KÝ SỰ DU LỊCH TÂY ÂU (BÀI 7)
THÁNH ĐƯỜNG SAGRADA FAMILIA Ở BARCELONA
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM
Vương Cung Thánh Đường Sagrada Familia là nhà thờ Công Giáo
La Mã có kiến trúc lạ lùng nhất trên thế giới tọa lạc ở thành phố Barcelona thuộc Tây Ban
Nha. Nhà thờ được thiết kế bởi kiến trúc sư Antoni Gaudi (1852-1926) thường có
kiểu kiến trúc lập dị như người ta thường thấy trong các công trình xây dựng ở Barcelona . Nhà thờ được khởi
công từ 1882 cho đến nay vẫn chưa hoàn thành vì chiến tranh, vì kiến trúc sư chết
khi công trình còn đang dang dở nhưng nhà thờ vẫn được Liên Hiệp Quốc công nhận
là di sản văn hóa thế giới và được Đức Giáo Hoàng Benedict 16 phong danh hiệu
Tiểu Cấp Vương Cung Thánh Đường (Minor Basilica) vào tháng 11-2010.
Sáng ngày 23-5-2013 chúng tôi thức sớm rời khách sạn Market
sang bên kia đường vào ăn sáng trong một quán ăn. Quán bình dân chỉ có bà chủ và
một cô chạy bàn, khách hàng là những công
tư chức hoặc là những cụ cao niên. Phần ăn sáng chỉ một khúc bánh mì xăng
quít dài kẹp thịt và một cà phê sữa giá 3 Euros. Ăn trong khách sạn thì phải trả
10 Euros, du lịch thời buổi kinh tế khó khăn tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.
Xong trở về khách sạn quảy túi xách với máy chụp hình nhờ khách sạn gọi taxi.
Taxi tới 4 anh em chúng tôi lên xe nói với bác tài đưa tới
nhà thờ Família. Chạy lên hướng Đông Bắc thành phố qua những đường phố lớn đầy
xe cộ buổi sáng trong giờ cao điểm. Được một cái taxi và xe buýt được chạy
trong làn xe dành riêng ở sát tay phải con đường. Thành phố Barcelona công nhận có nhiều cái hay như đường
xá sạch sẽ, nhiều cây xanh, tài xế taxi đàng hoàng tính tiền theo đồng hồ, lên
xe đồng hồ bắt đầu bằng giá tối thiểu 6 Euros. Lại có taxi tài xế là phụ nữ thường
cao lớn, kính chiếu hậu trong xe lại to để tài xế nhìn mặt khách hàng cả phía băng
sau, trái lại khách hàng cũng nhìn được mặt tài xế. Ảnh và tên tài xế treo phía
trước để khách hàng có thể khiếu nại nếu có gì không vừa lòng. Nhờ vậy Barcelona trong những năm
gần đây trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng, nhiều hãng du thuyền chọn nơi đây
là điểm tàu ghé bến. Chúng tôi đến đây để ngày mai xuống du thuyền MSC du ngoạn
Địa Trung Hải trong một tuần.
Mười lăm phút sau, taxi tới mặt phía Đông của nhà thờ
Familia, chúng tôi xuống xe trả tiền 20 Euros tính ra mỗi người có 5 đồng. Mừng
trong bụng khi thấy trước quày bán vé không có ai sắp hàng, định chụp hình xong
sẽ mua vé vào bên trong nhà thờ xem cho biết có những gì? Hỏi cô cảnh sát xem có
phải mua vé nơi quày đó không? Cô ta cho biết quày đó bán vé cho từng đoàn đông
người, còn đi cá nhân quày bán vé ở phía trước nhà thờ tức mặt quay về hướng Tây,
còn mặt này là phía sau nhà thờ. Quày bán vé cho đoàn du lịch nên nơi đây rất đông
khách du lịch người Trung Quốc, xí xô xí xào chạy tới chạy lui, kêu réo loạn xạ
như trước Tử Cấm Thành Bắc Kinh. Mặt này có công viên cây cối xanh tươi với hồ
nước yên tịnh.
Chúng tôi lần đi bộ ra phía mặt trước nhà thờ, ôi thôi hoàn
toàn thất vọng khi thấy một dòng người rồng rắn sắp hàng dọc theo hàng rào bên hông
nhà thờ. Có mái hiên che nên dòng người đứng trong bóng mát đỡ nắng nôi vì hôm
nay nhiệt độ nơi đây cũng khá nóng 80 độ F. Nhìn thấy bảng niêm yết giá vé vào
xem bên trong nhà thờ là 13.50 Euros, nếu lên thêm tháp chuông hoặc nghe băng
hoặc có người hướng dẫn là 18.00 Euros. Lệ phí phải chăng nhưng sắp hàng qúa dài,
nếu vào chắc phải chờ 2 tiếng đồng hồ và phải qua chốt khám xét an ninh vì sợ
khủng bố đặt bom như ở Boston hay London mới cách đây mấy ngày.
Đứng bên ngoài xem nhà thờ có 8 tháp cao và hàng chục ngọn tháp nhỏ kiến trúc
như thạch nhũ trong hang động. Những giàn giáo khổng lồ đang xây dựng đưa vật
liệu xây cất lên cao.
LỊCH SỬ NHÀ THỜ
Ý tưởng xây nhà thờ là do một người bán sách quê Catalan tên
Josep Maria Bocabella là người sáng lập hội Spiritual Association of Devotees
of St. Joseph. Sau khi viếng thăm Vatican trở
về năm 1872, Bocabella quyết định xây nhà thờ với tiền của hội ông quyên góp được.
Nhà thờ được khởi công vào ngày 19-3-1882 là ngày lễ thánh Guise do kiến trúc sư
Francisco de Paula del
Villar họa kiểu theo lối Gothic Phục Hưng. Năm sau ông này về hưu và kiến trúc
sư Antoni Gaudi thay thế, ông ta tiếp tục việc thiết kế đồ án nhưng thay đổi hoàn
toàn kiểu kiến trúc.
Công trình xây cất ông biết trước là sẽ kéo dài và ông thường
nói “Thân chủ của tôi không cần gấp”. Bổng nhiên ông chết vì tai nạn giao thông
năm 1926 khi đó nhà thờ mới hoàn tất khoảng từ 15 đến 25% công trình. Công việc
xây dựng tiếp tục giao cho ông Domènec Sugranes i Gras chỉ huy nhưng bị ngưng
trệ vì cuộc nội chiến Tây Ban Nha năm 1936. Xui xẻo là họa đồ phần chưa xây của
Gaudi lại bị thiêu hủy trong chiến tranh. Phần thiết kế công trình đang tiếp tục
hiện nay người ta căn cứ vào các bảng vẽ còn sót lại rồi phỏng đoán và thêm thắt
theo lối xây dựng khoa học ngày nay. Sau nhiều đợt thay đổi kiến trúc sư, công
trình hiện nay do Jordi Bonet chỉ huy, ông này hứa hoàn thành nhà thờ năm 2026
hoặc 2028 nhưng người ta không tin sẽ thành sự thật. Trong khi đó năm 2008 nhóm
kiến trúc sư Catalan có ý kiến nên ngưng việc xây cất và để nguyên như hiện nay
để thể hiện sự kính trọng ông Gaudi vì xây thêm chưa chắc là đúng ý ông. Nhà thờ
hiện nay có chiều dài 90 mét (300 ft), rộng 60 mét (200 ft), trần cao 45 mét
(150 ft), đủ chỗ cho 9,000 người. Hiện nay xây dựng được 8 tháp chuông trong số
18 tháp theo dự án sẽ cao 170 mét (560 ft).
Dù sao đi nữa Vương Cung Thánh Đường Sagrada Família là một
thắng cảnh độc đáo của Barcelona
lôi cuốn hàng năm hàng triệu du khách đến xem bổ sung cho ngân sách thành phố một
số tiền không nhỏ. Riêng tôi chưa vào xem được bên trong vẫn là một tiếc nuối,
hẹn một ngày trở lại với chương trình du lịch rảnh rang hơn, tôi sẽ cố sắp hàng
vào xem cho được.
NGÔI
NHÀ LA PEDRERA (CASA MILA) VÀ PHỐ MUA SẮM PASSEIG DE GRACIA
Từ nhà
thờ men theo con đường Provenca đi về hướng Tây để tới ngôi nhà Pedrera cũng là
một kiến trúc lạ của ông Gaudi. Trên con đường này có rất nhiều tiệm ăn và những
quán bán thức ăn chơi Tapas, phía trước tiệm bao giờ cũng có bày hình các món ăn,
có cả thịt thỏ và heo sữa. Khoảng nửa giờ sau chúng tôi đến trước căn nhà ở góc
đường Provenca và đại lộ Passeig de Gracia là con đường mua sắm hàng hiệu sang
trọng nếu đi về hướng Nam
trên đại lộ này.
Ngôi
nhà Pedrera (nhà đá) còn có tên là Casa Mila vì chủ nhân của nó là ông bà Pere
Mila. Ngôi nhà có 7-8 tầng và được xây khoảng 1906-1910. Từ ngoài đường nhìn vào
nó như một khối đá với nhiều cửa hang động. Trong kiến trúc xây dựng người ta
bao giờ cũng dùng đường thẳng cho dễ xây nhưng đối với ông Gaudi lập dị cho khác
người, ông đã dùng những đường cong. Du khách tập trung ở đây khá đông đứng bên
kia đường nhìn ngắm, bình phẩm và chụp hình. Có bán vé vào xem bên trong để nhìn
thấy cách bày biện trang trí nội thất như thế nào và lên sân thượng để nhìn cảnh
thành phố. Tôi đã xem phim video clip trên Youtube thấy bàn ghế giường tủ căn
nhà như thế nào nên không cần phải vào xem bên trong vừa phí tiền vừa mất thời
giờ. Chúng tôi đi vào tiệm thuốc Tây đối diện ngôi nhà, đi du lịch xa anh em chúng
tôi người thì ho, người thì táo bón, tôi thì hỏi thuốc thoa cho đầu gối đau nhức
vì đi bộ qúa nhiều trong mấy ngày nay. Cô bán thuốc tiếng Anh không nhiều nhưng
nhờ đau đâu chỉ đó và làm bộ ho nên cũng hiểu. Khó nhất là táo bón làm sao cho
cô ta hiểu? Ra dấu thì kỳ nên tôi nói là
“3, 4 days no toilet!” thế là cô ta hiểu ngay!
Xong đâu
đó chúng tôi rẽ trái vào đại lộ Passeig de Gracia là con đường có nhiều cửa hiệu
bán hàng thời trang cao cấp sang trọng. Đại khái là quần áo, đồ da, nước hoa, mỹ
phẩm, các cửa hàng ở đây bên Mỹ đều có với giá cả xê xích nhau không nhiều. Thấy
tiệm thức ăn nhanh Burger King chúng tôi vào trước là ăn trưa, sau là giải quyết
vấn đề vệ sinh (ở Âu Châu đi vệ sinh phải trả tiền nhưng các tiệm
McDonald’s hay Burger King thì khỏi). So với ở Mỹ thức ăn tiệm này cũng không mắc hơn bao nhiêu
và phẩm chất cũng vậy.
Trở
ra đại lộ Passeig de Garcia tìm đến bến taxi, chúng tôi đi lên công viên Park
Guell (người địa phương đọc là “Park Well”) nằm trên triền núi hướng Bắc. Taxi đỗ
ngay trước cửa công viên trong lúc du khách nườm nượp ra vào công viên như ngày
hội mặc dù hôm nay là ngày Thứ 5 không phải cuối tuần. Đặc biệt là không phải
mua vé vào công viên mặc dù nơi đây rất đẹp vừa là vườn cây nằm trên triền núi
vừa là những kiến trúc kỳ công lạ mắt.
Lối vào
là hai thềm bậc thang dẫn lên toà nhà to lớn nhiều cột to (có tất cả 86 cây cột).
Nói là nhà nhưng không có vách, trên trần chi chít những hoa văn lạ mắt. Phía
trên “nóc” nhà là một khoảng sân rộng lớn trải cát để mọi người tụ tập vui chơi
và ngắm cảnh thành phố Barcelona
phía dưới chạy dài ra tận biển xanh bát ngát. Lại một lần nữa kiến trúc ở đây cũng
của ông Gaudi nên rất lạ mắt, ngoài toà nhà chính nhiều cột, hai bên như những
hang động, có lối đi dọc theo những hàng cột nhưng những cột này không thẳng đứng
mà xiên. Những hàng cột này để chống đỡ cho phần đất phía bên trên là công viên
trồng cây cối và những lối đi quanh co lên cao trên núi.
Dập dìu
du khách dạo chơi cười đùa kêu réo, lại có những nghệ nhân đường phố chơi đàn réo
rắc, thổi trompet áo nảo ngậm ngùi. Lại có cả ban nhạc cùng hòa tấu với kèn trống
rộn rã tưng bừng tạo một khung cảnh vui tươi, sống động lẫn lãng mạn trữ tình. Đặc
biệt trong công viên rất sạch sẽ, không thấy người ta bày bán qùa bánh, nước nôi
mặc dù trời hôm nay trên núi cũng khá nóng với ánh mặt trời gay gắt của vùng Địa
Trung Hải. Hàng quán giải khát được sắp xếp nằm trong những hang động phía dưới,
còn quán ăn nhẹ ở hai ngôi nhà phía dưới gần cổng vào. Vài người bán đồ kỷ niệm,
họ phải trốn tránh cảnh sát, khi nào vắng cảnh sát họ lại bày hàng ra dưới đất.
Có nhiều anh chàng gắn đồ kỷ niệm là những vật cài áo trang sức trên cây dù, khi êm không có
cảnh sát họ bày hàng bằng cách đặt cây dù xuống đất, khi động tịnh họ xếp dù lại và…dạo chơi.
Tôi thấy có một ông “du khách” đứng canh cho người bán hàng trên cao, khi thấy cảnh sát lên,
ông ta gọi điện thoại cho người bán hàng để thu dọn. Đồ kỷ niệm ở đây làm khá
xinh xắn (chắc là Made in China )
gồm những thắng cảnh của Barcelona
như nhà thờ Familia, ngôi nhà của Gaudi, những con thú như thằn lằn, chim chóc,
cá tôm của vùng biển nhiệt đới.
Cây cối
trong công viên là những loại cây vùng Địa Trung Hải tương tự như ở Miền Nam
California, có phượng tím Jacaranda, có cây palm, xương rồng, California Pepper
lá có mùi hạt tiêu. Nguyên thủy nơi đây là một dự án xây cất nhà để bán cho dân
chúng của ông Eusebi Guell khoảng năm 1900 đến 1904. Thiết kế nhà cửa do ông
Antoni Gaudi đảm trách nhưng dự án không thành công vì không ai mua (kiểu nhà của
Gaudi qúa lập dị nên thất bại là phải). Sau này thành phố Barcelona
mua lại biến thành công viên cho dân chúng vào chơi thư giãn và lại thành công,
công viên trở thành thắng cảnh, địa điểm du lịch nổi tiếng của Barcelona . Ngày nay công
viên Park Guell được Liên Hiệp Quốc công
nhận là di sản văn hóa thế giới, một nơi cần phải đến mỗi khi ghé thăm Barcelona . Chúng tôi lưu lại
Barcelona 2 ngày
cũng đủ thăm viếng các thắng cảnh của thành phố.
No comments:
Post a Comment