Pages

Powered By Blogger

Saturday, December 10, 2011







ĐÓN GIAO THỪA DƯƠNG LỊCH Ở
THÁP EIFFEL PARIS PHÁP
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM

Paris là nơi trên thế giới chào đón giờ phút bước sang năm mới một cách tưng bừng và nhiều màu sắc nhất. Bữa tiệc đêm cuối năm rất thịnh soạn với người thân trong gia đình và bằng hữu bạn bè bao giờ cũng có rượu Champagne. Giờ phút bước sang năm mới vừa điểm người ta nâng ly Champagne chúc mừng nhau “Bonne Anné” và những đôi vợ chồng, những cặp tình nhân ôm nhau hôn thắm thiết, bạn bè trao đổi nhau những nụ hôn “bises” nhẹ nhàng lên đôi má..

Đêm giao thừa ở thành phố Paris là một đêm hoa đăng đèn màu rực rỡ mọi nơi, dù thời tiết giá lạnh nhưng người ta đổ xô ra đường như đi trẩy hội. Khắp thành phố Paris được mệnh danh là thành phố ánh sáng, đêm cuối năm dương lịch người ta tiễn đưa năm cũ bằng những cuộc vui ngoài đường phố nhất là tại những địa điểm thắng cảnh du lịch ở những nơi như sau:

CÔNG TRƯỜNG NHÀ THỜ THÁNH TÂM

Tức “The Sacre Coeur Cathedral Plaza” trên đồi Montmartre ở hướng Đông Bắc thành phố. Từ chiều người ta đã tập trung ở khoảng sân rộng trước nhà thờ và ngồi trên những bậc thềm dẫn lên nhà thờ. Nơi đây trên đồi cao có thể nhìn thấy khắp thành phố, may mắn nếu đêm cuối năm trời trong quang đãng có thể thấy pháo hoa bắn lên trên bầu trời Paris. Đông nhất trên đồi nhà thờ Montmartre là giới trẻ họ đàn ca nhảy múa, hóa trang và ném những hoa giấy vụn confetti, tặng nhau những gói papilllottes bên trong có chocolat hay những gói confections khi mở giấy ra sẽ nổ dòn như pháo chuột. Người ta còn đốt pháo nổ từng tràng hay chơi pháo hoa vì pháo được bán và được đốt hợp pháp ở Paris và uống bia, champagne hoặc nước táo sủi bọt (sparkling apple cider). Càng về khuya không khí càng sôi động, đám đông cùng nhau khiêu vũ ngoài trời với giàn nhạc từ các nghệ nhân hè phố, tiếng trống tabor, kèn saxco, đàn guitar và accordéon. Đồi Montmartre xưa kia là khu dân lao động nhưng từ khi nhà thờ xây xong vào năm 1914 trở thành khu nghệ sĩ với nhiều họa sĩ về đây sinh sống và mở phòng tranh. Dưới dốc đồi Montmartre là khu Pigalle với nhiều hộp đêm, quán rượu và là khu đèn đỏ ăn chơi của Paris. Đêm cuối năm các quán ăn, tiệm rượu ở đây không còn một bàn trống, nhiều người phải gọi đặt chỗ trước.

ĐẠI LỘ CHAMPS ÉLYSÉES

Đại lộ Champs Élysées là con đường rộng lớn nối liền quảng trường Concorde đến Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) là nơi cử hành cuộc duyệt binh trong dịp Lễ Quốc Khánh Pháp 14 Tháng 7. Là nơi dân chúng Paris tập trung đông nhất để vui chơi, uống champagne và chờ đón giờ phút giao thừa. Chín giờ tối đêm cuối năm dòng người lũ lượt trên đại lộ được giăng đèn kết hoa rực rỡ trên những cây cao dọc theo hai bên đường trở thành những hàng cây Giáng Sinh màu sắc lung linh sinh động. Mọi người đều mang theo những chai rượu Champagne, rượu vang trắng chờ để bật nấp cho nổ vang và kèn plastic để thổi lên vào giờ khắc bước sang năm mới. Nơi đây nhìn thấy tháp Eiffel rất rõ với đèn đuốc huy hoàng thắp sáng trên ngọn tháp. Đám đông tập trung nơi đây vui chơi nhảy nhót cho gần đến sáng. Mặc dù giới trẻ ở đây đa số là “bon enfant” (good child) ngoan hiền nhưng đón giao thừa ở đây du khách cẩn thận với bóp ví mang theo vì lẫn lộn những thành phần móc túi cắp vặt.



THÁP EIFFEL

Dưới tháp Eiffel là dãy công viên rộng lớn trong dịp cuối năm người ta tổ chức hội chợ với nhiều trò chơi vòng quay cơ giới tại đây. Tháp Eiffel trong mùa Giáng Sinh bắt đầu từ Tháng Chạp cho đến hết Tháng Giêng được trang hoàng thiết trí hệ thống đèn màu lung linh tráng lệ. Từ dưới chân tháp cho đến ngọn được chiếu sáng bằng những giàn đèn khổng lồ còn có hàng chục ngàn đèn màu và hàng vạn đèn lóe những tia sáng như pháo hoa nhấp nháy liên tục trên suốt ngọn tháp. Trên đỉnh cao nhất tháp là những ngọn đèn pha như ngọn hải đăng quét những tia sáng cực mạnh lên bầu trời đêm. Hệ thống đèn chiếu sáng trong dịp lễ cuối năm tốn kém nhất trên thế giới và được thiết kế bằng vi tinh tối tân nhất. Người ta đến đây vui chơi, ăn uống trong những hàng quán hội chợ và chờ đợi giờ phút giao thừa để chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và hôn những nụ hôn nồng thắm. Khi gần tới phút giao thừa, tiếng nhạc ngừng đọng nhường lời cho xướng ngôn viên đếm ngược (count down). Phút giao thừa điểm bằng tiếng pháo bông nổ đùng được bắn lên bầu trời từ công viên dưới chân tháp. Tiếp theo đó hàng chục trái pháo hoa được bắn lên liên tục thắp sáng khắp bầu trời, người ta reo hò, vỗ tay, đốt pháo, khui Champagne, chúc tụng nhau hoà lẫn trong tiếng nhạc bài “Auld Lang Syne” phổ từ bài thơ của Robert Burns người Scotland thường được hát trong phút giao thừa đón năm mới. Cũng như ở đại lộ Champs Élysées dòng người trẫy hội ở đây vui chơi gần đến 3 giờ sáng mới tản mác về nhà, đa số là dân Paris số người khác là du khách phương xa về. Du khách từng tham dự lễ hội giao thừa tại tháp Eiffel đều có một kỷ niệm đẹp về nước Pháp cũng như người dân Paris niềm nỡ và thân thiện.

Tháp Eiffel một công trình kiến trúc đồ sộ và vững chắc nhưng không kém vẻ mỹ quan nghệ thuật, là niềm hãnh diện tự hào của người Pháp. Nhân dịp này chúng ta cũng nên tìm hiểu khái quát về nguồn gốc lịch sử của ngọn tháp được dùng làm biểu tượng cho nước Pháp.

Tháp lấy tên của người thiết kế và xây dựng nó là Gustave Eiffel (1832-1923) một kỹ sư người Pháp chuyên môn trong ngành cấu trúc bằng kim loại (metallic structures), ông có xây dựng nhiều công trình như cấu trúc bên trong tượng Nữ Thần Tự Do ở New York, kinh đào Panama và nhiều cây cầu trên thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam hai cây cầu danh tiếng đều do ông xây là cầu Long Biên (1903) ở Hà Nội và cầu Tràng Tiền ở Huế. Tháp Eiffel cao 300 m, nếu tính luôn cây antenna (24 m) cao tổng cộng là 324 m (1,063 ft) là kiến trúc cao nhất thế giới vào thời ấy. Đến năm 1930 tòa nhà Chrysler ở New York hoàn thành với chiều cao 319 m, tháp Eiffel mới mất đi danh hiệu cao nhất thế giới. Hiện tháp Eiffel là kiến trúc cao nhất ở Paris, bằng chiều cao của một tòa nhà 81 tầng. Tính đến 2006 có hơn 200 triệu người đã lên viếng nó, nội trong năm 2006 có 6,719,200 du khách, là một thắng cảnh phải trả tiền được nhiều người xem nhất trên thế giới.

Tháp Eiffel được xây dựng từ năm 1887 đến 1889 hoàn thành, là cửa chính để vào khu Hội Chợ Thế Giới tổ chức tại công viên Champ de Mars năm 1889 để chào mừng 100 năm Cách Mạng Pháp. Khởi thủy tháp Eiffel định xây tại Barcelone là thành phố lớn thứ nhì ở Tây Ban Nha (Spain) bên bờ Địa Trung Hải cho Hội Chợ Thế Giới 1888 nhưng thành phố này không đủ chỗ và đủ tiền cho một công trình đồ sộ như vậy nên ông Eiffel dùng đồ án này dự tranh thiết kế cho Hội Chợ Thế Giới Paris 1889 và đã trúng giải. Tháp được khánh thành ngày 31-3-1889 và mở cửa ngày 6-5 cùng năm. Có 300 nhân công từ kỹ sư cho đến lao động đã tham gia xây dựng cùng nhau lấp ráp 18,038 thanh sắt bằng 2.5 triệu con đinh tán (rivets, đinh tán thì đóng chết khi ghép 2 thanh sắt trong khi đinh ốc xiết dính bằng răng), cấu trúc tháp được tính toán thiết kế bởi Maurice Koechlin. Tháp hoàn thành trong điều kiện an toàn thật hoàn hảo, với dụng cụ thô sơ thời ấy chỉ có một nhân công thiệt mạng mà thôi. Tổng cộng các khối sắt của tháp nặng 7,300 tấn, nếu tính luôn toàn thể vật liệu không phải bằng sắt tháp nặng 10,000 tấn.

Tầng thứ nhất và thứ hai (cao 115 m) của tháp rộng lớn có các cửa hàng bán buôn trên đó và có thể lên bằng thang bộ hay thang máy. Tầng cao nhất (276 m) phải lên bằng thang máy từ tầng thứ hai. Tháp mở cửa cho du khách lên xem mỗi ngày từ 9 giờ 30 sáng đến 11 giờ 45 khuya, mùa Hè từ 9 giờ sáng đến 0 giờ 45 khuya. Giá vé hiện nay (2009) cho người lớn là 4.80 Euro (tầng 1), 7.80 Euro (tầng 2) và 12 Euro (tầng 3) đi bằng thang máy. Trẻ con (3 đến 11 tuổi) là 2.50, 4.30 và 6.70 Euro, dưới 3 tuổi miễn phí. Nếu đi từng nhóm trên 20 người mua vé trước là 4.00, 6.70 và 10.50 Euro. Đi bằng thang bộ lên tầng 1 và tầng 2 trên 25 tuổi là 4.00 Euro, dưới 25 tuổi là 3.10 Euro.

Tháp Eiffel là tài sản của thành phố Paris, hiện bảo trì và điều hành do công ty SETE (Société d’Eploitation de la Tour Eiffel) từ năm 2005 theo hợp đồng thời hạn 10 năm. Thành phố Paris có 59.9% cổ phần trong công ty này. Tổng số nhân viên điều hành tháp hiện nay là 500 người, trong đó phân nửa là nhân viên công ty SETE, số còn lại là nhân viên các cửa hàng dịch vụ (bán qùa kỷ niệm, nhà hàng ăn uống, cho thuê viễn kính, máy rút tiền ATM) và công chức như cảnh sát, cứu hỏa, bưu điện, khí tượng…Để chống rỉ sét và khói ô nhiễm, tháp phải được bảo trì liên tục và các thanh sắt 7 năm sơn lại một lần tốn 50 đến 60 tấn sơn. Để nhìn cho đẹp mắt từ phía dưới, có 3 màu sơn được dùng cho 3 phần của tháp, đậm nhất từ phía dưới và nhạt dần phía trên. Màu sơn tháp là màu xám nâu (brownish-grey). Tháng 3-2009 sẽ tiến hành việc sơn tháp lần thứ 19 và công việc sẽ kéo dài 18 tháng.

Tháp Eiffel là một kỳ quan thế giới tiêu biểu cho một công trình hoành tráng vững chắc vừa mang nét đẹp hài hòa. Nhưng thế nhân cũng có người yêu kẻ ghét, khi tháp Eiffel vừa xây xong gặp sự chống đối của một số quần chúng, người ta cho rằng trong thành phố Paris thanh lịch bị một khối sắt đen đúa như một con quái vật ngự trị, thật là xốn xang ngứa mắt. Nhiều tờ báo hàng ngày đăng tải những lá thư nổi giận từ giới văn nghệ sĩ Paris và cả những nhà kiến trúc, thiết kế các công trình công cộng (công chánh) như trong tờ Công Báo năm 1892 nhận định về Hội Chợ Thế Giới Paris 1889 đã phê bình chỉ trích về tháp Eiffel như sau: “Và suốt 20 năm chúng ta sẽ phải chứng kiến một khối đen dơ dáy với hình dáng kinh tởm của những trụ đà xây bằng những tấm sắt đinh tán, bóng của nó trải rộng khắp thành phố”. Bức thư được ký bởi những nhân vật nổi tiếng như Messonier, Gounod, Garnier, Gerome, Bougeureau và Dumas. Tiểu thuyết gia Guy de Maupassant, người tỏ thái độ rất ghét ngọn tháp, nói rằng nên đến ăn nhà hàng trên tháp Eiffel mỗi ngày. Người ta hỏi tại sao, ông cho biết “Ở Paris chỉ có nơi đó người ta không nhìn thấy được cái kiến trúc đó!”

Ở Paris thời ấy để giữ cảnh quan chỉ được xây những tòa nhà không qúa 7 tầng cho nên tháp Eiffel chỉ được giấy phép cho tồn tại 20 năm. Có nghĩa là sau thời hạn đó tháp phải được tháo gỡ ra vào năm 1909, chủ nhân nó phải chuyển nó ra khỏi Paris, cho nên tháp đã được thiết kế tháo ra được dễ dàng. Nhưng qua thời gian 20 năm, thấy tháp hàng ngày người ta quen dần nên trở nên một hình ảnh thân thương, tháp chứng tỏ được giá trị của nó về nghệ thuật cũng như ích lợi vì quân đội dùng nó cho truyền tin cũng như theo dõi chiến trường trong trận chiến Marne trong Đệ Nhất Thế Chiến (tháng 9, 1914) nên Pháp thắng trận vinh quang.

Thay vì tháo gỡ và di chuyển tháp ra khỏi Paris nhưng người Pháp đã giữ tháp Eiffel ở lại nơi thành phố ánh sáng hoa lệ này. Hàng ngày tháp Eiffel vẫn vươn cao trên bầu trời Paris để người Paris đi đâu sinh hoạt trong thành phố vẫn nhìn thấy hình ảnh ngọn tháp thân thương như một phần trong cuộc sống của mình.

No comments:

Post a Comment