếng Paris. Cao ốc chọc trời này khởi công xây dựng năm 1969 và hoàn tất năm 1973 có 59 tầng lầu với diện tích 88,400m2 nằm ở số 33 Avenue du Maine thuộc Quận 15. Nhiều dư luận cho cao ốc màu xám đen này là kiến trúc xấu nhất thành phố Paris vì kiểu dáng tân thời đơn điệu đâm lên nền trời giữa một vùng toàn là các kiến trúc cổ kính. Vì sự công kích này hai năm sau đó thành phố Paris ban hành lệnh cấm xây cất cao ốc qúa 7 tầng ở khu trung tâm thành phố. Đa số các tòa nhà ở Paris xây cả trăm năm nay, thường là phố lầu cao 5, 6 tầng. Tầng cao nhất là căn gác xép (attic) dành cho người giúp việc ở.

Thương xá Lafayette dưới chân cao ốc

LÊN NÓC TÒA NHÀ MONTPARNASSE

Chúng tôi được xe buýt của tua du lịch cho xuống trước buyn đinh và hướng dẫn viên Mark đưa vào bên trong nơi phòng chờ đợi để lên thang máy đưa lên sân thượng. Cũng qua thủ tục an ninh khám xét nhưng rất nhanh, vì đã có vé sẵn (giá 10 Euro) nên chúng tôi đi thẳng vào phòng chờ thang máy. Trong thang máy chứa khoảng 10 người, có video chiếu quang cảnh ở nhà hàng, trên sân thượng và cảnh nhìn xuống thành phố. Khi thang bắt đầu lên, đến tầng lầu thứ mấy là có đồng hồ nhảy số và cho biết độ cao ở tầng đó bao nhiêu mét. Thang máy chạy rất nhanh chỉ mất 38 giây là lên tới tầng 56 là nhà hàng “Le Ciel de Paris”. Đây là tầng cuối của tòa nhà, tài liệu nói có 59 tầng chắc là kể luôn 3 tầng hầm để đậu xe. Thay vì vào nhà hàng để uống nước, mua đồ kỷ niệm và ngắm cảnh, Mark nói rằng lên sân thượng ngắm cảnh sẽ thoáng mát và đẹp hơn. Nghe lời anh chàng chúng tôi dùng thang bộ để lên sân thượng trên nóc của tầng thứ 56. Trên sân gió thổi lồng lộng, nhìn xuống thành phố Paris trông như bàn cờ, xe chạy trên đường giống như kiến bò. Du khách đứng quanh sau hàng rào bằng song sắt, phía bên trên là kính dầy trong suốt để chắn gió nhưng cũng có những phần trống để du khách đưa máy lên chụp hình. Ở nơi đứng ngắm cảnh này phía trên có mái che mưa bằng nhựa trong suốt, cạnh rào sắt có những ống dòm phải bỏ tiền mới mở ống kính và một tấm ảnh thành phố bên dưới tại vị trí đó với chú thích cho những danh thắng “landmark” quan trọng để du khách đối chiếu giữa cảnh và hình, biết đó là tòa nhà gì?

Trưa hôm nay trời quang mây tạnh, nhà cửa phố xá Paris nhìn xa tít tận chân trời, được biết có thể nhìn xa đến 40 km có thể thấy phi cơ lên xuống ở phi trường Orly ở về hướng Nam.Trên sân thượng “Top of Paris” này trống trải, nhìn toàn cảnh thành phố Paris phía dưới bao quát 360 độ mà không bị bất cứ vật gì che chắn tầm nhìn. Hướng Bắc là những cây cầu bắc qua sông Seine, quảng trường Concorde có cột tháp Ai Cập, viện bảo tàng Louvre và vườn hoa Tuileries màu xanh. Ngược theo chiều kim đồng hồ hướng Tây Bắc nhìn gần có đền Invalides vòm mái mạ vàng, xa nữa có Khải Hoàn Môn, tháp Eiffel. Hướng Nam ngay dưới chân cao ốc là ga xe lửa Montparnasse với những đường rây, nghĩa trang Montparnasse với những hàng ngàn ngôi mộ màu trắng. Về hướng Đông Bắc là công viên Luxembourg màu xanh cây cối, nhà thờ Đức Bà và xa hơn nữa là nhà thờ Thánh Tâm trên đồi Montmatre. Hai khu rừng chấn hai đầu của Paris ở đây cũng nhìn thấy rõ: rừng Boulogne ở phía Tây và rừng Vincennes ở phía Đông. Phải nói thành phố Paris tuy xưa cũ cả ngàn năm nhưng phố xá toàn nhà lầu, tu bổ khang trang không có những khu ổ chuột, nhà tôn vách ván, hẻm hóc ngoằn ngoèo. Khắp thành phố không biết bao nhiêu cung điện, đền thờ uy nghi hùng tráng, mỗi kiến trúc mang nét đẹp riêng và có bề dầy lịch sử ghi lại trong hàng trăm quyển sách. Người ta nói cả thành phố là viện bảo tàng ngoài trời cũng là chính xác không cường điệu chút nào.

Trên cao ốc nhìn xuống thành phố Paris

Ngắm cảnh Paris trên nóc cao ốc Montparnasse rất là tuyệt diệu nhất là về đêm, nhìn cả thành phố lên đèn như hàng triệu hạt kim cương lấp lánh. Nhất là tháp Eiffel cứ mỗi đúng giờ là đèn pha tắt hết, hàng vạn đèn màu lung linh lấp lánh trên ngọn tháp, khung cảnh huy hoàng này kéo dài trong 10 phút rất đẹp. Lên cao ốc Montparnass ngắm cảnh khỏi phải sắp hàng chờ đợi hàng giờ như ở tháp Eiffel, giá vé lại rẻ hơn.

Trên sân thượng cao ốc

Những chuyện quanh cao ốc Montparnasse là năm 1995 người nhện nổi tiếng của Pháp là Alain “Spiderman” Robert chỉ dùng tay không và chân trần, không một sợi dây an toàn nào đã trèo lên phía bên ngoài cao ốc được xây dựng bằng kính và thép này. Người nhện Pháp đã trèo lên tới chóp cao ốc sau một lần suýt chút nữa là bị trượt chân ngã xuống! Hôm nay trên sân thượng này  tôi thấy có một nhân viên an ninh trật tự trông coi, cô ta lại là một cô gái người Việt Nam, bảng tên mang họ Nguyễn nhưng cô ta nói toàn tiếng Pháp. Cô ngồi trong một căn phòng nhỏ như một bót gác trên sân thượng để làm việc.

Ngoạn cảnh nơi đây độ nửa giờ thì chúng tôi đi xuống, dự định sẽ đi bộ tới vườn Luxembourg xem cho biết vì chưa bao giờ đặt chân tới nơi đó. Trong chuyến đi viết quyển “Tây Âu Cổ Kính” vào năm 2008, đêm cuối định viếng vườn thì trời lại đổ mưa nên đành phải ở lại khách sạn. Vì gấp gáp nên khi đi thang bộ xuống tầng nhà hàng lại quên ghé vào xem bên trong nhà hàng như thể nào? Được biết tầng này có khu ngắm cảnh rất tiện lợi khi trời mưa gió hay tuyết lạnh hoặc nóng bức vào mùa hè vì nơi đây có máy điều hòa nhiệt độ. Có quày bán đồ kỷ niệm, có quán cà phê bán xăng quít, bánh ngọt, có nhà hàng sang trọng mở cửa đến 1 giờ khuya nhưng phải gọi đặt chỗ trước.

Sau khi đi thang máy xuống chúng tôi vào thương xá Galeries Lafayette trang trí theo kiểu tân thời như thương xá bên Mỹ, không có nét gì đặc biệt nên đi luôn tìm ra đường lớn là đại lộ Montparnasse. Đại lộ này nổi tiếng với những quán cà phê vĩa hè nơi tụ tập của văn nhân, thi họa sĩ vào những thế kỷ trước nhất là trên đoạn đại lộ nằm giữa hai con đường Rue de Reinnes và Boulevard Raspail. Những quán cà phê nổi tiếng như Le Dôme, La Closerie des Lilas, La Rotonde, Le Select, La Coupole…những quán này đến ngày nay vẫn còn. Thời xưa khoảng năm 1910 đến 1920 có những nghệ sĩ nghèo ra đây ngồi cả ngày chỉ tốn tiền cà phê vài chục xu, nhiều khi không có tiền trả, nhà hàng tịch thu tranh vẽ, khi nào có tiền thì mang đến chuộc tranh về. Nhiều nghệ sĩ ra đây tranh luận đủ mọi vấn đề, nếu có hăng máu so tài cao thấp cảnh sát cũng không thèm can thiệp. Chúng tôi đi ngang qua nhà thờ Notre Dame des Champs xây theo kiểu Tân Gothic với một tháp chuông cao ở bên cạnh khác với những nhà thờ kiểu Gothic 2 tháp chuông đối xứng nhau như nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Trên đại lộ Montparnasse rất đông đảo khách bộ hành ăn mặc chỉnh tề đứng đắn, chiều thứ sáu sắp cuối tuần nên mọi người trông thơ thới hân hoan. Đi hoài nhưng chưa thấy bóng dáng vườn Luxembourg hiện ra nên cũng hơi sốt ruột. Thấy một cặp vợ chồng đứng tuổi trông giống người Việt Nam nên tôi chận lại hỏi bằng tiếng Việt. Hai người có vẻ không hiểu nên tôi hỏi bằng tiếng quốc tế  “ Where’s the Jardin du Luxembourg?”. Cả hai cũng không hiểu! Hỏi có phải người Việt không? Họ trả lời bằng tiếng Pháp là người Campuchia.

Đi thêm một đoạn nữa thì gặp một ngã tư rất lớn, theo bản đồ đinh ninh là ngõ vô vườn Luxembourg nên rẽ trái lên hướng Bắc. Vào đây tuy vĩa hè nhưng cây cối khá nhiều, nơi bồn hoa bằng xi măng tôi thấy một người đàn ông trẻ độ 40 đang ngồi nói điện thoại bằng tiếng Việt giọng miền Bắc. Lần này không sai chạy, đúng là người Việt Nam rồi! Chờ cho ông ta dứt điện thoại, tôi bước tới gần lên tiếng hỏi:
- Xin lỗi cho hỏi vườn hoa Luxembourg ở đâu thưa ông?
Ông ta mắt sáng lên có vẻ vui mừng như gặp được người quen:
- Hai bác ở đâu tới vậy?
- Chúng tôi ở Cali qua chơi, muốn tìm vườn Luxembourg xem cho biết vì nghe nói vườn này đẹp lắm!
Người đàn ông mau mắn đáp:
- Ngay nơi đây bác ạ. Để từ từ sẽ đưa hai bác vào thăm vườn. Hai bác đến Paris hôm nào, có ở lâu không và đi những nơi nào rồi?
- Tụi tôi đã đi xem nhiều nơi và tối mai sẽ trở về Đức để về lại Mỹ. Ngày hôm qua đi xe điện bị móc túi mất chút đỉnh tiền bạc và thẻ ngân hàng!
Nghe vậy ông ta móc trong túi ra một xấp vé xe điện và đưa cho chúng tôi 4 vé:
- Hai bác cầm 4 vé xe điện này mà dùng.
Tôi ngần ngại:
- Cám ơn nhưng không sao, chúng tôi còn tiền.
Thấy tôi ái ngại, ông ta nói tiếp:
- Thưa thật với bác, cháu là linh mục thuộc dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn sang đây tu học. Trụ sở dòng nằm gần đây nên cháu ra đây chơi, thời may lại gặp hai bác, rất mừng! Cháu tên là Hồ Quang Lâm.

Tôi cũng kể lại chúng tôi cũng là người có đạo, sang Đức tham dự Đại Hội Công Giáo vì em rể là Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Đức, chúng nó cứ mời hoài. Năm nay mới đi được, sau đó mới vừa đi Cruise Địa Trung Hải về rồi đi tua xe buýt sang thăm Paris xem có gì lạ không? Chưa gì lại bị tụi nó móc túi, rầu qúa phải gọi về Mỹ báo ngân hàng mất thẻ Visa vì sợ tụi nó dùng thẻ mình mua sắm lung tung mà mình phải trả tiền!

Linh mục Hồ Quang Lâm sinh trưởng ở miền Nam, song thân là người Bắc di cư, quê quán Ban Mê Thuột. Cha cho biết sang Pháp tu học đã được 2 năm và sắp sửa trở về nước. Tôi quảng bá về Cali nơi chúng tôi sinh sống, cha Lâm cho biết rất mong được sang thăm nước Mỹ và ông đã thực hiện được ý định đó vì vài tháng sau cha đã đi một vòng Hoa Kỳ từ Đông sang Tây. Khi ghé thăm Little Saigon chúng tôi đã gặp nhau và đưa cha đi viếng các nhà thờ ở Quận Cam như Nhà Thờ Kiếng, La Vang và Trung Tâm Công Giáo Việt Nam.

Cha Lâm có ý định đưa chúng tôi đi ăn ở khu phố Việt Quận 13 sau khi viếng vườn Luxembourg nên cha gọi về nhà dòng xin phép và cho biết sẽ không dùng cơm tối chung ở nhà dòng. Cha nói tiếng Pháp và dù tiếng Pháp bỏ lâu nhưng nghe qua cũng hiểu.

VIẾNG VƯỜN HOA LUXEMBOURG

Rồi vừa hàn huyên vừa rảo bước vô vườn, vườn Luxembourg là công viên lớn thứ hai ở Paris rộng 22.5 hécta tọa lạc ở Quận 6. Công viên ngày xưa là vườn hoa của tòa lâu đài cổ Luxembourg Palace xây từ năm 1611 dùng làm hoàng cung của hoàng hậu Marie de Médici vợ của vua Henri 4. Hiện nay tòa lâu đài Luxembourg Palace dùng làm trụ sở của Thượng Nghị Viện Pháp. Khu vườn rất nổi tiếng vì rộng rãi hoa lá xanh tươi, có nhiều ao hồ, tượng đá, băng ghế cho du khách dừng chân để thư giãn nghỉ ngơi, sinh viên, công chức đến ăn trưa, trẻ con chơi đùa. Nằm trong khu phố La Tinh, gần các trường đại học nổi tiếng, khu vườn từng là nơi lai vãng của nhiều nhà thơ văn nổi tiếng ở thế kỷ 19 như Victor Hugo, Baudelaire, Balzac, Verlaine…cho đến những tên tuổi lớn thế kỷ 20 như Hemingway, Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir…


Khu vườn rất đẹp theo kiểu Ý với nhiều cây cao bóng mát, đầu Xuân hoa lá đâm chồi nẩy lộc rất xanh tươi. Có nhiều chiếc ghế đơn đặt xung quanh hồ nước để khách du ngồi đọc sách báo nghe nhạc hay ăn trưa rất thoải mái. Hôm nay có một ban nhạc đang hòa tấu trong một căn nhà tròn ở gần cổng vào trên đại lộ Saint Michel, khán giả đứng xem rất đông. Chúng tôi đi vào để thưởng thức một bản, ban nhạc gồm những người lớn tuổi, chắc là không chuyên nghiệp nhưng đồng phục tuxedo rất trịnh trọng. Tới hàng rào sắt mạ vàng của cung điện Luxembourg nằm ở hướng Bắc khu vườn, chúng tôi dừng lại chụp hình và lui bước trở ra, tìm ga métro để đi Phố Tàu Việt Quận 13.

Thế là hôm nay đã đặt chân tới vườn Luxembourg còn được gọi là vườn Lục Xâm Bảo, Luxembourg là tên của khách sạn Hotel du Luxembourg mà hoàng hậu Marie de Médici đã mua lại để xây cất cung điện riêng cho bà. Nay khách sạn vẫn còn là tòa nhà Petit Luxembourg Palace. Vườn Luxembourg từng là nơi lui tới của sinh viên Việt Nam du học, nhiều người chọn nơi đây làm nơi hẹn hò, nhiều người ra đây đọc sách ôn bài, cũng có người ra đây vì thất tình, vì cạn túi gặm bánh mì, chờ tiền từ trong nước gởi sang. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu (1935-1998) người miền Nam từng du học Paris đã sáng tác ca khúc nổi tiếng “Mùa Thu Không Trở Lại” với lời nhạc buồn da diết áo nảo:

Ngày em đi
Nghe chơi vơi não nề
Qua vườn Luxembourg
Sương rơi che phố mờ
Buồn này ai có mua?”

Buồn ơi ta xin chào mi, chứ có ai mua làm gì?

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Đông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan.

Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí) liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com








No comments:

Post a Comment