KÝ SỰ DU LỊCH TÂY ÂU (BÀI 5)
ĐẾN HANAU VÀ OSNABRUCK , ĐỨC QUỐC
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM
Chuyến đi Âu Châu kỳ này vừa du lịch lại có tính cách hành hương
như tham dự đại hội Công Giáo Việt Nam tổ chức hàng năm tại Đức. Ba ngày đại hội
thật long trọng tưng bừng, tiết trời ấm áp, đồng hương nhất là giới trẻ không
phân biệt tôn giáo, khắp các nơi đổ về kể cả các nước lân cận như Pháp, Bỉ. Gặp
nhau, dự thánh lễ, xem văn nghệ, sinh hoạt văn hóa, thưởng thức các món ăn Việt
Nam. Số người tham dự chắc phải trên 3,000 người, cao điểm nhất là trưa Chúa Nhật,
khu thức ăn bên ngoài người đi lũ lượt, nói cười rôm rả như một hội Xuân.
Nội dung chương trình cũng như diễn tiến đại hội đã đề cập
trong bài trước, trong bài này trở lại tính cách du lịch cũng như những gặp gỡ
bà con thân nhân sau bao năm xa cách không liên lạc vì tình hình đất nước. Tôi
thấy không có một dân tộc đất nước nào xảy ra nhiều biến cố đau thương, mất mát,
chia lìa như dân tộc Việt Nam
của chúng ta. Hết chiến tranh rồi lại tù đày, gây bao nhiêu thãm cảnh gia đình,
vượt biên chết chóc. Nhưng đối với tôi
bao giờ cũng có một cái nhìn tích cực, qua những đau thương mất mát đó,
dân tộc Việt Nam
đã có những bài học quý giá và ngày nay dân Việt chúng ta đã có mặt trên khắp địa
cầu. Thế hệ trẻ, con cháu của chúng ta thành đạt sáng chói hơn bao giờ hết trên
mọi lĩnh vực ở khắp nơi trên thế giới. Ngay tại nước Đức xa lạ này cũng có một
Phó Thủ Tướng là người Việt Nam ,
đó là Tiến Sĩ Philipp Rosler. Ngày xưa là một đứa bé mồ côi trong cô nhi viện ở
Sóc Trăng do các sơ trông coi, cậu bé mồ côi được cặp vợ chồng người Đức xin làm
con nuôi và đem về Đức. Cậu bé Việt Nam được đặt tên Đức và thông minh học hành
trở thành bác sĩ. Cậu ta tham gia chính trị và trở thành Chủ Tịch Đảng Tự Do Dân
Chủ của Cộng Hoà Liên Bang Đức và hiện nay là Phó Thủ Tướng trong chính phủ Đức,
quốc gia hùng mạnh dẫn đầu nhất Âu Châu. Không quên gốc gác cội nguồn, cậu ta
nhờ người vợ Đức trở về Sóc Trăng để thăm lại viện mồ côi, bà nhất ngày xưa đã
mất nhưng những sơ khác còn nhớ đứa bé mồ côi ngày nào. Dr Philipp Rosler đã vào
đạo Công Giáo và là thành viên Ủy Ban Trung Ương Người Công Giáo Đức Quốc.
Trong Đại Hội Công Giáo Việt Nam
tại Đức kỳ này, tin hành lang là Dr Philipp Rosler có thể sẽ tới tham dự như đã
tham dự lễ khánh thành tượng đài thuyền nhân ở Hamburg , nhưng giờ chót Đại Hội nhận được bức
thư chào mừng. Trong thư có đoạn nói lý do tại sao ông ta vào đạo Công Giáo như
sau: “Tôi xin kể cho qúy vị nghe “con đường đức tin” của tôi. Lúc còn là một bác
sĩ trẻ, tôi làm việc trong một bệnh viện Tin Lành. Hằng ngày tôi phải chứng kiến
bao nhiêu là đau khổ và chết chóc. Tôi hỏi các soeur làm việc ở đó: “Làm thế nào
để vẫn bình thản khi đối diện với những vấn đề trầm trọng như vậy?” Các soeur
trả lời rằng: “Philipp, đây là nhà thương của người Thiên Chúa Giáo mà!”. Qua
niềm tin đó họ có thêm sức để chịu đựng. Từ lúc đó ý định trở thành người Ki Tô
Giáo đã nẩy mầm trong tôi. Và vì khi còn bé tôi được cưu mang trong viện mồ côi
Công Giáo ở Việt Nam ,
cho nên tôi chỉ muốn trở thành người Công Giáo. Bạn gái của tôi tức vợ tôi bây
giờ, lúc đó giúp lễ trong nhà thờ, đã khuyến khích và giúp đỡ tôi trên bước đường
này. Cô ta là người đỡ đầu tôi trong ngày lễ rữa tội. Nhà thờ mà tôi nhận bí tích
rữa tội cũng là nhà thờ chúng tôi làm lễ cưới”.
Đại hội Công Giáo tại Đức hàng năm còn là nơi gặp gỡ bà con
thân nhân bạn bè có dịp quây quần hội ngộ sau nhiều năm xa cách. Frankfurt nước Đức xem như tâm điểm Âu Châu lại có phi trường
được xem lớn thứ nhì Âu Châu, đồng hương thuận tiện quy tụ về. Câu chuyện của tôi
cũng vậy, trong họ hàng ba tôi có một người em gái bạn dì (cousin) có chồng là ông
Trương Minh Sanh trước đây làm việc cho hãng xăng dầu Shell ở Sài Gòn mà chúng
tôi thường gọi là Cô Tư, Dượng Tư. Gia đình này có 3 người con đều du học bên
Pháp trước 1975. Tháng 4-2013 một hôm tôi nhận được Email của một trong những
người đó là cô Trương Ngọc Lan du học từ 1970 đang ở Bỉ (Belgium) cho biết cô đang
nghiên cứu thiết lập gia phả dòng họ. Bà ngoại của cô là em của bà nội tôi, bên
nội tôi cô không biết nhiều, có người trong họ kêu cô liên lạc với tôi và cho địa
chỉ Email của tôi để cô hỏi thêm. Chúng tôi liên lạc với nhau nhận họ nhận hàng,
tôi nói 15 tháng 5 sẽ sang Âu Châu và cô muốn gặp tôi ở Aschaffenburg nơi đại hội
này vì từ nhà cô ở Bỉ đến thành phố Đức này chỉ hơn 3 giờ lái xe.
Thế là ngày Chúa Nhật 19-5 hai vợ chồng cô đến Đại Hội Công
Giáo gặp chúng tôi. Chúng tôi có một ngày hàn huyên chuyện xưa chuyện cũ hồi chúng
tôi còn nhỏ. Chồng cô là người Pháp chuyên trị cơm Việt Nam , món nào cũng ăn được nên trong
đại hội có các gian hàng bán thức ăn Việt mặc tình thưởng thức. Chúng tôi có gần
một ngày chuyện trò trao đổi nhắc lại bà con ở hải ngoại hay trong nước ai còn
ai mất, con cái họ ra sao? Có những người bà con, những câu chuyện cô biết rõ mà
tôi không biết và ngược lại, chúng tôi trao đổi tin tức với nhau thật là thú vị.
Bà nội tôi có bao nhiêu anh chị em, con cái, cháu chắt họ ra sao, cô biết rất rõ.
Rồi đây khi trở về Cali
có những người tôi quen biết trong Hội Trà Vinh lại có bà con với tôi mà từ trước
tới nay tôi không biết mối dây họ hàng. Đến 7 giờ chiều hai vợ chồng cô mới lên
đường trở về Bỉ trong lúc ngoài trời bắt đầu đổ cơn mưa trái mùa trong mùa Xuân.
ĐẾN HANAU
THĂM DÒNG KÍN NỮ TU
Dòng kín nữ tu, ngày xưa thân nhân còn không được gặp, tại
sao đàn ông như tôi lại đến thăm dòng kín nữ tu? Trên đời ngày nay có nhiều
chuyện lạ, khó tin nhưng có thật. Chuyến đi này không hiểu cơ duyên nào kẻ lắm
bụi đời nhiều trần tục như tôi lại gặp toàn linh mục, nữ tu? Chắc bước kế tiếp
tôi sẽ gặp…Chúa chăng?
Số là trong những ngày đại hội Công Giáo, anh chị Phạm Khắc
Nhân lãnh phần đến dòng kín ở Hanau
đón sơ bề trên Immacula Hiền Thơ về tham dự đại hội. Sơ Hiền Thơ có đưa một số
xâu chuỗi tràng hạt, tượng ảnh, thánh giá bằng gỗ, nến do các sơ trong dòng làm,
để bán trong đại hội gây qũy cho nhà dòng. Em rể tôi là Phùng Khải Tuấn Chủ Tịch
Liên Đoàn Công Giáo VN tại Đức, trưởng ban tổ chức đại hội gởi chúng tôi đi
theo xe với anh chị Phạm Nhân từ Osnabruck xuống đại hội Aschaffenburg và chúng
tôi cùng ngụ chung khách sạn Classico do Tuấn đặt phòng (ở khách sạn này còn có
2 linh mục là cha Bùi Thượng Lưu Chủ Tịch Hội Đồng Tuyên Úy và cha Nguyễn Khắc
Hy thuyết trình viên của đại hội). Đi chung với anh chị Phạm Nhân dĩ nhiên chúng
tôi phải phụ bán gây qũy do sơ nhờ. Gian hàng chúng tôi trong đại hội bán rất
khá, anh Phạm Nhân phải đến nhà dòng lấy thêm nến, tràng hạt. Tôi mang theo 10
quyển sách ký sự du lịch cũng bán luôn (có người như ông Dương Văn Đá thủ qũy
liên đoàn còn tặng thêm 50 Euro) gây qũy cho nhà dòng.
Trưa Thứ Hai 20-5 bế mạc đại hội, trên đường về, anh Nhân cùng
chúng tôi đưa sơ Hiền Thơ về nhà dòng ở thành phố Hanau
nằm cách Frankfurt 25 km về hướng Đông. Thành
phố êm đềm cổ kính, san sát nhà lầu mái ngói đỏ, sơ có chỉ một tiệm ăn người Việt
nhưng bên ngoài bảng hiệu đề là một quán…bia!
Nhà dòng là một ngôi nhà lầu xưa khá lớn nằm ở góc đường vắng
được xây tường kín chung quanh và bên trong là một khu đất rộng. Sơ Hiền Thơ mời
chúng tôi vào uống nước, sơ nhấn chuông và có một sơ người Đức ra mở cửa. Vì không
nói tiếng Đức được tôi phải chào sơ Đức bằng tiếng Mỹ. Sơ Hiền Thơ cho biết nhà
dòng hiện có 8 sơ toàn là người Đức. Ngay phòng khách chúng tôi đứng, sơ cho biết
ngày trước có một chấn song sắt (còn thấy vết tích dưới sàn nhà) sau này mới tháo
gỡ. Mọi người chúng tôi muốn vào thêm bên trong nhà dòng xem cho biết. Sơ ngập
ngừng nói chỉ có các bà thôi nghen, còn các ông thì ra ngoài vườn chơi.
Phạm Nhân (tên có vẻ hình sự qúa nên sơ không cho vào là phải)
và tôi đành ra ngoài vườn ngồi ngắm cảnh vật. Lát sau sơ đưa các bà ra vườn xem
rau cải, bông hoa các sơ trồng cũng như một nghĩa trang gồm hơn chục ngôi mộ chôn
các sơ người Đức tiền nhiệm. Khung cảnh cây cối xanh tươi nhưng thoáng vẽ u hoài
và hơi lạ đối với tôi vì bên Mỹ tư gia không bao giờ có mộ chôn người chết). Sơ
chỉ những máng xối từ trên nóc nhà dẫn nước mưa xuống, phần dưới thay mới bằng
những ống bằng nhựa xám. Sơ nói mấy tháng trước trộm đạo lẻn vào tháo hết máng
xối bằng đồng đem đi bán vì giá đồng bây giờ rất cao! Trộm đạo cũng không chừa
dòng tu kín. Chúng tôi từ giã sơ và lên đường trở về thành phố Osnabruck ở về hướng Bắc.
NHÀ HÀNG VIỆT Ở OSNABRUCK
Đến Osnabruck khoảng 7 giờ chiều trời còn rất nắng, thành phố
Osnabruck cách Dortmund 80 km về hướng Bắc có khoảng 154,500 dân (12-2011),
trong trận Thế Chiến Thứ Hai 2/3 thành phố đã bị thiệt hại vì bom của máy bay Đồng
Minh. Thành phố có ngôi Vương Cung Thánh Đường Phê Rô được xây vào thời Trung Cổ
khoảng thế kỷ 11 hiện còn đứng vững với hai tháp chuông hai bên khác nhau. Khu
lâu đài trong cổ thành hiện nay là trường Đại Học và vườn hoa. Chúng tôi cũng
khá đói vì buổi trưa chỉ dừng lại quán bên đường dùng nhà vệ sinh và qua loa bánh
ngọt với cà phê. Anh Nhân lái xe đưa chúng tôi thẳng đến nhà hàng Việt Nam mà
anh quen biết là nhà hàng Lan cùng tên với cô chủ nhà hàng là cô Lan. Vì là giờ
cơm chiều nên nhà hàng rất đông khách đa số là cao niên người Đức. Nhà hàng
trang trí lộng lẫy với những bức tranh sơn mài to lớn vẽ cảnh Sài Gòn, Huế, Hà
Nội.
Chúng tôi gọi 5 món ăn cho 6 người và ăn với cơm trắng. Thức
ăn ở đây bán cho người Đức nên chế biến nửa Thái nửa Tàu và mỗi dĩa đặt trên lửa
nóng, thức ăn nóng và sôi bốc khói nên ăn rất ngon. Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo
Phùng Khải Tuấn sau khi ở lại làm vệ sinh, dọn dẹp đã trả hội trường cho chủ nhân
người Đức, không có gì rắc rối, lái xe riêng cũng đã kịp về tới nhà hàng mặc dù
khi ra xe, xe không nổ được phải nhờ người câu bình. Ăn mừng đại hội công giáo
thành công tốt đẹp, chúng tôi uống bia, nhắc lại những câu chuyện vui xảy ra
trong 3 ngày đại hội mà vui cười rất thoải mái.
Anh Nhân vì uống bia nên lái xe không được, chị Nhân lên làm
bác tài và đưa chúng tôi về nhà hai người gần đó. Ngôi nhà rộng lớn so với những
nhà trung bình ở Đức thường nho nhỏ, sân vườn cũng rộng với những nhà kho, bãi đậu
xe với vài chiếc xe vận tải. Chúng tôi uống cà phê, trà nói chuyện vui một hồi
rồi từ giã chủ nhân để lên xe của Tuấn về Bremen . Đã 10 giờ đêm nhưng trời hãy còn sáng,
xe cộ thưa vắng lâu lâu mới gặp một chiếc và xe chúng tôi phóng khoảng 140 km
giờ.
No comments:
Post a Comment