Pages

Powered By Blogger

Thursday, March 28, 2013

CHUYỆN RẮN NĂM QÚY TỴ
Trịnh Hảo Tâm


Rồng ra đi thì rắn lại trở về, rồng và rắn là hai con vật duy nhất thuộc loại bò sát trong 12 con giáp, rồng là con vật huyền thoại chưa ai trông thấy bao giờ nhưng rắn là con vật có thật, trong đời ai cũng đã từng thấy qua và có nhiều người còn bị rắn cắn! Rồng theo hình vẽ có 4 chân nhưng không đi trên mặt đất mà lại bay luợn trên mây trong khi rắn thân mình trụi lũi không chân tay nhưng lại bò rất nhanh, đôi khi phóng từ cây này sang cây khác:

“Rắn không chân đi năm rừng bảy rú,
Gà không vú nuôi chín mười con…”
(Ca dao)

Nhân năm rắn trở về, ta thử tìm hiểu rắn là con vật như thế nào? Có phải là con vật ghê rợn xấu xa, thường tượng trưng cho điều ác hơn là điền thiện, đem tai ương nhiều hơn là may mắn nhưng tại sao hình ảnh “logo” tượng trưng cho ngành y khoa cứu người lại là con rắn quấn trên cây gậy? Người tuổi rắn như thế nào, ta có nên chọn bạn mà chơi, chọn người tình mà kết nghĩa trên đường đời, chọn người hùn hạp làm ăn là người tuổi rắn? Đó là những điểm mà chúng ta cần bàn bạc sau đây trong những ngày năm tàn tháng Tết sắp đến.

THÂN HÌNH RẮN

Rắn có thân hình dài, không chân là động vật bò sát ăn thịt sống nằm trong nhóm khoa học gọi tên chung là Serpentes. Che phủ thân hình rắn có vảy nằm xếp lớp lên nhau, lớp vảy này chuyển động giúp cho rắn bò trên mặt đất hay di chuyển trên cành cây. Lớp vảy này cứ vài tháng là bong ra khiến rắn lột da, có lớp vảy mới và thân hình nhờ đó mà tăng trưởng lớn thêm. Đầu rắn hình tam giác có xương sọ được cấu tạo bởi nhiều khớp nối với xương quay hàm co giản giúp cho rắn ngoạm và nuốt những con mồi to lớn hơn rắn nhiều lần. Thân mình rắn nhỏ nhưng rất dài và cũng có đầy đủ lục phủ ngũ tạng như những động vật khác, những cơ quan này được xếp nằm dọc theo thân mình rắn như bao tử, phổi, ruột, gan, lá lách. Nếu cơ quan là một cặp như thận thì một trái nằm phía trước và một trái nằm phía sau cách nhau khá xa.

Rắn sinh sống ở khắp mọi lục địa trên thế giới ngoại trừ Nam Cực (Antarctica) và một số đảo không có rắn như Ái Nhĩ Lan (Ireland), Băng Đảo (Iceland) và Tân Tây Lan (New Zealand). Rắn có mặt trên đất liền, ngoài sa mạc, dưới biển và cả trên núi cao như dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) cao 16,000 ft (4,900m) cũng có rắn sinh sống. Rắn được chia làm 20 dòng họ với 500 nhóm và tổng cộng có 3,400 loại rắn khác nhau. Thân mình rắn nhỏ nhất khoảng 10 cm (loại Threadsnake sinh sống ở  các dảo Caribbean và Barbados) cho đến những loại trăn khổng lồ dài đến 8.7 mét (29 ft) sinh sống ở Ấn Độ. Người ta đã từng tìm thấy xương rắn hoá thạch dài đến 15 mét (49 ft) và những xương rắn theo giám định có số tuổi đến 112 triệu năm về trước nghĩa là rắn đã sinh sống trên địa cầu rất lâu trước cả nhân loại (loài người chỉ có mặt khoảng hai ba triệu năm mà thôi). Các nhà vạn vật học cho rằng rắn là hậu duệ của rắn mối, kỳ nhông, các loài vật này sinh sống trong những môi trường chật hẹp như hang ổ, hốc đá, chỉ trườn bò nên không cần đến chân và lâu dần chân biến dạng mất đi trở thành giống rắn.

ĐẶC TÍNH CỦA RẮN

Rắn có nhiều cá tính đặc biệt mà các loài vật khác không có như:

- Nọc độc: chỉ một số ít loại rắn có nọc độc như rắn hổ mang (cobras), rắn lục (vipers), rắn rung chuông (rattlesnakes). Rắn dùng nọc độc để làm tê liệt và giết chết con mồi. Nọc rắn giống như nước bọt nằm trong tuyến nọc ở miệng rắn, khi cắn mồi rắn dùng răng nanh dài nhọn ở hàm trên và nọc truyền theo răng nanh vào cơ thể con mồi. Nọc rắn còn có chức năng như chất dịch tụy giúp phân hủy những con mồi to lớn, xương xẩu thành mềm nhũng dễ tiêu. Ngay cả những loại rắn không nọc độc, vết bị cắn tế bào nơi đó cũng bị hư hại. Có những giống chim, giống thú và những loại rắn khác (như kingsnakes) đã từng ăn thịt những loại rắn độc cũng trở thành miễn nhiễm với nọc độc. Rắn độc cắn chúng không chết, chỉ bị thương và đau nhức nơi vết cắn. Nọc rắn là hợp chất của nhiều chất đạm (proteins), tùy theo loại rắn có thể chia ra làm 3 nhóm nọc độc: nọc làm hư hại thần kinh, nọc tấn công hệ thống tuần hoàn huyết, nọc làm tê liệt nhiều cơ quan của cơ thể khiến nạn nhân tử vong. Điều cần nhất khi bị rắn cắn là cột chặt đừng cho nọc độc truyền vào cơ thể và phải đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu.

- Thức ăn của rắn: tất cả rắn đều ăn thịt sống, không ăn trái cây rau củ, rắn ăn những con vật nhỏ như chim chuột, cá tôm, ếch nhái, thằn lằn rắn mối, trứng chim, cua ốc, côn trùng và luôn cả đồng loại là những con rắn khác. Rắn không thể cắn hay xé thức ăn thành nhiều mảnh nhỏ mà chỉ duy nhất là nuốt trọng luôn con mồi. Miệng rắn rộng và cấu tạo xương hàm uyển chuyển nên rắn có thể nuốt những con mồi to lớn hơn thân mình rắn, như rắn thường có thể nuốt nguyên con gà, trăn lớn có thể xơi cả nai con. Sau khi nuốt con mồi xong là rắn ngủ để tiêu hóa con mồi và  rắn có thể nhịn suốt cả tháng mà không cần phải ăn gì. Mùa Đông giá lạnh rắn không ngủ giấc đông miên như những thú vật khác mà vẫn thức nhưng rắn hạn chế hoạt động, nằm yên nơi kín đáo như hang hốc, trong đống lá khô để chờ mùa Xuân trở lại.

- Những giác quan đặc biệt của rắn: Rắn tìm mồi bằng cách đánh hơi, với cái lưỡi dài chẻ đôi khi rắn bò chiếc lưỡi thè ra thụt vào liên tục, đó là lúc rắn dùng chiếc lưỡi để hứng lấy những bụi hạt mùi hơi bay trong không khí. Những hạt này được đưa qua bộ phận Jacobson’s organ ở miệng rắn để phân tích và rắn biết con mồi đó là loài vật gì và ở hướng nào, cách bao xa. Một giác quan đặc biệt khác của rắn là xác định con mồi ở đâu bằng hơi nóng do con mồi tỏa nhiệt, bộ phận cảm nhận này gọi là “Pit” tức là 2 lỗ sâu ở gần mũi rắn. Trong đêm thật tối đen không trăng sao, rắn “thấy” rõ con mồi bằng cơ quan cảm ứng nhiệt này.

- Rắn lột da: Một hoặc hai lần trong năm rắn lột da, da cũ đã bị mòn trầy, chai cứng vì phải cọ sát trên đất hàng ngày, lột da giúp rắn có lớp da và vãy mới đồng thời làm rắn sạch sẽ hơn vì loại bỏ được những ký sinh, bọ rận bám trên da rắn. Khi sắp sửa lột da, rắn không ăn và tìm nơi an toàn ẩn núp, khi lớp da mới đã thành hình, mặt trong lớp da cũ bong ra và hở phần đầu trước. Từ đó rắn bò tới, lớp da cũ sẽ tụt dần ra phía sau với nguyên một bộ da rơi ra. Sự lột da thường xuyên của rắn khiến rắn được xem là con vật trường sinh bất tử, thương tích tự động lành lặn, làm cho rắn trở thành con vật trường sinh biểu tượng cho y học.

- Khi sinh sản rắn đẻ trứng, đa số loại rắn sau khi đẻ trứng nơi an toàn, kín đáo đều bỏ trứng mà đi tuy nhiên có một vài giống như rắn hổ mang chúa (king cobra) làm ổ cẩn thận và ấp trứng bằng cách cuộn mình tròn cho tới khi trứng nở thành con. Vài loại rắn được xếp trong nhóm “ovoviviparous” vẫn giữ trứng trong bụng cho tới khi trứng gần nở thành con nên người ta lầm tưởng là loại rắn này đẻ con thay vì đẻ trứng.

RẮN ĐỐI VỚI CON NGƯỜI

Đối với nhân loại rắn tượng trưng cho gian ác, độc địa, xấu xa (khẩu Phật tâm xà, cõng rắn cắn gà nhà). Trong thánh kinh cựu ước bà Eva bị con rắn cám dỗ, xúi biểu bà ăn trái cấm sẽ đẹp và quyền năng như Chúa Trời. Chẳng những bà ăn còn đưa cho chồng là Adam ăn khiến Chúa đuổi hai ông bà ra khỏi vườn địa đàng. Từ đó con người phải làm lụng vất vả mới có mà ăn, chịu bệnh tật tai ương. Từ khai thiên lập địa rắn đã là con vật xấu xa mang lại những điều bất hạnh. Nhưng sao trong ngành y học người ta lại dùng hình ảnh rắn quấn quanh cây gậy làm biểu tượng cho ngành cứu nhân độ thế này?
Lý do là từ thời xa xưa trước công nguyên người Hy Lạp đã tạc tượng ông thày thuốc Asclepius với con rắn thần quấn tròn quanh cây gậy. Ông được tôn kính nhờ công lao giúp chữa trị nhiều bệnh nan y hiểm nghèo với sự trợ giúp của con rắn thần. Ngày nay hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy được xem là biểu tượng cho y khoa và hình ảnh con rắn nhả nọc trên cái chén cổ là biểu tượng cho ngành dược bào chế thuốc men.

Theo đông y thịt rắn được coi là một vị thuốc bổ có công dụng chữa trị những bệnh về thần kinh như đau nhức, tê liệt, kinh phong, bán thân bất toại. Cũng theo đông y máu rắn pha với rượu uống có tính hoạt huyết, trị được chứng nhức mỏi thấp khớp. Còn mật rắn có vị đắng hoà với rượu để trị đau lưng nhưng tính độc phải dùng liều thấp. Trong các tua du lịch Thái Lan thường du khách được đưa đến viếng trại nuôi rắn hổ mang, xem người ta biểu diễn màn tay không bắt rắn hổ mang chúa (king cobra) to lớn dài hơn 2 mét. Sau đó anh chàng dùng gậy chọc một bầy rắn khiến chúng tức giận ngóc cổ cao lên toan cắn nhưng anh ta nhanh nhẹn né tránh và dùng tay không chụp một con rắn. Một tay bóp mạnh vào cổ rắn khiến nó há miệng ra, tay kia cầm một chén nhỏ đưa vào nanh rắn lấy nọc độc. Theo trại rắn họ nuôi rắn để lấy nọc bán cho các dược phòng sản xuất thuốc vì nọc rắn có đặc tính làm loãng máu để cứu những người bị tai biến mạch máu não (stroke). Ngoài ra còn làm thuốc trị đau nhức và hiện nay được nghiên cứu để bào chế thuốc chống ung thư, những độc tố trong nọc rắn như cobratoxin của rắn hổ mang thí nghiệm với chuột làm tiêu tan hoàn toàn tế bào ung thư trong những ung bướu độc.

Ở Việt Nam rắn được ngâm rượu trong những lọ thủy tinh bán giá rất cao để trị nhiều chứng bịnh như phong thấp, đau xương, nhức cơ, tê liệt. Rượu rắn các viện bào chế dược phẩm vẫn thường sản xuất theo công thức sau: Rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn ráo mỗi thứ một con kết hợp với cẩu tích, hà thủ ô đỏ, ngũ gia bì, thiên niên kiện (mỗi thứ 80g), tiểu hồi, vỏ quýt (mỗi thứ 30g), kê huyết đằng (120g), đường phèn (660g), rượu 60 độ (3-4 lít), rượu 40 độ (10lít). Ngâm trong 100 ngày (rượu bách nhật) thì dùng được. Rượu rắn ngâm không đúng cách thường làm giảm dược tính. Mỗi ngày dùng 15-20ml trước khi đi ngủ.

Ở nông thôn rắn giúp nhà nông trong công tác diệt chuột phá hoại ruộng lúa mùa màng. Ở Ấn Độ có năm phát động chiến dịch tiêu diệt rắn vì rắn hay cắn chết người, người ta giết rắn gần hết thì liền trong năm sau đó chuột sinh sản rất nhiều, cắn hết lúa đang chín khiến nhà nông mất mùa lâm vào cảnh đói kém. Ở những nhà hàng quán nhậu đặc sản Việt Nam, sau khi uống máu rắn hòa với rượu mà dân nhậu truyền tụng là đại bổ “ông uống bà khen”, thịt rắn được chế biến nhiều món như rắn xào lăn, gỏi rắn, lẫu rắn v.v…mùi thơm vang lừng, bia khui như pháo Tết, cảnh ăn uống thật tưng bừng, hầu như ai cũng khoái thịt rắn vì ngon lạ miệng. Người ta ăn thịt rắn thì trái lại như để trả thù, rắn đôi khi cũng thịt luôn người, ở Ấn Độ có những con trăn to lớn đã từng nuốt nguyên người vào bụng!

RẮN TRONG VĂN HỌC SỬ VIỆT NAM

Trong văn học nước ta Nguyễn Trãi (1380–1442) là nhà thơ cũng là công thần của nhà Hậu Lê nhưng ông bị án tử hình cũng vì liên quan đến người tì thiếp mà người ta cho rằng vốn là con rắn đầu thai để trả thù ông. Nguyễn Trãi trước kia từng làm quan dưới triều nhà Hồ, sau khi Việt Nam bị nhà Minh (Trung Quốc) cai trị ông tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo như một nhà bày mưu tính kế. Đánh thắng quân Minh ông là công thần của nhà Hậu Lê nhưng sau đó năm 1442 gia đình ông bị tru di tam tộc trong vụ án Thị Lộ.

Đầu đuôi vụ án như sau: Vào năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần mìền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương, nhân khi nhà vua ghé thăm chùa Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi ở, thấy nàng tì thiếp của ông là Nguyễn Thị Lộ, nhan sắc lộng lẫy, lại có tài văn chương nên nhà vua liền phong ngay cho chức Lễ Nghi Học Sĩ, ngày đêm hầu cạnh nhà vua. Khi đến Đông Tuần, xa giá vua Thái Tông đến vườn Lệ Chi, xã Đại Lai, huyện Gia Định, hiện nay là Gia Bình, thình lình nhà vua nhuốm bịnh sốt, Thi Lộ hầu hạ suốt đêm, rồi vua Lê Thái Tông mất lúc mới 20 tuổi trong khi Thị Lộ 40. Các quan hốt hoảng, vội vã bí mật phụng giá về kinh, nửa đêm mới làm lễ phát tang. Tất cả triều thần đều cho là Thị Lộ âm mưu giết vua, liền đem nàng giết chết. Lại có nhiều người trước đây đố kỵ việc Nguyễn Trãi được Lê Thái Tổ trọng dụng, đem lòng oán ghét, nhân cơ hội này vu cho ông là chủ mưu giết vua nên ông bị tử hình và tru di cả họ. Mãi tới 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông mới xét lại vụ án, thấy nhiều điểm hàm hồ, oan ức cho vị khai quốc công thần, liền truyền hủy bỏ án trước, truy phục chức cho Nguyễn Trãi, con cháu ông được trọng dụng làm quan, cấp tư điền để lo việc tế tự hàng năm. Riêng nàng Thị Lộ, nhiều người bàn tán rằng: nàng là hóa thân của rắn hổ mang, có thù oán sâu nặng với cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh vì trước kia khi khai hoang cất trường học ông này đã giết một bầy rắn. Rắn mẹ hoá thân thành Thị Lộ đã tìm cách trả thù dòng họ Nguyễn Trãi.

Trong văn chương Việt Nam có bài thơ của nhà bác học Lê Qúy Đôn để tự trách mình biếng học, trong mỗi câu đều có kể tên một loài rắn:

“Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học chẳng ai tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối
Lằn lưng cam chịu tiếng roi tre
Từ rày Châu, Lỗ chăm nghề học
Kẻo hổ mang danh tiếng mẹ cha”
(Rắn đầu biếng học – Lê Qúy Đôn)

NGƯỜI TUỔI RẮN

Theo tử vi Đông phương người tuổi Tỵ (Rắn) số may mắn về tài chánh dư dã hơn mức cần thiết, có tài ngoại giao và nổi tiếng ở chốn đông người. Người tuổi Tỵ có cá tính mạnh mẽ, tự cao, không tin ai mà thường căn cứ vào bản thân để phán đoán và quyết định, khi gặp khó khăn họ giải quyết rất dễ dàng. Nghề thích hợp cho người tuổi Tỵ là: khoa học, xã hội, dinh dưỡng, họa sĩ, nắn tượng, kim hoàn. Người tuổi Tỵ hợp với các tuổi Sửu, Dậu và khắc với các tuổi Dần, Thân và Hợi.
Năm Qúy Tỵ sắp đến sẽ là năm tốt cho những bé gái sinh trong năm này và cũng sẽ là năm không xấu với tất cả mọi người, kinh tế sẽ phục hồi với thị trường địa ốc thăng tiến, các điểm nóng chiến tranh sẽ được giải quyết ôn hòa.

TRỊNH HẢO TÂM

No comments:

Post a Comment