LAKE
TAHOE, HỒ XANH TRÊN VÙNG
TUYẾT TRẮNG
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM
Hồ Tahoe là một hồ nước ngọt
nằm trên vùng núi Sierra Nevada giữa biên giới hai tiểu bang California
và Nevada . Hồ
Tahoe nguyên là một miệng núi lửa được tạo thành cách nay khoảng 2 triệu năm nên
hồ rất sâu, nơi sâu nhất là 1,645ft (501m) khiến hồ trở thành hồ sâu thứ nhì trên
nước Mỹ sau hồ Crater (1945ft hay 593m). Với nước xanh biếc màu ngọc thạch xung
quanh là núi cao phủ đầy tuyết trắng, hồ Tahoe là một thắng cảnh của miền Tây
Hoa Kỳ. Du khách về đây trượt tuyết nghỉ dưỡng vào mùa Đông và chèo thuyền cắm
trại trong những ngày Hè.
Xe chúng tôi giã từ thủ phủ
Sacramento khoảng 11 giờ sáng theo xa lộ 50 đi về hướng Ðông, con đường thanh
vắng ít xe cộ vì ngày cuối tuần. Khi đến Fair Oaks dòng sông lặng lờ American River uốn mình chạy cặp xa lộ và trên
thượng nguồn là hồ Natoma. Sau khi gặp thị trấn Placerville nằm nơi giao lộ với đường 49, con
đường bắt đầu leo núi. Từ đây lên tới Lake Tahoe là đoạn đường kỳ quan ngoạn cảnh vì con
đường ngoằn ngoèo bò lên vùng rừng núi Eldorado National Forest
có những ngọn núi cao trên 5,000ft . Phong cảnh núi rừng biến đổi liên tục, bên
trái là rừng thông dầy đặc ngút ngàn với những tảng đá tròn to lớn đứng trên
triền núi thấp thoáng sau rừng thông. Cảnh quan thiên nhiên nhưng kỳ ảo như hòn
non bộ. Tôi muốn chụp hình những tảng đá nhưng rất khó chụp vì xe chạy cây cối luôn
che tầm nhìn. Có được một khoảng trống thấy được hòn đá định bấm máy nhưng
không kịp vì rừng cây lại tới! Bên phải cạnh con đường là suối nước với những tảng
đá tròn nằm dưới lòng suối, bên bờ thấp thoáng những bụi hoa dại màu vàng:
“Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.”
(Động Hoa Vàng - Phạm Thiên Thư)
Khi thấy bầu trời xanh cao
rộng mây trắng bay, không còn một ngọn núi nào cao hơn con đường mình đang đi
thì biết rằng đã lên đến nơi cao nhất trong vùng. Xe qua một đoạn đường khá
nguy hiểm nhưng phong cảnh vô cùng ngoạn mục, bên trái là vách núi, phiá phải
là vực sâu thâm thẩm rừng thông chi chít phiá dưới. Ðoạn đường đèo có lúc trèo
lên cao, có khi lại tuột dốc. Khi lên dốc cao xe chạy chậm không mấy sợ nhưng
khi tuột dốc xe phải thắng lại liên tục. Lúc này mới hơi ớn lạnh vì sợ đứt
thắng lao xuống vực sâu thì tan nát...một đời hoa! Tâm trạng thật đúng với lời ca
thường hát ngày xưa:
“Ðường lên núi rừng sao hãi hùng!
Ôi gió lộng, muôn lá động cành trông bóng thê lương.
Chiều nay gió ngừng bên núi rừng
Giăng nước bạc, nghe tiếng nhạc hồn vương bóng cố
hương.”
(Đường Lên Sơn Cước – Lê Bình)
THỊ TRẤN SOUTH LAKE TAHOE
Qua khỏi đoạn đường đèo đã
thấy thấp thoáng trước mặt màu nước bạc phản chiếu ánh mặt trời. Lake Tahoe đã hiện ra, những khoảng hồ bị mây che ánh
nắng thì có màu xanh lục đậm như nước biển. Chúng tôi đang ở bờ phía Nam của hồ Tahoe, vẫn còn thuộc điạ phận của
tiểu bang California , nơi đây có cao độ 6,200
feet trên mực nước biển và thị trấn này có tên là South Lake Tahoe là thành phố lớn nhất trong
những thị trấn bên bờ hồ Tahoe. Tổng cộng dân số trong vùng hồ Tahoe khoảng 65
ngàn người. Hồ có hình như hột đậu và chia làm hai, nửa phiá Tây thuộc tiểu
bang California và nửa phiá Ðông thuộc tiểu
bang Nevada .
Vùng đất thuộc California như South Lake Tahoe thì không có sòng bài, nơi đây
toàn là khách sạn kiểu nhà trọ (lodge) hay nhà nghỉ mát của tư nhân, các nhà
hàng ăn uống và những dịch vụ về du lịch như mướn xe, mướn thuyền, đồ đi câu,
đi săn, trượt tuyết, leo núi, cắm trại v.v...Cách đó vài miles về hướng Bắc là
biên giới giữa hai tiểu bang thì rất nhộn nhịp, dập dìu du khách. Bên kia biên
giới trên phần đất Nevada là những sòng bài Casino nhấp nháy ánh đèn màu, những
hộp đêm (night club), rạp hát trình diễn những show ca múa như Las Vegas nhưng
mức độ nhỏ hơn.
Các khách sạn ở South Lake
Tahoe rất đông khách nhất là những tháng hè, những ngày lễ và dịp cuối năm
Giáng Sinh và Năm Mới Dương Lịch, khách muốn mướn phòng phải đặt chỗ trước hàng
tháng. Trong vùng còn có những khu nhà nghỉ mát (Resort) có hồ tắm, sân quần vợt
của tư nhân có loại gọi là ‘Timeshare” (chia thời gian sử dụng). Loại này
thường là một căn “condominium” nhưng có hàng chục chủ, khi một người muốn sử
dụng phải gọi cho ban quản lý cả năm trước để lên danh sách chờ đến phiên mình.
Có người là chủ nhà nhưng không có dịp nào đến nghỉ mát nơi ngôi nhà mình làm
chủ! Mùa nghỉ mình muốn đi nhưng căn nhà lại bận có người đặt chỗ rồi! Rất nhiều
người Việt chúng ta là “nạn nhân” của nhà “Timeshare” phải bán lỗ cho rồi không
thôi ở không được mà phải trả tiền tu bổ đều đều. Mấy chục năm về trước tôi
nhận được một cú điện thoại từ công ty Glenn Ivy một hãng chuyên môn bán nhà “Timeshare”:
“Congratulation! Chúc mừng ông đã trúng thưởng trong cuộc rút thăm! Ông đến
chung vui với chúng tôi để nhận một cái TV màu hoặc là 2 đêm khách sạn ở Las Vegas ! Chúng tôi mời
cả hai ông bà và nhớ ăn mặc đẹp nhé!” Tôi mừng lắm tưởng mình có số hên hay nhờ
ở hiền nên gặp lành? Buổi tối mùa Ðông năm đó tôi lái xe xuống thương xá
Fashion Island tìm đến điạ chỉ ghi trong thơ mời. Ðã có hàng trăm khách như tôi
tham dự, họ cũng ngơ ngơ, ngác ngác nửa mừng, nửa lo như mình. Ðược mời vào bàn
có giải khát và bánh ngọt, có hồ sơ giấy tờ và một anh chàng quần áo bảnh bao
mời mua những căn chung cư nghỉ mát “Timeshare”. Nhiều người nghe bùi tai có lý
vì chỉ 5, 6 ngàn được làm chủ một ngôi nhà nghỉ mát gần bờ hồ hay bờ biển nên
hai vợ chồng đồng ý ký tên mua và được trả góp mỗi tháng mấy chục. Khi cặp nào
đặt bút ký giấy tờ là champagne nổ và vỗ tay như pháo Tết. Riêng tôi sau một lúc
suy nghĩ biết mánh lới của họ nên cho dù có mời mãi, nói tới nói lui, tôi cũng
lắc đầu từ chối không mua. Cũng y như lời hứa qua điện thoại, anh chàng cũng
đưa cho tôi môt phiếu (voucher) 2 đêm khách sạn hạng xoàng ở Las Vegas nhưng
phải ở từ thứ hai cho đến thứ năm trong tuần!
Nói là nói vậy chứ con dâu tôi
người Canada nhưng ở Mỹ cũng
mua nhà nghỉ mát “Timeshare” ở thành phố sa mạc Palm Springs miền Nam California. Hàng năm
hai vợ chồng nó dẫn hai đứa cháu nội tôi cũng như cha mẹ từ Canada qua, đi nghỉ mát ở Palm Springs một tuần (có lẽ dân Canadian tuyết
lạnh thích cảnh sa mạc). Thư giãn tắm hồ, ngâm Spa, đi xe cáp lên núi. Xem ra nó
rất hài lòng với nhà nghỉ mát “Timeshare” này!
Trở về với Lake
Tahoe , xe buýt chở chúng tôi ngừng lại gần bờ hồ. Cô hướng dẫn
viên du lịch cho biết ai muốn đi du thuyền trên hồ thì đóng tiền cho cô để cô
đi mua vé và hẹn nhau ở bến tàu lúc 1 giờ để cô đưa vé và xuống tàu. Du khách
nào không đi thì yêu cầu trở lại xe lúc 3 giờ 30 để tiếp tục đi Reno và ngủ đêm tại đó.
Chúng tôi đóng tiền để đi du
thuyền và có hơn một tiếng đồng hồ ăn trưa và thăm thú đó đây. Gần bến tàu có
nhiều nhà hàng ăn Mỹ nhưng tôi không khoái vào những nơi đó vừa đắt tiền lại
không hợp với khẩu vị, nhiều khi lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan “nhả ra không
đặng, nuốt vào không trôi!” Thấy ở ngã tư ngoài đường lớn có tiệm Kentucky
Fried Chicken nên vào đó ăn trưa và nơi đây gặp vài đồng hương cùng đi trong
chuyến xe buýt du ngoạn 3 ngày 2 đêm đi Reno, Lake Tahoe. Họ mua rất nhiều món
kỷ niệm như hình con cá đẽo bằng gỗ thông, những bưu thiếp và sách vở nói về
lịch sử trong vùng.
Về lịch sử 10 ngàn năm trước
vùng Lake Tahoe đã có người ở là 3 bộ lạc
người da đỏ thuộc sắc tộc Washoe. Năm
1844 John C. Fremont là người da trắng
đầu tiên nhìn thấy hồ Tahoe khi ông ta đứng trên đèo Carson Pass cao 10,651 ft.
Năm 1852 hồ nước được đặt tên chính thức là Lake Bigler sau khi John Bigler,
thống đốc thứ 3 của California, hướng dẫn đoàn tìm kiếm lên vùng núi Sierra để
tìm cứu những di dân lạc đường. Năm 1880 vào tháng 10, một hãng đánh cá đã bắt
hơn 70,000 pounds cá Trout từ hồ Tahoe. Thập niên 1890 Lake Tahoe là nơi nghỉ
mát của giới thượng lưu từ San Francisco, Sacramento, từ đó những khách sạn bắt
đầu xây cất như Tallac House, Tahoe Tavern và Glenbrook Inn. Năm 1904 có đến 80
tàu đánh bắt cá trên hồ Tahoe thu dụng hàng ngàn nhân công. Năm 1917 chính
quyền ra luật cấm kỹ nghệ đánh bắt cá hoạt động trên hồ. Thập niên 1920-1930
những con đường quanh hồ được trải nhựa và dân số gia tăng mạnh cho đến ngày
nay.
No comments:
Post a Comment