Sau những tháng ngày mùa Đông tuyết rơi giá lạnh, mùa Xuân đến với nắng vàng, cây cỏ xanh tươi, ngàn hoa khoe sắc, đất trời dường như đổi mới mang đến cho mọi người sinh khí vui tươi và hy vọng. Mùa Xuân cũng là mùa tình yêu và là mùa lễ cưới không những ở Việt Nam mà kể cả Hoa Kỳ. Vậy lễ cưới của người Mỹ gồm có những phong tục như thế nào và phí tổn cho một đám cưới trung bình là bao nhiêu? Lễ cưới của người Việt định cư trên đất Mỹ diễn tiến như thế nào? Có đầy đủ lễ nghi phong tục cổ truyền như ở quê nhà hay “nhập gia tùy tục” theo phương thức của văn hóa Mỹ hay kết hợp cả hai? Đó là những vấn đề nhân mùa Lễ Cưới chúng ta thử bàn qua để rút ưu khuyết điểm nên giữ cái nào hay đẹp và bỏ đi những gì lỗi thời, không còn thích hợp.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi_iErdrLLWZfgMF2orGuLUtwnTlO5gfBsOP5uZW35rWAQh13LTa1y6bALAUGJHeZlbHn3S9VnZriMC4eM7FeVYQIm5kbU2xCXT2H6X-g0iwp18HbnNCc9QuZDi6Mmkao9rbQ778lEUK_Y/s320/DamCuoi+2.jpg)
PHONG TỤC CƯỚI HỎI VIỆT NAM NGÀY TRƯỚC
Phong tục Việt Nam ngày trước “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, giữa họ nhà trai và nhà gái phải “môn đăng hộ đối” con quan thì phải lấy con quan và đôi trẻ ngoài “xứng lứa vừa đôi” còn phải hợp tuổi nghĩa là năm sinh phải tránh “tứ hành xung” tức là 4 tuổi xung khắc nhau: Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Phong tục kết hôn phải qua những tiến trình và thủ tục như sau:
Mai mối: nhờ một người lớn tuổi có tư cách, đạo đức, gia đình yên ấm hạnh phúc tìm hiểu dọ hỏi giữa hai bên.
Vấn danh: nhà trai được ông bà mai giới thiệu sang nhà gái cầu thân cũng như sơ vấn, miền Nam còn gọi là Đám Nói.
Đám Hỏi: hay còn gọi là Lễ Đính Hôn, nhà trai mang lễ vật sang nhà gái cầu hôn và trao nhẫn đính hôn cho cô dâu tương lai. Tiếp đến là thủ tục “Sỉ Lời” có nghĩa là hỏi thăm nhà gái đòi hỏi những gì (thách cưới). Sau đó chọn ngày lành tháng tốt định ngày tổ chức Lễ Cưới hợp tuổi cô dâu, chú rể, tránh thời kỳ đại tang trong gia đình hai bên.
Nạp tài và thăm con dâu: Đàng trai mang lễ vật nhà gái đòi hỏi mang sang nhà gái và giao đủ số. Tục lệ này có nhiều nơi dời sang ngày Lễ Cưới, làm luôn một lúc cho tiện.
Lễ Nhóm Họ: trước ngày Lễ Cưới họ hàng nhà gái tề tựu đông đủ, cô dâu lạy từ biệt cha mẹ, họ hàng. Dịp này cha mẹ cô dâu trao của hồi môn và thân nhân cô dâu trao qùa cưới.
Lễ Rước Dâu: Chú rể và phù rể sang nhà gái xin rước dâu. Chú rể, cô dâu lạy bàn thờ tổ tiên và lên xe hay kiệu về nhà chồng. Từ đây cô dâu thuộc về gia đình bên chồng “Phận gái long đong 12 bến nước trong nhờ đục chịu”.
Lễ Cưới hay Lễ Thành Hôn: Sau khi đám rước dâu về tới nhà đàng trai đúng vào giờ tốt, gia đình nhà trai đốt pháo chào đón cô dâu và mời đàng gái vào nhà. Lễ Cưới được long trọng cử hành trước bàn thờ. Cô dâu lạy tổ tiên và ra mắt trước họ hàng nhà chồng. Sau đó cùng ngày là tiệc cưới đãi bà con, họ hàng, làng xóm đến chung vui và chúc mừng đôi trẻ có gia đình mới. Tiệc cưới nhiều khi kéo dài đôi ba ngày, chờ cho bà con họ hàng ở xa về hết mới thôi. Thay vì tuần trăng mật, 3 ngày sau là lễ Phản Bái: cô dâu mang con heo quay về thăm cha mẹ, họ hàng bên mình (bên Tàu nếu con heo quay bị cắt mất lỗ tai tức là bên chồng muốn nhắn rằng cô dâu cũng đã mất luôn…cái đáng giá ngàn vàng trước khi về nhà chồng. Nhà gái liệu mà xin lỗi và bồi thường!)
LỄ CƯỚI NGƯỜI MỸ
Đám cưới ở Việt Nam ngày xưa rất long trọng và linh đình vì có nhiều thời giờ, trái lại trên đất Mỹ lại khác, nếu không đi vào chi tiết tập tục, tín ngưỡng của từng giống dân, thì người Mỹ ngày nay chỉ có duy nhất là Lễ Cưới và Tiệc Cưới làm trong cùng một ngày, không có mai mối, vấn danh, đính hôn rườm rà mất thời giờ như phong tục Việt Nam. Đôi trẻ Mỹ quen nhau, hẹn hò, nhiều khi dọn ở chung sống thử một vài tháng hoặc vài năm xem có hợp với nhau không? Không có Lễ Đính Hôn (tức là Lễ Hỏi) và chỉ còn duy nhất là Lễ Cưới thường làm trong nhà thờ và sau đó cùng trong ngày là Tiệc Cưới đãi khách khứa, họ hàng hai bên tại khách sạn, hội trường gồm ăn uống, cắt bánh và khiêu vũ.
Người Mỹ không quan trọng cái ăn, họ ăn uống đơn giản nên tiệc cưới cũng đơn giản. Các món ăn họ đặt từ các nhà hàng “Catering” mang tới, tùy theo cách chọn họ có thể phục vụ mang từng món đến bàn cho khách hay ăn theo lối tự chọn “self-service” thức ăn để một nơi, khách muốn ăn gì tự đến lấy. Thức ăn không nhiều món, thường là cá, bò, gà, súp, rau xà lách, trái cây và bánh ngọt. Sau đó cắt bánh cưới uống với rượu không có chất cồn (sparkling) hoặc cà phê hay trà. Trong khi khiêu vũ có tập tục cô dâu quăng ra phía sau bó hoa cưới gọi là “vouquet”, các cô gái chưa chồng tranh nhau chụp bó hoa, ai chụp được sẽ làm đám cưới một ngày không xa. Qùa mừng đám cưới cho cô dâu chú rể không là tiền bạc như đám cưới Việt Nam mà là những món qùa thực dụng hay “gift certificate” của các cửa hàng lớn.
Chi phí cho đám cưới Mỹ thường là bên đàng gái đài thọ nên khách khứa phía nhà gái đông hơn. Theo tạp chí chuyên về đám cưới Bride’s Magazine một đám cưới ngày nay trên đất Mỹ trung bình phí tổn là $18,874 được phân chia cho các dịch vụ, mua sắm như sau:
Mua sắm, dịch vụ Phí tổn
Thiệp mời, thiệp báo tin, thiệp cám ơn
$374
Bó hoa cưới, hoa trang hoàng
1,253
Chụp ảnh, quay phim
775
Quà kỷ niệm nho nhỏ để trên bàn tiệc tặng khách mời
240
Ban nhạc, âm thanh
745
Nhà thờ, giấy tờ
248
Mướn xe rước dâu Limousine
427
Qùa tặng bạn bè giúp đỡ trong ngày cưới
299
Hai nhẫn ngày cưới
1,060
Nhẫn đính hôn cho cô dâu
2,982
Ăn tối bữa thực tập
762
Áo cưới cô dâu
790
Khăn choàng đầu cô dâu
150
Áo dâu phụ ( khoảng 5 người)
720
Áo mẹ cô dâu
198
Quần áo Tuxedo mướn cho chàng rể
100
Quần áo rể phụ (khoảng 5 người)
400
Tiệc khoản đãi (trung bình khoảng 186 người)
7,246
Tổng cộng
18,874
ĐÁM CƯỚI VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ
Trước ngày đám cưới cô dâu chú rể phải bỏ ra một buổi để quay phim, chụp hình dưới sự đạo diễn đầy sáng tạo của nhiếp ảnh gia và nhà quay phim. Địa điểm thường chọn là bãi biển thơ mộng, những vườn hoa bát ngát hay những lâu đài tình ái lãng mạn, chàng và nàng đóng vai Lưu Bình, vợ Dương Lễ khăn đóng áo dài, khăn vành sử dụng đàn bầu, đàn tranh “bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”. Hay theo lối Tây phương, chàng áo đuôi tôm thắt nơ cánh bướm ngồi trước đàn dương cầm, còn nàng “áo em trắng xóa nhìn không ra” cặp mắt mơ màng như là người tình của Chopin, Mozart.
Ngày cưới theo âm lịch phải là ngày song hỷ tốt cho cô dâu lẫn chú rể và phải là ngày Thứ Bảy cuối tuần để quan viên hai họ, bạn bè không phải đi làm để tới dự đám cưới. Buổi sáng lễ Rước Dâu bên nhà gái phải có xe Limousine và tài xế người Mỹ mới “oai”. Sau đó nếu theo đạo Thiên Chúa thì lễ cưới tức lễ Hôn Phối làm trong nhà thờ vào lúc xế trưa. Xong đoàn rước dâu hàng chục chiếc xe dán giấy đỏ nối đuôi sau xe Limousine về nhà đàng trai để cử hành hôn lễ trước bàn thờ tổ tiên và ra mắt họ hàng bên chồng. Họ nhà trai đãi buổi ăn trưa nhẹ nhàng bằng xôi gấc, bánh hỏi, heo quay, chả giò, mì xào sau đó nghỉ ngơi, ngồi nói chuyện trời mây để chờ buổi chiều tiệc cưới ở nhà hàng.
Tiệc cưới của người Việt Nam nhưng đãi ở nhà hàng Seafood Tàu vào đêm Thứ Bảy và phải đặt nhà hàng trước cả 6 tháng có khi đến hàng năm. Thực đơn thường là hải sản có bào ngư, vi cá, tôm hùm đến 10 món và giá tiền mỗi bàn 10 thực khách tối thiểu cũng phải 300 đồng đô trở lên. Đám cưới những gia đình thường thường bậc trung cũng phải hai, ba chục bàn còn những gia đình đại gia như bác sĩ, chủ chợ, hội trưởng đồng hương, chủ tịch này nọ có khi đến cả trăm bàn, khung cảnh đông vui náo nhiệt như những sòng bài Las Vegas. Trên sân khấu nhà hàng ban nhạc 3, 4 người gồm organ, guitar, guitar bass và trống, có đám cưới lớn còn thêm violin và kèn saxo. Màn nhung sân khấu lấp lánh kim tuyến ánh vàng nổi bật với 4 chữ “Long Phụng Hòa Minh” (lẽ ra Loan và Phụng mới đúng nhưng không hiểu sao các ông chủ nhà hàng lại thích Long với Phụng, hai con vật khác giống làm sao “hòa minh” cho được? Nhưng hai họ ngày vui cũng sẵn sàng “xính xái” mà không thắc mắc làm chi cho mệt!). Trên sân khấu ngất ngưởng chiếc bánh cưới cao nghệu 3, 4 tầng trang hoàng rực rỡ với những cánh hoa tươi. Chiếc bàn ngay cạnh sân khấu là bàn cô dâu chú rể và tứ thân phụ mẫu cùng 2 cặp dâu phụ, rể phụ cho đủ 10 người. Bàn này gọi là “King & Queen Table” 10 chiếc ghế đều bọc vải và giữa bàn là một bình hoa to và khi nhập tiệc luôn luôn có người phục vụ rót nước, lấy thức ăn. Bàn bên cạnh dành cho những vị cao niên trưởng thượng vai vế trên cao với hai gia đình (bàn này lại gần sân khấu với giàn loa cực mạnh nên khi nhạc trổi lên, trống đánh ầm ầm, trống ngực các cụ cũng…đánh theo! Nhiều cụ phải cầm ly di tản.)
Chiều xuống khách khứa ăn mặc sang trọng, đề huề sau khi đậu xe, lũ lượt từng cặp bước vào nhà hàng. Nhiều khi một nhà hàng lớn có hai đám cưới cùng lúc nên phải cẩn thận xem tên cô dâu chú rể cho chắc ăn trước khi bước vào, lỡ khi đi nhầm đám thì quê lắm! Lối vào thường có phù dâu, phù rể đứng chào và hình to của cặp tân hôn để ngay trước cửa. Sau khi ghi tên vào sổ vàng lưu niệm được cho biết số bàn ngồi, khách được mời chụp hình với cô dâu chú rể và được phó nhòm phát cho danh thiếp quảng cáo chụp ảnh cưới với con số để trước khi tan tiệc đến lấy hình. Tìm được bàn, khách an tọa, ngồi ăn đậu phọng, uống nước ngọt và nói chuyện trời mây mưa gió lai rai để chờ tiệc cưới khai mạc. Trong thiệp cưới mời 6 giờ chiều nhưng 6 giờ 30 đứng lên nhìn khắp nhà hàng thấy mới được phân nửa bàn có người ngồi. Nửa giờ sau người MC điều khiển chương trình lên tiếng xin lỗi vì lý do…thời tiết và tuyên bố tiệc cưới sắp…bắt đầu! Ban nhạc bắt đầu chơi bản “Ngày Hạnh Phúc” của Lam Phương (“Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo…”) rồi đến bản “Đám Cưới Đầu Xuân” và “Lâu Đài Tình Ái” của Trần Thiện Thanh (bản này người Nha Trang ra tới Đà Nẵng gọi là “Lâu đời tình…ớ”!). Trong lúc chờ đợi, màn ảnh trắng trên sân khấu sẽ chiếu hình ảnh của cô dâu và chú rể: từ lúc đầy tháng, thôi nôi còn ở truồng cho tới ngày cắp sách đến trường, ngày tốt nghiệp trung học rồi đại học áo mảo cân đai đàng hoàng. Rồi hình ảnh những ngày thơ mộng hai đứa quen nhau, rồi yêu nhau da diết. Sau cùng là hàng chục tấm hình tình tứ lãng mạn của hai người trong vở “Lưu Bình Dương Lễ” mới chụp mấy ngày trước.
Đến 7 giờ 30 tiệc cưới mới thực sự bắt đầu, khác với buổi sáng rước dâu mặc quốc phục, chú rể và cô dâu trong tiệc cưới buổi tối mặc tuxedo và áo cưới theo kiểu Tây phương toàn màu trắng cùng với 2 cặp phù dâu và phù rể theo tiếng nhạc từ cửa nhà hàng tiến lên sân khấu. Mọi người đứng lên chào đón vỗ tay. Người MC điều khiển chương trình long trọng xướng danh mời cha mẹ chú rể và cha mẹ cô dâu lên sân khấu để cám ơn quan viên hai họ không quản ngại đường xá xa xôi đến tham dự ngày vui của đôi trẻ. Sau đó hai ông xui giới thiệu bà con thân thích của hai gia đình, người nào được giới thiệu thì đứng lên để mọi người vỗ tay và hai xui gia kết luận rằng “kể từ hôm nay con của anh chị cũng là con tôi và hai gia đình trở thành một”. Sau màn giới thiệu mọi người trên sân khấu được MC mời về chỗ của mình và tiệc cưới mới bắt đầu.
Đầu tiên nhân viên của nhà hàng bưng ra 4 món ăn chơi đựng trong một dĩa gồm: gỏi sứa tôm thịt, hột vịt bắc thảo, gà hấp và thịt heo lạnh cùng với món súp măng tây cua. Những món kế tiếp thường là bào ngư xào nấm đông cô, vịt hay bồ câu quay, tôm dòn với sốt mayonnaise, tôm hùm xào kiểu Hồng Kông và món cuối cùng là cá chưng ăn với cơm chiên bát bữu. Món ngọt tráng miệng là heo quay khoai môn hoặc chè hạt sen đậu xanh. Món uống thường là Coca, Seven Up, nước lạnh và mỗi bàn có một chai rượu Henessy uống với Soda. Nhà hàng Tàu “mặt bằng” hạn hẹp đặt số bàn qúa nhiều nên mỗi người ngồi đâu khó nhúc nhích, mỗi lần có người cần đi ra là năm ba người ngồi gần đó phải đứng lên. Nhân viên nhà hàng làm cả ngày mõi mệt muốn về sớm mà đám cưới lại khai mạc trễ nên họ đưa thức ăn lên như đãi người “homeless” trong Lễ Tạ Ơn, nhiều khi đổ tháo lên quần áo khách dự tiệc. Khách cần món chi họ không vui vẻ phục vụ mặc dù tiền “Tip” đã tính vào thực đơn rồi.
Trong lúc khách khứa ăn uống, trên sân khấu các ca sĩ “thân hữu” của ban nhạc hát những bản vui tươi liên hệ tới đám cưới như “Đám Cưới Nhà Binh” (Lê Dinh), “Đám Cưới Trên Đường Quê”, “Tà Áo Cưới” (Hoàng Thi Thơ), “Yêu Em Dài Lâu”, “Đường Xa Ướt Mưa”, “Đừng Xa Nhau Đêm Nay” (Đức Huy), “Ngày Xuân Vui Cưới” (Quốc Anh) v.v…Ca sĩ “thân hữu” thì ít chỉ vài ba cô nhưng tiệc cưới kéo dài nên MC lấp khoảng trống chương trình bằng tiết mục “cây nhà lá vườn” mời khách khứa ai có tinh thần văn nghệ, văn gừng lên hát. “Cây nhà” thường là cây…cổ thụ, “lá vườn” thường là lá…sầu riêng từ đời…Cô Lựu nên những khi các bà ca sĩ “mầm non” này lên là muốn sập sân khấu! Nghe thiên hạ vỗ tay vang rền các bà càng thêm hứng chí, từ những bản nhạc tình lãng mạn như “Đên Nay Ai Đưa Em Về?”, “Mộng Dưới Hoa” (phía dưới có tiếng nói “Họa dưới mông!”) hết bản các bà chuyển sang các bản như “Ru Con Tình Cũ”, “Đôi Ngã Chia Ly”, “Đồi Thông Hai Mộ” v.v…Khách khứa ở dưới thì cười nhưng cô dâu chú rể “miệng cười mà lệ tuôn rơi”! Nói cho vui vậy thôi, nhiều đám cưới có những ca sĩ “cây nhà lá vườn”, cây thuộc loại cây trầm hương và lá là lá…diêu bông hiếm qúy, giọng tốt, ca rất hay, luyến láy truyền cảm không thua những ca sĩ chuyên nghiệp hạng A. Chuyện này cũng thường có, làm khách khứa cũng rất ngạc nhiên thích thú. Có những ca sĩ nổi tiếng hiện nay được khám phá trong các tiệc cưới!
Gần nửa tiệc là tiết mục cô dâu chú rể cùng với song thân hai họ đi cám ơn từng bàn quan khách, nhận lời chúc mừng và cùng nâng ly rượu mừng với họ. Đây là tập quán hay nhưng có nhiều xôn xao xua động cho rằng đây là tiết mục…xin tiền vì có cô phù dâu đi kèm mang theo một rỗ đựng bao thư chúc mừng! Đám cưới người Việt trên đất Mỹ vấn đề ăn uống là chính (dĩ thực vi tiên) vì quan niệm “đãi không ngon thiên hạ sẽ cười” vã lại một số người lớn tuổi cho rằng đi ăn cưới mà phải sắp hàng nối đưôi đi lấy thức ăn (theo lối Buffet) là coi không được! Vì đãi những món cầu kỳ, cao lương mỹ vị nên đám cưới Việt tốn kém nhiều hơn đám cưới Mỹ và khách tham dự cũng biết vậy nên thường họ đi qùa cưới bằng tiền cho tiện đôi bên. Hiện nay vì nhà hàng Tàu chật chội, tiếp đãi thiếu lịch sự nên nhiều đám cưới Việt đãi trong khách sạn Mỹ nhưng thức ăn do nhà hàng Tàu mang đến kèm với nhân viên phục vụ của họ.
Những năm gần đây xem mục rao vặt trên các báo Việt ngữ thường là cáo phó, chia buồn chứ ít thấy chúc mừng các đám cưới Việt, có nghĩa là thế hệ sau này đa số đã hội nhập vào đời sống Mỹ và họ làm đám cưới theo lối Mỹ, đơn giản chú trọng đến vui chơi thoải mái cho cô dâu chú rể và các bạn bè của họ chứ không đặt nặng ăn uống, làm vui lòng cha mẹ đôi bên. Cũng có một số đôi trẻ mới sang định cư còn ảnh hưởng văn hóa Việt Nam nên tổ chức đám cưới theo lối Việt. Nước Mỹ là đất nước tự do với nhiều sắc dân khác nhau nên làm theo cách nào cũng được. Bài này muốn trình bày những hình thức của đám cưới người Việt trên đất Mỹ để những đôi tình nhân nào muốn làm đám cưới trong mùa Xuân này am tường mà tùy nghi lựa chọn.
TRỊNH HẢO TÂM
No comments:
Post a Comment