Pages

Powered By Blogger

Thursday, December 29, 2011

Hồi Ức

NHỮNG CÁI TẾT TRÀ VINH NGÀY TRƯỚC
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM




Trong những ngày Xuân nơi đất khách, hồi tưởng những cái Tết ngày nào ở quê hương Trà Vinh khiến lòng bồi hồi luyến tiếc. Tết ngày xưa sao rộn ràng, tưng bừng, nao nức, nhộn nhịp, rất là vui. Giờ này tất cả đã trở thành kỷ niệm, mỗi khi nhắc lại, những người Trà Vinh xa xứ bâng khuâng lưu luyến...
“Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.” (Ca dao)
Khi lúa đã gặt xong cũng là mùa chim cu tìm bạn, chúng gọi nhau tíu tít ở các cánh đồng, cũng là lúc nông dân Trà Vinh chuẩn bị ăn Tết. Ðầu tháng Chạp không khí đã rộn ràng trên phố xá chợ Trà Vinh. Các tiệm sách như Nam Cường, Ngọc Minh, Nam Huê, Kim Anh, Thanh Tâm đã treo những tấm lịch màu sắc rực rỡ, vui tươi in hình những thắng cảnh miền Nam như Chợ Bến Thành, Lăng Lê Văn Duyệt, nhà thờ Ðức Bà hay những nghệ sĩ cải lương, danh ca tân nhạc được nhiều người mến mộ như Thanh Nga, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Túy Phượng, Kim Vui, Kim Tuyến...
Lịch muôn màu, muôn vẻ, người nào cũng xinh, cô nào cũng đẹp. Ngoài lịch tháng khổ lớn, còn lịch nhỏ gỡ từng ngày như Lịch Tam Tông Miếu hay lịch sách của các tờ báo. Ngoài lịch, dân Trà Vinh ăn Tết còn phải đọc báo Xuân nên các tiệm sách cũng bày la liệt những tờ báo Xuân khổ lớn. Hình bìa báo Xuân cũng trình bày đẹp đẽ không thua gì lịch vì nhiều người mua báo Xuân cũng vì thích tấm hình bìa. Báo Xuân Sài Gòn Mới và Phụ nữ Diễn Dàn của bà Bút Trà đưa cả hình của ái nữ là cô Kim Châu làm hình bìa vì cô cũng là một nhà văn được nhiều người mến mộ. Các dãy phố quanh chợ, các tiệm bazar như Tường Ký, Kim Chung, Dũ Long, Triều Hưng Lợi, Công Bình... ban đêm đốt đèn sáng rực.
Hàng hóa được trưng bày nào là áo lạnh, áo thêu, đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay, radio xách tay, đèn pin, viết máy, đèn ngủ, tượng thờ... Các tiệm bách hóa khác bán hàng hóa thông dụng hơn như Quãng Dũ Thành, Công Hưng treo những tranh in tứ thời trên giấy dài hay tranh cổ tích như Tấm Cám, Thạch Sanh Chém Chằng để các vùng quê người ta mua về dán trên vách đến khi vàng úa thì thay tranh khác. Ðồ trang hoàng trong những ngày Tết còn có những sợi bông giấy dúng như đờn accordéon tua tụi, nhiều màu kết cờ những nước trên thế giới để treo trên trần nhà. Những tiệm này còn bán cờ tướng, cờ cá ngựa, bộ bầu cua cá cọp, pháo v.v... Sang qua những tiệm chạp phô, hàng xén như Nghĩa Hưng Long của ông Ban Ngô Khương, La Xương Ký, Kê Ký, Chú Cấy thì quang cảnh còn nhộn nhịp hơn nữa, đậu xanh, đậu đen, đường thẻ, đường cát, bột mì, bột bán, bột khoai, bún tàu, hột dưa, chà là, mứt bí, mứt dừa đựng trong những thùng thiết, những bao bố tời để tận ra tới hàng ba.
Những tiệm chạp phô này thường là đại lý bổ hàng sỉ từ Chợ Lớn nên họ phải làm luôn việc phân phối về các chợ quận, quang cảnh thật tấp nập, kẻ ra người vào, cân đo đong đếm, vác lên xe hàng, chất lên xe ba bánh. Thật là chộn rộn, đông vui, háo hức! Người người chuẩn bị đón Xuân, nhà nhà lo ăn Tết! Những tiệm bánh, tiệm rượu như Hiệp Phong, Vĩnh Xương, Minh Lợi, Minh Phát, những tiệm trà như Vinh Phát hiệu con cua, Cẩm Ký hiệu con khỉ, bánh hộp, rượu ngoại quốc mắc tiền để đầy chật tủ.
Những tiệm radio và sau này có thêm truyền hình như Huỳnh Ðịnh Ký, Thanh Quang, Phục Hưng mở radio với âm thanh thật lớn phát những bản nhạc Xuân như Ly Rượu Mừng, Ðón Xuân, Câu Chuyện Ðầu Năm... khiến cho không khí càng thêm tết. Các tiệm vải như Tường Nguyên, Tín Nguyên, Lưỡng Phước, Lưu Nhuận Thái khách hàng chật tiệm để mua vải về may hay đem đến những tiệm may để cắt những bộ Âu phục vừa ý. Các tiệm may thật đắt khách, thợ may bận rộn suốt ngày, nhiều nơi phải đốt đèn sáng may đến một hai giờ khuya.
Nhiều tiệm may đến hai mươi tháng Chạp là từ chối không nhận đồ may nữa. Những tiệm may gần chợ là các tiệm Hồng Huỳnh, Kim Toàn, Minh Vân, Văn Minh... Trà Vinh cũng có hai, ba tiệm đóng giày tập trung gần ngã tư tiệm radio Huỳnh Ðịnh Ký, gần Tết các tiệm này rất đắt khách không thua gì các tiệm may. Sang đến các tiệm vàng, thường tập trung xung quanh chợ như các tiệm Ngọc Thành, Hiệp Thành, Phước Thành, Tín Thành, Thuận Quang, Kim Cương, Kim Huê, Việt Hưng... nữ trang làm sẵn bằng vàng 18 trưng bày trong những tủ kiến, rọi đèn vàng hực, trông rất lộng lẫy.
Người ta sắm nữ trang trước đeo ăn Tết, sau là làm của vì vàng rất dễ bán mỗi khi túng hụt cần tiền. Gần đến ngày Tết, khoảng 25 tháng Chạp trở đi các tiệm hớt tóc, uốn tóc rất đông khách vì ai cũng muốn có một mái tóc mới để đón mừng năm mới. Thường trong những ngày này hớt tóc cũng uốn tóc đều tăng giá nhưng không ai phàn nàn vì "một năm mới có một lần". Phố phường cận Tết người ta đi lại rất đông, trong các tiệm nước bán cà phê, hũ tíu cũng chật khách hàng. Những tiệm gần chợ là Túy Hương, Hớn Hồ, Lạc Viên, Vĩnh Lạc, ở bến xe đò là Ðông Mỹ, Vinh Lạc, Dân Chúng. Gần rạp hát là Hồng Lạc, xa hơn một đổi là Hồng Hoa Lệ. Buổi chiều các tiệc tất niên được tổ chức ở các nhà hàng như A Lý, Hương Lan, quán nhậu Lai Rai ở Tri Tân, xe gắn máy dựng chật đường và người ta ăn uống rất tưng bừng, náo nhiệt.
Trước bến xe đò là quán cơm Ban Mai, cơm bình dân nhưng nấu rất ngon, quân nhân, công chức độc thân thường ăn cơm tháng ở đây. Kế đó trước cửa Chùa Ông Bổn là một xe cháo trắng và những xe thịt phá lấu, bò viên, hương vị rất thơm ngon.


Chợ Tết Trà Vinh


BA ÐÊM CHỢ TẾT
Chợ đêm Tết luôn luôn nhóm 3 đêm, bắt đầu từ đêm 27, nếu năm nhuần không có 30 thì bắt đầu nhóm đêm 26. Trước ngày chợ đêm nhóm, nhà cầm quyền tỉnh đã cho vẽ những lằn vôi trắng ấn định chỗ bày hàng và lối đi cũng như giăng đèn ở phía ngoài nhà lồng chợ cho sáng sủa. Chợ Trà Vinh có 3 nhà lồng, nhà lồng phía trên gần bùng binh thì bán vải. Những sạp vải trong chợ cố định, ban đêm nếu không bán người ta cất vải dưới sạp, khóa lại. Những sạp vải hay những gian hàng bán tạp hóa, đường đậu, kim chỉ phía ngoài nhà lồng, ban đêm phải đẩy sạp về.
Nhà lồng thứ hai bán thịt, nơi đây có những thớt thịt đặt trên cao cho vừa tay người bán và mỗi thớt được ngăn cách bằng lưới sắt, có lẽ để ngăn ngừa trộm thịt. Chợ này cũng bán luôn thịt chín như thịt heo quay, vịt quay, lạp xưởng. Chợ cuối cùng gần bờ sông là chợ cá. Chợ cá thì trống rỗng, không có quầy hay sạp gì hết. Người bán đựng cá trong rổ hay thau nhôm và ban đêm chợ cá biến thành rạp chiếu bóng của ông Huỳnh Ðịnh Ký, lấy tôn dừng lại che kín bốn bề, cũng có ghế ngồi đàng hoàng.
Phim thì chiếu những phim cũ mà Sài Gòn đã chiếu trước đó cả năm. Phim Âu Mỹ, Tàu, Ấn Ðộ gì cũng có và cả phim Việt Nam như phim "Phật Thích Ca Ðắc Ðạo" với tài tử La Thoại Tân đóng vai Phật và phim "Lý Chân Tâm Anh Hùng...Cỡi Củi"! Du khách đến Trà Vinh thường thấy những băng ngồi xi măng đề chữ nhà thuốc Lâm Thành Ý tự Em Ba Ý đều muốn biết nhà thuốc này to lớn thể nào mà quảng cáo khắp Trà Vinh. Nhà thuốc không to lớn, đồ sộ như người ta tưởng mà chỉ là một căn phố lụp xụp bên hông chợ cá, bán đủ thứ hàng mà lại đốt đèn dầu leo lét vì không mắc điện!
Bên ngoài ba nhà lồng người ta bày bán đủ thứ nhưng cũng chia ra khu vực từng loại mặt hàng. Miếng đất tráng xi măng có nền cao gần các tiệm vàng là các xe hủ tíu, mì, cà phê, nước đá. Trước chợ ban ngày bán bông, trái cây, ban đêm bán đồ ăn như bánh mì thịt, xá xíu, phá lấu, kem, sâm bổ lượng, bánh giá, bánh bò, bánh tiêu, xà cháo quảy. Bên hông chợ ban ngày bán những món ăn hàng cho các bà nội trợ như bún, chè, cháo, bánh canh, xôi, bắp nấu. Ban đêm thì để trống nhưng trong 3 đêm chợ Tết thì nơi đây bán rau cải, gà vịt, bầu bí, khoai bắp. Sau nhà lồng bán thịt là nơi bán đồ đan bằng tre như rổ, thúng, nia, sàn, nôm cá, chiếu, chén bát và vật dụng nhà bếp.
Bên hông chợ cá trong những đêm chợ Tết là chợ dưa hấu vì gần bến sông. Dưa hấu Trà Vinh được trồng miệt Ba Ðộng, Long Toàn, trái tròn có vỏ màu xanh đậm, ruột đỏ, bón bằng khô cá nên rất ngọt. Dưa hấu được chở lên chợ Trà Vinh bằng ghe nên chợ dưa nằm gần bờ sông cho tiện bề chuyển vận. Dưa hấu là một thứ không thể thiếu trong ba ngày Tết để chưng cúng trên bàn thờ ông bà. Dù cho có nghèo không tiền sắm Tết, người ta cũng phải mua một cặp dưa hấu để trên bàn thờ.
Dọc bờ sông là chợ Bông, cũng giống như dưa hấu, bông cũng được chuyên chở bằng ghe. Thường bông được trồng ở xóm ngoài Vàm, cách chợ chỉ vài ba cây số nhưng cũng có những người trồng bông ở xa hơn, tận bên Cái Mơn Bến Tre. Chợ bông rất tấp nập vừa người mua cũng như người đi xem. Những tiệm buôn nhất là các tiệm vàng thường phải mua bông để trang hoàng cửa tiệm trong những ngày Tết. Hoa mắc nhất là những chậu Mai vàng nở đúng trong ngày Tết, kế đến là Thược dược, Cúc đại đóa có nhiều cánh, cây Tắc có những trái chín vàng, những cây Ớt kiểng đầy trái đỏ và rẻ nhất là bông giấy, bông Vạn thọ vì dễ trồng. Thanh niên đi học Sài gòn về ăn Tết hay đi từng nhóm với bạn bè, vừa xem hoa Tết cũng vừa ngắm những bông hoa biết nói các cô gái Trà Vinh. Sinh viên đại học đi học ở Sài Gòn thời ấy rất có giá, nhiều nhà giàu sẵn sàng gả con cho những người đã có Tú Tài đôi.
Chợ đêm rất đông vui, náo nhiệt nhất là những năm cho đốt pháo, tiếng pháo lẻ nổ đì đùng. Các cô gái giựt mình la oai oái còn các thanh niên nghịch ngợm vui cười thỏa thích. Người ta đi chợ suốt đêm, xe đò, xe lam 3 bánh chạy suốt sáng, chở người, chở hàng hóa từ các vùng quê lên chợ và ngược lại. Những năm trúng mùa lúa dân quê càng ăn Tết lớn, mua sắm càng nhiều.
Sáng 30 Tết quang cảnh đã có vẻ nhộn nhịp, hối hả. Xe chạy đầy đường và bóp chuông, bóp còi inh ỏi. Ai nấy đều hấp tấp muốn xong việc đang làm về nhà sớm để dọn dẹp nhà cửa, sân vườn chuẩn bị nghi thức Rước Ông Bà, Cúng Giao Thừa. Mười hai giờ trưa khi tiếng còi hụ phát ra từ Nhà Việc Làng Long Ðức là mọi người buôn bán trong chợ hối hả dọn dẹp hàng hóa để về nhà. Những thầy phú lít thổi tu hít đốc thúc bạn hàng phải dọn cho nhanh để nhân công hốt rác còn dọn dẹp. Rác thật là nhiều có luôn những rau cải, trái cây héo dập người bán bỏ lại ngoài chợ không muốn "chở củi về rừng".
Dưa hấu và bông Tết nếu còn thì bán giá rất rẻ. Nhiều người ít tiền chờ đến trưa 30 để mua đồ Tết cho rẻ. Có những năm hàng ít mà người mua đông, những người chờ đến giờ chót mới mua, đành xách giỏ không ra về! Phố xá người ta thu dọn, rữa nhà, rữa cửa và bày biện bông hoa, bánh mứt, rượu trà trên bàn. Ðến chiều đường phố vắng lặng, thỉnh thoảng vài tiếng pháo nổ đì đùng đâu đó. Ở bến xe đò, vài chuyến xe khách cuối năm đỗ khách xuống. Ðó là những người từ phương xa về ăn Tết muộn. Tay xách nách mang những túi quà để biếu người thân hay đôi khi chỉ là những ổ bánh mì làm quà cho lũ nhỏ. Ba giờ chiều, tiếng trống lân đã văng vẳng từ xóm Lò Heo. Hai ba đoàn lân xuất hành, dừng lại trước chùa Ông Bổn để lạy ba lạy rồi tới dinh Ông Chánh Tỉnh múa ra mắt, chúc Tết Tỉnh Trưởng sau đó trở về xóm Lò Heo. Buổi chiều 30 Tết là một buổi chiều đoàn tụ, những đứa con đi làm ăn xa đã trở về ngồi quanh bếp lửa nấu bánh tét. Dưới ánh lửa hồng ấm áp, ông bà, cha mẹ, con cháu hàn huyên những mẫu chuyện vui buồn trong năm, nhắc nhở những kỷ niệm gia đình ngày nào.


Bến sông chợ Trà Vinh


Giờ giao thừa đến, pháo nổ vang rền khắp mọi nơi, mùi trầm hương ngào ngạt khắp không gian. Trên bàn thờ gia tiên khói bay nghi ngút, người ta đang cúng giao thừa, rước hương linh ông bà, cha mẹ trở về ăn Tết. Giờ giao thừa cũng là thời khắc người ta tin rằng là giờ bàn giao giữa con vật cầm tinh cho năm cũ và năm mới. Sau khi cúng giao thừa xong, nhiều nhà giữ tục lệ đi chùa để cầu Trời Phật phù hộ cho năm mới an vui, may mắn. Những chùa như Phước Hòa trên đường Cây Dầu Lớn, Chùa Long Khánh mé sông gần chợ, chùa Lưỡng Xuyên ở Thanh Lệ, chùa Tịnh Ðộ ở Long Bình đông đảo người đến hái lộc, xin xâm cho đến gần sáng.
Sáng Mồng Một Tết quang cảnh phố xá vắng vẻ hơn ngày thường, chợ búa không nhóm, bến xe trống trải không một chiếc xe đò nào. Không khí thật yên tĩnh chỉ mùi nhang trầm tản mác khắp nơi. Lâu lâu một tràng pháo nổ giòn. Khi nắng đã lên người ta bắt đầu ra đường để đi chúc Tết, mừng tuổi lẫn nhau. Ai cũng mặc quần áo mới, giầy mới, guốc mới. Ngoài đường tiếng guốc khua trên mặt lộ nghe rộn rã.
Có những người quanh năm không mang guốc hay giày, bây giờ mang vào thấy đau chân nên tháo ra, xách trên tay đi cho thoải mái. Con nít xúng xính trong bộ đồ mới còn thẳng nếp dẫn nhau ra chợ mua đồ ăn sáng. Trong gia đình, con cháu mừng tuổi cha mẹ, ông bà. Mừng tuổi là dịp để con cháu biểu lộ sự vui mừng vì cha mẹ, ông bà được sống lâu. Ông bà, cha mẹ được con cháu mừng tuổi thì đáp lại bằng những món tiền mới đựng trong phong bao nhỏ màu đỏ gọi là "lì xì". Nhờ những món tiền lì xì này mà con cháu mới có dịp quây quần với nhau để chơi "bầu cua cá cọp" hay bài cào thật là vui nhộn suốt mấy ngày Tết.
Ông bà lấy sự quây quần, chơi đùa của con cháu làm niềm vui an ủi tuổi già. Ngoài đường người ta đi chúc Tết lẫn nhau, chúc Tết hàng xóm, láng giềng cho có vẻ xã giao, lịch sự mặc dù ngày thường vì cạnh tranh nghề nghiệp không ưa nhau. Người ta chúc Tết người làm ơn, giúp đỡ cho mình, chúc Tết bà con họ hàng vai vế lớn hơn. Dân chúc Tết quan, quan nhỏ chúc Tết quan lớn. Các ty sở trưởng mặc đồ lớn, thắt cà vạt, hẹn nhau vào chúc Tết quan Tỉnh Trưởng.
Các chùa người ta đi cúng bái, cầu xin phước lộc thật đông. Tiếng chuông mỏ, câu kinh, tiếng kệ hòa quyện với nhau như khúc nhạc trầm bổng. Nhà thờ giáo dân đi lễ Mừng tuổi Chúa lúc 8 giờ, sau đó ông Trùm đại diện giáo dân chúc Tết cha sở. Trưa một chút cha sở lại đi thăm và chúc tết những giáo hữu già cả, đau yếu. Nhà thờ Tin Lành trên đường Cây Dầu Lớn mặc dù tín hữu không đông lắm nhưng cũng tập trung nghe giảng và hát thánh ca cho đến trưa. Ngoài chợ khi mặt trời đứng bóng thì người ta đi rất đông. Các quán cà phê, nước đá, xe mì, hủ tíu đều chật người ngồi ăn có khi khách còn phải đứng chờ bàn trống. Gần các tiệm vàng, các sòng "bầu cua cá cọp" tụ tập trên vỉa hè ăn thua rất huyên náo.
Các đoàn lân đến từng hiệu tiệm để múa chúc mừng gia chủ đầu năm và được gia chủ treo món tiền thưởng bằng những tờ giấy bạc mới ở trên cao kèm theo vài cọng xà lách xanh. Lân phải trèo lên một thân tre lớn chắc chắn để lên ngoặm tiền trong lúc ông địa đứng phía dưới tay phe phẩy quạt và chỉ chỏ món tiền sợ lân không thấy. Lúc lân múa đến hồi cao điểm, gia chủ đốt vài tràng pháo, tiếng pháo nổ dòn tan khiến cho lân múa càng hăng đúng với câu: "Lân gặp pháo, Rồng gặp mây". Pháo tốt phải là pháo nổ tiếng lớn và dòn, không lép, xác pháo phải tan thành từng mảnh nhỏ với sắc hồng ngập cả sân nhà.
Rạp hát bóng ở đường số 1, gần ngỏ vô xóm Lò Heo, một ngày chiếu liên tục từ sáng đến khuya vẫn đầy rạp. Chiếu trong mấy ngày Tết không phải một phim mà 4, 5 phim xen kẽ với nhau. Nội dung phim nào khúc đầu cũng éo le, gây cấn, trái ngang nhưng đến hồi kết cục phải là một đoạn kết có hậu, oán trả ơn đền, trùng phùng hội ngộ thì mới đắt khách. Ngày đầu năm khán giả tin rằng xem những vở tuồng vui, "happy ending" thì mới hên và hạnh phúc suốt năm. Ngày Tết nhân dịp gia đình đoàn tụ, người ta cũng thường tới các tiệm chụp hình để chụp một bức ảnh gia đình làm kỷ niệm.
Các cô gái độc thân muốn ghi lại nét đẹp tuổi thanh xuân cũng đến tiệm chụp hình, chụp một bức chân dung để tặng bạn bè, dán trong tập "Lưu Bút Ngày Xanh" với những dòng lưu niệm thật thà, cảm động: ‘Thân nhau mới tặng ảnh này, dù cho ảnh có phai màu, xin đừng xé bỏ đau lòng bạn thân!’. Những tiệm chụp hình thường phía trước có một tủ kiếng chưng những hình mẫu với những người đẹp xứ Trà Vinh trong tư thế đứng ngồi đủ kiểu. Nào nét mặt u buồn với cặp mắt nhìn xa xăm. Nào miệng cười tươi như hoa mới nở. Kiểu nữ sinh, áo dài trắng, tay nghiêng nghiêng nón, tay e ấp ôm cập táp trước ngực. Kiểu thể thao, áo thun, quần sọt, tay cầm vợt tennis, chân mang... guốc cao gót đứng nghiêng nghiêng. Kiểu nghệ sĩ ôm đàn guitar mắt mơ huyền nhìn về một khung trời xa xăm nào đó..
Những tiệm chụp hình kể từ hướng Tri Tân trở ra chợ là các tiệm Tân Tân, Hoa Nam, Phương Dung, Mỹ Lai, Nam Việt và Anh Hà dưới nhà đèn. Người ta còn rủ nhau đi chơi Xuân nhất là những nhóm thanh niên, thiếu nữ. Từng nhóm đi xe đạp, cỡi xe gắn máy hay bao xe lam để lên Ao Bà Om chụp hình, ăn mía, ăn bún nước lèo. Lên Càng Long viếng chùa Nguyễn Văn Hảo, vô chợ Vũng Liêm ăn bún nem chua. Khách du Xuân còn đi vườn dừa Thanh Lệ hay ra Vàm Trà Vinh hóng gió mát, đi Bến Ðáy, Ba Ðộng tắm biển, mua dưa hấu, đuông chà là...
Chiều tối trở về nhà, nếu ngán những món ăn hàng quán thì nhà nào trên bếp cũng đầy món ăn như thịt kho nước dừa ăn với dưa giá, dưa cải. Canh xà bần cải nấu với giò heo, lòng heo. Ngoài ra còn bánh tét nhưn chuối, nhưn đậu, bánh ít nhưn đậu, nhưn dừa: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Người dân Trà Vinh ăn Tết như vậy suốt 3 ngày. Sáng Mùng Bốn Tết chợ bắt đầu nhóm trở lại nhưng rất lưa thưa cho đến trưa thì cũng tan chợ vì người ta vẫn còn ăn Tết. Nhiều người ăn Tết kéo dài cho đến hết Mùng Mười hoặc ăn luôn nguyên tháng cho đúng câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, Tháng Hai trồng đậu, tháng ba trồng cà...”

Căn phố số 43 Võ Thị Sáu (bên trái tiệm Kim Hưng) nơi tác giả sinh ra và thời thơ ấu (Ảnh chụp khi tác giả về thăm lại Trà Vinh lần đầu 1994, nay đã thay đổi)

Những cái Tết Trà Vinh ngày trước, bây giờ đều trở thành kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng quý báu và càng quý hơn nữa đối với những người Trà Vinh xa xứ, vì vận nước phải ra đi sinh sống xứ người. Nay ăn Tết ở hải ngoại, nơi đây cũng đủ hết không thiếu món gì nhưng tất cả dường như nhạt nhẽo, không hương vị, thiếu vắng một cái gì đó. Có lẽ thiếu tình nước, tình quê đã bao năm ấp ủ chúng ta từ ngày còn nằm võng đong đưa kẻo kẹt trong những trưa hè. Nhắc lại những kỷ niệm, những hình bóng quê nhà với tâm tình cùng đồng hương giữ thơm quê mẹ. Nhắn gởi lại thế hệ con em rằng quê hương Trà Vinh là một nơi chốn rất đẹp, người dân rất chân tình, mộc mạc. Dù có nổi trôi chân trời góc biển nào, dù có nói bằng ngôn ngữ nào, đã gốc Trà Vinh thì Trà Vinh vẫn đợi chúng ta về…


TRỊNH HẢO TÂM
(Trích Giai Phẩm Người Việt Xuân Nhâm Thìn 2012)






Ao Bà Om một thắng cảnh của Trà Vinh

Tuesday, December 27, 2011

PHÓNG SỰ
MUỐN THƯ GIÃN TA ĐI “FOOT MASSAGE”

Vài năm gần đây (khoảng năm 2007) ở các thành phố phía Đông Los Angeles nơi có đông người Hoa sinh sống như Monterey Park, Rosemead, San Gabriel và cả khu Little Saigon người ta thấy phong trào mở cửa tiệm dịch vụ “Foot Massage” tức đấm bóp chân nở rộ. Những đèn néon quảng cáo màu đỏ, màu hồng với hàng chữ “FOOT MASSAGE” hay văn vẻ khoa học hơn là “FOOT REFLEXOLOGY” rực rỡ bên ngoài các cửa tiệm đập vào mắt khách hàng mua sắm hay đi ăn uống trong các khu thương mại. Nhiều nơi còn có trưng thêm một tấm hình cơ thể con người với nhiều huyệt đạo dưới bàn chân có đường dây dẫn lên các cơ quan trong cơ thể con người.

“Foot Massage” là gì? Dịch vụ hoạt động như thế nào phía sau cánh cửa đóng im lìm đó? Luật lệ của cơ quan y tế sức khoẻ, tóc tai thẩm mỹ, nhân công lao động của chính quyền Hoa Kỳ đòi hỏi những điều kiện nào để mở và kinh doanh một cơ sở “Foot Massage”? “Foot Massage” có thực sự đem lại sức khoẻ, ngăn ngừa bệnh tật hay còn có một hình thức trá hình nào khác? Với những thắc mắc đó, người viết đi thực tế tìm hiểu dịch vụ Foot Massage đang nở rộ hầu cung ứng cho độc giả Vietbeauty những hiểu biết về ngành kinh doanh này. Có đắt khách, hốt bạc dễ dàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ đó mới mọc lên như nấm. Nội thành phố San Gabriel có gần 100 cơ sở như vậy, khu Westminster ở Little Saigon cũng khoảng 30 tiệm.

BÊN TRONG DỊCH VỤ FOOT MASSAGE

Với bảng chữ đỏ và kèm theo chữ đèn néon “OPEN”, mở cửa bước vào bên trong một tiệm “Foot Massage” trên tầng lầu trong một khu thương mại trên đường Bolsa ở thành phố Westminster thuộc miền Nam California. Ánh sáng bên trong mờ ảo bằng những ngọn đèn nhỏ trên vách mờ tỏ, không khí mát lạnh với hệ thống điều hòa và âm thanh dìu dặt của một điệu nhạc ngoại quốc quen thuộc không lời. Người đứng ở quày thu ngân là một phụ nữ người Việt cho biết giá tiền 15$ một giờ và sẽ trả tiền sau. Mắt lần lần quen với bóng tối, tôi thấy bên trong tiệm gồm 2 hàng ghế bành có đồ gác tay (armchairs) bằng nhựa vinyl giả da màu đen, mỗi cái có một ghế con “Ottoman” kèm bên. Kỹ thuật viên xoa bóp khoảng 10 người đều là người Trung Quốc nam có, nữ có độ tuổi 3, 40 ăn mặc áo shirt, quần tây bình thuờng chứ không có đồng phục kiểu thợ tóc hay y tá. Một số bận làm cho khách hàng đang thư giãn trên ghế bành, mắt lim dim như ngủ không cần chú ý đến người lạ mới vừa vào. Không khí hoàn toàn im lặng ngoại trừ tiếng nhạc nhẹ phát ra từ 2 loa nhỏ trên vách. Nơi quày thu ngân thấy có niêm yết một mảnh giấy bằng tiếng Anh “Xin giữ yên lặng” nhưng thỉnh thoảng vẫn có tiếng điện thoại cầm tay của khách hàng réo lên bằng những điệu nhạc, sau đó khách ngồi lên nhiều người oang oang trả lời điện thoại như ở nhà mình.

Kỹ thuật viên làm cho tôi là một phụ nữ ngoài 40 người có da thịt mái tóc cắt ngắn, vui tính, chắc khách tuổi nào thì lựa người làm độ tuổi đó cho mạnh nhẹ vừa tay. Cô thợ bưng ra một thùng bằng gỗ ghép lót túi nhựa ny lon bên trong chứa một thứ nước màu nâu như trà Tàu thoang thoảng mùi loại lá cây gì đó mà cô thu ngân nói là…dược thảo trồng ở Trung Quốc! Tôi ngồi trên ghế con Ottoman và vén ống quần lên bỏ một chân vào thùng gỗ có nước đen trà Tàu bốc khói đó. Nước qúa nóng sợ phỏng da nên tôi rút vội chân ra. Cô kỹ thuật viên thấy vậy mới vào trong lấy nước lạnh pha vào. Tôi từ từ nhẹ nhàng đưa một chân rồi thấy được, nhắm mắt đưa luôn chân kia vào thùng dược thảo. Không biết nước dược thảo này có bị dùng lại hay không? Chậu spa ngâm chân trong tiệm Nail có vết xanh rong một chút là bị phạt, còn ở đây chậu bằng gỗ không biết có ai kiểm soát không? Nhưng đỡ là nước dược thảo chứa trong bao nhựa nên mỗi lần dùng xong bao được quăng đi nên không có vấn đề đóng rong hay chứa những loại vi trùng (bacteria).

Trong lúc ngồi ngâm chân thì cô kỹ thuật viên ấn huyệt trên đỉnh đầu và massage cổ và vai. Cô ta hỏi “Are you…OK?” có ý hỏi là tôi muốn làm mạnh tay hay nhẹ tay hơn? Cô thoa vaseline lên vai tôi và dùng khũy tay (cùi chõ) ấn mạnh và trượt lên trên đó làm cho bắp thịt nối vai với cổ thư giãn mềm mại ra thì máu mới lưu thông được xuống phía dưới của cơ thể. Sau khi ngâm chân khoảng 15 phút thì cô dẹp thùng nước, dùng khăn lau khô chân và ra dấu cho tôi nằm ngữa trên ghế bành, đắp một khăn lông lớn trên người tôi vì tôi đang ở trần, quên thưa với độc giả là đã cởi áo ra đưa cho cô máng trên móc. Theo tôi đi massage là phải trần trụi như vậy mới thật thư giãn. Cô tiếp tục bóp và ấn phần hai cánh tay, bàn tay và xuống tới hai chân. Phần bàn chân làm khá kỹ luỡng, nhất là bấm huyệt dưới lòng bàn chân rất mạnh bằng hai ngón tay cái khiến tôi đau thốn nhưng không dám kêu vì nghĩ rằng “có đau mới đã tật”. Người Trung Hoa quan niệm rằng dưới gang bàn chân là nơi hội tụ phần cuối cùng của những thần kinh dẫn lên cơ thể, ảnh hưởng đến từng cơ quan nội tạng bên trên. Có ấn mạnh mới đã thông huyệt đạo dẫn lên các cơ quan lục phủ ngũ tạng trong cơ thể mình.

Xong màn bấm huyệt bàn chân, cô ta xoa bóp đầu gối là nơi người lớn tuổi thường bị đau, tới khi đưa tay lên qúa đó một chút là bắp đùi non thì nhột nhạt vô cùng nhưng tôi cũng ráng gồng mình chịu trận. Cô rất khỏe cầm chân tôi kéo dãn ra rồi ép trở vào vài lần cho khớp xương đầu gối hoạt động trơn tru. Sau đó nằm sấp trên ghế, úp mặt vào lỗ thông hơi có lót một miếng giấy cho vệ sinh và cô kỹ thuật viên xoa bóp tới phần lưng. Phần này cũng gồm ấn, bóp và cuối cùng là đấm và kỹ thuật viên báo cho biết công việc đã xong bằng tiếng “OK?”. Sau đó là lấy một ly trà nóng hay nước lạnh tùy theo sở thích của khách.

Về giá cả, trước đây vài năm khi dịch vụ Foot Massage mới bắt đầu ở khu người Việt thì giá 1 giờ là 30$, sau đó xuống 25$ rồi 20$ và hiện nay nhiều nơi đại hạ giá còn 15$. Với giá như vậy massage vốn là dịch vụ sang trọng xa hoa dành cho người giàu có, nay là một môn thư giãn ai cũng có thể thưởng thức được. Với giá hạ như vậy nên nhiều nơi đề bảng đề nghị tiền thưởng cho thợ là “Minimum Tip 5$ Cash Please”. Nhân viên làm cho dịch vụ Foot Massage toàn là người Trung Quốc, nam nữ đều có với tỷ lệ ngang nhau và không có người nước khác ngay cả như Đài Loan, Hồng Kông đều không thấy. Hồi dịch vụ mới mở với giá còn cao, vài nơi có nhân viên người Việt đa số là đàn ông lớn tuổi nhưng nay không còn thấy nữa. Về khách hàng đến thưởng thức dịch vụ Massage nam cũng như nữ đều có và tuổi khoảng 40 trở lên, nhiều cụ bà khi đến còn rủ theo những bà bạn khác cùng đi cho vui. Khách hàng ở khu Việt thường là người Việt và ở vùng Rosemead là người Hoa nhưng thỉnh thoảng cũng có nhiều người Mỹ đến nhất là những cửa tiệm mới khai trương câu khách bằng những phiếu giãm giá (coupon) xuống còn 10$ cho 1 giờ. Nhiều tiệm hấp dẫn khách hàng bằng cách đề giá thật lớn là “10$ 1 HOUR FOOT MASSAGE ONLY”, khách không hiểu đi vào và chỉ được phục vụ 2 chân mà thôi với giá 10$ còn muốn làm cả thân thể cũng phải trả 15$. Nhiều cửa tiệm sang hơn có phòng riêng cửa kính đục máy lạnh mát mẽ cho dịch vụ “Body Massage VIP” với giá 45$ 1 giờ và 30$ nửa giờ. Khách ở đây được mặc bộ đồ ngủ “pijama” mỏng rất thoải mái nằm trên giường cao trải nệm trắng như trong phòng…mổ. Ngoài việc đấm bóp (nhưng không có ngâm chân trong…dược thảo) thuần túy, dịch vụ VIP này cũng không có gì đặc biệt..”tươi mát” xa hơn ngoài các việc đấm và bóp. Đó là những nơi tôi đi qua ở miền Nam California trong các vùng chợ Việt, phố Tàu còn các nơi xa hơn như Sunset Boulevard ở Holywood, người viết có tới cũng không dám viết và có viết sợ Lá Thư Công Chánh cũng không dám…đăng vì sợ các cụ đau tim!

LUẬT LỆ CHO DỊCH VỤ FOOT MASSAGE

Được biết cho tới thời điểm hiện nay (Tháng 6/2010) dịch vụ Foot Massage là một ngành kinh doanh còn qúa mới mẻ, luật lệ quận hạt (county), tiểu bang chưa có luật lệ hay “Ordinance” rõ ràng nào áp dụng cho ngành phục vụ sức khỏe này. Khi đã làm đơn xin giấy phép hành nghề thương mại (Business License) và đóng lệ phí hàng năm cho chính quyền thành phố (City) là có quyền mở dịch vụ Foot Massage. Thành phố cho rằng mở cơ sở thương mại là một chuyện, còn tuân thủ các luật lệ về ngành chuyên môn của mình là chuyện khác, thành phố không can dự. Trong số báo Los Angeles Times ngày 19 Tháng 7, 2008 ký giả David Pierson qua bản tin tựa đề “It’s the heavy heel of the law” cho biết cách nay vài tuần nhân viên điều tra đến lục soát khoảng một chục tiệm Foot Massage từ San Gabriel đến Rowland Heights và phạt nhiều nơi lên đến 1,000$ về nhân viên hành nghề không có bằng (licenses) của cơ quan Board of Barbaring and Cosmetology (Hội Đồng Ngành Thẫm Mỹ California). Nhân viên của Sở Cảnh Sát Quận Los Angeles (L.A. County Sheriff’s Department) nói là những nơi này trả lương nhân viên dưới mức lương tối thiểu cũng như không mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên, không có giờ nghỉ ăn trưa, không trả lương “over time” khi làm thêm giờ. Sau đó các cơ sở Foot Massage thành lập một nghiệp đoàn và muớn luật sư khiếu nại lên tòa án.

Theo bản tin hãng AP do ký giả John Rogers đưa tin ngày 26 Tháng 3, 2009: Ông Ching Lau hiện thành lập nghiệp đoàn American Association of Reflexology and Foot Massage là chủ nhân hơn 20 tiệm Foot Massage ở San Gabriel nói rằng không phải chỉ thuần túy thương mại mà ông có sứ mạng quảng bá một nghệ thuật Trung Hoa cổ truyền có hàng trăm năm nay đó là ngâm chân vào chậu nước nóng rồi dùng kỹ thuật bấm huyệt, ấn mạnh, kích thích vào trong lòng bàn chân là cả một nghệ thuật làm tốt sức khoẻ. Dưới lòng bàn chân có nhiều huyệt đạo ảnh hưởng tới tất cả lục phủ, ngũ tạng con người, các cơ quan như tim, thận, gan, phổi khi ta kích thích dưới bàn chân sẽ truyền qua dây thần kinh lên các cơ quan bên trên khiến các cơ quan này hoạt động điều hòa hơn, tăng cường sức miễn nhiểm, tránh được nhiều bệnh tật do môi trường độc hại, do tuổi tác kể cả ngăn ngừa những chứng ung thư. Ngày trước ông ta tới San Gabriel thành phố 27,000 dân chỉ có một cơ sở “Foot Massage” nay đến 27 tiệm và 100 tiệm khác ở các thành phố lân cận. Nơi đây rất đông dân Á Châu nhưng không phải dân Á Châu mới biết sự ích lợi của “Foot Massage” mà cả người Mỹ bản xứ bây giờ cũng biết. Ngày tôi mới mở tiệm chỉ có một vài khách người Mỹ nhưng bây giờ rất đông chẳng hạn như đêm qua bà Michelle Monroe một khách hàng quen vội vã bước vào tiệm Natural Herbal Treatment Spa hớt ha loan báo: “Bọn tôi hôm nay tới 8 người!”. Khi các tiệm ăn, thương xá đóng cửa là lúc những người khách mệt mỏi vì ngồi cả ngày trước máy vi tính tìm đến cơ sở của ông để thư giãn, để nghĩ ngơi cả tâm hồn cũng như thể xác, để hưởng thụ những giờ phút cuối cùng trong ngày. Trong không gian yên tịnh, không khí mát mẻ ngoài tiếng nhạc dìu dặt người ta chỉ nghe tiếng rên khẽ “ohh…hing” hay “ahh…hing” cũng như tiếng tẩm quất “slap-slap-slap” do những bàn tay kinh nghiệm của các kỹ thuật viên trong áo khoát kiểu võ công đánh mạnh vào lòng bàn chân khách hàng. Vì lợi ích qúa tuyệt vời của nghệ thuật cổ truyền này nên tôi hạ giá xuống 15$ một xuất để khách người Mỹ dễ dàng tới chỉ bằng ¼ giá trước kia khi mới mở. Với giá này những kỹ thuật viên của tôi mới đến từ Trung Quốc được 10$ cộng với tiền tip của khách hàng. Chúng tôi vừa thành lập nghiệp đoàn “Foot Massage” để vận động các vị dân cử soạn thảo và ban hành các quy chế cho các cơ sở kinh doanh “Foot Massage” cũng như chương trình huấn luyện các kỹ thuật viên thật chuyên nghiệp. Ông Lau hy vọng rằng California sẽ là thí điểm gương mẫu cho các tiểu bang khác mà ông đang sửa soạn bành trướng ra khắp nước Mỹ. Ông mới mở nhiều tiệm ở Atlanta, Indianapolis và Las Vegas. Ông cho biết 9 năm trước ông tới nước Mỹ đã từng là người trao đổi thương mại thì bây giờ ông tiếp tục vẫn là người trao đổi thương mại cũng như trao đổi nghệ thuật văn hóa Trung Hoa đến dân chúng Hoa Kỳ.

Đến nay vụ kiện tụng giữa nghiệp đoàn Cơ Sở Foot Massage và Hội Đồng Thẫm Mỹ Tiểu Bang California vẫn chưa kết thúc. Các tiệm Foot Massage vẫn hoạt động bình thường, những tiệm với giá hạ 15$ một giờ vẫn đông khách. Foot Massage vẫn mang lại những giờ phút thư giãn, thoải mái đến khách hàng, giúp giãm bớt căng thẳng cho những người vất vả thể xác và tinh thần trong cuộc sống giữa thời kỳ kinh tế khó khăn.

TRỊNH HẢO TÂM
Đã xuất bản 8 quyển sách ký sự du lịch: Việt Nam, Miền Tây Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đông Âu, Tây Âu, Miền Đông Nước Mỹ và Canada, Hành Hương Do Thái và Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan. Độc giả thích du lịch liên lạc ĐT 714-528-1413 Email: trinhhaotam@hotmail.com

Tuesday, December 20, 2011



SÁCH DU LỊCH TRỊNH HẢO TÂM Ở CÁC THƯ VIỆN TRÊN THẾ GIỚI

Qúy bạn đọc có thể tìm đọc những sách của Trịnh Hảo Tâm ở các thư viện sau đây:

1. Quyển “TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VIỆT NAM”:

- Darebin Libraries, Preston Library, PRESTON, AU-VI 3072 AUSTRALIA
- Moreland City Library, BRUNSWICK VIC, 3056 AUSTRALIA
- Yarra-Melbourn Regional Library, MITCHAM, VIC 3132 AUSTRALIA
- Hobson’s Bay Libraries, AUSTRALIA
- Springvale, AU-VI 3171 AUSTRALIA

Tham khảo vào trang nhà: http://www.worldcat.org/title/tren-nhng-neo-ng-viet-nam-ky-s-du-lich/oclc/224540596
(Highline, Copy, Paste)

2. Quyển “MIỀN TÂY HOA KỲ”:

- Pomona Public Library, POMONA, CALIFORNIA 91769 USA
- Santa Ana Public Library, SANTA ANA, CALIFORNIA 92701 USA
- San Jose Public Library, SAN JOSE, CALIFORNIA 95112 USA
- Oakland Public Library, OAKLAND, CALIFORNIA 94612 USA
- San Francisco Public Library, SAN FRANCISCO, CALIFORNIA 94102 USA
- Multnomah County Library System, PORTLAND, OREGON 97212 USA
- King County Library System, ISSAQUAH, WASHINGTON 98027 USA
- Harris County Public Library, HOUSTON, TEXAS 77054 USA
- Saint Louis Public Library, ST LOUIS, MISSOURI 63103 USA
- Indianapolis-Marion County Public Library, INDIANAPOLIS, INDIANA 46206 USA
- Toronto Public Library, TORONTO, ONTARIO M4W 2G8 CANADA
- Cornell University Library, ITHACA, NEW YORK 14853 USA
- Fairfax County Public Library, CHANTILLY, VIRGINIA 20151 USA
- Harward University, Harward-Yenching Library, CAMBRIDGE, MASSACHUSETTS 02138 USA
- Melbourne Library Service, City Library, MELBOURNE, AU-VI 3000 AUSTRALIA
- Yarra-Melbourne Regional Library, MITCHAM, VIC 3132 AUSTRALIA

Tham khảo vào trang nhà: http://www.worldcat.org/title/ky-s-du-lich-mien-tay-hoa-ky/oclc/224782063

3. Quyển “KÝ SỰ DU LỊCH TRUNG QUỐC”:

- San Jose Public Library, SAN JOSE, CALIFORNIA 95112 USA
- Harris County Public Library, HOUSTON, TEXAS 77054 USA
- Hobson’s Bay Libraries, AUSTRALIA
- Springvale Library and Information Service, SPRINGVALE, AU-VI 3171 AUSTRALIA

Tham khảo vào trang nhà: http://www.worldcat.org/title/ky-s-du-lich-trung-quoc/oclc/224947090

4. Quyển “MÙA THU ĐÔNG ÂU”:

- San Jose Public Library, SAN JOSE, CALIFORNIA 95112 USA
- Santa Clara City Library, SANTA CLARA, CALIFORNIA 95051 USA
- San Francisco Public Library, SAN FRANCISCO, CALIFORNIA 94102 USA
- Sacramento Public Library, SACRAMENTO, CALIFORNIA 95814 USA
- Multnomah County Library System, PORTLAND, OREGON 97212 USA
- Washington County Cooperative Library Services (WCCLS), HILLBORO, OREGON 97124 USA
- Edmonton Public Library, EDMONTON, AB T5J 2V4 CANADA
- Houston Public Library, HOUSTON, TEXAS 77002 USA
- Saint Louis Public Library, ST LOUIS, MISSOURI 63103 USA
- Yarra-Melbourne Regional Library, MITCHAM, VIC 3132 AUSTRALIA
- Brimbank Library and Information Service, AUSTRALIA
- Moonee Valley Library Service, NIDDRIE, AU-VI 3042 AUSTRALIA

Tham khảo vào trang nhà: http://www.worldcat.org/title/ky-s-du-lich-mua-thu-ong-au/oclc/190860336

5. Quyển “TÂY ÂU CỔ KÍNH”:

- Santa Ana Public Library, SANTA ANA, CALIFORNIA 92701 USA
- Phoenix Public Library, PHOENIX, ARIZONA 85004 USA
- Multnomah County Library System, PORTLAND, OREGON 97212 USA
- Seattle Public Library, SEATTLE, WASHINGTON 98201 USA
- Everett Public Library, EVERETT, WASHINGTON 98201 USA
- Lewisville Public Library, LEWISVILLE, TEXAS 75029 USA
- Saint Louis Public Library, ST LOUIS, MISSOURI 63103 USA
- Charlotte Mecklenburg County Pulic Library, CHARLOTTE, NORTH CAROLINA 28202 USA
- Yarra-Melbourne Regional Library, MITCHAM, VIC 3132 AUSTRALIA
- Brimbank Library and Information Service, AUSTRALIA
- Moonee Valley Library Service, NIDDRIE, AU-VI 3042 AUSTRALIA
- Springvale Library and Information Service, SPRINGVALE, AU-VI 3171 AUSTRALIA

Tham khảo vào trang nhà: http://www.worldcat.org/title/ky-s-du-lich-tay-au-co-kinh/oclc/463302394?referer=list_view

6. Quyển “MIỀN ĐÔNG NƯỚC MỸ VÀ CANADA”:

- San Jose Public Library, SAN JOSE, CALIFORNIA 95112 USA
- San Francisco Public Library, SAN FRANCISCO, CALIFORNIA 94102 USA
- Multnomah County Library System, PORTLAND, OREGON 97212 USA
- Harris County Public Library, HOUSTON, TEXAS 77054 USA
- Toronto Public Library, TORONTO, ONTARIO M4W 2G8 CANADA
- Campbelltown City Library, CAMPBELLTOWN, AU-NS 2560 AUSTRALIA
- Canterbury City Library, CAMPSIE AU-NS 2194 AUSTRALIA
- Marrickville Library, MARRICKVILLE, AU-NS 2204 AUSTRALIA
- Yarra-Melbourne Regional Library, MITCHAM, VIC 3132 AUSTRALIA
- Moonee Valley Library Service, NIDDRIE, AU-VI 3042 AUSTRALIA
- Springvale Library and Information Service, SPRINGVALE, AU-VI 3171 AUSTRALIA

Tham khảo vào trang nhà: http://www.worldcat.org/title/ky-s-du-lich-mien-ong-nc-my-va-canada/oclc/657525792

7. Quyển “HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA DO THÁI”:
- San Jose Public Library, SAN JOSE, CALIFORNIA 95112 USA
- Canterbury City Library, CAMPSIE AU-NS 2194 AUSTRALIA
- Moonee Valley Library Service, NIDDRIE, AU-VI 3042 AUSTRALIA

Tham khảo vào trang nhà: http://www.worldcat.org/title/hanh-hng-thanh-ia-do-thai-ky-s-du-khao/oclc/700979614

Thật ra không hề biết các sách của mình được các thư viện mua và lưu trữ, tình cờ vào Google đánh tên mình rồi lục ở “Book” mới phát hiện ra. Ngoài ra những độc giả dùng Iphone còn có thể Scan cái Barcode để đọc các sách của Trịnh Hảo Tâm (cái này mới qúa sẽ tìm hiểu sau).

Saturday, December 10, 2011







ĐÓN GIAO THỪA DƯƠNG LỊCH Ở
THÁP EIFFEL PARIS PHÁP
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM

Paris là nơi trên thế giới chào đón giờ phút bước sang năm mới một cách tưng bừng và nhiều màu sắc nhất. Bữa tiệc đêm cuối năm rất thịnh soạn với người thân trong gia đình và bằng hữu bạn bè bao giờ cũng có rượu Champagne. Giờ phút bước sang năm mới vừa điểm người ta nâng ly Champagne chúc mừng nhau “Bonne Anné” và những đôi vợ chồng, những cặp tình nhân ôm nhau hôn thắm thiết, bạn bè trao đổi nhau những nụ hôn “bises” nhẹ nhàng lên đôi má..

Đêm giao thừa ở thành phố Paris là một đêm hoa đăng đèn màu rực rỡ mọi nơi, dù thời tiết giá lạnh nhưng người ta đổ xô ra đường như đi trẩy hội. Khắp thành phố Paris được mệnh danh là thành phố ánh sáng, đêm cuối năm dương lịch người ta tiễn đưa năm cũ bằng những cuộc vui ngoài đường phố nhất là tại những địa điểm thắng cảnh du lịch ở những nơi như sau:

CÔNG TRƯỜNG NHÀ THỜ THÁNH TÂM

Tức “The Sacre Coeur Cathedral Plaza” trên đồi Montmartre ở hướng Đông Bắc thành phố. Từ chiều người ta đã tập trung ở khoảng sân rộng trước nhà thờ và ngồi trên những bậc thềm dẫn lên nhà thờ. Nơi đây trên đồi cao có thể nhìn thấy khắp thành phố, may mắn nếu đêm cuối năm trời trong quang đãng có thể thấy pháo hoa bắn lên trên bầu trời Paris. Đông nhất trên đồi nhà thờ Montmartre là giới trẻ họ đàn ca nhảy múa, hóa trang và ném những hoa giấy vụn confetti, tặng nhau những gói papilllottes bên trong có chocolat hay những gói confections khi mở giấy ra sẽ nổ dòn như pháo chuột. Người ta còn đốt pháo nổ từng tràng hay chơi pháo hoa vì pháo được bán và được đốt hợp pháp ở Paris và uống bia, champagne hoặc nước táo sủi bọt (sparkling apple cider). Càng về khuya không khí càng sôi động, đám đông cùng nhau khiêu vũ ngoài trời với giàn nhạc từ các nghệ nhân hè phố, tiếng trống tabor, kèn saxco, đàn guitar và accordéon. Đồi Montmartre xưa kia là khu dân lao động nhưng từ khi nhà thờ xây xong vào năm 1914 trở thành khu nghệ sĩ với nhiều họa sĩ về đây sinh sống và mở phòng tranh. Dưới dốc đồi Montmartre là khu Pigalle với nhiều hộp đêm, quán rượu và là khu đèn đỏ ăn chơi của Paris. Đêm cuối năm các quán ăn, tiệm rượu ở đây không còn một bàn trống, nhiều người phải gọi đặt chỗ trước.

ĐẠI LỘ CHAMPS ÉLYSÉES

Đại lộ Champs Élysées là con đường rộng lớn nối liền quảng trường Concorde đến Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) là nơi cử hành cuộc duyệt binh trong dịp Lễ Quốc Khánh Pháp 14 Tháng 7. Là nơi dân chúng Paris tập trung đông nhất để vui chơi, uống champagne và chờ đón giờ phút giao thừa. Chín giờ tối đêm cuối năm dòng người lũ lượt trên đại lộ được giăng đèn kết hoa rực rỡ trên những cây cao dọc theo hai bên đường trở thành những hàng cây Giáng Sinh màu sắc lung linh sinh động. Mọi người đều mang theo những chai rượu Champagne, rượu vang trắng chờ để bật nấp cho nổ vang và kèn plastic để thổi lên vào giờ khắc bước sang năm mới. Nơi đây nhìn thấy tháp Eiffel rất rõ với đèn đuốc huy hoàng thắp sáng trên ngọn tháp. Đám đông tập trung nơi đây vui chơi nhảy nhót cho gần đến sáng. Mặc dù giới trẻ ở đây đa số là “bon enfant” (good child) ngoan hiền nhưng đón giao thừa ở đây du khách cẩn thận với bóp ví mang theo vì lẫn lộn những thành phần móc túi cắp vặt.



THÁP EIFFEL

Dưới tháp Eiffel là dãy công viên rộng lớn trong dịp cuối năm người ta tổ chức hội chợ với nhiều trò chơi vòng quay cơ giới tại đây. Tháp Eiffel trong mùa Giáng Sinh bắt đầu từ Tháng Chạp cho đến hết Tháng Giêng được trang hoàng thiết trí hệ thống đèn màu lung linh tráng lệ. Từ dưới chân tháp cho đến ngọn được chiếu sáng bằng những giàn đèn khổng lồ còn có hàng chục ngàn đèn màu và hàng vạn đèn lóe những tia sáng như pháo hoa nhấp nháy liên tục trên suốt ngọn tháp. Trên đỉnh cao nhất tháp là những ngọn đèn pha như ngọn hải đăng quét những tia sáng cực mạnh lên bầu trời đêm. Hệ thống đèn chiếu sáng trong dịp lễ cuối năm tốn kém nhất trên thế giới và được thiết kế bằng vi tinh tối tân nhất. Người ta đến đây vui chơi, ăn uống trong những hàng quán hội chợ và chờ đợi giờ phút giao thừa để chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và hôn những nụ hôn nồng thắm. Khi gần tới phút giao thừa, tiếng nhạc ngừng đọng nhường lời cho xướng ngôn viên đếm ngược (count down). Phút giao thừa điểm bằng tiếng pháo bông nổ đùng được bắn lên bầu trời từ công viên dưới chân tháp. Tiếp theo đó hàng chục trái pháo hoa được bắn lên liên tục thắp sáng khắp bầu trời, người ta reo hò, vỗ tay, đốt pháo, khui Champagne, chúc tụng nhau hoà lẫn trong tiếng nhạc bài “Auld Lang Syne” phổ từ bài thơ của Robert Burns người Scotland thường được hát trong phút giao thừa đón năm mới. Cũng như ở đại lộ Champs Élysées dòng người trẫy hội ở đây vui chơi gần đến 3 giờ sáng mới tản mác về nhà, đa số là dân Paris số người khác là du khách phương xa về. Du khách từng tham dự lễ hội giao thừa tại tháp Eiffel đều có một kỷ niệm đẹp về nước Pháp cũng như người dân Paris niềm nỡ và thân thiện.

Tháp Eiffel một công trình kiến trúc đồ sộ và vững chắc nhưng không kém vẻ mỹ quan nghệ thuật, là niềm hãnh diện tự hào của người Pháp. Nhân dịp này chúng ta cũng nên tìm hiểu khái quát về nguồn gốc lịch sử của ngọn tháp được dùng làm biểu tượng cho nước Pháp.

Tháp lấy tên của người thiết kế và xây dựng nó là Gustave Eiffel (1832-1923) một kỹ sư người Pháp chuyên môn trong ngành cấu trúc bằng kim loại (metallic structures), ông có xây dựng nhiều công trình như cấu trúc bên trong tượng Nữ Thần Tự Do ở New York, kinh đào Panama và nhiều cây cầu trên thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam hai cây cầu danh tiếng đều do ông xây là cầu Long Biên (1903) ở Hà Nội và cầu Tràng Tiền ở Huế. Tháp Eiffel cao 300 m, nếu tính luôn cây antenna (24 m) cao tổng cộng là 324 m (1,063 ft) là kiến trúc cao nhất thế giới vào thời ấy. Đến năm 1930 tòa nhà Chrysler ở New York hoàn thành với chiều cao 319 m, tháp Eiffel mới mất đi danh hiệu cao nhất thế giới. Hiện tháp Eiffel là kiến trúc cao nhất ở Paris, bằng chiều cao của một tòa nhà 81 tầng. Tính đến 2006 có hơn 200 triệu người đã lên viếng nó, nội trong năm 2006 có 6,719,200 du khách, là một thắng cảnh phải trả tiền được nhiều người xem nhất trên thế giới.

Tháp Eiffel được xây dựng từ năm 1887 đến 1889 hoàn thành, là cửa chính để vào khu Hội Chợ Thế Giới tổ chức tại công viên Champ de Mars năm 1889 để chào mừng 100 năm Cách Mạng Pháp. Khởi thủy tháp Eiffel định xây tại Barcelone là thành phố lớn thứ nhì ở Tây Ban Nha (Spain) bên bờ Địa Trung Hải cho Hội Chợ Thế Giới 1888 nhưng thành phố này không đủ chỗ và đủ tiền cho một công trình đồ sộ như vậy nên ông Eiffel dùng đồ án này dự tranh thiết kế cho Hội Chợ Thế Giới Paris 1889 và đã trúng giải. Tháp được khánh thành ngày 31-3-1889 và mở cửa ngày 6-5 cùng năm. Có 300 nhân công từ kỹ sư cho đến lao động đã tham gia xây dựng cùng nhau lấp ráp 18,038 thanh sắt bằng 2.5 triệu con đinh tán (rivets, đinh tán thì đóng chết khi ghép 2 thanh sắt trong khi đinh ốc xiết dính bằng răng), cấu trúc tháp được tính toán thiết kế bởi Maurice Koechlin. Tháp hoàn thành trong điều kiện an toàn thật hoàn hảo, với dụng cụ thô sơ thời ấy chỉ có một nhân công thiệt mạng mà thôi. Tổng cộng các khối sắt của tháp nặng 7,300 tấn, nếu tính luôn toàn thể vật liệu không phải bằng sắt tháp nặng 10,000 tấn.

Tầng thứ nhất và thứ hai (cao 115 m) của tháp rộng lớn có các cửa hàng bán buôn trên đó và có thể lên bằng thang bộ hay thang máy. Tầng cao nhất (276 m) phải lên bằng thang máy từ tầng thứ hai. Tháp mở cửa cho du khách lên xem mỗi ngày từ 9 giờ 30 sáng đến 11 giờ 45 khuya, mùa Hè từ 9 giờ sáng đến 0 giờ 45 khuya. Giá vé hiện nay (2009) cho người lớn là 4.80 Euro (tầng 1), 7.80 Euro (tầng 2) và 12 Euro (tầng 3) đi bằng thang máy. Trẻ con (3 đến 11 tuổi) là 2.50, 4.30 và 6.70 Euro, dưới 3 tuổi miễn phí. Nếu đi từng nhóm trên 20 người mua vé trước là 4.00, 6.70 và 10.50 Euro. Đi bằng thang bộ lên tầng 1 và tầng 2 trên 25 tuổi là 4.00 Euro, dưới 25 tuổi là 3.10 Euro.

Tháp Eiffel là tài sản của thành phố Paris, hiện bảo trì và điều hành do công ty SETE (Société d’Eploitation de la Tour Eiffel) từ năm 2005 theo hợp đồng thời hạn 10 năm. Thành phố Paris có 59.9% cổ phần trong công ty này. Tổng số nhân viên điều hành tháp hiện nay là 500 người, trong đó phân nửa là nhân viên công ty SETE, số còn lại là nhân viên các cửa hàng dịch vụ (bán qùa kỷ niệm, nhà hàng ăn uống, cho thuê viễn kính, máy rút tiền ATM) và công chức như cảnh sát, cứu hỏa, bưu điện, khí tượng…Để chống rỉ sét và khói ô nhiễm, tháp phải được bảo trì liên tục và các thanh sắt 7 năm sơn lại một lần tốn 50 đến 60 tấn sơn. Để nhìn cho đẹp mắt từ phía dưới, có 3 màu sơn được dùng cho 3 phần của tháp, đậm nhất từ phía dưới và nhạt dần phía trên. Màu sơn tháp là màu xám nâu (brownish-grey). Tháng 3-2009 sẽ tiến hành việc sơn tháp lần thứ 19 và công việc sẽ kéo dài 18 tháng.

Tháp Eiffel là một kỳ quan thế giới tiêu biểu cho một công trình hoành tráng vững chắc vừa mang nét đẹp hài hòa. Nhưng thế nhân cũng có người yêu kẻ ghét, khi tháp Eiffel vừa xây xong gặp sự chống đối của một số quần chúng, người ta cho rằng trong thành phố Paris thanh lịch bị một khối sắt đen đúa như một con quái vật ngự trị, thật là xốn xang ngứa mắt. Nhiều tờ báo hàng ngày đăng tải những lá thư nổi giận từ giới văn nghệ sĩ Paris và cả những nhà kiến trúc, thiết kế các công trình công cộng (công chánh) như trong tờ Công Báo năm 1892 nhận định về Hội Chợ Thế Giới Paris 1889 đã phê bình chỉ trích về tháp Eiffel như sau: “Và suốt 20 năm chúng ta sẽ phải chứng kiến một khối đen dơ dáy với hình dáng kinh tởm của những trụ đà xây bằng những tấm sắt đinh tán, bóng của nó trải rộng khắp thành phố”. Bức thư được ký bởi những nhân vật nổi tiếng như Messonier, Gounod, Garnier, Gerome, Bougeureau và Dumas. Tiểu thuyết gia Guy de Maupassant, người tỏ thái độ rất ghét ngọn tháp, nói rằng nên đến ăn nhà hàng trên tháp Eiffel mỗi ngày. Người ta hỏi tại sao, ông cho biết “Ở Paris chỉ có nơi đó người ta không nhìn thấy được cái kiến trúc đó!”

Ở Paris thời ấy để giữ cảnh quan chỉ được xây những tòa nhà không qúa 7 tầng cho nên tháp Eiffel chỉ được giấy phép cho tồn tại 20 năm. Có nghĩa là sau thời hạn đó tháp phải được tháo gỡ ra vào năm 1909, chủ nhân nó phải chuyển nó ra khỏi Paris, cho nên tháp đã được thiết kế tháo ra được dễ dàng. Nhưng qua thời gian 20 năm, thấy tháp hàng ngày người ta quen dần nên trở nên một hình ảnh thân thương, tháp chứng tỏ được giá trị của nó về nghệ thuật cũng như ích lợi vì quân đội dùng nó cho truyền tin cũng như theo dõi chiến trường trong trận chiến Marne trong Đệ Nhất Thế Chiến (tháng 9, 1914) nên Pháp thắng trận vinh quang.

Thay vì tháo gỡ và di chuyển tháp ra khỏi Paris nhưng người Pháp đã giữ tháp Eiffel ở lại nơi thành phố ánh sáng hoa lệ này. Hàng ngày tháp Eiffel vẫn vươn cao trên bầu trời Paris để người Paris đi đâu sinh hoạt trong thành phố vẫn nhìn thấy hình ảnh ngọn tháp thân thương như một phần trong cuộc sống của mình.