Pages

Powered By Blogger

Wednesday, October 17, 2012

KÝ SỰ DU LỊCH
DU NGOẠN TRÊN SÔNG DANUBE Ở BUDAPEST
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM

Sông Danube chảy ngang thành phố Budapest

Sông Danube dài 2,850 km là con sông huyết mạch và lớn thứ nhì ở Âu Châu chỉ sau sông Volga ở Nga. Khi nhắc đến dòng sông Danube thơ mộng, người ta thường nghĩ đó là tài sản riêng của nước Áo vì bản nhạc nổi tiếng theo điệu valse “Dòng Sông Xanh” (“The Blue Danube”) là sáng tác của nhà soạn nhạc tài hoa người Áo Johann Strauss II. Thật ra sông Danube bắt nguồn từ nước Đức chảy qua 9 quốc gia khác nữa là  Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Serbia, Bulgaria, Romania, Moldova và Ukraine, cuối cùng đổ ra Hắc Hải. Du ngoạn trên sông Danube là tiết mục tôi cho là quan trọng nhất trong chuyến đi Đông Âu kỳ này vì từ lâu bản nhạc “Dòng Sông Xanh” thôi thúc tôi phải tìm tới cho được dòng sông Danube và nhạc sĩ Phạm Duy qua nhạc phẩm “Bên Cầu Biên Giới” cũng đã mơ ước rằng:
“Ôi giấc mơ qua,
Mộng đời phiêu lãng giang hồ:
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên dòng sông Danube.”
Mơ ước của nhạc sĩ, một cách nôm na ngắn gọn là: “Nếu sống là phải sống với người đẹp đất Tô Châu bên Tàu và nếu có chết thì phải chết trên dòng sông Danube!” Con gái Tô Châu rất đẹp và có giọng nói thanh tao, ngọt ngào. Người Trung Hoa có câu “Thà là nghe con gái Tô Châu chưỡi lộn còn hơn nghe người Ninh Ba ca hát!”. Tôi đã đến Tô Châu nhưng “sống trong lòng người đẹp Tô Châu” thì không dám vì mình không biết tiếng Tàu mà sống với gái Tô Châu, ngôn ngữ bất đồng, chắc phải nghe “ngộ tả nị” suốt ngày! Còn chết bên dòng sông Danube, tôi lại cũng không muốn! Có chết về chết ở Bolsa, ngày ngày nằm trong Peak Family còn nghe tiếng Việt mến yêu. Khi buồn nằm trong mộ...réo tên người thì có người còn hiểu và hy vọng có người hỏi thăm:
Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.
(Gửi Người Dưới Mộ - Đinh Hùng)


Xe buýt đưa đoàn du lịch Đức chúng tôi chạy cập theo bờ sông lên hướng Bắc để đến bến du thuyền gần cầu và đảo Margeret (tên của một công chúa Hung). Cuối tháng Chín đã hết những tháng hè nên số du thuyền trên sông cũng đã giảm vì ít du khách. Trong mùa cao điểm suốt bờ sông bên thành phố Pest, du thuyền đông đảo neo đậu nơi những cầu tàu dọc theo bờ sông từ cầu Liberty Bridge gần chợ Budapest lên đến đảo Margeret (chỉ trừ đoạn bờ sông từ Cầu Dây Xích tới Cầu Margeret là không có bến du thuyền vì bảo vệ cảnh quan hoành tráng trước tòa nhà Quốc Hội). Có những du thuyền rất dài chở được hàng ngàn du khách, có nhà hàng ca nhạc, khiêu vũ trên đó. Vé du ngoạn với bữa ăn tối Buffet khoảng 5,000 Forints (25 USD) và không ăn tối là 2,200 Forints (11 USD). Du thuyền có ca nhạc và ăn tối chỉ hoạt động mỗi đêm (từ 7:30 đến 9:30) trong tháng hè (từ 8 tháng Năm cho đến 10 tháng Chín) và giãm xuống 3 đêm cuối tuần trong tháng Tư, tháng Chín và tháng Mười. Hôm nay chúng tôi du ngoạn trên sông vào ban ngày nên không có ăn tối cũng như giải khát nên vé là 11 USD. Chúng tôi đã đóng tiền và đặt vé trước, chuyến du ngoạn sẽ khởi hành lúc 3 giờ, kéo dài một tiếng đồng hồ.


Chúng tôi tuần tự theo nhau xuống cầu tàu, phải bước qua một tàu khác mới đến tàu của mình đậu phía ngoài. Ngoài hầm máy phía dưới, tầng giữa tàu là nhà hàng và phía trên sân thượng là phòng lái. Chúng tôi lên boong tàu trước phòng lái, nơi đây có hàng chục chiếc ghế nhựa sắp sẵn để du khách ngồi. Tàu không lớn, trọng tải chừng vài chục tấn và chỉ chỡ đoàn chúng tôi là 23 người. Vừa lên tàu là nghe âm thanh bản nhạc “Dòng Sông Xanh” dìu dặt phát ra từ những chiếc loa. Sau vài hồi còi theo luật lệ, thủy thủ tháo dây cột với tàu bên cạnh và tài công rồ máy để tàu rời bến. Sông Danube rất rộng, tàu chúng tôi đi cũng chỉ như một lá tre trôi giữa dòng. Tàu chạy đường cung để quay mũi lại về hướng Nam, chui qua cầu Margeret. Cầu Margaret cũng như cầu Chữ Y ở Sài Gòn: 2 nhánh bắc qua sông Danube và nhánh còn lại bắc qua đảo Margeret. Đảo Margeret nằm ở giữa sông thuộc vùng phía Bắc của Budapest, ngày xưa là vùng hoang vu để mùa hè hoàng gia đi săn bắn vịt trời, chim chóc, rái cá. Hiện nay đã xây dựng thành vườn hoa Nhật Bản, có dinh thự, tượng đài, khách sạn suối nước nóng, ban đêm có nhạc nước và muốn vào xem phải mua vé. Đảo lấy tên công chúa Margeret, nghe đâu công chúa này lý do gì đó mà bị hoàng gia bắt an trí tại đảo này cho tới khi qua đời!


Buổi chiều mùa thu nắng vàng nhàn nhạt, cây cối bên bờ sông cũng bắt đầu chuyển sang màu lá vàng, từng cơn gió lạnh mơn man trên mặt sông khiến tôi liên tưởng đến bản “Nắng Chiều” của Lư Trọng Nguyễn: “Qua bến nước xưa, lá hoa về chiều, lạnh lùng...mềm đưa trong nắng lưa thưa”. “Dòng Sông Xanh” nhưng nước sông hôm nay không xanh mấy mà hơi đục vì bị ô nhiễm nhưng dòng nước trôi êm ả, lặng lờ và gió thổi khiến mặt sông xôn xao, lung linh phản chiếu ánh nắng vàng như những ánh hào quang.

Toà nhà Quốc Hội Hung Gia Lợi

Tòa nhà Quốc Hội Parliament Building ở bên bờ Đông của sông đón nhận ánh nắng chiều từ hướng Tây rọi vào một màu vàng chói trông thật hoành tráng rực rỡ. Kế đến bên bờ Tây bên phải, Thành Những Người Đánh Cá (Fishermen’s Bastion) và ngôi nhà thờ cổ Matthias uy nghi, diễm lệ nằm trên ngọn đồi cao vươn những tháp nhọn lên trên bầu trời chiều. Thuyền lướt nhẹ dưới gầm của Cầu Dây Xích, mỗi trụ chân cầu chôn xuống nước là những khối đá chạm trổ nhiều hình tượng đầu người rất lạ mắt mà xe chạy bên trên không thấy được, chỉ có ngồi thuyền dưới sông mới thấy những bức tượng này. Kế đến du thuyền đi ngang qua Hoàng Thành Buda uy nghi ngạo nghễ nằm trên đồi, Sau đó đến cầu Elisabeth rộng lớn với 6 lanes xe lưu thông bên trên và 2 chân trụ cầu không cắm xuống sông mà lại chôn xuống đất ở trên bờ. Kế đến du thuyền qua đồi Gellért, trên đỉnh tượng Nữ Thần Tự Do tư thế nhẹ nhàng của vũ công ballet nâng cao cành lá cọ trên ngọn đồi xanh tươi nhiều cây cối. Du thuyền bắt đầu quay mũi trở về trước khi đến chân cầu Liberty. Trên đường về du thuyền nhẹ nhàng lướt ngược sóng, trời càng về chiều gió càng thắm lạnh và thuyền qua những con phố thương mại bên khu Pest, nơi đây có những cao ốc, công viên, khách sạn, những bến du thuyền.
Sông Danube chảy ngang qua nhiều thành phố nhưng không nơi nào sông Danube đẹp và lãng mạn như ở Budapest. Có lẽ vì nơi đây sông đã đổi khúc không còn chảy xiết theo hướng Tây Đông mà trở nên êm ả lặng lờ xuôi theo Bắc Nam. Budapest là một thành phố cổ, nét đẹp đài các như một vương phi và lại càng lộng lẫy, kiêu sa hơn nữa với dòng chuỗi hạt kim cương Danube lóng lánh trên cổ trắng ngần giữa đôi bờ vai cân đối. Ngoài vẻ đẹp, sông Danube và các phụ lưu của nó còn rất cần thiết cho đời sống người dân Hungary. Chúng là nguồn nước cho dân chúng dùng cũng như tiêu tưới mùa màng và nuôi gia súc. Ngoài ra trước đây, khi các hệ thống giao thông như đường xá, đường sắt và đường hàng không chưa phát triển, sông Danube là trục thủy lộ thương mại chính, là nơi vận chuyển hàng hoá xuất và nhập khẩu không những cho Hungary mà còn cho nhiều nước khác ở châu Âu. Hiện nay sông Danube vẫn được sử dụng để chuyên chở đồ nặng như sắt, xi-măng, gỗ v.v...
Sông Danube là nguồn cung cấp nhiều thủy sản như các loại cá nước ngọt trong đó nổi tiếng là cá tầm, con rất to, dùng làm thức ăn và lấy trứng làm trứng cá muối, tức caviar. Ai cũng biết caviar ở Romania là một trong những loại caviar ngon nhất thế giới hiện nay. Tại vùng châu thổ sông Danube, có hàng triệu chim di trú vào mùa Đông hoặc ghé qua trên đường thiên di hàng năm. Có khoảng 300 loại chim tới đây thường xuyên. Vào cuối mùa Xuân cho tới tháng 10, vùng châu thổ sông Danube là nơi tập trung khoảng 2 ngàn cặp chim bồ nông, loại thủy cầm có cái túi dưới mỏ dài để đựng thức ăn.
Năm 1856, nguyên thủ các cường quốc Âu châu ký một thoả ước về sông Danube, theo đó sông Danube là con đường thuỷ tự do dành cho tàu bè tất cả các nước. Họ cũng thành lập một Ủy ban Quốc tế nhằm quy định việc đi lại trên sông, giải quyết những vụ xung đột cũng như giữ cho giòng nước được trong sạch. Năm 1948, sau thế chiến thứ hai, uỷ ban này được thay thế bằng Ủy ban Sông Danube, trụ sở đặt tại thủ đô Budespest của Hungary. Thành viên của ủy ban là tất cả các nước có sông Danube chảy qua, ngoại trừ Đức. Một dịch vụ phát thanh đặc biệt được thành lập để cung cấp bản tin hàng ngày về mực nước sông Danube, giúp các thuyền trưởng điều khiển con tàu của mình dễ dàng hơn. Vì sông Danube đã trở thành dòng sông quốc tế nên bản tin đó được phát bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Sông Danube đã được cơ quan Văn Hóa Liên Hiệp Quốc là tổ chức UNESCO đưa lên danh sách Di Sản Văn Hóa Thế Giới cần được quan tâm bảo vệ.
Tiếc thay với sự phát triển kỹ nghệ, những năm gần đây, sông Danube đã rơi vào tình trạng bị ô nhiễm trầm trọng. Trong hai năm 1999 và 2000, sông Danube có hàm lượng xyanua (cyanide) cao, sau khi một mỏ vàng ở Romania vô ý làm đổ một khối lượng lớn xyanua, một hợp chất hoá học rất độc, xuống sông. Ba quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Romania, Hungary và Nam Tư. Sau tai nạn này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn phát hiện là sông Danube có một số hoá chất nguy hiểm khác. Các quốc gia sở hữu dòng Danube đang làm hết sức mình để con sông nổi tiếng này trong xanh trở lại, không chỉ vì mục đích phát triển du lịch mà còn vì bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Du khách Việt trên du thuyền

Trời đã về chiều, ánh nắng mặt trời sắp tắt le lói ở phía Tây, trả lại dòng sông êm đềm với nét lặng lờ cố hữu. Du thuyền đã trở về bến cũ, trên bờ Budapest đã bắt đầu lên đèn và trong khoang tàu âm thanh theo tiết tấuValse của bản nhạc “The Blue Danube” vẫn dìu dặt mênh mang như sóng vỗ mạn thuyền. Nhạc không lời nhưng âm vang như tiếng ai hát theo lời chuyển dịch của Phạm Duy:

Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp
Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến
Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ
Quay về miền đời lúc mơ huyền...”

TRỊNH HẢO TÂM   

Sunday, October 14, 2012




KÝ SỰ DU LỊCH
FISHERMEN’S BASTION
THÀNH CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÁNH CÁ Ở BUDAPEST
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM

Một trong những kiến trúc đẹp nổi tiếng của Budapest là Fishermen’s Bastion tức Thành Của Những Người Đánh Cá nằm trên đồi Castle Hill bên hữu ngạn sông Danube. Sở dĩ nó được gọi tên như vậy là vì thời Trung Cổ vào thế kỷ 17 nơi đây có một pháo đài với những bức tường thành và một chợ cá lớn tọa lạc ngay bên cạnh nhà thờ Matthias và những người đánh cá buôn bán ở đây có nhiệm vụ bảo vệ khu vực đó. Di tích của tường thành còn sót lại cho đến cuối thế kỷ 19 vẫn còn.

Nhà thờ Matthias và Thành Những Ngư Dân

Rời đại giáo đường St. Stephen ở trung tâm thành phố, xe chúng tôi hướng ra phiá bờ sông Danube và vượt qua cây cầu đẹp nhất bắc ngang dòng sông êm đềm này. Cây cầu có tên là Cầu Dây Xích (Chain Bridge) là cây cầu đầu tiên được xây ngang sông nối đôi bờ của hai khu Buda và Pest mà trước đây chỉ có những bến đò hay cầu nồi tạm bằng những con thuyền ghép lại với nhau. Đây là cây cầu treo bằng dây cáp cong được chống đỡ bởi hai trụ chôn dưới lòng sông. Hai trụ này có kiến trúc như hai khải hoàn môn mà xe cộ lưu thông xuyên qua phiá dưới. Cầu được xây từ năm 1839 và kéo dài đến 10 năm mới hoàn tất, là công trình tuyệt tác của kiến trúc sư người Anh William Thierney Clark, một thời nổi tiếng là hiện đại nhất Âu Châu vào thế kỷ 19 và hiện tại vẫn là một hình ảnh tiêu biểu của thủ đô Budapest. Cầu có số tuổi gần 2 thế kỷ, thời đó phương tiện giao thông là những chiếc xe ngựa nên chiều ngang cầu không rộng mà chỉ có 2 làn lưu thông tức mỗi chiều một lane. Mỗi đầu cầu có hai tượng sư tử nằm chầu trong rất oai phong lẫm liệt. Từ đầu cầu bên bờ Pest người ta nhìn thấy bờ bên kia là thành lũy Buda hoành tráng, ngạo nghễ tọa lạc trên đồi cao, phiá dưới là 4 tầng cao độ với những đền đài và cây cối xanh tươi bao phủ.

Cầu tuy già nhưng sức chưa yếu vì thường xuyên được trùng tu định kỳ nên vẫn cho xe buýt lớn lưu thông. Sau khi qua cầu xe chúng tôi rẽ phải lên hướng Bắc và nhìn thấy những ngọn tháp trắng nhọn của thắng tích Fishermen’s Bastion hiện ra trên ngọn đồi. Những ngọn tháp này có hình thức cùng kiểu như những ngọn tháp của khu giải trí Disneyland gần khu Little Sài Gòn. Disneyland đã mô phỏng kiểu dáng của các tháp Fishermen’s Bastion để thiết kế những tháp của mình. Có tất cả 7 ngọn tháp tượng trưng cho 7 bộ lạc thuộc sắc dân Magyar đã đến đất Hung tức vùng bình nguyên Carpathian khai phá từ cuối thế kỷ thứ 9 (khoảng năm 896).

Sông Danube chảy ngang thành phố Budapest

Xe đậu vào con đường vòng cung lớn dưới chân đồi và đoàn du lịch đa số là người Đức của chúng tôi theo sau bà hướng dẫn viên Maria, bước hàng trăm bậc thang uốn khúc để lên đồi. Tuy leo dốc nhưng không cảm thấy mệt vì vài chục bậc thang lại có mặt bằng rộng để du khách dừng chân ngắm cảnh nhìn về phía bên kia bờ sông là khu Pest trung tâm của thành phố Budapest. Cứ mỗi nơi dừng chân là có nhiều cảnh đẹp để thu vào ống kính nhưng càng lên cao thì cảnh lại càng đẹp hơn vì phía dưới bao la hùng vĩ có sông, núi, lâu đài, cây cối và thành phố nhà cửa chạy dài xa tít tận chân trời. Ở một vị trí tôi cho là cao vừa đủ, tôi đã chụp Budapest nhiều khoảng cách khác nhau, cảnh sông Danube ghe thuyền xuôi ngược với những cây cầu kiểu dáng khác nhau. Cảnh tòa nhà Quốc Hội (Parliament Building) có kiến trúc hoành tráng và hết sức chi tiết cầu kỳ của hàng chục ngọn tháp vươn lên trời xanh. Du khách ở đây rất đông và cũng giống như tôi họ bị cuốn hút vì cảnh đẹp. Họ đưa máy ảnh nhắm và bấm liên tục, có những máy ảnh nhà nghề dùng phim, có những máy kỹ thuật số (digital) gọn nhỏ, máy quay phim cũng hoạt động không ngừng.

Toà nhà Quốc Hội Hung

Sân chính của Fishermen’s Bastion rất rộng lát đá bằng phẳng và vẫn còn đang được mở rộng và trùng tu. Kiến trúc Thành Của Những Người Đánh Cá là những cầu thang uốn khúc, khoảng sân thượng ngắm cảnh, những dãy hiên trống vách có hành lang chạy dài và những hàng cột tròn để du khách dạo bước mà không bị nắng mưa. Có những đoạn hành lang biến thành nhà hàng ăn với những bàn ăn phủ khăn trắng nhằm tăng thu nhập dùng vào việc điều hành thắng cảnh. Những lầu các (pavilions), tháp cao ở Fishermen’s Bastion có kiểu kiến trúc Tân Gothic và Tân La Mã được thiết kế bởi ông Frigyes Schulek và được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1895 đến 1902 cùng thời gian với việc xây dựng lại nhà thờ Matthias tọa lạc gần đó. Trong một khoảng sân trống giữa thành và nhà thờ Matthias là tượng vua Stephen Đệ Nhất (có công thành lập nước Hung vào năm 1000) bằng đồng có màu xanh ngồi trên ngựa được dựng lên trên một bệ đá cao vào năm 1906. Du lịch Âu Châu người ta thường thấy những tượng cũng như các mái nhà thờ, dinh thự có màu xanh mà không biết làm bằng vật liệu gì? Sau khi tìm hiểu được biết các tượng hay mái nhà làm bằng đồng và ở ngoài trời lâu ngày đóng một lớp ten rỉ màu xanh. Lớp ten này không bị rỉ sét và màu xanh luôn luôn tươi sáng không cần phải tu bổ hay sơn phết lại.Tượng Nữ Thần Tự Do ở New York cũng được mạ bên ngoài bằng một lớp đồng nên cũng có màu xanh.

Khoảng sân dưới chân tượng vua Stephen Đệ Nhất luôn luôn có đông đảo du khách chụp hình, ngồi nghỉ hay ăn kem vì gần đó có con phố với những cửa hàng bán đồ lưu niệm. Nơi đây là phía sau của ngọn đồi Castle Hill dốc thoai thoải có đường cho xe hơi chạy lên trong khi phía trước nhìn ra bờ sông dốc đứng chỉ có những cầu thang uốn khúc dành cho người đi bộ. Những cầu thang này hợp với 7 ngọn tháp và các lầu các tạo thành tiền diện nguy nga hoành tráng cho khung cảnh Thành Của Những Người Đánh Cá. Ngày nay ở đây không còn thấy một người bán cá nào có chăng là lúc vào tôi gặp 4 ông nghệ sĩ hè phố với đàn Tây Ban Cầm, vĩ cầm, phong cầm hoà tấu các bản nhạc như Back To Sorriento (Về Mái Nhà Xưa) và The Blue Danube (Dòng Sông Xanh). Bốn ông này chắc người gốc Thổ Nhĩ Kỳ hay Tây Ban Nha gì đó mà rất giống người Mễ Tây Cơ ở California?

Cách khoảng sân rộng nơi phía Tây là nhà thờ cổ Matthias, tên gọi chính thức của nhà thờ là Nhà Thờ Đức Bà (Church of Our Lady) nhưng dân chúng thuờng gọi là nhà thờ Matthias vì do vua Matthias Corvinus ra lệnh xây thêm ngọn tháp cao vào ngôi nhà thờ cổ xây từ thế kỷ 13. Matthias Corvinus là một vị vua anh hùng chinh phạt cả một vùng Trung Âu rộng lớn và đã từng chiến thắng quân Ottoman. Ông thuộc dòng Vlach cai trị xứ Hung từ năm 1458 đến năm 1490 (chân dung của ông được in trên tiền giấy mệnh giá 1,000 Forint).  Dưới triều đại của ông, Hung là một đế quốc hùng mạnh, năm 1469 ông cũng đồng thời là vua của nước Bohemia cai trị các vùng Moravia, Silesia và Lusatia. Đến năm 1486 ông cũng là vua xứ Áo, danh tiếng lừng lẫy nhưng 4 năm sau ông lại băng hà. Ông có một bà vợ người Ý và bà này yêu thích nghệ thuật cho xây nhiều dinh thự với các kiến trúc sư, nghệ sĩ được tuyển dụng từ Ý và Pháp. Sau khi ông qua đời, đế quốc hùng mạnh của ông cũng tàn lụi, đến năm 1521 thành phố Belgrade ở phía Nam thất thủ trước sự tấn công của quân Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Năm 1526 quân đội Hung bị đánh tan ở trận Mohács và năm 1541 quân Thổ chiếm Buda. Sau đó nước Hung bị chia làm 3 mảnh: phía Tây dòng họ Habsburg nước Áo cai trị, miền Trung quân Thổ chiếm và phía Đông độc lập lấy tên là Transylvania. Năm 1686 triều đình Habsburg đánh đuổi quân Thổ ra khỏi Buda và cai trị nước Hung cho đến Đệ Nhất Thế Chiến.

Năm 1541 trong thời kỳ nước Hung bị quân Ottoman chiếm đóng kéo dài hơn 150 năm, nhà thờ Matthias bị biến thành đền thờ Hồi giáo. Cuối thế kỷ 19 nhà thờ được xây lại gần đúng với kiểu nguyên thủy từ thế kỷ 13 theo kiến trúc Tân Gothic dưới sự chỉ huy của kiến trúc sư Frigyes Schulek vào năm 1896. Vua Matthias Corvinus từng cữ hành hôn lễ tại đây 2 lần (vì hoàng hậu đầu tiên chết). Nhà thờ còn là nơi  từng tổ chức lễ đăng quang của 3 vị vua trong đó có Charles IV là vua cuối cùng của triều đại Habsburg vào năm 1916. Hiện nay nhà thờ trở thành nhà bảo tàng bên trong có chứa xác ướp khô của những vị vua (như vua Béla III và hoàng hậu được chôn trong nhà thờ), những bức điêu khắc đá thời Trung Cổ cũng như các vương miện, long bào, cây can vương quyền và các món vàng ngọc trang sức cho các vua chúa trong lễ đăng quang.

Nhà thờ Matthias được xây trên ngọn đồi cao nhất trong dãy đồi Castle Hill cách hoàng thành Buda ở về phía Nam không đầy 1 cây số. Cửa chính của nhà thờ không quay ra phía bờ sông Danube mà quay về hướng Tây là hướng tòa thánh La Mã. Thành của Những Người Đánh Cá và Nhà Thờ Matthias được công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới vào năm 1988.

Cũng trên dãy đồi Castle Hill về hướng Nam là Hoàng Cung (Royal Palace) là một công trình kiến trúc đồ sộ và hoành tráng nhìn ra bờ sông Danube. Hoàng Cung là những dãy dinh thự liên tiếp nối nhau cao 3, 4 tầng lầu và chính giữa là một tháp đồng màu xanh hình bán cầu được xây vào cuối triều đại Habsburg khoảng cuối thế kỷ 19. Công trình này được thiết kế theo kiểu Tân Baroque bởi hai kiến trúc sư Miklós Ybl và Alajos Hauszmann. Tại nơi đây vào thế kỷ 13 cũng là Hoàng Cung và thành Buda nhưng sau đó vào năm 1241 và 1242 bị quân Mông Cổ sang tàn phá và thiêu rụi tất cả gây ra bịnh dịch hạch và nạn đói. Cuối cùng quân Mông Cổ cũng không dám ở lại phải rút binh về. Cuối thế kỷ 19, triều đình Habsburg cho xây lại Hoàng Thành mới khi đào móng còn phát hiện dấu vết của kinh thành Buda cũ vào thế kỷ 13. Tuy triều đình Habsburg cho xây hoàng cung Buda nhưng họ không ở đây mà đóng đô ở Vienna (Áo quốc), các ông hoàng chỉ dừng lại đây nghỉ ngơi mỗi khi kinh lý và thị sát Buda. Hoàng cung xây xong không bao lâu thì bị phá hủy bởi máy bay Anh, Mỹ trong Đệ Nhị Thế Chiến vì lúc đó Hung đứng về phía Đức. Sau chiến tranh khoảng những năm 1950 Hoàng Cung Buda được xây lại một lần nữa với dáng dấp như ngày nay mà chúng ta nhìn thấy.
Cầu Dây Xích bắc ngang sông Danube phía sau là Hoàng Cung

Từ bên phía thành phố thương mại Pest nhìn qua bên kia sông Danube gần Cầu Dây Xích, Thành của Dân Đánh Cá với những tháp nhọn phiá sau là ngọn giáo đường cổ Matthias và cạnh đó ngạo nghễ trên đỉnh đồi nhìn xuống dòng sông là Hoàng Cung nguy nga hoành tráng soi bóng trên mặt nước là bức tranh vô cùng linh động và ngoạn mục. Các kiến trúc trên là một trong những hình ảnh đẹp nhất của thủ đô Budapest khiến thành phố này trở thành “Paris của Đông Âu”, “Viên ngọc của dòng sông Danube” hàng năm thu hút hàng triệu du khách viếng thăm, là thành phố thu hút đông đảo du khách nhất Đông Âu hiện nay.

TRỊNH HẢO TÂM