Pages

Powered By Blogger

Friday, December 14, 2012

KÝ SỰ DU LỊCH
RIVERSIDE, THÀNH PHỐ VEN SÔNG
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM

Riverside như tên đã gọi nằm cạnh sông Santa Ana River là thành phố nằm trong nội địa lớn thứ 4 ở California sau Fresno, Sacramento và Bakersfield, cách Los Angeles khoảng 60 miles (97 km) về hướng Đông. Thành phố được thành lập vào đầu thập niên 1870 và là cái nôi của kỹ nghệ trồng cam ở California.

Những ngày đầu mới tới định cư ở miền Nam California giở bản đồ ra xem, tôi cứ ngỡ sông Santa Ana River lớn lắm, giống như sông ở Việt Nam nước chảy cuồn cuộn và thành phố ven sông Riverside tàu thuyền tấp nập, kẻ buôn người bán như ở…Cần Thơ. Khi mới có chiếc xe đầu tiên ở Mỹ là chiếc Ford Pinto số tay đời 1972, tôi liền đi Riverside để nhìn dòng sông quê người cho đỡ nhớ quê hương đã bỏ lại. Đến Riverside theo bản đồ tìm đến con sông Santa Ana làm tôi ngỡ ngàng thất vọng giống như tâm trạng hồi còn đi học qua mục tìm bạn bốn phương, hẹn với một “em”:

“Chưa gặp em tôi cứ nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng…”
(Mộng Dưới Hoa – thơ Đinh Hùng, Phạm Đình Chương phổ nhạc)

Khi gặp rồi thì…hoàn toàn chán “noản” không thể “tỏa”, sông Santa Ana chỉ là một lạch nước cạn nằm giữa vùng lau sậy đìu hiu! Tôi lái xe thơ thẩn đi vào thành phố Riverside, lạ một điều, trái với con sông thành phố này thật sự đã lôi cuốn tôi, nó có cái gì êm đềm cổ kính, lãng mạn trầm tư, đơn sơ quyến rũ lạ kỳ! Thành phố đầy cây xanh bóng mát với những khu phố cổ tường trắng ngói đỏ êm đềm của miền viễn Tây lịch sử  hào hùng thời tìm vàng, khai sơn phá thạch. Không như những thành phố tân thời với những cao ốc nhiều tầng, những thương xá nhộn nhịp, khu trung tâm “downtown” Riverside vẫn còn giữ được những kiến trúc xưa, những ngôi nhà cổ kính như khách sạn Mission Inn, rạp chiếu bóng Fox Theater, nhà bảo tàng Riverside Metropolitan Museum và những khu phố cổ ở đó những ngôi nhà xưa từ cuối thế kỷ 19 thời gian Riverside mới thành lập được bảo tồn cẩn thận.

                                                  Trung tâm Riverside êm đềm cổ kính

PHỐ CỔ RIVERSIDE

Rồi thời gian định cư xứ người trôi qua mau chóng, có những lần tôi tới Riverside vì công việc sở làm, thăm thân nhân bạn bè mới sang, đến vì việc gì thì xong việc đó lại lo trở về nhà chứ không có dịp la cà thăm chơi đây đó nơi thành phố này. Cho tới đầu năm nay tôi có dịp đến Riverside nhiều lần là vì thằng con út chọn đây làm nơi dừng bước giang hồ…với bạn gái của nó! Nó dừng chân là tốt rồi, có an cư mới lạc nghiệp, nó đi tìm nhà nhưng lại thích ở những vùng nhà cũ 5, 6 mươi năm nó cho rằng giá nhà rẻ, sườn gỗ tốt, vườn rộng, cây cối nhiều, mình không cần phải làm gì cả. Những lần tìm nhà với nó là những lần tôi có dịp đi sâu vào các khu vực dân cư, khám phá thành phố Riverside nhiều hơn và mới biết rằng Riverside có rất nhiều khu phố cổ mà thành phố đã liệt vào “Historic Districts” như các vùng: Mount Rubidoux, Colony Heights, North Hill, Heritage Square, Seventh Street...Khi đã liệt vào nhà lịch sử (historic landmark), nhà hư hao xuống cấp chủ nhân sửa chữa phải giữ y lối kiến trúc cũ, kể cả vật liệu phải dùng y như vật liệu lúc ban đầu, thí dụ như gỗ sồi (oak) không được thay bằng gỗ thông (pine) cho rẻ hơn, đá phải dùng đá thật chứ không được dùng đá giả. Phải tham khảo ý kiến với chính quyền trước khi sửa chữa nhưng được một điều nếu còn kinh phí, thành phố sẽ tài trợ cho 50% chi phí sửa chữa. Ngoài “Historic Districts” Riverside còn có những khu có tiềm năng trở thành khu lịch sử (Potential Historic District) và những khu bảo tồn (Neighborhood Conservation Areas) luật lệ sửa chữa tu bổ sẽ dễ dãi hơn.

Rồi cũng tìm được căn nhà vừa ý, đủ sức trả góp nhưng không trong vùng phố cổ lịch sử mà ở vùng Victoria phía Đông Nam thành phố gần sân “golf” có con đường Victoria hai bên là những hàng cây cọ (palm) hơn trăm tuổi cao ngất chạy qua những vườn cam mà mỗi cây trở thành cổ thụ. Qúy độc giả nào ở Riverside chắc biết con đường Victoria chạy song song  ở phía Đông với xa lộ 91 này, đó là con đường…tình ta đi, tôi cho là rất đẹp, một trong những con đường thơ mộng của Cali nắng ấm tình nồng.

VƯỜN CÂY ĐẠI HỌC UCR

Về phương diện giáo dục Riverside có trường đại học UCR (University of California Riverside) nổi tiếng nhiều ngành trong đó có ngành nông lâm nghiệp. Lần đến Riverside vừa rồi chúng tôi vào viếng qua trường đại học này nơi có rất nhiều sinh viên người Việt theo học và đi thăm Vườn Bách Thảo (Botanic Gardens) của trường nói trên. Đại học UCR nằm ở phía Đông xa lộ 215 (hay 60 vì đoạn này 2 xa lộ nhập làm một). Nếu dùng 215 ngả rẽ Exit ở đường Martin Luther King rồi theo bảng chỉ dẫn để đến vườn (vườn nằm ở bìa góc Đông Nam của khu Campus trên một sườn đồi). Nếu đi từ Little Saigon dùng xa lộ 91 East khi đến Riverside Exit đường 14 và đường 14 này trở thành đường Martin Luther King để đi vào khu đại học.

Vườn cây trong đại học UCR

Vườn cây rộng 40 mẫu Anh (16.2 hecta) trồng trên 3,500 loại cây mọc khắp nơi trên thế giới. Không có lệ phí vào cửa nhưng phải lấy vé đậu xe với lệ phí rất nhỏ không hơn 1 USD. Trong vườn cây có nhiều lối đi tráng nhựa dành cho người tàn tật, có những con đường mòn men theo khe suối hay vượt dốc trên sườn đồi. Những khu vực trồng cây được xếp theo từng giống loại như khu Alder Canyon trồng các loại hoa như azaleas (đỗ quyên), camellias (trà hoa nữ), hydrangeas và những loại ferns. Vườn hoa hồng với 300 giống loại, vườn hoa Iris với 150 loại, vườn dược thảo (herb) nhiều loại để làm thuốc hay gia vị nấu nướng, vườn cây ăn trái có cam, ổi, sapotes (một loại trái ngọt của Nam Mỹ), bơ (avocados) và vài loại trái cây nhiệt đới lạ tôi không biết tên. Khu trồng các loại xương rồng, những loại cây sa mạc không cần nước, rất nhiều giống loại cho hoa rất đẹp. Có khu quy tụ những loài bướm, khi chúng tôi đến đây bổng thấy bướm bay rất nhiều. Về thú hoang vườn là nơi sinh sống của 195 loại chim, nhiều loại động vật có vú như sóc (squirrels), chuột (kangaroo rats), chó sói (coyotes), mèo rừng và những loại chồn (gray foxes), thỏ rừng, chuột to (opossums, skunks) v.v…

Dạo trong vườn xem nhiều hoa thơm cỏ lạ cũng rất thú vị cho những người yêu thiên nhiên cây cối. Nên đến đây vào những ngày mùa Xuân nhiều hoa, mùa Thu mát mẻ.

KHÁCH SẠN CỔ MISSION INN

Rời vườn cây UCR chúng tôi lái xe về hướng Tây vào trung tâm thành phố Riverside để đến khách sạn cổ Mission Inn Hotel ở địa chỉ 3649 Mission Inn Ave. Riverside (góc đường Mission Inn và Orange St.). Tên khách sạn đặt cho đại lộ chính ở trung tâm thành phố đủ biết rằng đây không phải là khách sạn bình thường mà là kiến trúc cổ nổi tiếng về nét uy nghi cổ kính như một khu tu viện cổ Âu Châu. Khách sạn chiếm nguyên một vuông (block) đường với cửa chính vào nhìn về hướng Nam trên đại lộ Mission Inn và những kiến trúc phía sau là hội trường, nhà thờ, nhà hàng, nhà bảo tàng v.v…Mission Inn Hotel được xếp là cao ốc theo kiểu Mission Revival Style to lớn nhất ở Hoa Kỳ, đây là kiến trúc Tây Ban Nha cải cách theo kiểu các tu viện truyền giáo xây trên đất California thời kỳ người Tây Ban Nha sang Bắc Mỹ truyền giáo cho người da đỏ vào thế kỷ 18. Kiểu kiến trúc này gần giống như các tu viện truyền giáo ở San Juan Capistrano, Santa Barbara v.v…

Tiền diện khách sạn Mission Inn ở trung tâm Riverside

Theo lịch sử của khách sạn, đầu tiên chỉ là một nhà nghỉ nhỏ có tên là “Glenwood Hotel” xây vào năm 1876 bởi kỹ sư công chánh tên Christopher Columbus Miller. Đến năm 1902 con trai của ông Miller là Frank quyết định xây tòa khách sạn mới đặt tên là “Mission Inn”. Kế hoạch qúa lớn nên công việc xây cất không ngừng nghỉ trải qua nhiều thời kỳ với nhiều ngôi nhà thêm vào kết hợp nhiều kiểu kiến trúc Tây Ban Nha khác nhau cho đến khi ông Frank qua đời vào năm 1935 việc xây dựng vẫn còn dang dở. Với khu nhà này thêm vào khu kia, kết qủa là một quần thể phức tạp tập hợp những phòng khánh tiết, phòng ngủ, nhà hàng, những lối đi hun húc, những mái hiên ngoài trời, ngọn tháp theo kiểu lâu đài với đồng hồ thời trung cổ, mái vòm tròn cao bằng tòa nhà 5 tầng, những cột chống đỡ bên ngoài như phía sau nhà thờ Đức Bà ở Paris và có cả một cây cầu trên cao bắc ngang con đường để nối khách sạn với khu nhà phụ phía sau. Trải qua 30 năm xây cất, ông Frank Miller chu du khắp thế giới mua sắm mang về nhiều vật lạ mắt trưng bày trong nhà bảo tàng khách sạn (ở phía sau). Những món này ngày nay trở thành cổ vật trị gía hơn 5 triệu mỹ kim.

Sau khi ông Frank Miller qua đời năm 1935 khách sạn được con gái là Allis và con rể DeWitt Hutchings kế nghiệp và cũng qua đời vào năm 1952 và 1953 sau đó khách sạn đổi chủ nhiều lần. Năm 1985 công ty Carley Capital Groupe mua lại với giá 55 triệu USD và đóng cửa tu sửa tân trang rất nhiều vì khách sạn xuống cấp trầm trọng. Cuối năm 1988 khách sạn mở cửa lại hoạt động với tên Omni Mission Inn. Cuối năm 1992 bán lại cho Duane R. Roberts một thương gia địa phương Riverside, ông ta yêu khách sạn cổ này nên mua và sửa sang một thơì gian ngắn trước khi mở cửa trở lại.

Hậu diện khách sạn Mission Inn xây từ 1902

Sau hơn 135 năm hoạt động, khách sạn cổ này đã là nơi Richard Nixon và Pat làm đám cưới ở một trong 2 nhà thờ nhỏ trong khách sạn là nhà thờ St. Francis có bàn thờ bằng gỗ Cedar và cẩn vàng lá cùng với 4 cửa kính màu rất đẹp. Ronald Regan và Nancy trải qua tuần trăng mật cũng tại nơi đây và 8 Tổng Thống Hoa Kỳ đã đến viếng khách sạn trong đó có Theodore Roosevelt, John Kennedy, Gerald Ford, George W. Bush kể cả nhà bác học Albert Einstein còn các đại gia, tài tử, minh tinh thì rất nhiều.

Hiện nay giá phòng khoảng 150 USD một đêm với bữa ăn sáng và thư giãn trong Spa. Hôm nay chúng tôi ghé thăm khách sạn đang sắp tới mùa lễ Tạ Ơn, khách sạn trang hoàng với hoa cúc mùa Thu và những trái bí đỏ. Sau Lễ Tạ Ơn bắt đầu mùa lễ Giáng Sinh theo truyền thống hàng năm mỗi đêm khách sạn sẽ thắp sáng hàng ngàn đèn màu rực rỡ lung linh huyền ão rất đẹp.

NHÀ BẢO TÀNG RIVERSIDE METROPOLITAN MUSEUM

Ngang bên kia đường là Tòa Thị Chính Riverside cũng là một ngôi nhà cổ và cạnh đó là nhà Bảo Tàng Thành Phố Riverside Metropolitan Museum ở số 3580 Mission Inn Ave..  Chúng tôi vào xem chơi cho biết có gì bên trong? Miễn lệ phí vào cửa nhưng đề nghị tặng góp 5 USD và không ai hỏi han gì chỉ có một bà chắc là tình nguyện viên đứng bên trong quày giải đáp thắc mắc và bán đồ kỷ niệm. Giờ mở cửa từ Thứ Ba đến Chủ Nhật từ 9 AM đến 5 PM (đóng cửa ngày Thứ Hai và các ngày lễ lớn).

Nhà bảo tàng thành phố Riverside Metropolitan Museum

Nhà bảo tàng thuộc quyền quản lý của thành phố ngoài ngôi nhà này còn 2 kiến trúc khác là ngôi nhà cổ Di Sản Quốc Gia ở số 8193 đường Magnolia (mở cửa 3 ngày cuối tuần từ 12 PM đến 3:30 PM) và ngôi nhà của người Nhật tên là Harada cũng là Di Sản Lịch Sử cấp Quốc Gia. Nhà Bảo Tàng Thành Phố là nơi nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, giải thích về văn hóa và lịch sử địa lý thiên nhiên vùng đất Riverside. Nhà bảo tàng tri ơn và hoan nghênh mọi đóng góp để ngày càng phát triển hơn. Qua những gian trưng bày nơi đây, tuy không lớn nhưng cũng rất hấp dẫn gây thích thú cho những ai có lòng hoài cổ muốn biết những gì đã xảy ra tại địa phương này. Nơi đây mấy ngàn năm trước người da đỏ sinh sống, du khách nhìn lại những căn lều, dụng cụ nấu ăn bằng gốm, vũ khí săn thú bằng đá, quần áo da thú và gần nhất là dệt đan thổ cẩm. Món cổ vật đầu tiên nhà bảo tàng mua là chiếc rổ rá đám cưới của bộ lạc Navajo với giá $6 vào năm 1900 ở tiệm của ông Fred Harvey. Kế đến là vũ khí như gươm đao, súng ống, quân phục dùng trong 2 trận thế chiến và câu chuyện của chú quân khuyển Rin Tin Tin của điện ảnh Hollywood. Về động vật sinh sống trong thiên nhiên người ta đã thực hiện những con thú giống như thật tất cả những sinh vật sống ở vùng Nam California này, không thiếu thứ gì từ côn trùng ong bướm cho đến những con gấu đen, chó sói, beo, sư tử núi v.v…Nhà bảo tàng này trước kia là trụ sở bưu điện thành phố.

Riverside còn nhiều nơi để xem nữa như nhà Bảo Tàng Nghệ Thuật ở số 3425 cùng đường, rạp chiếu bóng xưa Fox Theater cách 1 vuông đường hướng Tây, Bảo Tàng Nhiếp Ảnh California ở số 3824 Main St. v.v…Hẹn một dịp khác sẽ trở lại. Về cộng đồng người Việt sinh sống tại đây cũng rất đông ước lượng khoảng trên 5,000 người với nhiều chợ, nhà hàng, tiệm phở tập trung trên đường Magnolia và Arlington Ave. phía Nam thành phố. Riverside chỉ cách Little Saigon khoảng 45 miles, lái xe theo Google mất khoảng 51 phút nhưng giá nhà rẻ hơn gần một nửa và đất rộng nên nhà người Việt nào cũng trồng nhiều cây ăn trái. Vườn cây người Việt trồng thường là những loại trái cây nhiệt đới như xoài, bưởi, chuối, hồng, thanh long, ổi, táo tàu, nhản v.v…đến mùa chín rộ ăn không hết phải cho nhà thờ, chùa, bạn bè. Mùa hồng chín nếu mua họ bán cả cây cứ trèo lên mà hái! Cây không phải nhỏ, tàng rộng lớn như cổ thụ, giá bán chỉ vài mươi đồng!

TRỊNH HẢO TÂM
Độc giả có thể xem đoạn video clip ngắn của tác giả về Mission Inn Hotel, xin nhấn vào (hoặc Copy và Paste) link dưới đây:
http://www.youtube.com/watch?v=pQUBnuXeQ1c

Friday, December 7, 2012

KÝ SỰ DU LỊCH
SANTA MONICA, PHỐ BIỂN THANH LỊCH
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM

Cách trung tâm thành phố Los Angeles 14 miles (23 km) về hướng Tây, Santa Monica là thành phố biển nhộn nhịp nhất miền Nam California. Ngày xưa nơi đây là chốn nghỉ mát, hẹn hò của tài tử minh tinh điện ảnh Hollywood, ngày nay là địa điểm du lịch với bờ biển nước xanh cát trắng, trên phố là những cửa hàng sang trọng, dưới bến nhà hàng thanh lịch nơi lui tới của những người nổi tiếng.

                                      Vòng đu quay Ferris Wheel cạnh cầu tàu Santa Monica

Lâu lắm rồi tôi không có trở lại bờ biển Santa Monica mặc dù đêm nào tin thời tiết của đài truyền hình ABC số 7 cũng thường lấy bối cảnh phía sau là cầu tàu Santa Monica với chiếc vòng đu quay rực rỡ đèn màu. Bạn bè phương xa từ Úc qua,  đòi xem cho được con đường tình Hollywood để mong thấy tận mặt những minh tinh tài tử màn bạc, để bước lên những ngôi sao đồng khắc tên những thần tượng mến mộ. Nể tình bạn ở xa nửa vòng trái đất tận miệt dưới của Nam bán cầu, tôi phải lái xe lên tận vùng Los Angeles xe cộ như mắc cửi để bạn thăm kinh đô điện ảnh Hồ Ly Vọng cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ, thú đam mê ao ước bấy lâu nay!

Xong màn du ngoạn Hồ Ly Vọng thì “tà tà bóng ngả về Tây”, thay vì “chị em thơ thẩn dang tay ra về”, sẵn đường tôi xuống hướng Nam cho xe vào xa lộ liên bang 10 để đi Santa Monica miền biển xanh cát trắng có chiếc cầu tàu rất nhộn nhịp. Xe về hướng Tây tới lãnh địa Santa Monica cũng là lúc xa lộ 10 kết thúc, sợ đến qúa gần bờ biển xe cộ đông đảo khó khăn nên tôi tìm ngã rẽ ra sớm. Cuối tuần tìm bãi đậu xe ở gần cầu tàu là cả một vấn đề, sau khi chạy lòng vòng một hồi chúng tôi tìm thấy một buyn đinh đậu xe của thành phố ở góc Đông Nam của ngã tư Arizona Ave. và 4th St. cạnh ngân hàng Wells Fargo. Tưởng rằng sẽ phải trả tiền nhưng lúc lấy xe ra thì lại được miễn phí. Tuy khi đem xe vào buyn đinh cũng hơi khó vì lối đi hẹp và mình phải lấy tấm cạt điện tử lúc mới vào cổng, khi trở ra cửa, bỏ tấm cạt vào máy sẽ biết phải trả bao nhiêu tiền, nhưng hôm nay không biết lý do gì mà lại được miễn phí? Chắc là thời gian đậu dưới 2 tiếng đồng hồ, thành phố không tính tiền? Phải đậu xe trên nóc buyn đinh vì các tầng phía dưới không còn một chỗ trống, chúng tôi lấy thang máy để ra khỏi nhà đậu xe và ra đường Arizona rồi đi về hướng Tây Nam tức là phía biển. Đến đây gặp con đường bộ hành số 3 tức Third Street Promenade.

PHỐ ĐI BỘ THIRD STREET PROMENADE

Third Street Promenade kéo dài trên 3 vuông (blocks) đường, từ đường Wilshire Blvd. cho đến đường Broadway. Đoạn này chỉ dành cho người đi bộ với các hàng quán, tượng đồng, băng đá ở giữa lòng đường. Phố đi bộ rất đông vui và lũ lượt du khách tài tử giai nhân lên xuống như đi trẫy hội, hai bên đường là nhà hàng, quán cà phê, ba rượu lại có thêm 2 rạp chiếu phim AMC 7 và AMC 4 với tổng cộng 11 màn ảnh bên trong. Phố xá thanh lịch với hai hàng cây cọ, những chậu hoa treo và giữa đường là những nghệ sĩ hè phố với nhiều bộ môn cầm kỳ thi họa, ảo thuật, hóa trang thành tượng đồng, rô bô người máy. Các hiệu buôn ở đây thấy có cửa hàng nội y phụ nữ Victoria’s Secret, Banana Republic, Apple, Abercrombie & Flich, Anthropologie, Gap, Lewi’s v.v…Phố đi bộ hoa lá râm mát như công viên, du khách vừa tảng bộ vừa thưởng thức những điệu nhạc hòa tấu bập bùng của những sắc dân hải đảo vùng Caribbean.

Third Street Promenade đi về hướng Tây qua khỏi con đường Broadway là đi thẳng vào thương xá sang trọng cao cấp Santa Monica Place Shopping Center với nhiều tầng lầu có các cửa hàng mua sắm nổi tiếng như Sears, Tumi, Barneys New York, Magical Blooms. Nơi đây cũng có buyn đinh đậu xe nhưng chắc là phải trả tiền hoặc là xuất trình hóa đơn mua hàng thì sẽ được miễn lệ phí. Chúng tôi ra ngoài thương xá và theo đường Colorado đi về hướng biển.

                                                Con đường đi bộ 3rd Street Promenade

CẦU TÀU SANTA MONICA PIER

Con đường Colorado Ave. sẽ dẫn xuống cầu tàu, trước khi tới cầu tàu chúng tôi đi ngang qua hồ nuôi cá Santa Monica Aquarium và những quán ăn, nhà hàng. Sau đó đến một công viên giải trí nhỏ tên Pacific Park có vòng đu quay Ferris Wheel cao nghệu bằng tòa nhà 9 tầng và trò chơi “ride” xe chạy trên cao qua những vòng cua ngoằn ngoèo, cao thấp. Trong khu này có nhiều quán ăn, cửa hàng kỷ niệm. Trên cầu tàu du khách tới lui nhộn nhịp, ăn uống, mua sắm, chụp hình, có nhiều họa sĩ ngồi vẽ chân dung cho du khách với giá vài chục, nhiều nghệ sĩ hè phố ngồi đánh đàn hát dân ca đồng quê Hoa Kỳ hay thổi kèn saxo những điệu nhạc buồn da diết áo nảo.

                                               Hàng quán dọc theo bờ biển cạnh cầu tàu

Cầu tàu khá dài và cuối là một quán thức ăn nhanh hamburger, hot dog. Người ta câu cá cũng khá đông nhưng hôm nay sóng to nên cá không mấy ăn mồi. Nước biển trong xanh nhìn thấy đá tảng rong rêu dưới đáy, nhìn lại trong bờ bãi cát trắng chạy dài với hàng ngàn người phơi nắng hay đùa nghịch cùng những đợt sóng. Phía Bắc là rặng núi Santa Monica cao ngất nằm sát biển chạy qua các thành phố Beverly Hills, Malibu, Oxnard. Phía Nam đảo Santa Catalina với những dãy núi hiện rõ nơi chân trời.

Lịch sử chiếc cầu tàu phải ngược dòng thời gian vào đầu thế kỷ 20 thành phố Santa Monica đương đầu với vấn nạn là phải làm sao tìm nơi phế thải nước cống rảnh. Cuối cùng quyết định xây một chiếc cầu dài 1,600 ft để đặt bên dưới cầu một đường ống nước thải đã được sát trùng đổ ra biển ở phía ngoài xa. Trước kia những trụ cầu đều bằng gỗ nên chịu đựng sóng gió không bao lâu và đây là lần đầu tiên ở miền Tây Hoa Kỳ trụ cầu được đúc bằng bê tông. Ngày 9 Tháng 9 năm 1909 (người Mỹ chắc cũng tin dị đoan nên chọn ngày toàn số 9) cầu tàu được khánh thành với hàng ngàn người tham dự có sự hiện diện của chiến hạm USS Albany ghé thăm. Những năm sau đó cầu tàu được dân chúng ưa chuộng dùng làm nơi câu cá và hóng gió. Thấy du khách kéo đến ngày càng đông, ông Charles Looff bèn xây khu giải trí với các trò chơi đu quay vào năm 1916. Nổi tiếng nhất là trò chơi ride Looff Hippodrome vĩ đại với những chiếc xe điện chạy trên giàn gỗ ở trên cao, kế tiếp là Blue Streak Racer roller coaster và xây thêm gian nhà chơi Bowling và Billiards. Hàng ngày cầu tàu tấp nập du khách và có ban nhạc sống chơi thường xuyên để chào mừng du khách. Thời ấy những tàu chiến thường hay ghé thăm cầu tàu, năm 1919 hai chiến hạm USS Texas và USS Prairie ghé cầu tàu, có thị trưởng Samuel Berkley ra đón mừng với rất đông dân chúng, bất ngờ cầu tàu kêu răng rắc và sụp xuống 2 ft khiến đám đông một phen hú vía, hóa ra trụ bê tông cầu vẫn bị nước mặn làm rỉ sét. Cầu tàu mất 2 năm để sửa chữa và các trụ cầu được thay trở lại bằng gỗ đã được chống mục bằng cách ngâm dầu. Sàn mặt cầu bằng xi măng cũng được thay bằng gỗ.

Ngày 23 Tháng 7 năm 1924 khánh thành một vũ trường lớn có tên là La Monica Ballroom ngay cạnh khu trò chơi “ride” nhưng sau đó bị cuộc đại suy thoái toàn cầu khiến vũ trường ế khách và khu giải trí cũng đành đóng cửa theo. Khoảng giữa thập niên 1930 vũ trường biến thành trung tâm hội họp (convention center) và trụ sở của toán cứu cấp dưới biển, có lúc trở thành khám đường của thành phố. Những năm kế tiếp cầu tàu trở thành bến đậu của những người chơi thuyền buồm (yacht) và xây thêm một dãy cầu ở phía ngoài tạo cầu tàu thành chữ T. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến hải quân kiểm soát toàn bộ các hải cảng lớn ở miền Tây và buộc các thuyền đánh cá phải dời về neo đậu tại cầu tàu Santa Monica. Chiến tranh kết thúc nhà tài phiệt ngân hàng Walter Newcomb mua lại khu giải trí và mở cửa lại các trò chơi vào năm 1947. Năm sau ông ta chết và vợ ông tiếp tục điều hành khu giải trí đến năm 1973 sang lại cho công ty khác. Năm 1983 cầu tàu bị bão tố làm hư hại nhiều và công tác xây lại toàn bộ cầu tàu mới bắt đầu năm 1987 và hoàn tất năm 1990 tức cầu tàu hiện nay. Vật liệu hoàn toàn bằng bê tông cốt thép đã được kỹ thuật hiện đại cải tiến tốt hơn rất nhiều so với trước kia. Ngoài ra mục đích tiên khởi để xây dựng cầu tàu là dẫn đường ống nước cống ra biển may thay đã chấm dứt từ những năm 1920.

                                      Cầu tàu Santa Monica hiện nay được xây lại năm 1990

Trong lịch sử của cầu tàu Santa Monica cũng có nhiều chi tiết khá lạ như có lần người ta muốn xây một hòn đảo nhân tạo ngoài biển để thiết lập thêm một công viên giải trí trên đó và nối dài cầu tàu để ra công viên giải trí nói trên. Một lần khác vào thập niên 1960 Bộ Giao Thông tiểu bang California có dự án biến cầu tàu thành một đoạn của con đường Santa MonicaMalibu “Causeway” xây trên biển bằng những chiếc cầu bắc qua những hòn đảo nhân tạo nhằm giảm lượng lưu thông trên đường Pasific Coast Highway. Một chuyện khác xảy ra vào năm 1938 thời gian đó những con tàu sòng bài rất thịnh hành vì luật lệ Cali chỉ cấm cờ bạc trên đất liền còn sòng bài trên tàu thì luật không đề cập đến nên coi như hợp pháp. Ông Tony “The Hat” Cornero chủ nhân con tàu Casino SS Rex neo ngoài biển chỉ cách bờ 3 dặm và đòi biến cầu tàu thành bến thuyền taxi để chuyên chở khách ra đánh bài. Chính quyền thành phố bác bỏ đòi hỏi này, chánh án Earl Warren ngăn chận việc đậu tàu phạm luật của Cornero và ra lệnh cho ông ta phải dời tàu ra xa hơn vài miles. Ông ta không tuân lệnh, khi nhân viên công lực dùng thuyền ra bắt Cornero thì bị thủy thủ tàu Casino dùng vòi rồng xịt nước cản trở. Sau 8 ngày dằng co với chính quyền cuối cùng Cornero phải đầu hàng và để vớt vát ông tuyên bố rằng: “Chấm dứt đối đầu vì cần phải đi hớt tóc”!

NHỮNG NƠI NÊN THĂM THÚ Ở SANTA MONICA

Ngoài bờ biển thơ mộng với công viên cây cối xanh tươi trên bờ, những địa điểm du lịch ở Santa Monica rất gần nhau có thể đi bộ đến dễ dàng. Thêm vào đó hệ thống xe buýt Big Blue Bus của thành phố hoạt động trên nhiều tuyến đường không những phục vụ trong phạm vi thành phố mà còn nối sang các vùng lận cận như Brentwood, Westwood, Venice Beach khiến Santa Monica là một trong những nơi ở Los Angeles người ta không cần phải lái xe riêng. Đến Santa Monica du khách được phòng chỉ dẫn du lịch mách nên viếng những nơi sau:

- Bergamot Station Art Center ở số 2525 Michigan Ave. , điện thoại 310-453-7535 mở cửa từ Thứ Hai đến Thứ Bảy từ 9 AM đến 5 PM. Vào cửa tự do. Có tất cả 30 phòng tranh kể cả Nhà Bảo Tàng Nghệ Thuật Santa Monica.

- Angels Attic Museum ở số 516 Colorado Ave. , điện thoại 310-394-8331mở cửa chỉ từ Thứ Năm đến Thứ Bảy từ 12 PM đến 4 PM, chuyên sưu tầm và trưng bày búp bê và đồ chơi từ cổ xưa cho đến hiện đại. Không có bãi đậu xe riêng phải đậu xe ngoài đường có cột thu tiền, nhà bảo tàng có thu lệ phí 5$ trẻ con và 8$ người lớn.

- Công Viên Đánh Cờ (Chess Park) ở phía trên cầu tàu. Du khách theo dõi người địa phương thi tài cao thấp trong các ván cờ Tây.

- Montana Ave. ở phía Tây Bắc thành phố, con phố thanh lịch quy tụ những tiệm hàng hóa và nhà hàng, quán rượu mà giới nghệ sĩ, thượng lưu, tài phiệt thường lui tới.

- Main Street, con phố nhỏ tập trung dân chơi lướt sóng và nhào lộn xe đạp, chỉ cách 2 blocks từ bờ biển với nhiều tiệm cà phê, quán rượu dành cho giới trẻ, híp py.

- Twilight Dance Series (trên Cầu Tàu), mỗi chiều Thứ Năm trong mùa Hè bắt đầu lúc 7:30 PM là những buổi hòa nhạc miễn phí bắt đầu tổ chức từ năm 1983 từ nhạc đồng quê cho đến Rock. Rất đông người tham dự và không có ghế ngồi, du khách phải mang theo ghế xếp và đến sớm giữ chỗ.

Cho đến nay Santa Monica là thành phố có bờ biển hấp dẫn du khách đến chơi tấp nập nhất vùng Los Angeles. Ngày xưa trên bờ biển có một quán chuyên bán cua hấp con to màu đỏ thắm rất đông khách, tôi có đến một lần vào năm 1979 và nghe nói khi còn sống mỗi lần ghé Los Angeles cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đều yêu cầu được đưa tới đây. Nay tôi đến tìm lại, hàng quán qúa nhiều tìm chưa thấy quán cua ngày trước không biết còn không?

Đến Santa Monica khi giã từ du khách nào cũng luyến tiếc cảnh bờ biển thơ mộng, không khí đông vui trên cầu tàu và những cửa hàng thanh lịch trên những con phố hoa lá xanh tươi.

TRỊNH HẢO TÂM
  
Độc giả có thể xem đoạn video clip ngắn của tác giả về Santa Monica, xin nhấn vào (hoặc Copy và Paste) link dưới đây:
http://www.youtube.com/watch?v=LCh_goi47Lo