Pages

Powered By Blogger

Wednesday, February 5, 2014

HỒNG KÔNG ĐÓN TẾT GIÁP NGỌ 2014
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Hồng Kông năm nay sẽ tưng bừng đón Tết Giáp Ngọ 2014 bằng một cuộc diễn hành xe hoa vào đêm đầu năm con Ngựa tức đêm 31 Tháng 1 dương lịch 2014 với chủ đề “New Year Party @ World City” và ngày Mồng Hai Tết tức Thứ Bảy 1 Tháng 2 một màn bắn pháo bông ngay trên hải cảng Victoria nằm giữa đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long.

Cuộc diễn hành hoa đăng năm nay do Hội Đồng Du Lịch (Hong Kong Tourism Board) phối hợp với công ty hàng không Cathay Pacific tổ chức và diễn ra vào lúc hoàng hôn 8 PM ngày Mùng 1 Tết trên đại lộ chính Tsim Sha Tsui ở khu Cửu Long. Với sự tham dự của hơn 34 xe hoa kết đèn và những đoàn thể diễn hành từ 15 quốc gia về tham dự sẽ tạo cho khán giả đến xem những xe hoa đèn rực rỡ cũng như những màn xiệc trình diễn vui tươi ngoạn mục. Vì là năm cầm tinh con Ngựa nên trang trí xe hoa phải là những gì liên quan đến ngựa, đối với người Trung Hoa là một con vật trung thành, hữu ích và đem đến nhiều may mắn như điển tích “Tái ông thất mã”.

Pháo bông ở Hồng Kông trong dịp Tết Dương Lịch 2014

Đi vào chi tiết những đoàn thể chính tham dự diễn hành phải kể là đoàn Starlight Alchemy đến từ Singapore họ sẽ biểu diễn với đuốc lửa. Đoàn võ thuật Taekwondo của Nam Hàn, đoàn Aussie Cheer và Dance Collective sẽ khiêu vũ nhảy múa cùng với những cú đá trên không thật ngoạn mục. Từ Âu Châu sang là đoàn The Bicycle Showbank của Hòa Lan và đoàn The Toys từ Pháp sẽ biểu diễn những trò nhào lộn bằng xe đạp. Nhóm Luxe từ Ireland (Ái Nhĩ Lan) và nhóm Journey to the Caribbean từ các đảo Trinidad, St LuciaBarbados sẽ rực rỡ với xiêm y hoa lá nhiều màu sắc. Ngoài ra còn có sự góp mặt của những đoàn xiệc Hồng Kông, những vua hề, những ảo thuật gia, tài tử điện ảnh, truyền hình với hơn 11 đoàn ca múa địa phương khiến cho đêm hoa đăng tưng bừng sống động vui tươi màu sắc với những màn vũ Pop và Hip Hop tân kỳ sống động.

Trước khi đoàn hoa đăng khởi hành, tại sân khấu của Trung Tâm Văn Hóa (Hong Kong Cultural Centre) sẽ trình diễn nhiều màn xiệc chào đón các xe hoa bắt đầu lăn bánh. Trước đó từ lúc 7 giờ tối dọc theo con đường diễn hành khán giả có thể chứng kiến những màn múa lân, múa rồng với đủ mọi loại lân như lân lửa đi trên xe đạp, những đoàn trống có cả trống của những bộ lạc Phi châu, những đoàn ca múa nhạc Jazz.

Lúc 9 giờ 30 PM cuộc diễn hành hoa đăng kết thúc nhưng cuộc vui cũng chưa dứt mà còn kéo dài cho đến gần sáng với những chương trình ca nhạc, chúc tụng năm mới ở hí viện West Kowloon Bamboo Theatre hay du khách có thể vào ngắm lồng đèn nghệ thuật ở khu lễ hội Lunar New Year Lantern Carnivals.

Diễn hành Tết Nguyên Đán ở Hồng Kông

Ngày hôm sau tức Mồng Hai Tết Giáp Ngọ một buổi bắn pháo bông sẽ tưng bừng diễn ra trên hải cảng Victoria tức eo biển nằm giữa Cửu Long và đảo Hồng Kông. Hàng đêm hải cảng này rất tấp nập với những chiếc phà, tàu bè, du thuyền qua lại. Du khách thường tập trung ở những công viên bên Cửu Long ngắm cảnh những cao ốc chọc trời bên phía Hồng Kông rực rỡ muôn vạn ánh đèn màu. Hàng đêm vào lúc 8 giờ 44 cao ốc bên Hồng Kông tham gia một màn trình diễn ánh sáng, “light show” này có tên là “A Symphony Of Lights” kéo dài trong 15 phút. Khi màn trình diễn bắt đầu các tòa nhà bên Hồng Kông đồng loạt tắt đèn tối om. Một điệu nhạc hòa tấu tưng bừng rộn rã trổi lên, cả hai bên bờ vịnh mặt tiền các cao ốc chọc trời hàng vạn ánh đèn màu nối đuôi nhau tuôn chạy thành những hình ảnh rực rỡ sống động. Trên chóp đỉnh các cao ốc những tia sáng laser nhiều màu cực mạnh chiếu rọi trên bầu trời đêm và chuyển động nhảy múa theo điệu nhạc tạo một cảnh quan hoa đăng màu sắc vui tươi ngoạn mục. Trong đêm pháo bông với hàng trăm trái pháo được bắn lên nổ tung tỏa sáng hay lấp lánh trên bầu trời phản chiếu trên mặt nước biển lại càng huy hoàng rực rỡ bội phần. Không có nơi nào đón Tết Nguyên Đán tưng bừng rộn rã như Hồng Kông.

Hiện nay Hồng Kông tuy nằm trong lãnh thổ Trung Quốc nhưng có thể chế chính trị dân chủ tự do và nền kinh tế thị trường khác hẳn với Trung Quốc. Muốn biết tại sao có sự chênh lệch như vậy, chúng ta lần dỡ lại lịch sử cận đại của nước Tàu. Nước Trung Hoa cuối thế kỷ 19 nằm dưới sự cai trị của nhà Thanh, tự hào có 5 ngàn năm văn hiến nên áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng với các nước Tây Phương. Cuối cùng Trung Hoa bị “bát quốc liên quân” Tây Âu xâu xé, mất đất, mất chủ quyền, phải nhượng Hồng Kông cho Anh quốc, Macau cho Bồ Đào Nha, Mãn Châu cho Nhật và chia Thượng Hải thành nhiều tô giới cho người Âu vào buôn bán, kể cả bán nha phiến đầu độc dân tộc Trung Hoa. Năm 1911 Cách Mạng Tân Hợi do bác sĩ Tôn Dật Tiên và Quốc Dân Đảng lãnh đạo chấm dứt chế độ phong kiến hèn yếu của nhà Thanh.

Nội bộ của người quốc gia vốn chia rẽ, chế độ dân chủ cộng hòa vừa mới thành lập, chức vụ Tổng Thống từ Tôn Dật Tiên lại sang Viên Thế Khải nhiều tham vọng nhưng vô tướng bất tài, rồi Tưởng Giới Thạch đất nước không đi đến đâu được. Cuối cùng đảng CS của Mao Trạch Đông do Nga Sô giúp đỡ nổi lên đánh đuổi được Nhật ra khỏi Mãn Châu và Tuởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan, Mao thâu về một mối như Tần Thủy Hoàng ngày xưa. Dưới triều Mao Trung Quốc đói khổ, nội bộ chia rẽ, Mao làm đủ mọi chiêu trò như phát động phong trào Trăm Hoa Đua Nở, Cách Mạng Văn Hóa để thanh trừng nội bộ. Đến khi Mao chết, Cách Mạng Văn Hóa bị dẹp bỏ, Đặng Tiểu Bình một thời là nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa lên thay thế và áp dụng chính sách kinh tế thị trường, giao thiệp với thế giới tư bản bên ngoài. Nhờ đó kinh tế Trung Quốc khá lên lần. Khi Anh quốc trao trả nhượng địa Hồng Kông theo hiệp ước đã ký trước kia, Trung Quốc thấy không thể đưa Hồng Kông vào chế độ hiện có được nên áp dụng quy chế “nhất thổ lưỡng chế”, một nước nhưng hai chế độ khác nhau. Người dân Hồng Kông tiếp tục sống trong tự do dân chủ và kinh tế thị trường không theo định hướng nào hết. Là một thành phố nằm trong nước Trung Hoa có hơn 5,000 năm văn hiến cộng thêm hơn 150 năm người Anh cai trị với nền văn minh khoa học Tây phương, Hồng Kông quả là một thành phố quốc tế nơi Đông và Tây gặp nhau một cách hài hòa. Hàng hóa, sản phẩm Đông phương và Tây phương cũng hội tụ về đây từ thượng vàng cho tới hạ cám, không có một món hàng nào mà không có ở Hồng Kông và người dân Hông Kông phải nói là có thiên khiếu về thương mại khiến cho Trung Quốc lấy Hồng Kông làm gương cho cả nước.

CON NGỰA XÍCH THỐ CỦA QUAN CÔNG

Tết năm nay là Tết năm Ngọ, người Hồng Kông rất qúy ngựa, xem con ngựa là con vật hữu dụng giúp ích cho chủ rất nhiều, lại thêm bền sức dẻo dai một ngày có thể đi trăm dặm, lại trung thành một lòng một dạ với chủ. Người Hồng Kông thờ con ngựa Xích Thố của Quan Công thời Tam Quốc. Theo tài liệu trên mạng: Ngựa Xích Thố mình dài một trượng, cao tám thước (thước xưa của Tàu), màu đỏ rực như lửa tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng. Xích Thố trước kia là của Đổng Trác, sau đó Đổng Trác tặng lại cho Lã Bố. Lúc Lã Bố chết nó được Tào Tháo cho người chăm sóc, sau đó trao lại cho Quan Công. Quan Công đã từng cỡi ngựa Xích Thố qua năm cửa ải chém sáu tướng giặc.

Quan Công là người như thế nào? Đọc Tam Quốc Chí ta thấy câu chuyện như sau: Cuối thời nhà Hán nước Trung Hoa chia làm 3 mảnh, trong lịch sử gọi là thời Tam Quốc (213-280). Tào Tháo là tướng của Hiến Đế tự xưng là Ngụy Vương chiếm ngôi nhà Hán đóng đô ở Lạc Dương, lộng quyền ở phương Bắc. Tôn Quyền ở Đông đóng đô ở Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay) gọi là nước Ngô và Lưu Bị cũng xưng đế nước Thục Hán, trấn ở phương Tây, kinh đô là Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Ba nước Ngụy, Thục và Ngô trong thế chân vạc kình chống nhau, Ngô và Thục Hán có lúc thỏa hiệp để cùng chống Ngụy.

Trong nội bộ nước Thục Hán, Lưu Bị là một ông vua tầm thường nhưng biết trọng người hiền nên được Gia Cát Luợng {Khổng Minh) giúp sức. Khổng Minh giỏi hiến kế bày mưu và rất trung thành nhưng vì ông có đức nhân, cả nể Lưu Bị, bỏ lỡ nhiều cơ hội nên có khi thất bại. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi đã cắt máu ăn thề, kết nghĩa anh em ở vườn đào. Lời thề huynh đệ sống chết có nhau thể hiện qua hàng trăm trận đánh đẫm máu với quân thù. Quan Công can đãm anh hùng được dân chúng mến phục trong khi Trương Phi cương trực, nóng nảy không chịu được giả dối khiến người đời thương mến gần gũi.

Năm 219 Quan Công và Quan Bình thua chạy ra Mạch Thành và bị Mã Trung là người của Tôn Quyền nước Ngô bắt được cả hai cha con. Tôn Quyền rất sợ Quan Công, ngày nào Quan Công còn sống là Quyền ăn ngủ không yên nên hành hình hai cha con Quan Công nhưng sợ Lưu Bị kéo quân đánh báo thù nên sai người đem thủ cấp của Quan Công dâng cho Tào Tháo để Lưu Bị tưởng rằng cái chết của Quan Công là do Tào Tháo chủ mưu. Tào Tháo biết thâm ý này và cũng sợ Lưu Bị đánh mình nên hoá giải bằng cách cho tổ chức đám tang Quan Công long trọng, cho tạc một thân thể bằng gỗ trầm và chắp đầu Quang Công vào để chôn ngụ ý là chính Tôn Quyền giết Quan Công. Đám tang Quan Công cử hành long trọng, Tào Tháo sai giết trâu mổ bò làm lễ cúng tế và chôn đầu Quan Công ở ngoài cửa Nam thành Lạc Dương, các quan lớn nhỏ đều phải đi đưa đám ma. Bấy giờ là năm Kiến An thứ 24 (219) tháng 10 mùa đông và Quan Công thọ 58 tuổi.

Tượng Quan Công cỡi ngựa Xích Thố trong một ngôi chùa ở Hồng Kông

Sau khi chết Quan Công được tương truyền rất hiển linh và thành thánh nên người Trung Hoa trong và ngoài nước đều lập những đền chùa để thờ Quan Công mà người ta thường gọi là chùa Ông.  Khi Quan Công bị Mã Trung giết, ngựa Xích Thố cũng bỏ ăn và chết theo chủ. Người Hồng Kông thờ Quan Công và cả con ngựa Xích Thố trong những đình chùa. Theo họ Quan Công là vị anh hùng trung kiên nghĩa khí, không hề khiếp sợ trước bạo lực, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ở Việt Nam trong những Chùa Ông của người Hoa cũng thờ Quan Công, con nuôi là Quan Bình và ngựa Xích Thố. Ở Little Saigon Nam Cali trên lầu khu thương xá Phước Lộc Thọ cũng có bàn thờ Quan Công nhưng không thấy tượng ngựa Xích Thố. Quan Công được chôn gần thành phố Lạc Dương bên Tàu, năm 2005 tôi đã đến mộ Quan Công và mô tả lăng mộ này trong quyển “Ký Sự Du Lịch Trung Quốc”.

Không phải chỉ người Hồng Kông mới thương yêu trân qúy ngựa mà khắp mọi nơi trên thế giới từ Âu sang Á người ta đều xem ngựa là một con vật thân thương. Giữa ngựa và loài người có một mối dây liên hệ rất keo sơn gắn bó và ngựa trở thành con vật hữu ích bậc nhất cho nhân loại nhất là trong giai đoạn kỹ thuật chưa phát triển. Chúng đã giúp loài người như một phương tiện giao thông, vận tải trong nông nghiệp, săn thú, chiến tranh v.v…Đặc tính nổi bật của ngựa là chạy nhanh và dẻo dai nhất trong các loài vật, ngựa rất dai sức có thể chạy hàng giờ liền không ngừng nghỉ và có thể đạt tới vận tốc 45 miles một giờ. Ngày xưa người ta nuôi ngựa dùng để cỡi đi từ nơi này đến nơi khác thay thế chiếc xe ngày nay. Khi chưa có cơ giới ngựa được dùng như một sức kéo, do đó ngày nay đơn vị để đo sức mạnh của động cơ người ta dùng “mã lực”. Ngày xưa ngựa dùng để kéo xe chuyên chở hành khách hay hàng hóa, tiền bạc, thư từ, có xe một ngựa gọi là “độc mã”, hai ngựa gọi là “song mã” v.v... Trong chiến tranh để bảo vệ biên cương hay xâm chiếm một vùng đất mới, các tướng quân, tráng sĩ thời xưa cỡi ngựa ra chiến trường, ngồi trên mình ngựa chỉ huy hay xông pha chiến đấu trên trận mạc. Khi bị giặc vây hãm, trong lúc chờ viện binh đến, thiếu lương thực phải dùng thịt ngựa làm lương thực sinh tồn. Đối với kẻ sĩ ngày trước, cái chết vinh quang hào hùng phải là cái chết trên lưng ngựa để rối dùng da ngựa bọc thây để chờ ngày đem xác về quê quán chứ không phải là cái chết tầm thường trên giường êm chốn khuê phòng:

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
(Chinh Phụ Ngâm - Đặng Trần Côn)

Ngày nay một cái chết khác cũng chết trên mình ngựa, nhưng không được ngưỡng mộ, không được xem là quân tử hào hùng mà trái lại bị người đời chê cười cho là “cho đáng kiếp, cho bỏ cái tật” đó là cái chết vì hội chứng được gọi là…”thượng mã phong”!

Ngựa có mặt trên địa cầu khoảng 50 triệu năm và được loài người đem về nuôi, thuần hóa cách nay khoảng 6,000 năm. Hiện nay trên thế giới theo cơ quan Lương Nông Quốc Tế (FAO) ước lượng vào năm 2008 có chừng 59 triệu con ngựa nhà. Ngoài ngựa nhà được người nuôi còn có ngựa hoang (Feral horses), ngựa hoang được sinh ra và lớn lên ở nơi hoang dã nhưng thực ra tổ tiên chúng cũng từng là ngựa nhà xổng chuồng đi hoang. Trên thế giới nơi nào cũng có ngựa hoang hiện diện, ở Mỹ có giống ngựa hoang được gọi là Mustang khoảng 10 ngàn con sống ở 11 tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ. Chúng được bảo vệ bằng đạo luật do Thượng Viện biểu quyết phạt những ai giết hay quấy nhiễu giống Mustang này. Ở vùng phía Bắc Las Vegas có nhiều nơi tên “Mustang Ranches” nhưng những trại ngựa hoang này không nuôi ngựa 4 chân mà chỉ toàn ngựa…2 chân. Giống “ngựa hoang” này chân dài, mắt xanh, tóc vàng, thân hình hoành tráng bốc lửa nhưng khá nguy hiểm vì cỡi chúng có thể mang bịnh ngặt nghèo, không có thuốc chữa gọi là bịnh Aids hay Sida (tiếng Việt gọi là liệt kháng):

Ai ơi chớ cỡi ngựa hoang,
Cỡi thời đã mệt lại mang bệnh vào!

Ngựa là con vật tinh khôn và rất trung thành với chủ, trên chiến trường chủ có tử trận, ngựa cũng mang xác chủ vượt núi non ngàn dặm để trở về nhà. Người Trung Hoa ngoài việc tạc tượng con ngựa Xích Thố của Quan Công để thờ trong các chùa. Họ thích đưa hình ảnh đàn ngựa 8 con lên tranh vẽ theo điển tích “Tái Ông Thất Mã” và tin rằng ngựa sẽ mang đến nhiều may mắn, phúc lợi vì một con ngựa ra đi sẽ dẫn một đàn ngựa khác trở về.

TRỊNH HẢO TÂM


Cùng một tác giả sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Đường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Đông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Đông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Địa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 (714)528-1413 Email: trinhhaotam@yahoo.com

No comments:

Post a Comment